Nhắc đến “Tướng Ét” (có người gọi là “Đại tướng Ét”), dân vùng Mỏ còn nhớ những câu chuyện kinh hoàng về “vị tướng” lưu manh này. “Tướng Ét” lừng danh ở vùng Mỏ vào thập kỷ 60, 70 của thế kỷ trước với biệt tài mở khóa, đột nhập vào bất cứ đâu như ma. Nhưng có lẽ ít người biết, Nhà văn Võ Khắc Nghiêm, cựu Phó Tổng Biên tập Tạp chí Than, tác giả của hàng chục tiểu thuyết và vở kịch “Nhân danh công lí” nổi tiếng từng cưu mang, cảm hóa “Tướng Ét”.
Khi lớn lên, chừng 15-16 tuổi, TS tập hợp một đám thiếu niên hư lập thành băng đảng, tự phong cho mình là …”Đại tướng Ét”! Băng đảng của TS ngày ấy khét tiếng về trộm cắp, trấn lột, ăn chặn, cướp giật, gây hoang mang cho dân vùng Mỏ …
Đó là những giai thoại, không rõ thực hư ra sao.Thời làm việc ở Quảng Ninh, người viết bài này được nghe mấy ông bạn viết văn, làm thơ nói rằng, Nhà văn Nguyễn Quang Thân đã lấy nguyên mẫu “Tướng Ét” để viết chuyện dài “Chú bé có tài mở khóa”. Sách do NXB Kim Đồng ấn hành năm 1983 và đoạt giải Nhất, giải thưởng văn học của Hội Nhà văn Việt Nam về sách văn học thiếu nhi năm đó. Tôi tìm đọc cuốn sách này và quả nhiên thấy một số tình tiết trong truyện giống như một số giai thoại về “Tướng Ét”. Thấy vậy, tôi liền gọi điện cho Nhà văn Nguyễn Quang Thân, hiện ở tại cư xá Thanh Đa, quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh hỏi xem khi viết truyện này, ông có lấy nguyên mẫu “Tướng Ét” ở Cẩm Phả không? Nhà văn cho hay, ông không lấy nguyên mẫu nào cả. Nhưng thời đó, ông nghe nhiều chuyện về thanh thiếu niên lưu manh, giang hồ ở Hải Phòng, Quảng Ninh, từ đó hư cấu thành tác phẩm nêu trên.
Chúng tôi đã về Cẩm Phả, tìm hiểu về “Tướng Ét” mong làm sáng tỏ những giai thoại trên. Nhưng hỏi thăm, tôi được biết “Tướng Ét” đã mất từ năm1993 do bạo bệnh. Nhiều người dân ở đây cho hay, tên thật của “Tướng Ét” là Nguyễn Đức Thảo, sinh năm 1949. Trước năm 1972, gia đình “Tướng Ét” sống ở khu Cốt Mìn, đối diện với khu Quảng trường 12/11 Cẩm Phả hiện nay. Thời trẻ, Nguyễn Đức Thảo nghịch ngợm, ngổ ngáo, lưu manh trộm cắp, lập băng đảng, tự phong cho mình là “Tướng Ét” là có thật. Nhiều bác cao tuổi ở Cẩm Phả xác nhận, thời bấy giờ, nhiều thanh niên lưu manh khác cũng trộm cắp, rồi đội lốt “Tướng Ét”; “Tướng Ét” bị oan cũng nhiều.
Băng đảng của “Tướng Ét” ngày ấy nhanh chóng bị lực lượng công an triệt phá. “Tướng Ét” bị bắt, đi cải tạo 2 lần. Lần thứ hai, “Tướng Ét” bị bắt đi cải tạo ở Trại tạm giam 14 Hà Lầm, cùng với ông Nguyễn Đức Phan, bị phạt tù vì tội thiếu tinh thần trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng trong vụ tai nạn lao động tại Công trường xây dựng Mỏ than Mông Dương, năm 1974 (sau khi ra tù, ông Phan phấn đấu trở thành Thứ trưởng Bộ Mỏ và Than, Bộ Công nghiệp suốt 16 năm).
Nhà văn Võ Khắc Nghiêm kể, khoảng năm 1967-1968, khi ông đang làm Trưởng đài truyền thanh TX Cẩm Phả đã biết “Tướng Ét” với những chuyện ngổ ngáo, lưu manh trộm cắp. Hoàn cảnh của “Tướng Ét” lúc đó rất đáng thương. Bố là thợ lò, mất sớm, để lại đàn con (trong đó có người nay là chủ doanh nghiệp thành đạt ở Cẩm Phả). Nom bề ngoài “Tướng Ét” có vẻ dữ tợn, lông mày xếch, đẹp trai; những trò lưu manh trộm cắp là do tuổi trẻ nông nổi, nghịch ngợm, không phải là bản chất. Thấy vậy, Nhà văn Võ Khắc Nghiêm đón “Tướng Ét” về nuôi. Thời gian đầu, “Tướng Ét” tỏ ra ngoan ngoãn, cố “làm lại cuộc đời” để được lãnh đạo địa phương tin tưởng, cho đi bộ đội. Nhưng thời ấy, một số ông cán bộ địa phương áp dụng phương pháp “lấy độc trị độc”, tức là dùng “Tướng Ét“ để bắt bớ những vụ trộm cắp, buôn lậu, trốn thuế nên “Tướng Ét” phải đi “thi hành công vụ” thâu đêm. Lại được ăn uống, nhậu nhẹt, tiếp xúc với tệ nạn xã hội liên miên nên “Tướng Ét” lại sa vào trộm cắp, bị vào tù. Năm 1977, ra tù, “Tướng Ét” quyết “làm lại cuộc đời”, vào làm công nhân hầm lò, Công trường C, mức 128 Tây Khe Sim, thuộc Mỏ than Thống Nhất. Năm 1993, ông mất vì bị bạo bệnh.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/tuong-et-tu-luu-manh-tro-thanh-tho-mo-9383.htm” button=”Theo vinacomin”]