Hai Dự án Tổ hợp Bô xít – Nhôm Lâm Đồng và Dự án Nhà máy sản xuất Alumin Nhân Cơ là hai dự án thí điểm chế biến sâu quặng bô xít, có công nghệ phức tạp và quy mô vốn đầu tư lớn nhất ngành khai thác khoáng sản rắn từ trước đến nay ở nước ta, thực hiện tại địa bàn Tây Nguyên đặc biệt khó khăn và phức tạp, đến nay đã hoàn thành và đi vào hoạt động.
Trong phạm vi bài này sẽ đánh giá tổng quan những kết quả chính thu được, rút ra những vấn đề cần tiếp tục giải quyết và bài học kinh nghiệm từ kết quả thí điểm.
Những kết quả chính thu được
Kết quả chung:
Đến nay cả 2 dự án đã hoàn thành xây dựng và đi vào hoạt động, trong đó Dự án Tân Rai đi vào hoạt động từ tháng 10/2013, đến năm 2017 đạt công suất thiết kế 650 ngàn tấn alumin/năm. Dự án Nhân Cơ hoàn thành xây dựng và đi vào hoạt động từ tháng 12 năm 2016, năm 2017 sản xuất được khoảng 500 ngàn tấn alumin, đạt khoảng 77% công suất thiết kế. Cả hai dự án sản xuất sản phẩm alumin đạt chất lượng bằng hoặc tốt hơn thiết kế, được khách hàng nước ngoài tin dùng và tiêu thụ hết; đảm bảo quy định về môi trường, quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn; có hiệu quả kinh tế và ngày càng được nâng cao, bước đầu có đóng góp đáng kể cho ngân sách nhà nước và góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.
Kết quả thực hiện hai dự án bô xít thí điểm cùng với việc triển khai dự án điện phân nhôm Đắc Nông từ năm 2015 đã và đang hiện thực hóa chủ trương khai thác bô xít, chế biến alumin, luyện nhôm ở Việt Nam manh nha từ những năm 80 của thế kỷ trước [1], thông qua đó giải đáp, làm sáng tỏ và xác định được nhiều vấn đề đặt ra trước khi thực hiện dự án được dư luận xã hội hết sức quan tâm, mở đường cho việc tiếp tục triển khai các bước tiếp theo xây dựng, phát triển đồng bộ ngành công nghiệp bô xít – alumin – nhôm – phụ trợ của Việt Nam theo chủ trương của Đảng và định hướng của Nhà nước [2].
Các kết quả cụ thể là [3]:
1) Xác định được công nghệ phù hợp cho các khâu khai thác, tuyển, chế biến quặng bô xít, đặc biệt là công nghệ chế biến bô xít thành alumin chưa từng có trong thực tế ở Việt Nam và gây nhiều tranh luận trước khi thực hiện dự án. Cụ thể là:
Công nghệ khai thác quặng bô xít: Khai thác lộ thiên. Hệ thống khai thác dọc, một bờ công tác, có vận tải, sử dụng bãi thải trong kết hợp hoàn thổ. Trình tự khai thác: trong từng mỏ khu vực diện tích chứa quặng chia thành các khoảnh có diện tích khoảng 10-15ha và tiến hành khai thác theo dạng cuốn chiếu (khai thác hết khoảnh này mới chuyển sang khai thác khoảnh tiếp theo). Công tác hoàn thổ tiến hành đồng thời với quá trình khai thác: lấy đất mặt của khoảnh sau lấp vào không gian đã khai thác của khoảnh trước.
Công nghệ tuyển quặng bô xít: Áp dụng công nghệ tuyển rửa bằng nước gồm các bước đánh tơi; đảo trộn quặng trong môi trường nước; rửa trôi tạp chất, sét; thu lấy quặng tinh. Trong quá trình tuyển không sử dụng bất kỳ loại hóa chất nào nên không thải ra chất thải độc hại nào ra môi trường.
Công nghệ chế biến bô xít thành alumin: Áp dụng công nghệ Bayer, hoà tách ở nhiệt độ 145oC và áp suất khoảng 4 – 5at, có kết hợp khử silic trước khi hòa tách.
Dây chuyền công nghệ gồm các công đoạn sau: Nghiền bô xít => Khử silic => Hòa tách => Tách cát của dung dịch loãng => Lắng và rửa bùn đỏ => Kiềm hóa phụ và tách muối => Lọc dung dịch alumin => Trao đổi nhiệt => Kết tinh mầm => Lọc mầm => Cô đặc và điều chỉnh dung dịch => Lọc hydrat => Chứa hydrat => Nung hydrat thành alumin => Vận chuyển, đóng gói và lưu trữ Alumin.
Đây là công nghệ đang được sử dụng phổ biến hiện nay trên thế giới, phù hợp với quặng bô xít loại gip xít là loại quặng bô xít ở Tây Nguyên.
Sự phù hợp của công nghệ không những đã được Bộ Khoa học và Công nghệ xác nhận mà còn thể hiện qua chất lượng sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn thiết kế, được khách hàng tin dùng và tiêu thụ hết. Sản phẩm alumin/hydrat của 2 dự án đã được tiêu thụ tại các thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ, Thái Lan, trong thời gian tới sẽ mở rộng sang các thị trường Trung Đông, Malaysia.
2) Giải quyết được các vấn đề về môi trường trong quá trình khai thác, tuyển và chế biến quặng bô xít thành alumin gồm: hoàn thổ hoàn nguyên môi trường; xử lý bùn đỏ, xử lý nước thải, bảo vệ nguồn nước, xử lý khí thải và các chất thải khác của quá trình sản xuất đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật về môi trường, không để xảy ra sự cố môi trường nghiêm trọng nào. Đặc biệt đáng chú ý là:
Bùn đỏ là vấn nạn được quan tâm nhất đã được lưu giữ trong hồ chứa có đáy đảm bảo không thấm vào lòng đất, nguồn nước, không bị tràn ra ngoài và đập không thể bị vỡ; bùn đỏ đã được nghiên cứu làm nguyên liệu sản xuất thép và vật liệu xây dựng, đang được lập dự án đầu tư xây dựng để triển khai thực hiện.
Tro xỉ nhà máy nhiệt điện than của dự án đã được sử dụng làm nguyên liệu để sản xuất gạch không nung.
Đã thực hiện các biện pháp hữu hiệu để xử lý, kiểm soát, quan trắc và phòng ngừa, khắc phục sự cố đối với nước thải, khí thải và các chất thải nguy hại.
Việc hoàn thổ, hoàn nguyên môi trường khu vực khai thác: đã thực hiện nghiên cứu, thí điểm và xác định được quy trình công nghệ hoàn thổ, lựa chọn cây trồng phù hợp phục hồi sinh thái tại các khu vực kết thúc khai thác quặng bô xít. Tại dự án Tân Rai tổng diện tích khu vực kết thúc khai thác đã thực hiện hoàn thổ, trồng cây từ năm 2014 đến 2017 là trên 60 ha, chủ yếu là cây keo kết hợp thông tại một số khu vực.
Về bảo vệ nguồn nước: Tại dự án Tân Rai hồ Cai Bảng được xây dựng với dung tích 18 triệu m3, trong đó dành 2 triệu m3/năm phục vụ tưới tiêu và sinh hoạt cho người dân xung quanh. Tại dự án Nhân Cơ nguồn nước cấp cho nhà máy tuyển là nguồn nước từ hồ Cầu Tư, được xây dựng nâng cấp từ dung tích 1,12 triệu m3 lên 8,09 triệu m3 nước, trong đó dành 1,6 triệu m3 nước phục vụ sản xuất nông nghiệp của người dân tại các khu vực lân cận. Nguồn nước cấp cho nhà máy alumin được lấy từ suối Đắk R’Tih. Nhu cầu nước của nhà máy alumin rất nhỏ so với tiềm năng nguồn nước của suối Đắk R’Tih, ngay cả trong các tháng mùa khô. Do đó, việc lấy nước ở suối Đắk R’Tih cấp cho nhà máy alumin gây ảnh hưởng không đáng kể đến tài nguyên nước của suối này cũng như lượng nước vào hồ thủy điện Đắk R’Tih.
3) Về sử dụng lao động và phát triển nguồn nhân lực: Tạo việc làm cho gần 3 ngàn lao động trực tiếp trong dự án (đa phần là lao động địa phương) với mức thu nhập bình quân tháng từ trên 7 đến gần 8 triệu đồng/người và hàng ngàn lao động trong các ngành, lĩnh vực phục vụ hoặc liên quan đến dự án. Đào tạo phát triển nguồn nhân lực từ chỗ trước đây chỉ có kiến thức thuần túy lý thuyết từng bước nắm vững, làm chủ được trong thực tiễn tất cả các khâu tư vấn, đầu tư xây dựng, chế tạo, cung cấp vật tư, thiết bị, quản lý, vận hành, sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, thị trường của quá trình đầu tư khai thác, tuyển, chế biến quặng bô xít và kinh doanh alumin. Đặc biệt, đến nay tại cả hai dự án đội ngũ cán bộ, công nhân kỹ thuật đã chủ động thực hiện nhiều giải pháp kỹ thuật khắc phục được các sự cố, bất cập và hoàn thiện, cải tiến một số khâu trong dây chuyền công nghệ nhà máy alumin, nhờ đó cải thiện mức tiêu hao nguyên nhiên vật liệu để sản xuất 1 tấn alumin đạt hoặc tốt hơn thiết kế, giảm dần chi phí sản xuất và các chỉ tiêu chất lượng alumin đạt hoặc vượt thiết kế, trong đó có hàm lượng Al2O3 đạt cao hơn thiết kế.
4) Về hiệu quả kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh: Đảm bảo có hiệu quả kinh tế và thực hiện tốt công tác GPMB, tái định cư, định canh, các vấn đề xã hội, an ninh, quốc phòng, văn hóa, góp phần tích cực phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn vùng dự án nói riêng và Tây Nguyên nói chung, đóng góp đáng kể cho NSNN và địa phương. Đến hết năm 2017 cả 2 dự án ước tính đã sản xuất tổng cộng khoảng 2,8 triệu tấn alumin với tổng doanh thu khoảng 900 triệu USD, nộp NSNN tổng số khoảng 3.500 tỷ đồng, riêng dự án Tân Rai năm 2017 dự tính có lợi nhuận khoảng 400 tỷ đồng (do giảm đáng kể chi phí sản xuất so với những năm đầu và giá bán tăng lên); góp phần đầu tư hỗ trợ cho địa phương khu vực dự án xây dựng các trường học, trạm y tế, làm đường, xây dựng chợ, nhà tái định cư cho các hộ dân tộc thiểu số nghèo, cải tạo tỉnh lộ, quốc lộ… với tổng kinh phí khoảng 650 tỷ đồng. Minh chứng rõ rệt nhất, dễ nhận thấy nhất cho tác động lan tỏa của dự án là giá đất xung quanh khu vực dự án đã tăng lên nhiều đến hàng chục lần, thậm chí có nơi trên 100 lần so với thời kỳ đầu thực hiện dự án và đời sống kinh tế – xã hội trong vùng dự án ngày càng phát triển sầm uất, phồn vinh.
5) Thực hiện được mục tiêu sản xuất alumin để phục vụ sản xuất nhôm trong nước và xuất khẩu. Hiện nay bên cạnh hàng rào nhà máy alumin Nhân Cơ, Công ty TNHH Luyện kim Trần Hồng Quân (LKTHQ) (công ty tư nhân trong nước) sau khi được Chính phủ đồng ý cho phép đầu tư đang thi công xây dựng nhà máy điện phân nhôm Đắc Nông công suất 450 ngàn tấn nhôm/năm, sẽ tiêu thụ khoảng 900 ngàn tấn alumin/năm, dự kiến cuối năm 2019 sẽ hoàn thành phân kỳ 1 (300 ngàn tấn/năm) và đi vào sản xuất. Như vậy từ năm 2019 toàn bộ sản lượng alumin của nhà máy alumin Nhân Cơ và tiếp theo một phần sản lượng alumin của nhà máy alumin Tân Rai sẽ cung cấp cho nhà máy điện phân nhôm Đắc Nông.
Những vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu giải quyết:
Để hoàn thiện công nghệ, đảm bảo an toàn môi trường và nâng cao hiệu quả của dự án cần tiếp tục nghiên cứu giải quyết các vấn đề sau đây:
– Về công nghệ khai thác, tuyển quặng bô xít: Nghiên cứu khai thác quặng phù hợp với điều kiện thời tiết khí hậu, nâng cao hệ số thu hồi quặng bô xít trong khai thác và tuyển quặng.
– Về công nghệ chế biến alumin: Nghiên cứu hoàn thiện, cải tiến các khâu trong dây chuyền công nghệ sản xuất alumin để giảm tiêu hao các loại đầu vào, ổn định và nâng cao chất lượng sản phẩm alumin nhằm giảm chi phí và nâng cao hiệu quả.
– Về hoàn thổ, hoàn nguyên môi trường, xử lý bùn đỏ và các chất thải khác: Nghiên cứu chế độ hợp lý thu hồi và thuê đất khu vực khai thác; hoàn thiện công nghệ xây dựng hồ chứa và sử dụng quặng đuôi nhà máy tuyển; thay thế công nghệ thải bùn đỏ theo hướng thay thế phương pháp thải ướt bằng phương pháp thải khô; hoàn thiện công nghệ tái chế sử dụng bùn đỏ, tro xỉ đảm bảo chất lượng sản phẩm, đáp ứng tiêu chuẩn môi trường và hiệu quả; giải pháp tăng cường sử dụng nước dư hồ bùn đỏ để thu hồi xút; giảm thiểu khí H2S trong nhà máy khí hóa tan; lập kế hoạch phòng chống thiên tai do tác động của biến đổi khí hậu.
– Chính quyền địa phương các cấp phối hợp, hỗ trợ TKV trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư, đảm bảo an sinh xã hội cho người dân và tiến độ khai thác mỏ; có quy hoạch hợp lý sử dụng kịp thời diện tích đất khu vực mỏ sau khi kết thúc khai thác phục vụ tái định canh, định cư, nâng cao hiệu quả sử dụng đất và góp phần giảm chi phí thuê đất, trồng cây cho dự án.
– Nhà nước xem xét điều chỉnh chính sách thuế phí phù hợp, nhất là phí môi trường và thuế tài nguyên.
– Xây dựng kết cấu hạ tầng đảm bảo sự đồng bộ vừa phục vụ phát triển ngành công nghiệp bô xít – alumin – nhôm và phát triển kinh tế – xã hội của Tây Nguyên, nhất là hệ thống đường sắt, đường bộ, cảng biển, hệ thống cung cấp điện.
– Về phát triển nguồn nhân lực: Đẩy mạnh công tác đào tạo đội ngũ công nhân vận hành, cán bộ kỹ thuật, cán bộ chỉ huy sản xuất để sử dụng và phát huy tối đa năng suất thiết bị trong từng khâu và toàn bộ dây chuyền công nghệ.
– Có cơ chế chính sách hợp lý và giải pháp thích đáng hỗ trợ, tạo điều kiện thúc đẩy tiến độ thực hiện dự án điện phân nhôm Đắc Nông để sớm hình thành đồng bộ ngành công nghiệp bô xít – alumin – nhôm – phụ trợ nhằm nâng cao hiệu quả khai thác nguồn tài nguyên bô xít dồi dào phục vụ đắc lực phát triển kinh tế – xã hội và công cuộc CNH, HĐH đất nước.
– Tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền.
Bài học kinh nghiệm rút ra:
Bài học chung là cùng với những thành công của các dự án lớn trước đây như dự án đường dây 500 kV Bắc Nam, Nhà máy lọc dầu Dung Quất, Đường Hồ Chí Minh, các dự án thủy điện lớn, v.v., trong bối cảnh đầy phức tạp của quá trình hình thành và thực hiện dự án, thành công của hai dự án bô xít thí điểm tiếp tục chứng minh một cách sinh động bài học kinh nghiệm đúc kết trong lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Không có việc gì khó. Chỉ sợ lòng không bền. Đào núi và lấp biển. Quyết chí ắt làm nên”.
Các bài học cụ thể:
Hãy tin tưởng và biết phát huy bản lĩnh, trí tuệ và sức mạnh Việt Nam.
Dám nghĩ, dám làm bằng bản lĩnh, trí tuệ và sức mạnh Việt Nam kết hợp với hợp tác quốc tế nhất định thành công.
”Mọi lý thuyết đều là màu xám, còn cây đời mãi mãi xanh tươi”. Theo đó lý thuyết để định hướng, kinh nghiệm để tham khảo, thực tiễn mới là quyết định.
“Vạn sự khởi đầu nan”, vì vậy đối với các dự án mới đi đôi với sự cẩn trọng cần có cách tiếp cận và giải quyết vấn đề có căn cứ khoa học, đảm bảo tính toàn diện và đồng bộ theo tinh thần không sợ nhưng không chủ quan, manh động, tập trung phát hiện vấn đề và tìm cách giải quyết một cách kiên quyết, chủ động và sáng tạo.
Hãy coi dư luận xã hội nói chung (cả thuận chiều và trái chiều) như nguồn động viên, nguồn lực với ý nghĩa qua đó để phát hiện vấn đề và tìm cách giải quyết, tạo sức ép để thực hiện nghiêm túc, cẩn trọng và sáng tạo mọi hoạt động của dự án.
Trong nền kinh tế thị trường thời kỳ hội nhập và toàn cầu hóa ngày càng sâu rộng luôn có sự biến động mạnh, phức tạp và khó lường. Trong bối cảnh đó rủi ro nói chung và hiệu quả tăng giảm nói riêng xảy ra là điều hiển nhiên. Do vậy, đối với các dự án lớn, nhất là các dự án đầu tiên thực hiện trong nước, phải tuân thủ: (1) Quá trình đầu tư thực hiện dự án cần có sự phối hợp chặt chẽ của các bộ ngành, địa phương liên quan và sự giám sát của cộng đồng dưới sự chỉ đạo, giám sát toàn diện và kịp thời của Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ theo các mục tiêu, yêu cầu đã đề ra; (2) Từ khâu chuẩn bị dự án đến thực hiện đầu tư, đưa công trình vào vận hành phải tổ chức thực hiện tốt, có hệ thống biện pháp phòng ngừa và quản trị rủi ro hiệu quả; (3) Hiệu quả kinh tế của dự án phải xem xét trong cả đời dự án chứ không vì năm nào hay giai đoạn nào đó do giá giảm hay nhu cầu giảm làm cho hiệu quả thấp mà đi đến những ý kiến, thái độ, hành động cực đoan mà ngược lại phải tỉnh táo có giải pháp ứng phó kịp thời, thích hợp để vượt qua khó khăn, thách thức; (4) Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền kịp thời để dư luận xã hội nắm rõ, hiểu được đầy đủ, chính xác các vấn đề để không những tránh được các ý kiến không đồng thuận thiếu cơ sở mà quan trọng là nhận được các ý kiến đóng góp xác đáng để hoàn thiện kịp thời toàn bộ các khâu trong quá trình đầu tư thực hiện dự án; (5) Có sự phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng và tái định cư, quản lý người lao động nước ngoài; (6) Cần có sự phối hợp thường xuyên giữa Chủ đầu tư – Tổng thầu EPC và các nhà thầu phụ Việt Nam; thường xuyên giao ban tiến độ giữa Chủ đầu tư và các Nhà thầu trong quá trình thực hiện đầu tư xây dựng. Đặc biệt những khi dự án gặp khó khăn, vướng mắc, Chủ đầu tư và Nhà thầu phải gặp gỡ tìm phương pháp, giải pháp khắc phục, báo cáo kịp thời cơ quan quản lý có thẩm quyền để hỗ trợ, nếu cần.
Cả 2 dự án bô xít (kể cả dự án điện phân nhôm Đắc Nông) có công nghệ phức tạp, tổng vốn đầu tư rất lớn, lớn nhất trong ngành khai khoáng từ trước đến nay (trừ dầu khí) nhưng đã huy động đủ vốn với lãi suất và điều kiện trả nợ hợp lý, đồng thời hoàn thành và đi vào hoạt động có hiệu quả. Qua đó rút ra bài học là không sợ thiếu vốn, vấn đề là phải có dự án tốt và có chiến lược huy động vốn hợp lý, kịp thời. Chuẩn bị tốt nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao để quản lý dự án, tiếp nhận vận hành và làm chủ công nghệ của công trình khi đi vào hoạt động.
Tóm lại, qua kết quả thí điểm thực hiện đầu tư hai dự án alumin Tân Rai và Nhân Cơ, Chủ đầu tư, các nhà thầu, cơ quan quản lý nhà nước, các địa phương liên quan và cộng đồng xã hội đã thu được nhiều kết quả và bài học kinh nghiệm quý báu để phục vụ cho việc nghiên cứu triển khai các dự án khai thác, chế biến bô xít nhằm khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên bô xít dồi dào của nước ta cũng như các dự án đầu tư lớn khác để việc thực hiện dự án ”thuận buồm xuôi gió”, đạt được hiệu quả và mục tiêu đề ra.
Tài liệu tham khảo:
1. Dân trí (Thứ năm, 05/02/2009 – 07:18): Thủ tướng bày tỏ quan điểm về vấn đề khai thác bô xít ở Tây Nguyên.
2. Công văn số 5920-CV/VPTW ngày 08/7/2013 Thông báo ý kiến của Bộ Chính trị về tình hình thực hiện các dự án thí điểm khai thác, chế biến bôxit ở Tây Nguyên.
3. Các báo cáo của TKV về kết quả thực hiện hai dự án bô xít Tân Rai và Nhân Cơ.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/danh-gia-ket-qua-rut-ra-van-de-va-bai-hoc-kinh-nghiem-cua-hai-du-an-bo-xit-thi-201803071514398778.htm” button=”Theo vinacomin”]