Trong điều kiện tiêu thụ sản phẩm khó khăn, Công ty Cổ phần than Cao Sơn đã có nhiều giải pháp đồng bộ nhằm đảm bảo ổn định tư tưởng, việc làm và thu nhập cho người lao động. Bên cạnh đó, Công ty vẫn chủ động trong công tác đầu tư lâu dài khi có điều kiện sản xuất thuận lợi.
Từng đoàn xe ca nối đuôi nhau dừng lại tại bến xe công nhân Cao Sơn. Mưa tầm tã. Những tốp công nhân tỏa đi các ngả. Chị Nguyễn Thị Lan, công nhân phân xưởng phục vụ vẫn còn trùm khăn kín mặt, đeo túi xách. Chị nhanh chân bước về phía chợ Cao Sơn ngay đối diện bên đường. Đứng bên một hàng thịt, chị tâm sự, hiện tại các chị vẫn đi làm bình thường và các đơn giá, ngày công lao động chưa có gì thay đổi. Công ty điều tiết các công việc giữa các tổ đội nhằm đảm bảo tổ nào cũng có việc làm, có thu nhập. Trước đây nhiều bộ phận có thu nhập cao, nhưng giờ đây Công ty điều tiết để giữ mặt bằng. Các chị rất tin tưởng vào sự điều hành của lãnh đạo Công ty cũng như lãnh đạo các công trường, phân xưởng để đảm bảo việc làm và mức thu nhập cho công nhân. Cạnh đó, anh Trần Văn Kiên, thợ lái máy xúc Công ty Cổ phần than Cao Sơn cũng vừa tan ca và vào chợ mua đồ. Anh cho biết, các anh vẫn đảm bảo ngày công bình thường. Công tác bốc xúc, vận chuyển đất đá vẫn bình thường, chỉ có dừng các xe máy thuê ngoài. Hiện tại Công ty cũng chưa có sự điều chỉnh đơn giá, chỉ có sự điều tiết các khu vực công việc với nhau. Do vậy, mức thu nhập vẫn bình thường.
Còn ông Phạm Hồng Lương, Bí thư Đảng ủy Công ty thì cho biết, trong điều kiện khó khăn hiện nay, Công ty áp dụng nhiều biện pháp đồng bộ tháo gỡ khó khăn, đảm bảo việc làm cho người lao động. Do làm tốt công tác tư tưởng cũng như linh hoạt trong điều hành sản xuất nên mặc dù tình hình tiêu thụ than chậm, nhưng công nhân, cán bộ Công ty vẫn đảm bảo ngày công làm việc, mức thu nhập được giữ ổn định, tư tưởng của người lao động vẫn yên tâm vừa làm việc, vừa chờ đợi sự ổn định trở lại.
Trước hết, để tiết kiệm tối đa các chi phí sản xuất, Công ty đã xây dựng kế hoạch khai thác hợp lý, điều hành sản xuất nhanh, kịp thời điều chỉnh các chỉ tiêu công nghệ từng tháng, từng quý cho đúng với chất lượng thực tế của vỉa than. Điều hành sản xuất luôn nắm chắc phương hướng kỹ thuật, bố trí thiết bị hợp lý gắn với việc hoàn thành sản lượng với hiệu quả kinh tế. Đồng thời, Công ty cũng cân đối việc hoàn thành nhiệm vụ của các đơn vị, quản lý chặt chẽ chi phí sản xuất hàng ngày để có biện pháp chỉ đạo kịp thời, nâng cao năng suất lao động, thiết bị. Mặt khác, theo sự chỉ đạo của Tập đoàn, Công ty giảm công tác thuê ngoài trong việc vận tải đất đá, tập trung vận hành xe máy, thiết bị tự có nhằm đảm bảo việc làm cho công nhân.
Công ty chỉ đạo thực hiện chi tiết công tác chia sẻ công việc và tiền lương giữa các bộ phận để đảm bảo đồng đều trong việc làm và thu nhập cho người lao động. Chẳng hạn, trước đây đối với một tổ máy thủy lực, do thiết bị tốt, xúc đất đá tại khu vực thuận lợi… do đó có mức thu nhập cao, thì giờ đây tổ này cũng chỉ được làm việc theo giới hạn thu nhập bình quân. Còn lại sẽ được san sẻ công việc cho các tổ khó khăn khác. Biện pháp này được công nhân, cán bộ các đơn vị đồng tình và coi đó là biện pháp cần thiết để toàn thể công nhân, cán bộ Công ty vượt qua giai đoạn khó khăn này. Song song với đó, Công ty chỉ đạo các đơn vị chuẩn bị đủ chân hàng gồm nhiều loại than đảm bảo chất lượng để sẵn sàng tiêu thụ dưới sự chỉ đạo của Tập đoàn khi có điều kiện thuận lợi.
Về công tác tư tưởng, Đảng bộ Công ty quán triệt chuyên môn và các tổ chức đoàn thể tuyên truyền nói rõ tình hình khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm của toàn Tập đoàn hiện nay tới toàn thể công nhân, cán bộ để người lao động cùng chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp và nâng cao ý thức hơn trong sản xuất… Nhờ vậy, hiện nay việc làm và thu nhập vẫn cơ bản được đảm bảo.
Tập trung đẩy nhanh tiến độ Dự án băng tải đá
Ông Nguyễn Xuân Lập, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Công ty, cho biết, mặc dù trong điều kiện khó khăn hiện nay nhưng Công ty vẫn đang tập trung mọi nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ Dự án, xác định đây là nhiệm vụ chính trị hàng đầu.
Hệ thống tuyến băng tải đá của Than Cao Sơn (theo Dự án Cải tạo mở rộng Mỏ than Cao Sơn, do Than Cao Sơn làm chủ đầu tư), bao gồm 3 hệ thống tuyến băng tải số 1,2 và 3, trong đó hệ thống tuyến băng tải đá số 3 sẽ đầu tư giai đoạn sau năm 2027. Dự án còn có nhiều hạng mục công trình khác như trạm biến áp 35/6 Kv cung cấp điện cho băng tải đá (3 trạm), nhà điều hành sản xuất, nhà giao ca, nhà ăn… Tổng mức đầu tư cho một tuyến băng khoảng trên 2 nghìn tỷ đồng.
Hiện tại, Công ty đã và đang triển khai thực hiện các bước: Phối hợp với đơn vị tư vấn thiết kế hoàn thiện để phê duyệt TKKT-DT tuyến băng tải đá; Lập và phê duyệt và đấu thầu; Lập hồ sơ mời thầu gói thầu số 3: “Lựa chọn nhà đầu tư xây dựng vận hành trạm nghiền và hệ thống băng tải đất đá ra bãi thải Bàng Nâu” (hệ thống tuyến băng tải đá số 1) và phương án giá thành vận chuyển, đã trình Tập đoàn.
Với khối lượng công việc trong Dự án lớn, năng lực tài chính vượt quá khả năng của Công ty nên việc đầu tư hệ thống tuyến băng được thực hiện bằng hình thức hợp đồng theo đơn giá vận chuyển thông qua đấu thầu. Công ty đã đăng tải thư mời các nhà đầu tư trong và ngoài nước tìm hiểu đầu tư hệ thống vận tải đất đá thải liên hợp ô tô – băng tải kết hợp với máy nghiền trên các phương tiện thông tin đại chúng. Tính đến nay, đã có hơn 10 nhà đầu tư trong và ngoài nước đến Cao Sơn để tìm hiểu cơ hội hợp tác.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/on-dinh-san-xuat-cho-co-hoi-but-pha-2687.htm” button=”Theo vinacomin”]