Trên chuyến xe khách vào một buổi trưa hè oi bức, nhưng trong xe vẫn mát lạnh. Mấy thanh niên trẻ hóm hỉnh cười đùa như những người bạn thân thiết. Xe dừng bên đường tại khu vực gần lối rẽ vào Ngã Hai, Dương Huy. Một thanh niên vừa khệ nệ bê bao gạo xuống xe, vừa nói: “Thôi chào các cậu nhé, tớ ở phố chứ không vào rừng”.
Thảo có vóc dáng to khỏe, nước da ngăm ngăm, ngồi ngay giữa xe. Thấy tôi bắt chuyện, Thảo vui vẻ cho biết, thị trấn Ninh Giang, Hải Dương và nhiều xã của huyện này, thanh niên đều đi làm thợ lò ở Quảng Ninh. Riêng số công nhân đồng hương Ninh Giang ra sống và làm việc ở khu vực Ngã Hai thuộc nhiều đơn vị đã có tới vài chục người, đấy là chưa kể đến các mỏ khác. “Bây giờ, thanh niên chẳng ai ở làng nữa, hầu hết cứ lớn lên là đi làm ở các nơi, trong đó chủ yếu là Quảng Ninh. Và Quảng Ninh thì chủ yếu là thợ lò” Thảo nói. Thảo cũng cho hay, chuyến xe của nhà xe Thái Phương này sẽ đưa hơn 20 người trên xe vào thẳng khu Ngã Hai, cách đường 18 hơn chục cây số. Hôm nay là thứ hai, nên số người vào Ngã Hai đông hơn mọi ngày. Là vì cuối tuần trước, thợ lò được nghỉ về quê, nay ra đi làm. Xe vào đó có thể đón những người nghỉ bù, nghỉ phép… về quê luôn, hôm sau lại ra. “Cháu hay về quê lắm, tuần nào cháu cũng về. Cháu chưa xây dựng gia đình, cứ được nghỉ là cháu về. Tiện xe. Mà giá cũng rẻ, chỉ 80 ngàn đồng, xe đón tận nhà, đưa tận khu tập thể. Nghĩ cũng sướng” – Thảo cười vui. Đúng là có cung ắt có cầu. Các hoạt động xã hội đã bắt nhịp được cùng với nhịp sống của thợ lò.
Cũng qua câu chuyện với Thảo, được biết, mỗi chuyến xe như thế chở khá nhiều hàng ra cung cấp cho cánh thợ lò ăn ngoài bữa ăn công nghiệp. Nào gạo, rau, tôm, tép, mắm cáy, hoa quả… Mỗi chuyến xe ai cũng cố gắng đưa ra nhiều thực phẩm, vừa ngon, rẻ mà lại không phải đi chợ. “Thằng bạn cháu vừa vác bao gạo ấy. Nó làm thợ lò Quang Hanh, ở khu tập thể Quang Hanh ngoài này chứ không ở trong Ngã Hai. Mỗi tuần về, vợ nó lo đủ cho nó ăn một tuần. Tuần sau lại khuân tiếp. Nó tinh tướng nói là ở phố vậy nhưng cũng như bọn cháu thôi, chẳng đi đâu. Đi làm về, ngủ, xem ti vi, nấu cơm, rồi lại đi làm… Một vòng tròn khép kín, cuối tuần về động viên vợ con. Tuần nào bận không về được, vợ nó cũng gửi xe chở gạo, rau… ra cho”. Thảo nói.
Năm nay Thảo mới 21 tuổi. Anh đang làm thợ lò tại Công ty 86. Mỗi tháng trừ tất cả các khoản, Thảo cầm về được gần chục triệu đồng. Với mức thu nhập đó, anh cũng đang dự tính sẽ về quê xây nhà và cưới vợ. Tôi hỏi, tại sao lại không tính chuyện xây dựng gia đình ở Quảng Ninh? Thảo giãi bày: “Nói thật với chú, ai cũng muốn thế lắm, nhưng bọn cháu thấy cứ kho khó thế nào ấy. Thanh niên tập thể thì đầy ra, chỉ có một vài “mống” nữ . Đứa nào may mắn mới lấy được vợ tại Quảng Ninh. Còn lại đa phần là tính bài về quê”. Nói đoạn Thảo hạ giọng: “Mà thế cũng được chú ạ. Cháu nghĩ mãi rồi, đấy bây giờ chú thấy, chỉ hơn hai tiếng đồng hồ là cháu đã từ quê có mặt ở đơn vị. Đi lại bây giờ nhanh lắm, chi phí cũng chẳng đáng là bao”.
Thợ lò làm việc tại Quảng Ninh chủ yếu đến từ các tỉnh vùng đồng bằng như Hải Dương, Thái Bình, Hà Nam… Nhu cầu về cuộc sống và gia đình là những điều hiện hữu. Họ hàng ngày lo làm việc để có thu nhập cao, nhưng cũng lo toan nhiều bề cho cuộc sống riêng của mình. Ra trường đi làm, đến tuổi ắt phải tính chuyện xây dựng gia đình. Đi lại, sinh hoạt của họ là những nhu cầu thiết yếu. Do vậy, từ câu chuyện trên, thiết nghĩ, các đơn vị, nhất là các tổ chức đoàn thể cũng phải nắm bắt được tâm tư, tình cảm, nhu cầu, hoạt động của thợ lò để có những biện pháp chăm sóc thợ lò được tốt hơn. Chăm sóc tốt cho đội ngũ công nhân lao động nói chung và thợ lò nói riêng chính là chăm lo cho sự phát triển bền vững của mỗi doanh nghiệp.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/dong-huong-2688.htm” button=”Theo vinacomin”]