Trong định hướng phát triển của mình, thời gian tới, Quảng Ninh tiếp tục tập trung thực hiện 3 đột phá chiến lược của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cấu trúc kinh tế, phát triển bền vững. Trong bức tranh đó, không gian kinh tế – xã hội của Quảng Ninh sẽ phát triển theo “Một tâm – Hai tuyến – Đa chiều – Hai mũi đột phá”…
6 tháng đầu năm 2013, trong cái khó chung của toàn nền kinh tế, tăng trưởng GDP của Quảng Ninh chỉ đạt khoảng 6,5%. Tuy thấp hơn so với kế hoạch đề ra, song vẫn cao hơn so với tăng trưởng chung của cả nước (cả nước tăng 4,9%). Chiếm phân nửa trong tổng GDP của tỉnh phải kể đến sự đóng góp của ngành Than – một ngành kinh tế có mối quan hệ gắn bó máu thịt với Tỉnh. Than với Quảng Ninh – Quảng Ninh với Than là một – như khẳng định của đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ Phạm Minh Chính.
Còn theo đồng chí Chủ tịch tỉnh Nguyễn Văn Đọc, dù lợi thế hiện tại của Quảng Ninh là than, nhưng than là tài nguyên hữu hạn. Trong khi đó, Quảng Ninh có cả một Vịnh Hạ Long là di sản thế giới, đồng thời cũng là một trong 7 kỳ quan mới. Năm qua, 7 triệu lượt du khách đã đến Quảng Ninh vì sức hấp dẫn của Hạ Long.
Quảng Ninh đó, còn Vân Đồn, Cô Tô đang chờ được đánh thức. Có thêm bờ biển dài, lại nằm ở cửa ngõ trọng yếu gắn liền khu vực Bắc Bộ với các nước trong khu vực. Đây chính là nguồn lực, là lợi thế bền vững nhất, lâu dài nhất của Quảng Ninh. Chính vì thế, trong định hướng phát triển tới năm 2020, Quảng Ninh muốn hướng đến phát triển dịch vụ, công nghiệp hiện đại vào năm 2020. Trong định hướng của Quy hoạch Tổng thể phát triển kinh tế – xã hội đến năm 2020, tầm nhìn 2030, đang được đơn vị tư vấn nước ngoài Mc Kinsey thực hiện, cũng đã xác định rõ mục tiêu này. Kinh tế Quảng Ninh sẽ chuyển từ “nâu” sang “xanh”. Và ý tưởng của thực hiện đổi mới phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh” để phát triển bền vững của tỉnh Quảng Ninh đang được thể hiện rõ ở những chuyển động tích cực từ ngành Than với hàng loạt các dự án đã và đang được triển khai.
Thí điểm thể chế mới mang tính đột phá
Nhằm tạo đột phá về cơ chế chính sách, nguồn lực để khai thác tối đa, lợi thế xây dựng Quảng Ninh trở thành địa bàn động lực, xứng đáng là “đầu tàu” phát triển của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và hội nhập sâu rộng kinh tế quốc tế, đảm bảo vững chắc an ninh quốc phòng, tỉnh đã xây dựng Đề án phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh, trình Bộ Chính trị. Ngày 1/10/2012, Bộ Chính trị đã ra Thông báo số 108 về Đề án “Phát triển kinh tế – xã hội nhanh, bền vững; bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh và thí điểm xây dựng hai đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Móng Cái”. Thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị, Quảng Ninh đã thành lập Ban chỉ đạo thực hiện Thông báo 108 của Bộ Chính trị do đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ làm Trưởng ban. Đồng thời, tiến hành xây dựng Đề án hai đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Móng Cái để báo cáo Chính phủ. Tỉnh cũng chỉ đạo các cơ quan chức năng, các địa phương trên địa bàn tích cực vào cuộc triển khai, thực hiện quyết liệt, hiệu quả 7 nhóm nhiệm vụ mà Bộ Chính trị đã chấp thuận cho Quảng Ninh thực hiện tại Thông báo 108.
Quảng Ninh có rất nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển, việc chọn một hướng đi nhanh, hiệu quả nhất để khai thác được các tiềm năng, lợi thế là bài toán được tỉnh đặt ra trong nhiều năm nay. Và Khu hành chính kinh tế đặc biệt Vân Đồn được xác định sẽ là đột phá cho Quảng Ninh và hạt nhân hỗ trợ các tỉnh phía Nam vùng đồng bằng sông Hồng và vùng khác cùng phát triển
Với diện tích 2.171km2, Vân Đồn có những điểm khác biệt rất lớn với 14 khu kinh tế ven biển của cả nước đó là, nằm trong khu vực hợp tác “Hai hành lang, một vành đai” kinh tế Việt – Trung, hợp tác liên vùng Vịnh Bắc Bộ mở rộng, cầu nối ASEAN – Trung Quốc, Hành lang kinh tế Nam Ninh – Singapore… nằm trong Vịnh Bái Tử Long gắn kết với Di sản – Kỳ quan thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long. Với vị trí rất đắc địa, Vân Đồn hội tụ đủ điều kiện của giao thông thuận lợi cả đường bộ, hàng không, đường biển. Những giá trị khác biệt về tài nguyên thiên nhiên, cảnh quan, sinh thái, vùng biển rộng 1.620km2 với trên 600 đảo đá và đảo đất, có cơ hội phát triển công nghiệp giải trí và kinh tế biển. Điều quan trọng hơn nữa Vân Đồn còn nguyên những nét hoang sơ, mật độ dân số thấp nên rất có điều kiện áp dụng mô hình mới. Tại sao Quảng Ninh lại chọn Vân Đồn đề xuất xin được xây dựng thí điểm Khu hành chính – kinh tế đặc biệt? Như đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ Phạm Minh Chính báo cáo: “Đặt trong bối cảnh hiện nay Quảng Ninh muốn chuyển đổi thành công phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh” đòi hỏi phải có mô hình mới. Thực tế đã chỉ ra khai thác lợi thế tĩnh về vị trí địa lý, tài nguyên thiên nhiên, điều kiện tự nhiên bằng mọi giá đang gặp phải khó khăn trở ngại, không còn là lợi thế cạnh tranh tuyệt đối. Vì vậy, thế giới đang tập trung khai thác những lợi thế động bằng cách xây dựng thể chế, cơ chế chính sách ưu đãi, đặc thù, đột phá đủ sức cạnh tranh và đẩy mạnh cải cách hành chính theo hướng hiện đại. Quảng Ninh với truyền thống cách mạng vùng mỏ bất khuất, anh hùng, tinh thần vì cả nước xin được mạnh dạn đề xuất xây dựng Khu hành chính – kinh tế đặc biệt trên địa bàn để thí điểm đúc rút kinh nghiệm về quản trị quốc gia”.
Quyết tâm lớn của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc tỉnh Quảng Ninh nói chung và huyện đảo Vân Đồn nói riêng là rất rõ ràng. Trung ương Đảng đã xác định đất nước cần có những đột phá phát triển, Vân Đồn, Vân Phong, Phú Quốc được chọn là 3 điểm đầu tàu đột phá cho 3 miền Bắc – Trung – Nam của đất nước. Không do dự, không chờ đợi, Bộ Chính trị đã giao Ban Cán sự Đảng Chính phủ sớm nghiên cứu, hoàn thiện Đề án xây dựng các khu hành chính – kinh tế đặc biệt này. Với quan điểm thống nhất thí điểm xây dựng Khu hành chính – kinh tế đặc biệt Vân Đồn tạo ra sự khác biệt, vượt trội về thể chế hành chính – kinh tế so với thể chế chung hiện hành, là nơi thử nghiệm các thể chế mới mang tính đột phá của cả nước, tạo khả năng cạnh tranh toàn cầu. Quảng Ninh đã có quyết tâm cao, thấy được hướng đi vì vậy phải có sự chuẩn bị tốt mọi bước đi, nguồn nhân lực không để nhụt nhuệ khí khi chọn bước đi đột phá chiến lược cho mình và đất nước.
Nền tảng quy hoạch đồng bộ, với những mục tiêu rõ ràng, rành mạch, dựa trên việc xác định đúng tiềm năng, lợi thế, được cho là sẽ giúp Quảng Ninh tăng tốc và cất cánh trong 5-10 năm nữa, thậm chí trong tầm nhìn xa hơn. Đường đi tới tương lai đã được mở rộng cho Quảng Ninh và cả vùng!
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/duong-lon-da-mo-6425.htm” button=”Theo vinacomin”]