Công tác an toàn lao động luôn được Tập đoàn và các đơn vị đặt lên hàng đầu và thường xuyên thực hiện các biện pháp nhằm ngăn ngừa và giảm thiểu TNLĐ và sự cố thiết bị trong sản xuất. Tuy nhiên, với một ngành sản xuất đặc thù như ngành Than, có nhiều tình huống thợ mỏ phải đối mặt với nguy hiểm như “quân đội đánh giặc”. Và trong những gian nguy đó lại sáng ngời lên bản lĩnh của thợ mỏ, những tấm gương cao cả về tình đồng chí, đồng nghiệp… Vụ bục nước tại Công trường Thành Công – Công ty than H
Một mình bới đất đá cứu đồng đội
Mặc dù đợt mưa lũ lịch sử kéo dài cuối tháng 7 và đầu tháng 8 đã đi qua nhưng vẫn còn những tiềm ẩn nguy cơ đe dọa đến sản xuất, nhất là đối với các đơn vị hầm lò do lượng nước tích tụ, thẩm thấu vào những đường lò, khe nứt; có thể gây sự cố như vụ bục nước tại Công trường Thành Công – Công ty than Hòn Gai vào 1h15 phút sáng ngày 20/8 vừa qua. Ngay sau khi xảy ra sự cố, lãnh đạo Tập đoàn, Công ty than Hòn Gai, Trung tâm cấp cứu mỏ đã huy động lực lượng để tập trung cứu hộ, đưa những công nhân đang bị mắc kẹt trong lò ra ngoài. Nhưng, ít ai biết được, trong thời khắc hiểm nguy, khi lực lượng cứu hộ chưa tiếp cận được, các thợ mỏ đã phải đối mặt với phút giây sinh tử, đe dọa đến tính mạng của đồng đội và của chính họ. Cũng trong thời điểm đó, tinh thần dũng cảm, ý chí và bản lĩnh của thợ mỏ lại được phát huy. Những người thợ mỏ đã bất chấp nguy hiểm để cứu đồng đội, trong lúc tưởng như tuyệt vọng. Họ đã tự tìm cách cứu nạn tại chỗ; sau đó, cùng với lực lượng cứu hộ giải cứu nên đã giảm thiểu thiệt hại về người do sự cố gây ra.
Ban chỉ huy cứu hộ
Trở lại Công trường Thành Công sau gần một tháng xảy ra sự cố, chúng tôi gặp Nguyễn Văn Trưởng, thợ cơ điện lò bậc 3/7 thuộc Tổ cơ điện; Đỗ Đức Cường, thợ lò bậc 4/6 và Đào Văn Đạo, Tổ trưởng sản xuất số 1, Phân xưởng số 5. Họ đều là những người đang làm việc khi xảy ra sự cố, 10 người trong số 12 người bị nạn đã tự cứu và được các công nhân đang làm việc và lực lượng cứu hộ đưa lên cửa lò.
Tổ trưởng Đào Văn Đạo nhớ lại, khi mọi người đang làm việc ca 3, Tổ sản xuất số 1 có 5 người làm tại khu vực lò DV- 95 vỉa 6, khi khoan thăm dò phát hiện nguy cơ bục nước nhưng không kịp báo cho Quản đốc trực ca, chỉ kịp hô “bục nước” rồi chạy lên phía lò DV-85. Sau đó có tiếng động lớn, rồi nước cùng bùn, đất, đá ào ào chảy như lũ xuống phía dưới đường lò. Mọi người nháo nhác hô hào nhau để chạy. Vì quá bất ngờ nên một số người làm việc phía dưới không kịp chạy, bị cuốn theo dòng nước.
Thợ cơ điện lò Nguyễn Văn Trưởng, người đã dũng cảm cứu nhiều công nhân trong vụ bục nước
Đang làm ở vị trí lò DV-160, cách vị trí bục nước khoảng trên 200m và cách khu vực nước chảy (lò thượng) khoảng 100m, Nguyễn Văn Trưởng nghe thấy tiếng hô cứu và rồi nước, đất đá chảy thành dòng đẩy người từ mức -95 xuống -160 qua thượng -160/-95. Khi đến mức -160, áp lực nước đã giảm nhiều, lúc này có 4 công nhân bị đẩy xuống lò DV-165 cùng với đất đá, gỗ bị trôi xuống. Trưởng đã chạy ra phía ngoài, qua lò nối giữa -160 và -165 đến vị trí có 4 công nhân bị nạn khoảng trên 100m. Lúc này, các công nhân đều trong tình trạng mình đầy thương tích, nước cuốn và đất đá va đập làm rách hết quần áo, tuột cả ủng, mũ lò, người thì nằm bất động, úp mặt xuống bùn nước bị ngập khoảng 30cm, người thì đang cố bò, nhưng yếu và không còn sức để đứng dậy. Chỉ có một mình, Trưởng đã bới đất đá, gỗ đè để kéo 2 công nhân bị nặng hơn và dìu lên vị trí an toàn (khu vực lò nối) – cách 6m, rồi tiếp tục quay lại đưa 2 công nhân vẫn còn tỉnh cách 15m lên vị trí an toàn. Nghe thấy một công nhân nói vẫn còn người, xác định một mình khó có thể đưa nhanh chóng anh em lên được, Trưởng đã báo cho Tổ trưởng và Phó Quản đốc. Từ thông báo của Trưởng, lực lượng cứu hộ đã xác định vị trí, huy động mọi người vào cứu các anh em còn mắc kẹt và đưa lên cửa lò qua đường trục vật liệu. Hỏi Trưởng tại sao không chạy thoát thân, vì khi ở lại cứu anh em rất nguy hiểm, có thể ảnh hưởng đến tính mạng? Trưởng nói ngay, lúc đầu em cũng hoảng hốt, song như bản năng mách bảo, nhất là khi bình tĩnh hơn, với những gì đã được đào tạo, em chỉ thấy cần phải nhanh chóng cứu đồng đội bằng mọi giá!
Ba giờ trong đường lò ngập nước
Khi xảy ra bục nước, thợ lò Đỗ Đức Cường và Trần Văn Cùng đang ở vị trí lò thượng mức -105, cách vị trí bục nước 10m cùng với thợ lò Đặng Văn Đại và học sinh thực tập Hồ Bá Thực vừa ở mức -95 đi xuống. Cường kể, mới nghe một tiếng động mạnh từ trên, khi quay lại thì luồng nước đen ngòm cao hơn đầu người đã ập đến. Mọi người hô “chạy đi”, nhưng lúc đó nước chảy quá mạnh nên không chạy được. Trong giây phút đó, kinh nghiệm mách bảo nếu chạy xuống dưới theo đường lò sẽ bị nước cuốn nên Cường đã đu bám lên xà giữa 2 vì chống phía sát mép lò, bởi nếu bám giữa lò thì cũng bị nước đẩy trôi, còn 3 người đã bị nước cuốn xuống phía dưới. Cũng may cho Cường, phía trên có một khởi động từ nằm chắn ngang đã chắn đất đá và dòng nước bị ngăn chảy sang bên cạnh. Khoảng 10 phút sau, khi áp lực nước giảm, lúc này, trong lò tối mịt, nhưng may mắn là đèn lò trên mũ còn sáng, Cường bắt đầu lần lên phía trên và phát hiện thấy thợ lò Trịnh Công Nghiệp bị đất đá, gỗ vùi lấp, bị thương ở vùng đầu nên đã lôi gỗ, đất đá đè và kéo Nghiệp ra. Hai anh em xuống phía dưới khoảng 30m thì phát hiện tiếp thợ lò bậc 6/6 Lê Văn Huy đang bị kẹt do bị đất đá, gỗ đè và nước ngập chỉ còn mỗi phần đầu ngoi lên trên. Lần đầu kéo anh Huy ra nhưng bị trượt, lần hai, Cường quay lên và nhặt thêm 1 chiếc đèn lò còn sáng đưa cho Nghiệp, bảo Nghiệp một tay bám vào vì lò, một tay bám vào tay Cường để giữ, còn Cường gạt gỗ đè và dùng tay kéo anh Huy lên. 3 anh em cùng tìm vị trí an toàn hơn để chờ cứu hộ.
Và rồi lại bị bục nước lần 2, lần này, nước không mạnh bằng lần 1 nhưng đường lò gần như bịt kín, nước ngập gần đến nóc lò, bình tĩnh lại, 3 anh em đu bám lên vì lò phía trên và áp sát vào thành lò. Xác định phải cầm cự lâu dài, nên anh em bảo nhau tắt 1 đèn lò, chỉ để 1 đèn ở chế độ tiết kiệm. Thoát được khu vực nguy hiểm nhưng cả 3 vẫn mắc kẹt tại khu lò thượng do bị vùi lấp, chưa thể tìm được lối ra ngoài. Sau đó, do nước chảy tạo thành một khe hở dọc lò thượng, dù chỉ đủ một người chui lọt, anh em bảo nhau bò theo khe hở ngược lên thượng đến lò DV-85. Ra được ngã 3 lò trục vật liệu nghỉ một lúc rồi 3 anh em chạy tiếp để thoát ra cửa lò mức +25. Cường bảo, cả mấy tiếng đồng hồ tìm đường thoát trong dòng nước, đất đá, than đen ngòm, tưởng như đã chết chắc rồi, vì có lúc nước làm rỗng chân cột, bị sập đổ lò, đất đá, gỗ vùi lấp, bùn nước vào đầy mồm. Phải đến khi thoát khỏi đường lò bị vùi lấp, thấy không còn ngập nước nữa mới tin mình còn sống. Và khi lên đến mặt đất, ai nấy đều đã kiệt sức. Cường cho rằng: “trong lúc vận lộn tìm đường thoát, cùng với ý chí, nghị lực, bản lĩnh của anh em thì cũng có những may mắn nếu không thì…”. Từ khi bục nước đến lúc thoát ra, đồng hồ đeo tay vẫn còn nên thỉnh thoảng Cường lại xem giờ, khi bục lò lần thứ nhất là khoảng 1h15 phút, lần thứ 2 là 1h35 phút, 3 anh em bị kẹt trong lò thượng khoảng hơn 3 giờ đồng hồ cho đến khi ra cửa lò là 4h45 phút ngày 20/8.
Công tác cứu hộ hết sức khẩn trương cả ngày và đêm
Với bản lĩnh và lòng quả cảm của thợ mỏ, Trưởng và Cường đã cứu được 6 đồng đội ban đầu, sau đó cùng với Tổ trưởng Đại, anh em công nhân và lực lượng cứu hộ đưa tiếp 10 công nhân thoát khỏi khu vực nguy hiểm và được cấp cứu kịp thời. Những công nhân đó đều bị đa chấn thương nặng, bị tắc đường thở… nếu như những không được cứu kịp thời, chỉ chậm một chút thôi, có thể đã nguy hiểm đến tính mạng.
Sau này, cùng với sự quan tâm của lãnh đạo Tập đoàn TKV, tỉnh Quảng Ninh, Công ty than Hòn Gai và các y, bác sỹ Bệnh viện tỉnh, sự hỗ trợ của Bệnh viện Bãi Cháy và một số cán bộ tuyến Trung ương đã tận tình cứu chữa, tất cả các công nhân đều đã qua cơn nguy kịch. 9 người đã bình phục ra viện, một số người đã đi làm trở lại bình thường. Với thành tích xuất sắc đột xuất trong công tác cứu hộ, cứu nạn, Nguyễn Văn Trưởng được Công ty than Hòn Gai và Tập đoàn TKV đề nghị tặng thưởng “Huân chương dũng cảm”; Đỗ Đức Cường được đề nghị tặng thưởng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/trong-gian-nguy-sang-ngoi-ban-linh-201510121424123205.htm” button=”Theo vinacomin”]