Nhằm hạn chế thấp nhất ảnh hưởng xấu từ các bãi thải than đến môi trường xung quanh, thời gian qua, TP Uông Bí đã yêu cầu, giám sát các công ty khai thác than thực hiện đổ thải theo đúng quy hoạch, đồng thời tập trung cải tạo, phục hồi môi trường bãi thải…
Bãi thải đồi Ông Mộc được Công ty CP than Vàng Danh trồng cây xanh, hoàn nguyên môi trường…
Hiện nay, trên địa bàn TP Uông Bí có 4 đơn vị khai thác than chính, gồm: Công ty CP than Vàng Danh, Công ty than Nam Mẫu, Công ty than Uông Bí và Công ty PT Vietmindo. Trung bình mỗi năm, 4 công ty khai thác than thải ra môi trường 2,5 triệu m3 đất, đá. Với khối lượng đất, đá đổ thải lớn không tránh khỏi ảnh hưởng đến môi trường, tuy nhiên để giảm thiểu mức thấp nhất các đơn vị khai thác than trên địa bàn TP Uông Bí đang nỗ lực trồng cây xanh tại những khu vực bãi thải nhằm bảo vệ môi trường.
Là đơn vị khai thác than hầm lò của TKV hiện nay, Công ty CP than Vàng Danh khai thác khoảng 2 triệu tấn than/năm. Hiện nay, Công ty đã sử dụng 4 bãi thải chính: Đồi Ông Mộc (hơn 2ha); số 1, 2 Tây Cánh Gà (26,3ha); lấp moong Cánh Gà (9,8ha) và bãi thải Nhà máy Tuyển than Vàng Danh 2 (41,3ha). Để đảm bảo an toàn cho các bãi thải đang hoạt động, Công ty đã thực hiện đổ thải trong phạm vi quy hoạch cho phép; cốt cao đổ thải theo đúng quy hoạch và thiết kế (+300 trở xuống), chân bãi thải có đê đập chắn đất đá chống sạt lở. Riêng với những vị trí đã ngừng đổ thải để dần phục hồi và cải tạo môi trường, Công ty đã tổ chức san gạt, xây dựng kè chắn, trồng cây phủ xanh.
Tính từ năm 2012 đến nay, Công ty đã trồng trên 63,7ha (cây keo và thông mã vĩ). Bên cạnh đó, hằng năm, Công ty đều phát động chiến dịch trồng cây xanh tại khuôn viên các phân xưởng, khu vực bãi thải. Dịp đầu xuân 2018 vừa qua, Công ty đã phát động trồng được hơn 3.000 cây xanh tại khu vực bãi thải Nhà máy Tuyển than Vàng Danh 2. Đến nay, đa số diện tích cây trồng tại các bãi thải, công trường do Công ty trồng đều thích nghi, phát triển tốt, qua đó góp phần tăng diện tích độ che phủ rừng; hạn chế tình trạng bụi, xói mòn, rửa trôi đất đá xuống khu vực dân cư, sông suối… Dự kiến từ nay đến cuối năm 2018, Công ty sẽ tiếp tục trồng 33ha cây xanh tại mặt bằng sản xuất và trồng dặm các vị trí bãi thải mỏ.
Với mục tiêu sản xuất, kinh doanh gắn với bảo vệ môi trường, hiện nay, Công ty PT Vietmindo đang nỗ lực triển khai các giải pháp phục hồi và cải tạo môi trường. Năm 2011, Công ty đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt Dự án Cải tạo và Phục hồi môi trường. Theo đó, hằng năm, ngoài việc tập trung xử lý nước thải, chất thải đảm bảo môi trường, Công ty còn thường xuyên trồng cây xanh tại những vị trí công trường, bãi thải. Cụ thể, tuyến đường lên công trường khai thác than Công ty đều trồng keo dọc 2 bên, tạo ra hàng rào xanh chống khói bụi trong quá trình khai thác, vận chuyển than.
Đối với khu vực bãi thải ngoài +280 (các vị trí kết thúc đổ thải), Công ty thực hiện san gạt cải tạo đất đá trồng cỏ ở sườn tầng và trồng keo trên mặt tầng thải. Riêng năm 2017, Công ty đã trồng được 3,9ha (keo và cỏ) khu vực bãi thải ngoài +280. Tính từ năm 2011 đến nay, Công ty đã trồng được gần 12ha cây xanh các loại ở công trường và khu vực bãi thải.
Bên cạnh đó, 4 đơn vị ngành Than còn đang tích cực tăng cường mật độ cây xanh trong diện tích ranh giới mỏ, khuôn viên, trụ sở hành chính, đường vận chuyển, bãi tập kết than. Ngoài ra, kinh phí cải tạo môi trường thường xuyên tại các công ty đều được bổ sung tăng qua từng năm.
Đặc biệt, triển khai chủ đề công tác năm 2018 của tỉnh về Bảo vệ và nâng cao chất lượng môi trường tự nhiên, TP Uông Bí đặt mục tiêu tăng độ che phủ rừng đạt trên 49%, đồng thời kiểm soát chặt chẽ việc phát sinh bụi, tiếng ồn tại các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn. Để triển khai hiệu quả mục tiêu này, hiện nay, TP Uông Bí đang phối hợp với 4 doanh nghiệp khai thác than rà soát các diện tích bãi thải để bổ sung trồng cây xanh; cải tạo, phục hồi môi trường bãi thải than nhằm bảo vệ, phát triển rừng bền vững.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tin-tuc/no-luc-xanh-hoa-bai-thai-201803131501422648.htm” button=”Theo vinacomin”]