Năm lý do khiến Daewoo sụp đổ
Thứ hai: Không sử dụng phương thức tài trợ thông qua tăng vốn cổ phần để duy trì việc kiểm soát của chủ tịch tập đoàn. Việc dựa quá mức vào các khoản nợ làm giảm lợi nhuận của các dự án và dẫn đến tỉ lệ nợ/vốn cổ phần cao. Do vậy, Daewoo dễ bị ảnh hưởng bởi các cú sốc từ bên ngoài như suy thoái kinh tế, lãi suất tăng và thắt chặt tín dụng.
Thứ ba: Việc bảo lãnh các khoản vay chéo cho phép Daewoo tham gia vào các lĩnh vực kinh doanh mới mà không có sự định giá chính xác và sự gắn kết lỏng lẻo giữa các công ty dẫn đến sự tồn tại dựa vào vốn đi vay. Điều này làm xấu đi vấn đề dòng tiền và dẫn đến sự sụp đổ của các công ty liên kết.
Thứ tư: Việc đa dạng hóa trong hàng chục lĩnh vực kinh doanh giúp cho Daewoo có một mạng lưới an toàn trong các giao dịch gian lận giữa các công ty liên kết. Tuy nhiên điều này đã trở thành vật cản của Tập đoàn trong việc tập trung vào năng lực cốt lõi. Sự sai lầm này đã dẫn Daewoo thực hiện các chiến lược lỗi thời bằng cách dựa vào sản phẩm giá thấp, chất lượng thấp và giảm năng lực cạnh tranh của mình trên thị trường.
Thứ năm: Không minh bạch và vô nguyên tắc trong hệ thống kế toán đã giúp Tập đoàn che dấu bức tranh tài chính thực trong một thời gian dài. Việc này đã không khuyến khích các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài đầu tư vào Tập đoàn. Việc thiếu khả năng kiểm soát và đánh giá cẩn thận hoạt động đã làm mất lòng tin và tạo nên sự bất lực của thị trường trong việc kiểm soát tài sản của Tập đoàn.
Chính phủ cũng có trách nhiệm trong vấn đề này bởi vì đã không tôn trọng các nguyên tắc và luật do chính mình đặt ra. Việc thực thi luật và các quy định không nghiêm, không thống nhất và mâu thuẫn đã đưa ra các tín hiệu trái ngược nhau đến các tập đoàn, thể chế tài chính và thị trường.
Bài học kinh nghiệm cho tái cấu trúc TKV
Từ thực tế xảy ra dẫn tới sự sụp đổ của tập đoàn Daewoo cũng như những vấn đề đặt ra trong quá trình tái cấu trúc các tập đoàn kinh tế Nhà nước, trong đó có Tập đoàn CN Than – Khoáng sản Việt Nam, bài viết xin đưa ra một số bài học kinh nghiệm cho quá trình tái cấu trúc của Vinacomin như sau:
Thứ nhất: Can thiệp sớm khi có dấu hiệu khủng hoảng
Sự thất bại của Daewoo không thể cứu vãn được và dẫn tới sự sụp đổ là do những dấu hiệu của sự trục trặc trong hoạt động của Tập đoàn này đã không được phát hiện sớm hoặc cố tình bị lờ đi. Vì vậy, kinh nghiệm đầu tiên rút ra cho TKV và các tập đoàn khác ở Việt Nam là phải xây dựng một cơ chế kiểm soát các dấu hiệu khủng hoảng để từ đó có khả năng can thiệp sớm trước khi khủng hoảng xảy ra. Trường hợp của Daewoo cho thấy khủng hoảng xảy ra bắt đầu từ khủng hoảng chiến lược và cuối cùng là khủng hoảng về tài chính (lợi nhuận). Việc xây dựng chiến lược có sự tham gia của cả các đối tượng bên trong (chủ sở hữu, người quản lý…) và bên ngoài doanh nghiệp (chủ nợ, khách hàng…) sẽ đảm bảo các chiến lược có sự giám sát. Từ đó doanh nghiệp có thể tránh được tình trạng người ra quyết định lại không phải chịu trách nhiệm về các quyết định của mình đồng thời tạo ra một áp lực buộc người lãnh đạo không thể duy trì một chiến lược lỗi thời khi có sự thay đổi. Điều này tạo động lực cho doanh nghiệp có thể tiến hành tái cấu trúc ngay khi có thể. Sự trì hoãn quá trình tái cấu trúc của Daewoo dẫn tới sự sụp đổ của tập đoàn này cho thấy việc tái cấu trúc càng sớm càng giúp doanh nghiệp có thể vượt qua được khủng hoảng một cách nhẹ nhàng hơn.
Thứ hai: Cần minh bạch về tài chính
Vấn đề lớn nhất mà Daewoo gặp phải đó là các trục trặc về tài chính. Câu chuyện của Daewoo cho thấy minh bạch về tài chính là một yếu tố then chốt tạo ra sự bền vững cho một tổ chức, nhất là một tập đoàn có quy mô lớn, đa ngành đa nghề. Tiến tới một cấu trúc tài chính minh bạch là yêu cầu tất yếu của quá trình tái cấu trúc các tập đoàn của Việt Nam trong đó có Vinacomin. Câu hỏi đặt ra là yếu tố nào về mặt tài chính cần tập trung trong quá trình tái cấu trúc? Từ trường hợp của Daewoo có thể thấy cơ cấu vốn hợp lý là yếu tố quan trọng tạo ra một cấu trúc tài chính lành mạnh. Vinacomin cần xây dựng một kế hoạch dài hạn trong đó bao gồm (i) đánh giá lại cấu trúc vốn của Tập đoàn và các đơn vị thành viên để tìm ra những vấn đề còn tồn tại; (ii) xây dựng các chỉ tiêu về cơ cấu vốn dựa trên thực tế của Tập đoàn cũng như học hỏi kinh nghiệm của các tập đoàn hoạt động trong cùng lĩnh vực ở một số quốc gia trong khu vực; (iii) đưa ra các phương án về việc huy động vốn nhằm duy trì cơ cấu vốn mục tiêu.
Một vấn đề nữa về tài chính cần quan tâm đó là sự độc lập về mặt tài chính giữa các đơn vị thành viên trong tập đoàn. Sự đổ vỡ của tập đoàn Daewoo một phần bắt nguồn từ mối quan hệ chồng chéo về tài chính giữa các công ty con dẫn tới các kết quả tài chính bị thổi phồng và khó kiểm soát. Vinacomin cần xây dựng một cơ chế tài chính đảm bảo sự độc lập giữa các đơn vị thành viên, tránh sự đầu tư chéo lẫn nhau, trong đó cần tăng cường tính hiệu quả của hoạt động giám sát nội bộ về tài chính. Thực tế nhiều trục trặc của một số các tập đoàn được phát hiện thời gian gần đây cho thấy hoạt động giám sát nội bộ chỉ là hình thức. Việc trao quyền thực sự cho ban kiểm soát tập đoàn, nhất là về mặt tài chính là rất quan trọng nhằm đảm bảo tính minh bạch về mặt tài chính.
Thứ ba: Kinh doanh phải dựa trên năng lực cốt lõi
Một trong những nguyên nhân gây ra sự sụp đổ của Daewoo đó là sự dàn trải trong hoạt động kinh doanh dẫn tới mất định hướng trong việc xác định năng lực cốt lõi để duy trì tính cạnh tranh. Đây cũng là vấn đề mà hầu hết các tập đoàn của Việt Nam đang đối mặt. Chính phủ cũng đã yêu cầu các tập đoàn kinh tế của Nhà nước phải thoái vốn ra khỏi các lĩnh vực đầu tư ngoài ngành. Đây là hướng đi đúng nhưng vấn đề quan trọng hơn là các tập đoàn cần xác định rõ năng lực cốt lõi của mình là gì và đưa ra các chiến lược phù hợp. Vinacomin cần phải rà soát lại toàn bộ hoạt động kinh doanh của mình để từ đó tìm ra những lĩnh vực mà mình có lợi thế cạnh tranh để từ đó phát huy tối đa hiệu quả của việc sử dụng các nguồn lực nhằm đạt được mục tiêu đề ra. Thực tế cho thấy những doanh nghiệp thành công là những doanh nghiệp biết tập trung vào năng lực cốt lõi mà không bị sao nhãng bởi những lĩnh vực kinh doanh chỉ thu được lợi nhuận trong ngắn hạn.
Thứ tư: Duy trì khả năng tự đổi mới
Một yếu tố đi kèm với năng lực cốt lõi để đảm bảo cho sự thành công của một doanh nghiệp đó là khả năng đổi mới. Sự sụp đổ của Daewoo một phần là do theo đuổi những chiến lược kinh doanh lỗi thời không phù hợp với điều kiện thị trường. Đây cũng là kinh nghiệm mà TKV cần quan tâm. Thời kỳ các tập đoàn sống dựa vào sự ưu đãi từ phía Nhà nước sẽ qua, TKV cần phải chủ động đổi mới đặc biệt là về cơ chế quản trị. Cần phải có sự phân quyền trong việc ra quyết định để từ đó xác định trách nhiệm một cách rõ ràng khi có vấn đề trục trặc xảy ra. TKV cần xây dựng những quy trình chuẩn mực về việc ra quyết định để tránh tình trạng vô nguyên tắc và mâu thuẫn trong các quyết định, vết xe đổ mà Daewoo đã đi qua. Bên cạnh đó, việc đổi mới công nghệ để duy trì và nâng cao khả năng cạnh tranh cũng là một bài học kinh nghiệm có được từ trường hợp của Daewoo.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/tai-cau-truc-tkv-bai-hoc-tu-deawoo-9382.htm” button=”Theo vinacomin”]