Trải qua 60 năm khôi phục và phát triển, vượt qua nhiều khó khăn, thiếu thốn, các thế hệ thợ mỏ Mạo Khê đã sản xuất gần 50 triệu tấn than nguyên khai cho Tổ quốc. So với các mỏ than hầm lò hiện nay, mỏ Mạo Khê có trữ lượng và quy mô khai thác lớn. Toàn Công ty là một dây chuyền sản xuất hoàn chỉnh từ khâu vận tải, sàng tuyển và tiêu thụ sản phẩm. Công ty than Mạo Khê đã thực hiện tốt mục tiêu hoạt động, làm tốt các hoạt động xã hội, đóng góp quan trọng vào sự phát triển chung của Tập đoàn và Khu
P.V: Thưa ông Phạm Văn Minh, đất mỏ Mạo Khê là nơi Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên được thành lập theo đúng nguyên tắc và Điều lệ đảng. Ông có thể chia sẻ rõ hơn về quá khứ tự hào ấy?
Ông P.V.M: Mỏ than Mạo Khê được phát hiện và khai thác cách đây hơn 174 năm, sớm nhất so với các mỏ than ở Việt Nam. Trước tháng 10/1954, than ở Mạo Khê được khai thác dưới hình thức trưng khai của một số thương nhân nước ngoài và chủ mỏ Pháp.
Vào những năm 1926 – 1929, các đồng chí Nguyễn Văn Cừ, Nguyễn Đức Cảnh, Hoàng Quốc Việt… đã về “Vô sản hóa” và xây dựng phong trào cách mạng ở Mạo Khê. Mạo Khê trở thành một trong những cái nôi của giai cấp công nhân Việt Nam.
Ngay sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, ngày 23/2/1930, Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên ở vùng Mỏ được thành lập tại Mạo Khê. Sự kiện này đã tác động mạnh mẽ đến phong trào cách mạng toàn vùng Mỏ.
Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời đã thúc đẩy phong trào đấu tranh của công nhân mỏ Mạo Khê tiến lên những bước cao hơn. Những người thợ mỏ Mạo Khê đã trực tiếp đánh chiếm Mỏ Mạo Khê và trở thành bộ phận quan trọng của lực lượng quân Đệ tứ Chiến khu Đông Triều nổi dậy cướp chính quyền trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Đồng thời, mỏ Mạo Khê còn là cứ điểm quan trọng của ta trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Sau khi Chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng, Hiệp định Giơnevơ được ký kết, vào ngày 15/11/1954, mỏ Mạo Khê được khôi phục.
Trước muôn vàn khó khăn của ngày đầu khôi phục, Mỏ là đơn vị duy nhất được Nhà nước giao nhiệm vụ và đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ sản xuất than cung cấp cho Nhà máy điện Yên Phụ thắp sáng Thủ đô thời kỳ đầu tiếp quản.
Cũng chính nơi đây, nhiều cán bộ cách mạng về hoạt động đã trưởng thành và trở thành những cán bộ của Đảng và Nhà nước ta.
Trải qua 60 năm khôi phục và phát triển, vượt qua nhiều khó khăn, thiếu thốn, dưới sự lãnh đạo của Đảng, các thế hệ thợ mỏ Mạo Khê (nay là Công ty than Mạo Khê) đã lập những thành tích đặc biệt xuất sắc trong sản xuất và chiến đấu: được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân; được tặng Cờ luân lưu của Bác Hồ vào các năm: 1967, 1971; 2 Huân chương Lao động Hạng Nhất; 2 Huân chương Lao động Hạng Nhì; 5 Huân chương Lao động Hạng Ba; 2 Huân chương Chiến công Hạng Nhì. Phân xưởng Đào lò Đá 5 và 3 công nhân hầm lò của Công ty là: Nguyễn Văn Vỡi, Lều Vũ Điều, Nguyễn Văn Tía được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động; nhiều năm Đảng bộ Công ty được cấp trên ghi nhận là Đảng bộ trong sạch, vững mạnh.
P.V: 60 năm, sản xuất gần 50 triệu tấn than nguyên khai cho Tổ quốc, vậy đâu là sợi chỉ xuyên suốt tạo nên sự thành công đó của Than Mạo Khê, thưa ông?
Ông P.V.M: Có thể nói sau khi tiếp quản mỏ, từ hoang tàn đổ nát, để có được Công ty than Mạo Khê như ngày nay, lãnh đạo và thợ mỏ Mạo Khê các thời kỳ đã lao động quên mình để đưa Công ty phát triển đi lên. Nếu như 5 năm đầu 1954 – 1959 mới chỉ khai thác được hơn 280.000 tấn than thì năm 2001 đã đạt sản lượng 1 triệu tấn và năm 2014, Công ty phấn đấu đạt 1.950.000 tấn.
Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ công nhân lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng. Năm 1954 với 40 lao động ban đầu, 60 năm sau, toàn Công ty đã có gần 5.000 CBCNVC với mức thu nhập bình quân đạt gần 9 triệu đồng/người/tháng.
60 năm qua, Công ty than Mạo Khê đã đào được trên 500 km đường lò, sản xuất được gần 50 triệu tấn than. Theo tôi, để được kết quả trên là do mấy nguyên nhân cơ bản sau :
Một là: Sự lãnh đạo kịp thời, sáng suốt, đúng đắn của các cấp ủy Đảng là nhân tố quyết định thắng lợi trong SXKD, sự phối hợp có hiệu quả của các tổ chức Công đoàn, Đoàn thanh niên, Hội cựu chiến binh Công ty.
Hai là: Sự cống hiến to lớn về trí tuệ, sức lực và cả xương máu của các thế hệ CBCNVC đã dành trọn cuộc đời mình cho sự nghiệp xây dựng và phát triển Mỏ.
Ba là: Sự chỉ đạo quyết liệt ,điều hành có hiệu quả của bộ máy quản lý Công ty.
Bốn là: Sự ra đời của Tổng Công ty Than Việt Nam nay là Tập đoàn TKV) đã xây dựng, hoàn thiện các cơ chế quản lý, điều hành, tạo điều kiện cho Công ty phát huy tính năng động, sáng tạo, tự chủ, tự chịu trách nhiệm.
Năm là: Công ty không ngừng đổi mới, áp dụng công nghệ mới trong sản xuất, đây là nền tảng, động lực quan trọng để nâng cao sản lượng, năng suất lao động, đảm bảo an toàn và hiệu quả trong SXKD.
Sáu là: Tăng cường quản trị chi phí, tiết kiệm chi tiêu ở những lĩnh vực, những việc chưa thực sự cần thiết mà tập trung tối đa cho sản xuất, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần, cải thiện điều kiện, môi trường lao động cho người lao động, nhất là thợ lò.
Bảy là: Phải chuẩn bị sẵn sàng diện sản xuất cho hiện tại và các năm tiếp theo. Thực tế cho thấy việc này đã được lãnh đạo Công ty qua các thời kỳ luôn đặc biệt coi trọng. Như bạn thấy, trước yêu cầu phát triển của Công ty cũng như ngành than, khi than lộ vỉa và các mức dương đã cạn kiệt, Mạo Khê đã chuẩn bị diện khai thác ở các mức -25 (năm 1988), khôi phục và đưa vào khai thác mức -80 (năm 2002), chuẩn bị và khai thác mức -150 và chỉ ít ngày nữa, Công ty sẽ khởi công dự án xuống sâu dưới mức -150.
Tám là: Đảng, Nhà nước, các Bộ, ban, ngành Trung ương, tỉnh Quảng Ninh, Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam, huyện Đông Triều, thị trấn Mạo Khê và các xã trên huyện Đồng Triều đã quan tâm, chỉ đạo kịp thời, có hiệu quả mọi hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty. Luôn giúp đỡ, động viên, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho Công ty.
Nghĩa tình – Trách nhiệm – Hài hoà
P.V: Xã hội luôn lo lắng các đơn vị sản xuất than về vấn đề môi trường, công tác bảo vệ môi trường của Than Mạo Khê thế nào, thưa ông?
Ông P.V.M: Xác định công tác môi trường và vấn đề bảo vệ môi trường là trách nhiệm của doanh nghiệp, chủ doanh nghiệp và mỗi CBCNVC, Công ty than Mạo Khê đã và đang tổ chức triển khai một loạt các biện pháp. Chi phí bảo vệ môi trường thường xuyên từ năm 2012 đến 2014 của Công ty là trên 51 tỷ đồng. Ngoài ra, Công ty luôn chấp hành việc ký quỹ cải tạo môi trường các dự án hàng tỷ đồng.
Chúng tôi luôn tuân thủ pháp luật của Nhà nước và quy chế hoạt động bảo vệ môi trường của Tập đoàn CN Than – Khoáng sản Việt Nam. Không ngừng thay đổi tư duy và mạnh dạn áp dụng công nghệ mới thân thiện với môi trường nhằm đáp ứng tốt nhất yêu cầu bảo vệ môi trường. Từ năm 2009 đến nay, toàn bộ lò chợ có đủ điều kiện đã được Công ty áp dụng các công nghệ khai thác bằng máy khấu tổ hợp 2ANSA, giàn chống XDY, ZHS và thủy lực đơn qua đó khối lượng gỗ chống lò giảm điều đó đã gián tiếp trong công tác bảo vệ rừng, chống suy thoái tài nguyên rừng.
Tập đoàn và Công ty đầu tư xây dựng 2 trạm xử lý nước thải hầm lò, với tổng công suất 1.800 m3/h, công trình đưa vào sử dụng từ tháng 5/2011. Trạm xử lý nước thải sinh hoạt tại mặt bằng +17 đưa vào sử dụng từ tháng 7/2013, đảm bảo toàn bộ nước thải đều được thu gom xử lý đạt tiêu chuẩn trước khi thải ra ngoài môi trường xung quanh.
Bên cạnh đó, Công ty đã đầu tư lắp đặt hệ thống chống bụi trong và ngoài lò nhằm làm giảm thiểu lượng bụi phát sinh ra trong quá trình khai thác, sàng tuyển và cải thiện được điều kiện vi khí hậu trong hầm lò, tạo môi trường làm việc thông thoáng cho công nhân, giảm được các bệnh do bụi gây ra trong hầm lò. Năm 2013, Công ty đã đầu tư lắp đặt mới hệ thống chống bụi cho khu vực nhà sàng và tuyến đường khu vực cửa lò với tổng mức đầu tư là 7.066.753.000 đồng. Đồng thời tổ chức phun nước chống bụi trên các tuyến đường bê tông nội bộ qua khu dân cư và đường vận chuyển than từ nhà sàng xuống cảng Bến Cân.
Các chất thải rắn, chất thải nguy hại cũng được Công ty xử lý tận gốc. Đất đá thải được thu gom đổ vào bãi thải theo quy hoạch; rác thải được thu gom và thuê đơn vị của địa phương vận chuyển, tập kết vào bãi rác để xử lý theo quy định. Đối với chất thải nguy hại, Công ty đã đầu tư xây dựng nhà kho, lắp đặt biển báo, biển phân loại chất thải nguy hại để phục công tác thu gom và quản lý chất thải nguy hại đúng theo quy định của pháp luật…
Trong những năm qua, có thể điểm tên một vài công trình bảo vệ môi trường tiêu biểu của Công ty như: Công trình cải tạo và nâng cấp tuyến đường từ trạm bảo vệ Non Đông đến cảng Bến Cân; công trình xây dựng tuyến băng tải ống vận chuyển than từ nhà sàng ra cảng Bến Cân và tuyến băng tải cấp than cho nhà máy Nhiện điện Mạo Khê; công trình nạo vét và xây dựng kè suối Non Đông…
P.V: Đối với địa phương, Than Mạo Khê luôn được đánh giá là doanh nghiệp tích cực trong việc chung tay với địa phương để đảm bảo công tác an sinh xã hội?
Ông P.V.M: Xác định rõ vai trò, tầm quan trọng và ảnh hưởng tích cực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương đối với Công ty; nhiệm vụ chính trị của Công ty than Mạo Khê có hoàn thành, không thể tách rời sự quan tâm chỉ đạo, giúp đỡ, động viên, chia sẻ của lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh, lãnh đạo và nhân dân huyện Đông Triều, thị trấn Mạo Khê. Từ nhận thức trên, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn trong SXKD, Công ty đã có những hành động thiết thực để chia sẻ cùng địa phương: Tuyên truyền, vận động cán bộ Đảng viên, công nhân, người lao động gương mẫu chấp hành các quy định, chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Nhà nước, của cấp ủy, chính quyền địa phương nơi cư trú; tích cực tham gia các phong trào do địa phương phát động; tạo việc làm cho 5.000 CBCNVC và con em họ với mức thu nhập ổn định góp phần vào sự ổn định kinh tế – xã hội của địa phương. Nhiều năm qua, chúng tôi nhận phụng dưỡng 3 mẹ Việt Nam Anh hùng; hỗ trợ thường xuyên gia đình nạn nhân nhiễm chất độc da cam; chung tay xây dựng nông thôn mới; ủng hộ các quỹ đền ơn đáp nghĩa, quỹ bảo trợ do các cấp phát động; hỗ trợ địa phương xây dựng các công trình văn hóa, phúc lợi… với số tiền hàng tỷ đồng. Ngoài ra, Công ty duy trì thường xuyên công tác tuần tra, bảo vệ ranh giới mỏ; bảo vệ an ninh trật tự góp phần bảo đảm an ninh, trật tự trên địa bàn.
Không tụt hậu!
P.V: Ông có thể cho biết lộ trình phát triển đã được Tập đoàn phê duyệt tại Than Mạo Khê?
Ông P.V.M: Mỏ than Mạo Khê là mỏ hầm lò, quá trình khai thác liên tục 60 năm (chỉ tính riêng thời gian tiếp quản) với tổng sản lượng than khai thác gần 50 triệu tấn, vì vậy tài nguyên ở các mức “nông” đã hết. Hiện Công ty duy trì sản xuất ở mức -150/-80 và -80/-25. Năm 2014, Công ty được Tập đoàn giao sản xuất 1.740.000 tấn than hầm lò. Với sản lượng hàng năm nêu trên, việc duy trì sản xuất ở khu vực này chỉ còn vài năm nữa là nguồn tài nguyên sẽ cạn kiệt.
Để gối đầu cho dự án 1,6 triệu tấn sắp kết thúc, Công ty được Tập đoàn giao phối hợp với các đơn vị bạn để triển khai dự án xuống sâu mức – 400. Nếu không có gì thay đổi, ngày 19/11/2014 sẽ khởi công dự án, khoảng 5 năm sau mới bắt đầu ra than với sản lượng ban đầu từ 400.000 – 600.000 tấn, sau đó mới đạt công suất thiết kế 2.000.000 tấn/năm. Việc quyết định triển khai dự án là một chủ trương vô cùng quan trọng của cấp trên để duy trì mỏ, tạo việc làm cho hàng ngàn người lao động trong hàng chục năm, góp phần cùng toàn ngành Than đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
P.V: Vâng, đấy là chiến lược, còn hiện nay, Mạo Khê của ông đang đứng ở vị trí nào trong bức tranh tổng thể của ngành Than – Khoáng sản?
Ông P.V.M: Đứng ở vị trí nào ư? Cái đó thì phải để các đồng chí lãnh đạo Tập đoàn đánh giá chứ! Nhưng có một điều chắc chắn: Trong điều kiện khó khăn như hiện nay, chúng tôi cố gắng để không tụt lùi. Mạo Khê phải cố gắng rất lớn để hoàn thành nhiệm vụ Tập đoàn giao phó, chúng tôi đang quyết tâm làm điều đó.
P.V: Tiếp quản vị trí “thủ lĩnh” Công ty đúng dịp đơn vị tròn 60 tuổi, cảm xúc của ông thế nào?
Ông P.V.M: Trong tâm thức, tôi nghĩ mình là người đã được lãnh đạo Tập đoàn, lãnh đạo Công ty tin tưởng giao nhiệm vụ, tôi vô cùng cảm ơn tập thể CBCNVC và người lao động Công ty tín nhiệm. Cảm xúc ngày được giao trọng trách Giám đốc Công ty là vừa vinh dự xen lẫn tự hào. Càng vinh dự tự hào bao nhiêu, tôi cảm thấy trách nhiệm của mình nặng nề và lớn lao bấy nhiêu. Đó là làm sao để đưa Công ty than Mạo Khê phát triển bền vững, xứng đáng là cái nôi của phong trào cách mạng, của ý chí vượt khó đi lên trong lao động sản xuất của các thế hệ thợ mỏ. Làm thế nào để gần 5.000 CBCNVC Công ty có việc làm ổn định, đời sống vật chất và tinh thần ngày càng được cải thiện. Còn giờ đây, cảm xúc ấy đã qua đi, việc bây giờ là cùng tập thể lãnh đạo Công ty đề ra những chủ trương, giải pháp để những điều tưởng đơn giản nêu trên sớm trở thành hiện thực.
P.V: Xin chân thành cảm ơn ông!
Từ ngày khôi phục đến nay, Công ty than Mạo khê đã trải qua nhiều giai đoạn phát triển với các tên gọi khác nhau:
– Ngày 15/11/1954: Mỏ than Mạo Khê được thành lập (là đơn vị thành viên của Công ty than Uông Bí).
– Năm 1996: Thành lập doanh nghiệp Nhà nước là Mỏ than Mạo Khê (Quyết định số 2605QĐ/TCCB ngày 17/9/1996 của Bộ trưởng Bộ Công nghiệp).
– Từ 10/2001: Đổi tên thành Công ty TNHH MTV than Mạo Khê (QĐ số 405/QĐ-HĐQT ngày 1/10/2001 của HĐQT Tổng Công ty than ViệtNam.
– Từ 12/2005: Đổi thành Công ty TNHH MTV than Mạo Khê-TKV (Quyết định số 2461/QĐ-HĐQT ngày 8/11/2006 của HĐQT Tập đoàn TKV).
– Từ tháng 8/2010 (thực hiện Quyết định của HĐQT Tập đoàn Công nghiệp Than Khoáng sản Việt Nam) đổi tên thành Công ty TNHH MTV than Mạo Khê – Vinacomin.
– Từ ngày 1/8/2013: Thực hiện Quyết định số 1172/QĐ-VINACOMIN ngày 01/7/2013 của Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam về việc thành lập Chi nhánh Tập đoàn CN Than – Khoáng sản Việt Nam – Công ty than Mạo Khê – TKV (gọi tắt là Công ty than Mạo Khê -TKV).
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/than-mao-khe-tu-hao-hanh-trinh-60-nam-9369.htm” button=”Theo vinacomin”]