Cảm động trước cái tâm của thầy giáo người Tày Nông Văn Long mỗi tuần đi bộ gần 40 cây số đem con chữ đến với học sinh, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Trần Xuân Hoà đã quyết định tặng thầy 1 chiếc xe máy trị giá 20 triệu đồng. Vừa qua, nhóm PV chúng tôi cùng đại diện Công đoàn Tổng Công ty Khoáng sản, Công ty CP Gang thép Cao Bằng đã đến trao món quà đó cho thầy. Một chuyến đi có quá nhiều trải nhiệm và cảm xúc…
CHUYỆN THẦY GIÁO LONG DẠY… MẦM NON
Chiếc ô tô của Tổng Công ty Khoáng sản chầm chậm qua các ngọn núi. Đoạn đường chưa đầy 100 km từ Hà Giang sang xã Thái Sơn, huyện Bảo Lâm (một huyện nghèo của Cao Bằng) nhưng xe đi mất tới gần 6 giờ. Xe dừng lại tại trường PTCS Thái Sơn bởi 18km tiếp theo lên điểm trường Sán Xoáy nơi thầy Long dạy chỉ có thể đi bộ hoặc xe máy, “nhưng xe máy cũng không chắc đã đi được vào trời mưa này”, thầy Sầm Văn Quân – Hiệu trưởng trường THCS Thái Sơn – cho biết.
Gương mặt đáng yêu của 2 em bé dân tộc Sán Chỉ
Tôi nhắm mắt ngồi sau xe thầy Nông Văn Tiến (dân tộc Tày), quả thực sợ. Trời mưa lất phất trong một buổi chiều sương mờ vùng núi thật ảm đạm. Ánh đèn xe chỉ đủ chiếu một đám nhỏ vệt đường rộng chừng nửa mét, bám vào mép vực, đất trơn nhãy như được thoa một lớp mỡ dày, từng hộc đá lổn nhổn như thử sức tay lái của người thầy giáo trẻ. Sau những pha thót tim, những cú vồ ếch, những lúc gồng mình đẩy xe và cả những lúc tưởng như phải bỏ cuộc không thể lên đến nơi được thì cuối cùng chúng tôi cũng đến được với Sán Xoáy.
Nói về Sán Xoáy, có lẽ những cụm từ “xa nhất”, “nghèo nhất”, “gia đình đông con nhất’ là thích hợp nhất. Và cuối cùng đây còn có thể là nơi duy nhất của cả vùng Tây Bắc này, có một lớp mầm non mà giáo viên là nam giới.
“Một mai khi em lớn lên/ Đừng quên khi đi nhà trẻ/ Quên cô giáo người nuôi em khoẻ/ Quên cô giáo người chăm em ngoan…”, tiếng hát mỗi lúc một gần hơn, và hiện ra trước mắt chúng tôi là Trường tiểu học Sán Xoáy. Ngôi trường nhỏ gồm 3 phòng học bằng tre nứa ghép, mái lợp phibrô ximăng. Ghé mắt nhìn vào lớp học mầm non, tôi thấy ngay một thầy giáo đang đứng lớp trong ánh đèn dầu tù mù.
Tôi kiên nhẫn “giấu mình” theo dõi Long dạy học. Lúc này, thầy giáo đang say sưa tập hát cho học sinh. Các cháu hát theo thầy bằng tiếng Kinh, tiếng được tiếng mất. Có những đoạn khó, các cháu nhao nhao: “Thầy ơi, con chưa thuộc…”, “Thầy ơi, hát lại cho con hát theo…”.
Nông Văn Long – sinh năm 1986, quê ở bản Na Nàng, xã Thái Sơn – là lý lịch trích ngang của thầy giáo mầm non mà chúng tôi lên để trao quà. Long kể, tốt nghiệp sư phạm mầm non năm 2011, Long đậu đơn và được ký hợp đồng dạy ở Sán Xoáy với mức lương thử việc 1,2 triệu đồng/tháng. Dù ở cùng một xã, nhưng bản Sán Xoáy cách bản Na Nàng nhà Long đến gần 20 km. Xa thế nhưng do mới đi làm, lương thấp, nhà lại nghèo nên không sắm nổi cái xe máy, mỗi lần về thăm nhà Long lại cuốc bộ hàng giờ liền, nếu hôm nào trời mưa thì mất cả ngày.
“Nhưng em yêu trẻ con lắm chị ạ. Chị nhìn này, Long chỉ vào một em bé đứng bên cạnh, đáng yêu không? Cứ nhìn các cháu đến lớp thiếu thốn nhiều, mùa đông lạnh buốt xương mà đi chân đất, áo quần chỉ che kín được da thịt, nhiều hôm có cháu ngất xỉu tại bàn học vì lạnh, vì thiếu ăn nhưng cả năm nay không cháu nào bỏ lớp, thì dù ai nói gì, dù khó khăn thế nào em cũng vượt qua được hết”.
Với những lớp học thế này, các em mẫu giáo sẽ học thế nào trong mùa đông
Long bảo, bây giờ mọi thứ đã ổn rồi chứ lúc mới lên đây mọi thứ khó khăn lắm. Có trường, có lớp mà không có một bóng dáng học sinh. Vậy là, ngay hôm sau nhận nhiệm sở, Long một mình đến từng nhà vận động cha mẹ cho các cháu đến lớp. Nhưng chuyện không đơn giản, khi đến nhà ai Long cũng gặp phải lời phản đối: “Ở đây bao đời nay bọn nhỏ có cần học đâu, chúng cần cái bỏ bụng cho căng chứ cái chữ không ăn được”. Đặc biệt khi nghe tin có thầy giáo về dạy mẫu giáo, nhiều người trong bản kéo đến trường thắc mắc: “Thấy trên tivi, dạy mẫu giáo là cô, sao ở đây là thầy? Thầy không tốt cho bọn trẻ đâu, chúng tôi muốn cô dạy giống như ở dưới xuôi…”. Khó khăn vậy, nhưng Long không nản. Đầu tiên, Long nhờ trưởng bản cùng mình đến từng nhà thuyết phục. Một bữa chưa được thì hai, hai chưa nghe thì ba… Cùng với phân tích thiệt hơn của việc cho con đi học, Long còn nhấn mạnh thông tin tiền hỗ trợ như một cách chiêu dụ hiệu quả. Chuyện là theo quy định của Nhà nước, trẻ em vùng cao như xã Thái Sơn đi học không những không mất tiền học phí mà còn được hỗ trợ mỗi quý 80.000 đồng.
Trao quà của Chủ tịch HĐTV Tập đoàn cho thầy Long
Long chia sẻ, dạy mầm non có những khó khăn, đặc thù, nhưng dạy mầm non cho trẻ vùng cao còn khó khăn gấp trăm lần. “Trẻ con ở đây toàn nói tiếng Mông, một câu tiếng Kinh bẻ đôi cũng không thể. Ngày đầu các em đến lớp, thầy và trò nói hai ngôn ngữ. Thầy nói, trò mặc kệ, trò nói thầy chổng tai nghe cũng không hiểu”. Vậy nên mấy tháng liền, ngày đến lớp, đêm Long vào nhà dân học tiếng Mông. “Bây giờ chưa giỏi, nhưng cũng đủ để giao tiếp với các cháu rồi” – Long khoe. Tôi hỏi: “Là con trai, nhưng sao Long chọn học ngành mầm non, nghề lâu nay thường chỉ dành cho nữ giới?”.
Long cười: “Có ai quy định đó là nghề dành cho nữ đâu? Phụ nữ làm được thì mình cũng làm được chứ”. Tôi vẫn chưa hết thắc mắc: “Dạy mẫu giáo, việc hát và nhất là múa, thì phụ nữ mới dẻo, mới đẹp, còn đàn ông như Long…”, Long cãi ngay: “Đúng vậy, mình không hát hay, múa dẻo như các cô giáo, nhưng bù lại mình có thế mạnh về các trò chơi nên học sinh thích lắm”.
Cứ thế Long kể về cuộc đời và những buồn vui với nghề của mình. Có lẽ, nếu những người cùng đoàn không giục vì đã đến lúc trao quà cho Long thì câu chuyện giữa chúng tôi vẫn chưa chấm dứt. Một người thì say sưa chia sẻ tâm huyết, một người thì háo hức với những câu chuyện “chưa bao giờ được nghe”. Lúc chuẩn bị nhận quà, Long còn nói nhỏ với tôi: “Ông tặng quà cho em là ai mà sao tốt quá vậy chị. Cứ như mơ ấy. Em chẳng bao giờ dám nghĩ mình sẽ có đủ tiền để mua xe máy”.
Con đường bắt đầu lên Sán Xoáy
XA LẮM BẢO LÂM ƠI!
Chiều rời Sán Xoáy, mưa dường như nặng hạt hơn. Vẫn tuyến đường dân sinh chỉ rộng chừng nửa mét ấy với những con dốc đứng, dài hun hút, một bên là vách đá, một bên là vực thẳm. Cái chiều rộng “nửa mét” cứ như tiêu chuẩn đường trên này là vậy, xưa nó là đường mòn xuống chợ thị trấn cho người và ngựa, từ khi có xe máy, dân mở thêm một tý mà thành.
Tại Trường THCS Thái Sơn, các thầy cô giáo đã tập trung đầy đủ ở phòng hội đồng. Gương mặt ai cũng mừng rỡ, cái mừng hồn hậu của người vùng cao khi khách tới nhà. “Chả mấy khi có đoàn đến thăm trường, chúng tôi mừng lắm”, thầy Hiệu trưởng Sầm Văn Quân nói.
Cô giáo Đinh Thị Mười giới thiệu về chỗ ăn ở của mình
Cô Đinh Thị Mười, dân tộc Mường, một giáo viên có thâm niên gần 10 năm sống tại các điểm trường năm nay 31 tuổi. Con gái của cô mới 4 tuổi, không thể mang con theo, đành gửi về ông bà ngoại. Nhà cô ở huyện Phục Hòa, cách trường Thái Sơn nơi cô đang dạy khoảng 250 km. Tức là muốn về thăm con, cô phải cả đi và về gần 500km, thế nên 1 đến 2 tháng cô mới về một lần. Những ngày đầu nhớ con đến quay quắt, trong sách giáo khoa nhiều điều các em chưa bao giờ biết, dạy mãi chúng cũng chỉ biết tròn mắt nhìn cô giáo. Không ít lần bất lực đến phát khóc. Cô Mười nghĩ dùng các khái niệm thực tế, gần gũi với các em nhiều hơn, học sinh thích hơn, cũng ít bỏ học hơn.
Cùng ở với cô Mười, cô giáo Tô Ngọc Dinh, dân tộc Tày, 25 tuổi cũng qua 2 điểm trường, đều là loại khó. Điểm trường đầu tiên trường tiểu học Bản Là, mùa đông rất lạnh, sương mù phủ kín, các em học sinh đi học phải mang thêm củi để sưởi ấm. Khổ nhất là vào mùa khô, nước ở đây gần như không có, các cô phải dùng nước chứa ở một giếng nhỏ, gọi là giếng cho “oai” chứ thực ra nó chỉ là một cái hố đất nhỏ, xung quanh được đắp bờ, để chứa nước mưa. Thêm vào đó, đường lại khó đi hơn nhiều, con đường rộng chừng 50 cm ven theo vách núi, trời mưa phải … có “võ” mới đi được. “Võ” đây là bộ dây xích chế đặc biệt để quấn vào bánh xe đi ngày mưa, thứ ấy với các thầy cô là vật bất ly thân, quên thì có ngày “ngủ rừng”. Khi hỏi cô có sợ khi đi đường đó không, cô chỉ cười và nói: “Không được quyền sợ, ngã thì lại đứng dậy, dựng xe đi tiếp”.
Có ai nghĩ em học sinh này đã 10 tuổi?
Chuyện của thầy Nông Văn Tiến (người chở xe máy đưa tôi lên Sán Xoáy) thì lại khác. Thầy Tiến là giáo viên trẻ nhất ở trường Thái Sơn này. Lên Thái Sơn từ cuối năm 2011, thầy Tiến dạy lớp 1. Học sinh lớp 1 ở đây tiếng phổ thông hầu như chưa biết, dạy lớp 1 cũng ngang đánh vật với học trò. Lắm khi cả buổi cũng chỉ được 1-2 chữ, dạy chữ này quên chữ kia. Học trò – thầy giáo “bất đồng ngôn ngữ”, lắm khi trò tròn miệng nhìn thầy, thầy ngẩn người tìm mấy câu “học mót” tiếng các em để bảo chúng mà không sao nhớ được. Mỗi ngày trôi qua như thế, chỉ mừng là các em không bỏ học, “kiến tha lâu cũng đầy tổ”, học sinh lớp thầy bây giờ đọc viết đã khá trơn tru.
NHỌC NHẰN TÌM CON CHỮ
Theo những con số mà thầy Nông Quốc Thiên, Trưởng Phòng Giáo dục huyện đưa ra, Bảo Lâm có 3.416 học sinh cấp THCS, trong đó có trên 2.500 em đang phải ở trong những ngôi nhà tạm, nghĩa là quá 2/3. Mặc dù ở trường Thái Sơn các em đã được ở nhà mái bằng do nhà trường được một đơn vị tài trợ xây dựng nhưng cái nghèo, sự khó khăn vẫn là những thứ đập vào mắt chúng tôi đầu tiên. Đang chuẩn bị cho bữa cơm chiều, em Sùng Thị Giàng (dân tộc Mông, học sinh lớp 6A) cho biết: “Mỗi tuần xuống trường, em được mang theo 3 kg gạo”. Giàng phải tự cân đối để đủ gạo ăn cho cả tuần. Nhiều lần, trời mưa, đường trơn, em bị ngã, vừa vét gạo rơi vừa khóc. Khi được hỏi có thích đi học không, bỗng dưng Giàng ôm mặt tấm tức khóc. Rồi em trả lời rằng rất thích đi học nhưng không biết bố mẹ có cho đi nữa không vì nhà em khó khăn quá.
Các em học sinh nội trú đang chuẩn bị cơm chiều
Hai em Dương Văn Ánh, Nông Văn Trang, học sinh lớp 8 đang cặm cụi bên bếp củi. Để nấu cơm, các em phải tự lên núi lấy củi. Ánh nói, các em chỉ cần có đủ gạo để nấu cơm thôi, còn rau thì tự trồng được rồi. Em cũng cho biết thêm là để tiết kiệm, ngay đến muối và mì chính các em cũng chỉ dám cho một chút thôi.
Cuộc sống ở đây cứ dần dần trôi qua như vậy, ngày lại qua ngày. Họ sống giữa núi rừng, cỏ cây và gió. Dòng sông Gâm đang mùa khô, lòng sông cạn trơ đáy. Chia tay với những thày cô giáo và học sinh nơi này, lòng tôi nặng trĩu một tâm tư. Cái khoảng cách để mỗi con người nơi đây tìm đến tri thức thật quá xa.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/gieo-chu-tam-se-nay-mam-hanh-phuc-3170.htm” button=”Theo vinacomin”]