Với mỗi người con Việt Nam, tháng 7 được coi là tháng tri ân. Giữa cái nắng chang chang của đất và trời miền Trung, hàng vạn người trong cả nước vẫn trở về đây thăm viếng, thắp nén nhang tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống mảnh đất này. Hoà cùng không khí thiêng liêng ấy, nhóm PV Tạp chí Than – Khoáng sản Việt Nam cũng có mặt tại vùng đất lửa này…
Điểm đoàn dừng chân dâng hương đầu tiên là Ngã ba Đồng Lộc – nơi lưu giữ tuổi xuân của 10 cô gái Thanh niên xung phong. Chúng tôi đến khi ngày giỗ của 10 cô gái đang cận kề. Không khí tưởng nhớ trang nghiêm bao phủ khắp nơi đây khiến ai nấy đều bồi hồi xúc động. Một lần nữa, bài ca về sự hy sinh anh dũng của 10 cô gái được hát vang. Đặc biệt, câu chuyện xung quanh việc tìm xác của nữ thanh niên xung phong tên Cúc khiến nhiều người không cầm nổi nước mắt:
“Tiểu đội đã xếp một hàng ngang
Cúc ơi, em ở đâu sao không về tập hợp?
Chín bạn đã quây quần đủ hết
Nhỏ – Xuân – Hà – Hường – Hợi – Rạng – Xuân – Xanh
A trưởng Võ Thị Tần đã điểm danh
Chỉ thiếu mình em
(Chín bỏ làm mười làm răng được)”
(Cúc ơi – Yến Thanh)
Xúc động, tự hào và không thể cầm được nước mắt khi tạm biệt Ngã ba Đồng Lộc, tạm biệt những đóa hoa bất tử. Thắp nén hương thơm và xin gửi lại các chị những chiếc gương soi, lược ngà và những chùm bồ kết mà ngày nào các chị vẫn dùng…
Chân bước đi mà lòng chẳng muốn rời. Hình ảnh của o Tần, o Cúc, chị Hợi, chị Nhỏ, chị Xuân, chị Hạ, chị Hường hay o Rạng, o Xuân, o Xanh như vẫn còn đây, trẻ trung, tươi tắn nhưng hiên ngang khí phách lạ thường bên dòng sông La huyền thoại.
Các chị đã gửi lại tuổi thanh xuân của mình để dệt nên gấm vóc Việt Nam, giành lại độc lập tự do cho dân tộc, là những bông hoa đẹp nhất trong các loài hoa… Tổ quốc sẽ mãi gọi các chị là những Đóa hoa bất tử.
Anh Lê Thanh Hoàn, Trưởng phòng nghiệp vụ hành chính Ban quản lý khu di tích Ngã ba Đồng Lộc cùng các đồng đội kể cho chúng tôi nghe nhiều câu chuyện xúc động nơi đây. Chuyện chiến tranh và cả chuyện hậu thế, cùng những câu chuyện huyền bí, linh thiêng. Anh nói, được trồng cây bồ kết trong nghĩa trang này thật là ý nghĩa nhưng phải có cái “duyên” và cái “tâm”. Không phân biệt chức sắc lớn hay nhỏ. Nghe vậy chúng tôi vui lắm, vì TBT Tạp chí TKV đã được BQL nghĩa trang mời trồng một cây bồ kết ở vị trí thật trang trọng. Rồi đây, cây bồ kết sẽ lớn lên, cho quả, hương thơm bồ kết sẽ tắm gội linh hồn 10 nữ liệt sỹ quả cảm…
Chiều nghiêng nghiêng nắng Vũng Chùa
Gần 1 năm sau ngày Đại tướng về với Vũng Chùa, chúng tôi mới có dịp theo con đường rẽ từ đường thiên lý Bắc – Nam về phía biển, đến viếng mộ Đại tướng. Một con đường rộng trải nhựa phẳng lì uốn cong theo triền núi, rồi men theo bờ biển Vũng Chùa dẫn tới chân núi Thọ. Con đường tựa như hình hài Quảng Bình, sau lưng là núi, trước mặt là biển, vượt qua bao “dông gió” của lịch sử và sự khắc nghiệt của thiên tai. Tôi nghe kể rằng, để làm hoàn thành con đường, đơn vị thi công đã dốc hết lực lượng, làm ngày đêm với tinh thần: Thần tốc, được ghi vào kỷ lục của ngành giao thông. Người dân thôn Thọ Sơn, nơi tuyến đường đi qua, không hề tính thiệt hơn, so đo trong việc đền bù, nhất loạt đồng ý giải phóng mặt bằng để làm đường vào mộ Đại tướng.
“Quảng Bình là nhà tôi, khi nào rảnh việc nước là tôi về”. Giờ thì Đại tướng đã về quê, về với nắng – gió – cỏ – cây – sóng biển Vũng Chùa và người dân quê hương đón Đại tướng như đón người con ưu tú đi xa lâu ngày mới về.
Vẳng trong nắng chiều Vũng Chùa, trong rì rào sóng vỗ đảo Yến, đâu đó vọng lại bản nhạc “Chiến thắng Điện Biên” như ru giấc ngủ vĩnh hằng của Đại tướng.
Nghĩa trang Trường Sơn – Nơi các anh nằm xuống
Nghĩa trang Trường Sơn – nơi yên nghỉ của hơn 10.000 anh hùng liệt sĩ những ngày cuối tháng 7, đông đúc nhưng không quá ồn ào. Khói hương nghi ngút bao trùm làm không gian nơi đây càng anh linh và trang nghiêm đến kì lạ.
Nhìn từ xa lại, nơi đây như được phủ bởi một tấm khăn trắng khổng lồ. Đó là những mộ phần màu trắng đặt lớp lớp thẳng hàng. Các phần mộ được xây kiên cố, có sơ đồ mộ chí, được các quản trang trông nom, giữ gìn chu đáo. Đường đi trong nghĩa trang được lát đá, gạch hoặc tráng xi măng, hai bên có nhiều cây xanh và hoa khiến mọi người không có cảm giác lạnh lẽo, u tịch. Mỗi khu mộ đều có nhà tưởng niệm với kiến trúc phảng phất hình ảnh các vùng quê đất nước.
Trong Nghĩa trang còn có Đại Hồng chung đặt tại tháp chuông do các tổ chức và cá nhân phát nguyện đúc và hiến cúng. Trên thân chuông có khắc lời đề từ của Giáo sư Anh hùng Lao động Vũ Khiêu:
Bát ngát Trường Sơn hồn liệt sĩ
Dạt dào Đông Hải khí anh linh
Ba hồi chiêu mộ rung tâm trí
Muôn dặm non song nặng nghĩa tình.
Dẫu đã nghe nhiều về Nghĩa trang Trường Sơn nhưng đến đây mới thấy nơi này rộng lớn quá. Khi đứng trước hơn 10.000 ngôi mộ liệt sĩ nằm cạnh nhau, trải dài trên đồi núi mênh mông, càng cảm nhận rõ hơn sự hy sinh lớn lao của các anh, các chị để giành lại độc lập cho dân tộc, thống nhất cho giang sơn. Hơn 10.000 người con trai, con gái từ khắp các miền quê VN, sau chiến tranh lại tụ họp ở đây. Tới đây, ai cũng có ý thức giữ yên lặng khi đi lại, nói chuyện để không làm ảnh hưởng tới giấc ngủ của các liệt sĩ. Trong lòng mỗi người trào dâng sự xúc động, nghẹn ngào. Đó không chỉ là niềm thương tiếc, xót xa mà xen lẫn sự khâm phục, lòng biết ơn. Họ tuy sinh thành ở khắp 3 miền đất nước nhưng giữa họ có chung một hướng đi, một con đường ra trận – đó là đường Hồ Chí Minh.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/tren-dat-lua-mien-trung-8697.htm” button=”Theo vinacomin”]