Vừa qua, tại Quảng Ninh, Công đoàn Than Khoáng sản Việt Nam phối hợp với lãnh đạo Liên đoàn Lao động và Bảo hiểm Xã hội tỉnh Quảng Ninh, tổ chức đối thoại trực tiếp về chính sách Bảo hiểm Xã hội, Bảo hiểm Y tế với người lao động các doanh nghiệp ngành Than Khoáng sản Việt Nam. Dưới đây là 10 vấn đề người lao động bức xúc nhất bàn thảo tại cuộc đối thoại được phóng viên Tạp chí Than – Khoáng sản Việt Nam lược ghi. Tuy nhiên, nhiều câu trả lời của Bảo hiểm Xã hội, Bảo hiểm Y tế tỉnh Quảng Ninh v
Trả lời câu hỏi này, lãnh đạo Bảo hiểm xã hội tỉnh Quảng Ninh cho biết, theo Nghị định 49/CP năm 2013 và Nghị định số 66/CP năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ hướng dẫn thì hiện tại Bảo hiểm Xã hội vẫn chi trả cho người hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội theo mức lương tối thiểu là 1.050.000 đồng. Tuy nhiên, cũng theo hướng dẫn, đây chỉ là mức chi tạm thời cho người lao động đến khi có hướng dẫn mới. Khi đó, người lao động sẽ được điều chỉnh chi trả các khoản bảo hiểm xã hội theo mức lương tối thiểu mới là 1.150.000 đồng. Trường hợp những người đã được chi trả theo mức lương tối thiểu 1.050.000 đồng thì sẽ được truy lĩnh theo mức lương tối thiểu đã đóng vào hoặc mức lương tối thiểu hiện hành.
2. Người lao động đi điều trị bệnh tại một số Bệnh viện hay Trung tâm Y tế nhưng giấy chứng nhận nghỉ ốm tại một số cơ sở này không được Bảo hiểm Y tế công nhận. Điều này gây thiệt thòi cho người lao động khi đi khám chữa bệnh?
Trả lời câu hỏi này, lãnh đạo Bảo hiểm Y tế Quảng Ninh trả lời: Đúng là hiện nay có một số cơ sở khám chữa bệnh không ký hợp đồng với Bảo hiểm Y tế nên không được cấp giấy nghỉ ốm cho người lao động. Do vậy, để đảm bảo quyền lợi của mình, trước mắt, người lao động cần khám chữa bệnh đúng tuyến. Tuy nhiên trong trường hợp cấp cứu, người lao động phải đến các cơ sở khám chữa bệnh này là một thiệt thòi. Đây là một bất cập lớn mà Bảo hiểm Y tế đang phối hợp với Sở Y tế tỉnh Quảng Ninh để tháo gỡ vấn đề này trong thời gian sớm nhất.
3. Hiện nay có quá nhiều tên chức danh, nghề nghiệp được ghi trong sổ Bảo hiểm Xã hội và đã được Bảo hiểm Xã hội chốt sổ, thu phí bảo hiểm. Tuy nhiên, khi chi trả quyền lợi bảo hiểm cho người lao động thì Bảo hiểm Xã hội lại không công nhận tên chức danh, nghề nghiệp đó và không chi trả quyền lợi bảo hiểm xã hội cho người lao động?
Bảo hiểm Xã hội trả lời: Việc quy định các chức danh nghề nghiệp đã được Bảo hiểm Xã hội quy định từ lâu. Hàng năm, Bảo hiểm Xã hội vẫn phối hợp với các đơn vị bổ sung tên các chức danh, nghề nghiệp mới. Việc này cũng làm cho các cán bộ Bảo hiểm Xã hội khá vất vả trong việc xác định chức danh nghề nghiệp đảm bảo quyền lợi cho người lao động. Chẳng hạn như khi học nghề xong ra trường, người lao động được ghi nghề nghiệp là “Công nhân Cơ điện”. Theo đó, Bảo hiểm Xã hội chi trả quyền lợi bảo hiểm cho người lao động theo nghề cơ điện sẽ không thuộc nhóm công việc độc hại, nguy hiểm. Tuy nhiên, trên thực tế, người công nhân này lại làm việc cơ điện trong lò là thuộc nhóm công việc nặng nhọc, độc hại. Đây là một bất cập mà Bảo hiểm Xã hội sẽ phối hợp với các đơn vị cùng giải quyết và chi trả quyền lợi bảo hiểm cho người lao động cho phù hợp.
4. Một số trường hợp bị tai nạn lao động trong điều kiện đặc biệt như: Được điều động đi làm nhiệm vụ tại nơi khác (giải phóng mặt bằng, san lấp lò than thổ phỉ…) bị tai nạn lao động tại nơi khác hoặc trên đường đi làm nhiệm vụ… nên không được giải quyết theo quyền lợi bảo hiểm là tai nạn lao động?
Bảo hiểm Xã hội trả lời: Quy định giải quyết quyền lợi bảo hiểm xã hội về tai nạn lao động là phải xảy ra tại nơi làm việc và vào thời gian làm việc. Trường hợp xảy ra tại nơi khác sẽ thuộc quyền điều tra tai nạn của địa phương. Trong trường hợp cụ thể, người lao động có lệnh điều động làm việc tại vị trí nào đó, vào giờ nào đó thì sẽ được coi là hợp lệ. Vấn đề ở đây là người sử dụng lao động cần có đầy đủ hồ sơ về tai nạn lao động. Qua trường hợp này, rút kinh nghiệm từ một số vụ việc, để đảm bảo quyền lợi cho người lao động, người sử dụng lao động trước khi điều động người lao động đi làm việc tại nơi khác cần có đầy đủ lệnh sản xuất và ghi chép cụ thể, chi tiết thời gian và không gian làm việc. Người lao động cũng cần đòi hỏi điều đó trước khi đi làm việc để đảm bảo quyền lợi về bảo hiểm xã hội cho mình.
5. Người lao động khi đi khám chữa bệnh tại một số cơ sở khám chữa bệnh được các Bác sỹ ghi trong bệnh án tên bệnh bằng tiếng nước ngoài, hoặc một số bệnh khác bằng tiếng Việt rõ ràng. Nhưng khi làm thủ tục thanh toán bảo hiểm Y tế thì không được công nhận?
Trường hợp này, bảo hiểm Y tế trả lời: Quy định của Bảo hiểm Y tế là tên bệnh phải được ghi bằng tiếng Việt hoặc dịch ra tiếng Việt. Ngoài ra, Bảo hiểm Y tế cũng quy định chỉ thanh toán quyền lợi bảo hiểm y tế được nghỉ dài ngày cho 109 bệnh. Ngoài danh mục 109 bệnh được nghỉ dài ngày, Bảo hiểm Y tế sẽ không giải quyết quyền lợi bảo hiểm y tế. Do vậy, người lao động khi đi khám chữa bệnh cần yêu cầu Bác sỹ ghi tên bệnh bằng tiếng Việt và lưu ý bệnh được nghỉ dài ngày trong danh mục 109 bệnh quy định hiện nay.
6. Nhiều người lao động khi đi khám chữa bệnh nhưng chỉ được cấp thuốc mà không được nghỉ ốm. Trong khi người lao động muốn được nghỉ ốm có đúng không?
Bảo hiểm Y tế trả lời: Người lao động đi khám bệnh, được nghỉ ốm hay không, hoặc thời gian nghỉ ốm bao nhiêu ngày thuộc quyền của Bác sỹ khám và điều trị tại cơ sở khám chữa bệnh đó. Nếu Bác sỹ xét thấy bệnh tình của người lao động không cần nghỉ ốm thì không viết giấy cho nghỉ ốm. Ngoài ra, Bảo hiểm Y tế cũng lưu ý, giấy ốm là do cơ quan Bảo hiểm Y tế cấp cho cơ sở khám chữa bệnh. Do vậy, cơ sở khám chữa bệnh cần quản lý chặt chẽ.
7. Người lao động nghỉ ốm dài ngày, cần thanh toán tiền bảo hiểm y tế trong khi vẫn đang nghỉ ốm có được không?
Bảo hiểm Y tế trả lời: Hoàn toàn được. Người lao động yêu cầu cơ sở y tế tại nơi điều trị viết giấy nghỉ ốm theo thời gian đã được nghỉ ốm thực tế để làm thủ tục thanh toán bảo hiểm y tế và tiếp tục nằm điều trị. Thời gian nghỉ ốm tiếp theo và còn lại trong quá trình điều trị tương tự sẽ được thanh toán bình thường.
8. Trong khi chờ để được cấp sổ hưu và sổ bảo hiểm y tế, người lao động khám chữa bệnh như thế nào?
Bảo hiểm Y tế trả lời: Trong khi chờ sổ hưu, Bảo hiểm Y tế chưa thu sổ bảo hiểm y tế. Do vậy, người lao động vẫn có quyền đi khám chữa bệnh bình thường theo sổ Bảo hiểm Y tế của mình. Trong trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động thì Bảo hiểm Y tế sẽ thu sổ Bảo hiểm Y tế. Người lao động tự quyết định nơi khám chữa bệnh và tự chi trả chi phí. Vì khi chấm dứt hợp đồng lao động, doanh nghiệp đã ngừng đóng bảo hiểm y tế cho người lao động.
9. Nhiều người lao động thắc mắc, Doanh nghiệp, tức người sử dụng lao động đã nộp bảo hiểm xã hội tháng trước. Tháng kế theo, người lao động bị tai nạn lao động thì Bảo hiểm Xã hội lại không giải quyết?
Bảo hiểm Xã hội trả lời: Trường hợp người sử dụng lao động đã nộp Bảo hiểm xã hội cho người lao động tháng trước, tháng sau, người lao động bị tai nạn lao động sẽ được thanh toán bảo hiểm xã hội bình thường. Tuy nhiên, thực trạng có nhiều doanh nghiệp chậm đóng thì đương nhiên sẽ không được thanh toán. Trường hợp này, người lao động phải đòi hỏi quyền lợi của mình từ doanh nghiệp, tức người sử dụng lao động.
10. Nhiều người lao động có kiến nghị, trong nhiều trường hợp ông A và ông B có cùng điều kiện như nhau về thời gian công tác, nghề nghiệp, đơn vị, sức khỏe, tuổi tác v.v. Tuy nhiên, ông A lại giải quyết được chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, còn ông B thì không, vì sao?
Bảo hiểm Xã hội trả lời: Trong trường hợp cụ thể, có thể điều kiện của ông A và ông B hoàn toàn giống nhau, nhưng sổ bảo hiểm của ông A ghi khác ông B một chi tiết nào đó về nghề nghiệp, thời gian… nên khi giải quyết sẽ căn cứ vào hồ sơ. Do vậy, cũng có thể sẽ giải quyết theo hai hướng khác nhau.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/muoi-van-de-ve-bao-hiem-xa-hoi-bao-hiem-y-te-khien-nguoi-lao-dong-buc-xuc-9377.htm” button=”Theo vinacomin”]