Ngày Tết với mỗi dân tộc mang một ý nghĩa rất đặc biệt, không chỉ bởi đó là lúc mỗi người ý thức về thời gian đi qua, bỏ lại sau lưng những điều chưa may mắn để khởi đầu cho một mùa mới, mà còn là thời điểm lý tưởng để duy trì vẻ đẹp của phong tục tập quán riêng của quốc gia mình. Một trong những phong tục đẹp đã được duy trì bao thế kỉ qua và không hề bị mai một đi, là phong tục tặng quà Tết.
Tặng quà cho nhau trong mỗi dịp Xuân về, Tết đến là một nét đẹp văn hóa truyền thống vốn có từ lâu đời của các dân tộc trên thế giới. Tùy theo phong tục, tập quán và bản sắc văn hóa riêng của từng nước, mỗi dân tộc, mỗi vùng dân cư có một tập tục tặng quà Tết của mình.
Thông thường với nước Mỹ và các nước Châu Âu thì thời điểm để tặng quà rôm rả nhất là vào dịp Giáng sinh và Lễ tạ ơn, kéo dài đến Tết (Tây). Quà tặng thường rất đa dạng từ các vật hữu dụng hiện đại như quần áo, trang sức cho đến các món quà tinh thần như hoa tươi, chocolate, thực phẩm chế biến…
Ở xa tận Châu Phi, nhân dân quần đảo Cơ-Rít đến thăm nhau trong ngày Tết thường mang đến một tảng đá to, đặt lên bàn tiệc mùa Xuân của gia chủ rồi nói những lời chúc tốt đẹp nhân dịp Xuân về. Cuối lời chúc bao giờ cũng có câu:”Mong sao năm mới sẽ có khối vàng nặng như tảng đá này đến nhà bạn “.
Ở miền nam nước Pháp còn đang lưu truyền một tục lệ đẹp. Sáng mồng một Tết, người phụ nữ đầu tiên trong làng ra bến lấy nước sẽ để lại ở đấy một chiếc bánh ngọt do mình tự tay làm. Người thứ hai đến sẽ lấy chiếc bánh đó đi và để lại chiếc bánh của mình. Cứ thế mà những ngày đầu xuân, các bà nội trợ trong làng đã trao đổi với nhau những chiếc bánh ngon lành, vừa để chúc mừng nhau năm mới, vừa để khoe tài nội trợ của mình.
Riêng với người Á Đông nói chung và người Việt ta nói riêng, ngày Tết cổ truyền mới chính là lúc để mọi người dành cho nhau sự quan tâm và thắt chặt tình cảm thông qua việc biếu tặng quà. Hơn thế nữa, tặng quà Tết không chỉ đơn thuần là quan hệ tình cảm mà còn biểu hiện như một phép ứng xử của đạo lý làm người. Các loại quà biếu tặng thường được cân nhắc rất kỹ càng, vì đó không chỉ là quà, mà còn chuyên chở nhiều thông điệp về sự an khang thịnh vượng trong năm mới.
Ngoài những món quà quen thuộc thường dành để biếu Tết như giỏ quà với bánh kẹo, rượu bia, giò chả, gà trống thiến, chậu lan hay cành mai, cành đào…, những năm gần đây người ta còn dành tặng nhau những cuốn sách hay thay cho những lời chúc mừng ý nghĩa. Và chắc hẳn, sớm mồng một Tết, không thể thiếu những phong bao lì xì đỏ thắm để con cháu kính chúc ông bà mạnh khoẻ, trường thọ; để trẻ con được phát vốn lấy may…
Có thể thấy, khắp nơi từ Đông sang Tây, mỗi đất nước, mỗi dân tộc đều có tục lệ và cách tặng quà Tết độc đáo riêng của mình, nhưng tất cả đều gặp nhau ở một điểm: cầu chúc an lành và may mắn cho năm mới. Thông qua việc đem tặng nhau những món quà đầu năm, mọi người đồng thời cũng đã duy trì nét đẹp của một phong tục truyền thống không hề bị đời sống hiện đại làm mai một đi.
NHỮNG MÓN QUÀ KHÔNG NÊN TẶNG VÀO DỊP TẾT:
Theo tâm lý chung, người ta thường biếu nhau những món quà đẹp nhất, ý nghĩa nhất. Tất cả những gì xuất phát từ thành ý đều có thể biến thành quà tặng. Tuy nhiên, hãy cẩn thận với một số vật tượng trưng cho điều không may như:
Đồng hồ: Đồng hồ tượng trưng cho thời gian nên khi nhận được món quà này, một số người sẽ nghĩ rằng thời gian của họ sắp hết. Theo tiếng Hoa, “đồng hồ” đọc là “zhong”, làm người ta liên tưởng đến sự kết thúc.
Mèo: Đừng nên tặng mèo, dù chú mèo đó xinh xắn, dễ thương đi chăng nữa. Tiếng kêu của mèo dễ làm người ta liên tưởng đến chữ “nghèo”.
Con mực: Đi chơi biển về, nhiều người hay gửi tặng bạn bè, người thân vài con khô mực để làm quà. Tuy nhiên, đừng nên tặng món ăn này vào dịp Tết vì nhiều người quan niệm, nhận mực sẽ bị đen đủi cả năm.
Dao, kéo: Người ta có thể tặng nhau bộ dao, nĩa sang trọng, nhưng vào ngày Tết vì người xưa quan niệm dao kéo sẽ đem đến sự xung khắc.
Cho và nhận ngày xưa là một hành vi văn hóa, vậy nên cần “có văn hóa tặng quà” và “văn hóa nhận quà”. Người Việt Nam có tục cẩn thận trong mọi hành động, ứng xử vào ngày Tết để mang lại sự tốt lành, tránh bị “giông” suốt cả năm.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/qua-tet-bon-phuong-4131.htm” button=”Theo vinacomin”]