Thợ lò bỏ việc là vấn đề nóng đã và đang diễn ra tại hầu hết các đơn vị khai thác, xây dựng mỏ hầm lò. Tuy nhiên, rất nhiều thợ lò sau khi bỏ việc, đã xin trở lại mỏ. Đây là tín hiệu vui…
Lý giải về hiện tượng đáng vui này, các ông: Vũ Văn Điền – Giám đốc Công ty than Hạ Long; Bùi Đình Thanh – Giám đốc Công ty than Quang Hanh; Phạm Công Hương – Giám đốc Công ty Xây dựng mỏ Hầm lò II; Nguyễn Quốc Tuấn – Chánh văn phòng Công ty than Uông Bí; Trần Văn Hanh – Trưởng phòng TCLĐ Than Hòn Gai… đều chung ý kiến, lý do chính là những năm qua, tình hình kinh tế đất nước gặp khó khăn do ảnh hưởng suy thoái kinh tế toàn cầu, nhiều nơi, nhất là những khu công nghiệp, đời sống và việc làm của công nhân không ổn định; thu nhập thấp; điều kiện ăn, ở, sinh hoạt thấp kém; trong khi, đời sống, việc làm của công nhân ngành Than – Khoáng sản luôn ổn định và phát triển; đặc biệt là đời sống của thợ lò, được Tập đoàn cũng như các đơn vị chăm lo chu đáo.
Rất nhiều lý do khiến thợ lò bỏ việc mà Tạp chí TKV đã nêu và phân tích: Do hoàn cảnh gia đình; do nghề hầm lò nặng nhọc, độc hại, kém sự hấp dẫn; cũng có nhiều người bỏ việc ở đơn vị hầm lò này rồi xin sang đơn vị khác để được gần nhà hơn hoặc có thu nhập cao hơn như một sự luân chuyển và cũng không ít người “ảo tưởng”, bỏ nghề hầm lò hy vọng tìm được nghề hấp dẫn hơn… Tuy nhiên, trong số thợ lò thôi việc, không phải ai cũng tìm được nơi làm việc tốt hơn nghề hầm lò mà họ đã làm.
Chúng tôi đồng tình với ý kiến của những vị lãnh đạo nêu trên. Quả nhiên, ai cũng biết nghề hầm lò nặng nhọc nhưng nhiều thợ lò không muốn làm các công việc phụ trợ trên mặt đất như bốc vác vật tư, vệ sinh công nghiệp, phụ xây… Những công việc này thường “dành” cho thợ lò bị vi phạm kỷ luật!
Về tiền lương, có thể chưa cao so với công sức và điều kiện làm việc của thợ lò. Tuy nhiên, so với các ngành công nghiệp khác (trừ Dầu khí) thì lương thợ lò cao hơn nhiều. Năm qua, Tập đoàn đã 2 lần tăng lương cho thợ lò; lần thứ nhất 5% và lần thứ 2 tăng 10% (riêng khối xây lắp mỏ – đào lò XDCB chưa tăng đơn giá đào lò nên coi như chưa tăng lương). Mặt khác, các đơn vị cũng có nhiều chính sách khuyến khích thợ lò nâng cao năng suất lao động nên thu nhập của thợ lò năm qua khá cao. Chẳng hạn, Than Dương Huy bình quân thợ lò 12,6 triệu đồng/người/tháng, tăng 13 %; Than Quang Hanh bình quân quý 4 của thợ lò đạt 13 triệu; Than Hòn Gai bình quân thợ lò 12,8 triệu… Đặc biệt, những đơn vị hầm lò thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp, chuyển từ công ty 2 cấp sang 1 cấp, gặp rất nhiều khó khăn nhưng đã “bứt phá” về mọi mặt; ổn định tổ chức, chăm lo tốt đời sống cho công nhân. Đó là Than Hạ Long, bình quân thu nhập của thợ lò 12,5 triệu đồng; nhiều phân xưởng hầm lò của Than Uông Bí bình quân thu nhập của thợ lò những tháng cuối năm 2014 từ 13 – 14,3 triệu đồng, cao gấp rưỡi so với khi chưa thực hiện đề án tái cơ cấu doanh nghiệp. Thợ lò khối xây lắp mỏ, dù tính chất công việc “xê dịch”, nhưng các đơn vị cũng chăm lo việc ăn, ở cho công nhân đàng hoàng; dù đơn giá mét lò chưa được điều chỉnh nhưng do nhiều nỗ lực trong tổ chức sản xuất và quản lý nên năng suất đào lò cao, đương nhiên là thu nhập của thợ đào lò cao. Năm qua, thợ đào lò Công ty Xây dựng mỏ Hầm lò II đạt bình quân 16 triệu đồng/người/tháng, cao thứ nhì trong khối hầm lò của Tập đoàn…
Có thể một số đơn vị; một số công trường, phân xưởng còn có những biểu hiện tiêu cực với thợ lò; thợ lò còn bị quát mắng, dọa nạt; bị gây phiền hà trong việc giải quyết chế độ, chính sách… nhưng đó chỉ là cá biệt và sẽ dần được xóa bỏ.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/tho-lo-tro-lai-mo-tin-hieu-vui-9841.htm” button=”Theo vinacomin”]