Quảng Ninh có nhiều di tích, khu lưu niệm liên quan về lịch sử ra đời, phát triển của Đảng tại Vùng mỏ. Đây là những địa chỉ đỏ góp phần giáo dục truyền thống cách mạng và bồi đắp tinh thần yêu nước cho thế hệ trẻ.
Đầu tiên phải kể đến cụm di tích lịch sử – cách mạng khu mỏ Mạo Khê bao gồm: Địa điểm thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam đầu tiên của khu mỏ Quảng Ninh; chùa Non Đông (Tường Quang tự) và Nhà máy Cơ khí Mạo Khê.
Khoảng tháng 9/1929, đồng chí Nguyễn Văn Cừ được cử tới Mạo Khê trực tiếp lao động và gây dựng cơ sở cách mạng. Chùa Non Đông là nơi đồng chí và anh em công nhân thường bí mật gặp gỡ bàn bạc công việc hằng ngày.
Đảng Cộng sản Việt Nam thành lập vào ngày 3/2/1930, thì 20 ngày sau tại khu mỏ Mạo Khê, hội nghị thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản được tiến hành tại căn nhà nhỏ phía Nam của mỏ. Chi bộ gồm có 5 đồng chí là: Đặng Châu Tuệ, Vũ Thị Mai, Nguyễn Huy Sán, Bùi Văn Mạo, Bùi Đức Giao.
Đồng chí Nguyễn Văn Cừ, người phụ trách khu mỏ, giới thiệu đồng chí Nguyễn Đức Cảnh thay mặt Đảng công nhận từng đồng chí vào Đảng và tuyên bố thành lập Chi bộ Đảng, đồng chí Đặng Châu Tuệ được chỉ định làm Bí thư chi bộ. Chi bộ Đảng Cộng sản ở Mạo Khê là Chi bộ thành lập đầu tiên ở khu mỏ Quảng Ninh.
Cựu chiến binh Công ty Than Hà Tu kể chuyện về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của đồng chí Vũ Văn Hiếu cho học sinh.
Sự kiện này đã mở ra một bước ngoặt quan trọng cho phong trào công nhân tại khu mỏ đưa đến sự ra đời các chi bộ đảng cộng sản ở Hòn Gai, Cẩm Phả, Cửa Ông, Uông Bí – Vàng Danh và các tổ chức quần chúng được xây dựng với nhiều hình thức phong phú, như: Công hội đỏ, Thanh niên Cộng sản đoàn, Hội Phụ nữ v.v…
Thời kỳ này, cơ sở đảng ở Vùng mỏ đã thực sự ăn sâu bám rễ trong quần chúng, tạo điều kiện cho phong trào công nhân Vùng mỏ phát triển mạnh mẽ. Năm 2015, nhà bia đã được dựng tại điểm thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên ở khu mỏ Quảng Ninh tại khu phố Dân Chủ, phường Mạo Khê (TX Đông Triều). Năm 2019, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã xếp hạng di tích quốc gia cho Di tích lịch sử mỏ than Mạo Khê.
Trên địa bàn thành phố Hạ Long hiện nay có hai khu lưu niệm, tượng đài đồng chí Vũ Văn Hiếu, Bí thư Đặc khu ủy vùng mỏ Quảng Ninh. Đầu tiên là tượng đài tại Nhà Văn hóa Công nhân mỏ than Hà Tu, nơi sinh thời đồng chí Vũ Văn Hiếu đã sống và tham gia hoạt động cách mạng. Sau tượng đài có một bức phù điêu bằng đất nung, có chiều dài 10,5m và chiều rộng là 5,5m. Tượng đài do nhà điêu khắc Mai Ngọc Trọng thực hiện.
Một tượng đài khác đặt tại Lán Bè, trên khu đất của Thư viện tỉnh cũ, gần Công viên hoa Hạ Long do nhà điêu khắc Phạm Sinh thực hiện. Tượng đài đồng chí Vũ Văn Hiếu được thiết kế dạng bán thân cao bằng đồng đỏ nguyên chất nặng 1,7 tấn, đặt trên bệ đá hoa cương nguyên khối cao 6m, tứ diện trạm khắc hoạ tiết mô phỏng hình dạng vỉa than, phong cảnh Vịnh Hạ Long.
Khuôn viên khu vực đặt tượng còn có các hạng mục phụ trợ: Sân hành lễ, cây xanh, hệ thống giao thông, hạ tầng kỹ thuật, điện chiếu sáng… Tượng đài đồng chí Vũ Văn Hiếu có mối liên kết chặt chẽ với đài liệt sĩ Quảng Ninh.
Ở Quảng Ninh hiện nay có 2 địa danh ghi dấu sự kiện những người chiến sĩ Cộng sản kiên trung cắm cờ Đảng cổ vũ phong trào đấu tranh của công nhân. Đầu tiên là cầu trục Poóc tích 1, nơi người cộng sản trẻ tuổi Ngô Huy Tăng, công nhân Nhà máy sàng Cửa Ông, đã cắm lá cờ đỏ búa liềm vào đêm 6, rạng 7/11/1929.
Cầu trục Poóc tích số 1 được người Pháp thiết kế để chuyên rót than xuống tàu tại bến cảng Cửa Ông. Tháng 6/1929, Đông Dương Cộng sản Đảng được thành lập ở Bắc Kỳ, Ngô Huy Tăng vinh dự là người công nhân đầu tiên ở Vùng mỏ trở thành đảng viên Đảng Cộng sản khi anh vừa bước sang tuổi 18.
Tin tưởng vào ý thức trách nhiệm của người đảng viên trẻ, Chi bộ quyết định giao nhiệm vụ cắm cờ đỏ búa liềm trên cầu Poóc tích số 1 tại Xí nghiệp Bến Cửa Ông để kỷ niệm lần thứ 12 Cách mạng Tháng Mười Nga cho đồng chí Ngô Huy Tăng. Bằng sự mưu trí và lòng quả cảm, ở nơi đầy nguy hiểm trong sự kiểm soát nghiêm ngặt của kẻ thù, Ngô Huy Tăng đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của Đảng giao.
Năm 2017, TX Đông Triều khánh thành công trình nhà lưu niệm vị trí thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên tại khu mỏ Quảng Ninh. Ảnh: Xuân Quảng (CTV)
Lá cờ đỏ búa liềm là minh chứng cho sức mạnh, sự sục sôi của giai cấp công nhân lúc bấy giờ, mở màn cho hàng loạt phong trào đấu tranh chống Thực dân Pháp mà đỉnh cao là thắng lợi của cuộc bãi công năm 1936 của công nhân Vùng mỏ. Cầu trục Poóc tích số 1 cảng Cửa Ông đã được Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch) xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa năm 1997.
Một năm sau, lá cờ Đảng lại tiếp tục tung bay kiêu hãnh trên đỉnh núi Bài Thơ. Núi Bài Thơ ở trung tâm TP Hạ Long, là một di tích có giá trị văn hoá lịch sử quan trọng. Chiều ngày 30/4/1930, đồng chí Đào Văn Tuất nhận lá cờ Đảng do chị Cả Khương (đồng chí Phan Thị Khương, công nhân nhà sàng Hòn Gai) may và nhận chỉ thị từ đồng chí Nguyễn Công Hoà, Bí thư đầu tiên của Liên Tỉnh uỷ Quảng Hồng. Tối ngày 30/4, đồng chí Đào Văn Tuất đã quấn chặt lá cờ vào người, trèo lên núi Bài Thơ cắm cờ chắc chắn, rồi xuống núi báo cáo tổ chức.
Sáng 1/5, lá cờ Đảng tung bay trên đỉnh Mỏm Quạ, núi Bài Thơ. Từ các ngả đường công nhân đổ ra tham gia biểu tình. Cuộc biểu tình kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động ở Vùng mỏ đã tạo tiếng vang rất lớn, với một khí thế rất hiên ngang. Lá cờ Đảng được cắm lên đỉnh núi Bài Thơ năm ấy là một trong những tín hiệu báo trước giờ cáo chung của thực dân Pháp ở nước ta. Cụm di tích lịch sử và danh thắng núi Bài Thơ đã được công nhận là di tích quốc gia từ năm 1992.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tin-tuc/nhung-dia-chi-do-o-quang-ninh-202002031453153698.htm” button=”Theo vinacomin”]