Lớp thế hệ chúng tôi sinh ra, lớn lên trong các gia đình thợ mỏ ở Mạo Khê (Đông Triều) luôn mang trong mình niềm tự hào được trưởng thành từ cái nôi của giai cấp công nhân, hơn thế còn là nơi gieo mầm những hạt giống cách mạng – nơi thành lập chi bộ đảng cộng sản đầu tiên của Quảng Ninh…
Đồng chí Hoàng Quốc Việt. Ảnh: Bảo tàng Quảng Ninh
Không tự hào sao được khi Mạo Khê có lịch sử rất lâu đời với những kiến trúc cổ nghìn năm được tìm thấy dưới lòng đất trong khu vực này. Giai đoạn hiện đại, nơi đây có lịch sử khai mỏ than sớm nhất, khi ngày 10/1/1840, vua Minh Mạng đã có bức Dụ cho phép quan trông coi lúc bấy giờ là Tôn Thất Bật, Tổng đốc hạt Hải Yên (Quảng Ninh ngày nay) chính thức được bắt đầu khai thác than ở núi Yên Lãng, Đông Triều. Sau này, khi nhà nước phong kiến lúc bấy giờ nhượng quyền khai thác than cho thực dân Pháp, việc khai thác ở đây được mở rộng. Gắn liền với đó là sự ra đời của đội ngũ thợ mỏ. Theo số liệu cuộc tổng điều tra dân số của Pháp trên toàn Bắc Kỳ năm 1927, ở Mạo Khê thì làng Vĩnh Tuy có 356 người, làng Mạo Khê có 152 người, song phu mỏ Mạo Khê đã có tới 2.000 người, gốc là người các tỉnh vùng đồng bằng Bắc Bộ như Nam Định, Thái Bình, Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nam… Họ sinh sống ở các lán thợ, từ đó hình thành giai cấp công nhân mỏ, lập nghiệp tại các khu đất tự khai hoang, là các khu phố của phường Mạo Khê bây giờ.
Mạo Khê cũng giống như các khu mỏ khác ở Quảng Ninh khi ấy trở thành “vương quốc của bọn chủ mỏ thực dân”, thợ mỏ bị bóc lột thậm tệ. Họ trở thành những “con vật biết nói”, “lao động khổ sai”, ngày này tháng khác sống trong cảnh nghèo đói, bần cùng và bệnh tật. Từ cuộc sống bị áp bức tàn bạo ấy, người công nhân mỏ đã sớm nhận ra kẻ thù của dân tộc và giai cấp. Khi được giác ngộ cách mạng, họ đã từ đấu tranh tự phát tiến lên đấu tranh tự giác, có tổ chức.
Theo tài liệu về Di tích lịch sử mỏ than Mạo Khê, tại đây, từ năm 1926, đồng chí Hạ Bá Cang (tức Hoàng Quốc Việt) sau khi tham gia bãi khóa ở Trường Bách nghệ Hải Phòng bị đuổi học đã đến Mạo Khê làm thợ nguội ở nhà máy cơ khí. Nể vì đồng chí đã học Trường Bách nghệ nên bọn cai ký giao cho công việc chữa máy đầu tàu. Hằng ngày, đồng chí bảo anh em công nhân 2 người gác hai đầu máy, hễ thấy Tây đến thì gõ búa làm hiệu, còn anh em thợ đẩy đầu tàu đến hầm Bát – Sanh là tháo biên ra để đấy, xúm lại để nghe đồng chí Cang kể chuyện, tuyên truyền, giác ngộ… Đồng chí đã tập hợp một số anh em thành lập hội tương tế, tổ chức dưới hình thức một hội chơi họ gọi là Long Thương đoàn, để giúp đỡ lẫn nhau trong đời sống hằng ngày. Đây là hình thức đầu tiên tập hợp công nhân, tạo điều kiện hình thành những tổ chức cao hơn của công nhân mỏ Mạo Khê sau này.
Cảnh lao động khổ cực của thợ mỏ Mạo Khê thời Pháp. Ảnh: Bảo tàng Quảng Ninh
Khi phong trào vô sản hóa lan rộng ở Vùng mỏ, một số đảng viên thanh niên được Đảng bộ Hải Phòng cử ra Mạo Khê hoạt động bắt rễ và phát triển tổ chức vào những thợ mỏ do Hạ Bá Cang giác ngộ. Đầu tháng 3/1929, Chi bộ Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí hội ở Mạo Khê được thành lập. Tham gia hoạt động, người được phân công giữ truyền đơn, tài liệu, cờ đỏ; người dạy văn hóa cho anh em hội viên chưa biết chữ, dạy cho anh em phu lò, chị em nhà sàng, chị em làm đường và tiểu thương. Cùng với đó có tổ chức Công hội đỏ, cả hai tổ chức được thành lập đều nhằm tập hợp đội ngũ công nhân mỏ thành một lực lượng cách mạng đông đảo.
Sau khi tổ chức Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí hội giải tán, Đông Dương Cộng sản Đảng thành lập, tại Mạo Khê đã thành lập Chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng. Khoảng tháng 9/1929, đồng chí Nguyễn Văn Cừ (tức Phùng Ngọc Tường) được cử tới Mạo Khê trực tiếp lao động và gây dựng cơ sở cách mạng. Mặc dù lao động nặng nhọc, lại bị sốt rét hoành hành, nhưng đồng chí vẫn tranh thủ những giờ nghỉ để tâm tình với anh em công nhân. Chùa Non Đông là nơi đồng chí và anh em công nhân thường bí mật gặp gỡ bàn bạc công việc hằng ngày.
Đảng Cộng sản Việt Nam thành lập vào ngày 3/2/1930, thì 20 ngày sau tại khu mỏ Mạo Khê, hội nghị thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản được tiến hành tại căn nhà nhỏ đơn sơ, hẻo lánh cạnh xóm thợ phía Nam của mỏ. Đồng chí Phùng (tức Nguyễn Văn Cừ) phụ trách khu mỏ, giới thiệu đồng chí Trọng (tức Nguyễn Đức Cảnh) thay mặt Đảng công nhận từng đồng chí vào Đảng. Chi bộ gồm có 5 đồng chí là: Đặng Châu Tuệ, Vũ Thị Mai, Nguyễn Huy Sán, Bùi Văn Mạo, Bùi Đức Giao. Đồng chí Đặng Châu Tuệ được chỉ định làm Bí thư Chi bộ. Chi bộ Đảng Cộng sản ở Mạo Khê là Chi bộ thành lập đầu tiên ở khu mỏ Quảng Ninh.
Sự kiện này đã mở ra một bước ngoặt quan trọng cho phong trào công nhân tại khu mỏ. Sau khi Chi bộ Đảng ở Mạo Khê ra đời, các chi bộ đảng cộng sản ở Hòn Gai, Cẩm Phả, Cửa Ông, Uông Bí – Vàng Danh cũng lần lượt ra đời. Cùng với việc thành lập các chi bộ đảng, các tổ chức quần chúng được xây dựng với nhiều hình thức phong phú, như: Công hội đỏ, Thanh niên Cộng sản đoàn, Hội phụ nữ, Hội đá bóng, Hội học chữ quốc ngữ… Thời kỳ này, cơ sở đảng ở Vùng mỏ đã thực sự ăn sâu bám rễ trong quần chúng, tạo điều kiện cho phong trào công nhân vùng mỏ phát triển mạnh mẽ.
Năm 2017, TX Đông Triều khánh thành công trình nơi thành lập Chi bộ Đảng cộng sản đầu tiên của Khu mỏ Quảng Ninh. Ảnh: Xuân Quảng (CTV)
Ở Mạo Khê, Chi bộ Đảng Cộng sản Mạo Khê đã lãnh đạo công nhân mỏ đấu tranh bằng nhiều hình thức và có kết quả hơn. Sau này đã thành lập được tổ chức Việt Minh tại Mạo Khê, là cơ sở tốt để chuẩn bị cùng nhân dân trong vùng đứng lên giành chính quyền cách mạng khi có thời cơ. Anh em công nhân mỏ Mạo Khê đã sử dụng máy móc, nguyên liệu của bọn chủ mỏ, bí mật chế tạo, sửa chữa vũ khí, như dao, rựa, mìn, lựu đạn, để tự trang bị cho mình và cung cấp cho các vùng lân cận. Ngày 8/6/1945, thực hiện chủ trương của Đảng, cuộc khởi nghĩa giành chính quyền thành lập Chiến khu Trần Hưng Đạo ra đời. Công nhân mỏ Mạo Khê đã gia nhập nghĩa quân rất đông và Mạo Khê trở thành căn cứ quan trọng, tiền đồn của Chiến khu. Sau khi khởi nghĩa giành thắng lợi, dưới sự lãnh đạo của chính quyền cách mạng, công nhân mỏ Mạo Khê đã tích cực cùng nhân dân tăng gia sản xuất, diệt giặc đói, giặc dốt, góp quỹ độc lập, xóa bỏ các tệ nạn xã hội, củng cố chính quyền cách mạng…
Mỏ Mạo Khê hiện nay là một đơn vị sản xuất hầm lò lớn trong ngành Than. Đời sống vật chất, tinh thần của cán bộ, công nhân viên được chăm lo toàn diện. Vào ngày Truyền thống công nhân vùng Mỏ – Truyền thống ngành Than 12/11 hằng năm, Công ty Than Mạo Khê thường tổ chức cho cán bộ, công nhân viên đến thăm những nơi trước đây các đồng chí cán bộ cách mạng đã đến “vô sản hóa” và các cơ sở hoạt động, để ôn lại truyền thống của phong trào công nhân.
Chùa Non Đông, nơi đồng chí Nguyễn Văn Cừ và anh em công nhân thường bí mật gặp gỡ bàn bạc công việc hằng ngày; nay được tu bổ, tôn tạo lại khang trang hơn.
Các điểm gắn với quá trình hoạt động của các cán bộ cách mạng tiền bối năm xưa (hầm Bát – Sanh, chùa Non Đông, địa điểm thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên ở khu mỏ) thuộc Di tích lịch sử mỏ than Mạo Khê, đã được công nhận là Di tích cấp quốc gia vào tháng 8/2019. Trước đó, Di tích đã được tỉnh phê duyệt quy hoạch tổng thể bảo quản, tu bổ phục hồi với dự toán kinh phí trên 52,2 tỷ đồng, trong đó nơi thành lập Chi bộ là 2,1 tỷ đồng. Năm 2017, địa điểm thành lập Chi bộ đã được đầu tư, gồm nhà bia, tường rào, hệ thống chiếu sáng, sân vườn, cây xanh, thảm cỏ. Chùa Non Đông nay đã được huy động nguồn xã hội hóa từng bước trùng tu, tôn tạo khang trang, tạo điều kiện cho nhân dân trong vùng và công nhân mỏ đến thắp hương lễ Phật, bảo tồn một di sản văn hóa gắn với truyền thống cách mạng nơi đây…
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tin-tuc/noi-do-mat-troi-chan-ly-choi-qua-tim-202001301118363835.htm” button=”Theo vinacomin”]