Có thể nói, trong mọi giai đoạn phát triển, mỗi khi gặp khó khăn thử thách, thợ mỏ lại thể hiện rõ nét ý chí và nghị lực kiên cường của mình như những viên ngọc càng mài càng sáng. Hơn một tháng sau trận mưa lớn lịch sử tàn phá Vùng Than vừa qua, nụ cười đã trở lại với mỗi người thợ mỏ với một niềm tin vững vàng.
Khoác chiếc đèn lò sáng trắng trên đầu, cầm trên tay chiếc cà lê và vài dụng cụ lao động, đôi ủng đen bước mạnh trên con đường phía cửa lò chuẩn bị xuống “mức âm” để làm việc, thợ lò 4/6 Nguyễn Hoàng Lâm, Công ty than Dương Huy nở nụ cười tươi. Lâm tâm sự: “Nhiều người thân trong gia đình cứ lo ảnh hưởng của mưa bão sẽ không đủ việc làm, nhưng anh thấy đấy, lãnh đạo Công ty và Tập đoàn đã để ai nghỉ việc đâu. Chỉ có điều, cái khó là việc ra than bị chậm hơn vài ngày, có thể ảnh hưởng đến thu nhập. Nhưng mình tin lãnh đạo Công ty và Tập đoàn luôn điều tiết phù hợp. Và trên thực tế, chúng em cũng chưa phải nghỉ ngày nào, thu nhập vẫn tương đối ổn định…”
Cùng đi với Lâm, anh Nguyễn Xuân Hùng, thợ lò bậc 6/6 Công ty than Dương Huy lại có góc nhìn khác, anh cho biết, điều các anh lo lắng sau lũ lại không phải về vấn đề việc làm, mà đó chính là vấn đề an toàn sau ảnh hưởng của những trận mưa lớn. Theo Hùng lý giải, sau mỗi trận mưa lớn, mỗi người thợ lò cần quan tâm đặc biệt đến công tác an toàn. Việc khoan tháo nước tiến trước mỗi gương lò gần như là điều bắt buộc. Bởi thường thì sau vài ngày mưa, nước mới thẩm thấu xuống các vỉa than, các khoảng trống trong các lớp trầm tích bị tích tụ nước. Nếu không khoan tháo trước gương, khi khai thác hoặc đào lò rất dễ có thể xảy ra hiện tượng bục nước và mang lại những hậu quả nặng nề. Trên thực tế, lãnh đạo Công ty, lãnh đạo Tập đoàn cũng luôn lường trước điều này và chỉ đạo các đơn vị tuân thủ các giải pháp kỹ thuật an toàn để đề phòng. Tuy nhiên, làm nghề thợ lò, với kinh nghiệm nhiều năm trong nghề, Hùng tâm sự: “Anh em thường gọi vui thợ lò là thợ mò quả cũng không sai. Em thấy đó, hầu như tất cả các công việc trong lò khi đào lò, khai thác đều có nhiều chi tiết không thể ngờ được. Trong đó, cái khó nhất vẫn là về địa chất. Mặc dù vỉa than được bên địa chất khoan thăm dò rất chi tiết bằng chằng chịt các lỗ khoan, nhưng khoảng cách các lỗ khoan vẫn là quá xa, có dày lắm cũng phải tới vài chục mét. Như vậy, có quá nhiều khoảng cách của các vỉa chỉ là dự đoán và nối lại. Do vậy, thực tế công việc của thợ lò thường hay bị thay đổi phương án đào lò, khai thác mỗi khi có biến động về địa chất. Thứ nữa, cái thợ lò buộc phải “mò”, đó là khí và nước mà công tác thăm dò địa chất không thể cho biết. Trong quy phạm an toàn đã đưa ra, cần khoan thăm dò trước gương để tháo khí và nước trong các vỉa than trước khi khai thác. Nhưng trong quá trình đó, rủi ro là không thể tránh khỏi. Những vụ bục nước vẫn có thể xảy ra. Chẳng hạn như vụ bục nước mới đây tại Công ty than Hòn Gai là một ví dụ…
Tại các mỏ lộ thiên, Cao Sơn, Đèo Nai, Cọc Sáu… công tác sản xuất đã trở lại ổn định. Lãnh đạo các mỏ này bố trí các vị trí sản xuất phù hợp để vẫn vừa khôi phục bóc đất, vừa ra than, đảm bảo việc làm cho người lao động. Chị Nguyễn Thị Tâm, thợ vận hành bơm nước Công ty than Hạ Long cho biết, công việc bơm nước các moong than là thường xuyên, không chỉ có mưa mới bơm. Chỉ có điều những ngày mưa lớn hoặc sau mưa lớn, việc bơm nước phải huy động cao hơn, đáp ứng cho nhu cầu sản xuất. Vị trí đáy moong chưa sản xuất được nhưng nhiều vị trí trên các tầng khác công việc vẫn bình thường.
Còn tại các đơn vị khối cơ khí, các đơn vị đang đẩy mạnh chế tạo các thiết bị phù hợp cho các đơn vị sản xuất. Theo đó, thợ cơ khí Nguyễn Hữu Thành, Công ty Công nghiệp ô tô – Vinacomin cho biết, các anh đang tăng cường chế tạo nhiều phụ tùng, chi tiết thiết bị phục vụ cho các đơn vị chủ yếu là bơm nước, đường ống, khoan thăm dò…
Vùng mỏ đã thực sự trở lại không khí nhộn nhịp sản xuất dưới các đường lò, trên mỗi tầng than cũng như trong mỗi xưởng máy!
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/vung-mot-niem-tin-201510121425543257.htm” button=”Theo vinacomin”]