Thời gian qua, để đáp ứng nhu cầu thợ lò phục vụ cho sản xuất của các đơn vị, Trường Cao đẳng nghề mỏ Hồng Cẩm đã tích cực phối hợp với các doanh nghiệp trong công tác tuyển sinh, đào tạo các nghề mỏ hầm lò. Đặc biệt, Nhà trường đã hợp tác hiệu quả với Công ty CP than Núi Béo tuyển sinh, đào tạo thợ lò giai đoạn 2013 – 2014.
Thạc sỹ Lưu Văn Minh, Phó Hiệu trưởng Trường CĐNM Hồng Cẩm cho biết: “Trước tình hình tuyển sinh nghề mỏ khó khăn và nguy cơ của việc thiếu hụt nghiêm trọng thợ lò, để chuẩn bị nguồn nhân lực đáp ứng cho sản xuất, ngoài việc chủ động, tích cực của Nhà trường thì công tác phối hợp tuyển sinh, đào tạo của các doanh nghiệp là hết sức cần thiết. Vai trò, trách nhiệm của các doanh nghiệp đối với công tác tuyển sinh, đào tạo thợ lò là rất quan trọng để cùng với Nhà trường thực hiện tốt nhiệm vụ tuyển sinh, đào tạo các nghề mỏ hầm lò theo Quy chế 2441 của Tập đoàn”. Trên thực tế, thời gian qua, nhiều đơn vị đã tích cực phối hợp với Nhà trường trong công tác tuyển sinh, đào tạo thợ lò như Than Quang Hanh, Hòn Gai, Hà Lầm, Vàng Danh… và gần đây là Khe Chàm, Núi Béo. Các đơn vị đã cử cán bộ cùng với Nhà trường đi tuyển sinh ở các địa phương, có đơn vị Giám đốc, Phó Giám đốc trực tiếp cùng đi tuyển sinh như Khe Chàm, Hà Lầm… do vậy đã có sự chủ động về nhân lực và cơ bản đáp ứng kịp thời cho sản xuất.
Cũng theo Thạc sỹ Lưu Văn Minh, khi doanh nghiệp cùng vào cuộc sẽ nâng cao trách nhiệm của doanh nghiệp. Đơn cử như việc hợp tác giữa Nhà trường và Công ty CP than Núi Béo. Trước tiên trong hợp đồng hai bên cùng thống nhất các nội dung, trách nhiệm cụ thể, rõ ràng của mỗi bên, nhất là về các chế độ chính sách, cùng với đó là sự quan tâm chăm lo của doanh nghiệp đối với học sinh, bố trí thực tập, việc làm khi ra trường. Khi nhập học, Ban giám đốc Công ty trực tiếp gặp mặt học sinh qua đó giới thiệu về sản xuất, việc làm, tổ chức thăm quan khai trường sản xuất…, đồng thời trong quá trình học thường xuyên kiểm tra việc học tập, ăn ở của học sinh, nghe phản ánh của học sinh để giải quyết kịp thời các vướng mắc. Công ty còn thể hiện sự quan tâm chăm lo cho học sinh và coi như đã là người của đơn vị, các chế độ lễ, tết, tàu xe đi lại đều được hưởng và được tham dự các hoạt động của Công ty, học sinh có thành tích trong học tập được khen thưởng. Mặt khác, khi doanh nghiệp tham gia cùng Nhà trường đến các địa phương để tuyển sinh, tiếng nói của doanh nghiệp sẽ có trọng lượng, thuyết phục đối với người học khi thông tin, quảng bá về đơn vị, việc làm, thu nhập, điều kiện ăn, ở, đi lại và các chế độ đãi ngộ. Khi được doanh nghiệp quan tâm, học sinh sẽ xác định tư tưởng và yên tâm học tập, rèn luyện, tu dưỡng để khi ra trường trở thành những công nhân có tay nghề, kỹ năng và tác phong công nghiệp, phục vụ hiệu quả vào quá trình sản xuất của Công ty.
Thực hiện lộ trình chuyển dần từ khai thác lộ thiên sang hầm lò, cùng với đó là nhu cầu lao động các nghề mỏ hầm lò ngày càng tăng, để nâng cao hiệu quả công tác tuyển sinh, đào tạo thợ lò cần có sự vào cuộc, hợp tác tích cực của các doanh nghiệp với Nhà trường, vì mục tiêu xây dựng đội ngũ lao động hầm lò và giai cấp công nhân mỏ ngày càng lớn mạnh, vì sự phát triển bền vững của ngành Than – Khoáng sản Việt Nam.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/tuyen-sinh-dao-tao-nghe-mo-ham-lo-khi-doanh-nghiep-vao-cuoc-9266.htm” button=”Theo vinacomin”]