Tháng 10 năm nay, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Quảng Ninh đón một sự kiện trọng đại. Vùng đất đã được ví như “một Việt Nam thu nhỏ” này tròn 50 tuổi. Nói đến Quảng Ninh là ta nghĩ đến Than. Nhắc đến Quảng Ninh là ta nghĩ đến Di sản, Kỳ quan thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long. Nói về Quảng Ninh là nhắc đến một Tỉnh động lực phát triển kinh tế không chỉ của khu vực Đông Bắc Bộ, mà còn của cả khu vực phía Bắc của đất nước. Và giờ đây nhắc tới Quảng Ninh người ta còn nghĩ đến cụm
Đồng chí Phạm Minh Chính (Đ/c PMC): Hình ảnh khái quát, rõ ràng và ngắn gọn xúc tích nhất về Quảng Ninh là theo lời của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng, đã từng ví Quảng Ninh như là “một Việt Nam thu nhỏ”. Điều đó có nghĩa, tỉnh Quảng Ninh hội tụ tương đối đầy đủ những đặc điểm tự nhiên, xã hội và con người của đất nước Việt Nam.
Về tự nhiên, Quảng Ninh vừa có núi non, vừa có biển đảo, đồng bằng, sông hồ với vị trí địa chiến lược về chính trị, kinh tế, quốc phòng an ninh và đối ngoại; có nguồn tài nguyên thiên nhiên rất phong phú, đa dạng, nhất là về than đá. Đồng thời, Quảng Ninh cũng vừa có biên giới trên bộ với nước CHND Trung Hoa, vừa có biên giới trên biển thông thương với quốc tế. Về xã hội, với dân số trên 1,2 triệu người, Quảng Ninh có 22 dân tộc anh em cùng sinh sống, phong tục tập quán, tôn giáo, tín ngưỡng tương đối phong phú. Đây là nơi hội tụ, giao thoa, sự thống nhất trong đa dạng của nền văn minh sông Hồng; là một trong những cái nôi của giai cấp công nhân Việt Nam. Nhắc đến Quảng Ninh không thể không kể đến những cảnh quan nổi trội có một không hai như Vịnh Hạ Long – Di sản, Kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới; vịnh Bái Tử Long với điều kiện sinh thái đặc sắc, nổi trội và hơn 600 di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh khác cùng một nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc.
Có thể nói, truyền thống lịch sử và cách mạng vẻ vang cùng những giá trị vật chất và tinh thần cao quý đã kết tinh trên mảnh đất địa đầu Đông Bắc Tổ quốc qua các thế hệ, đã trở thành nền tảng, là tiền đề quan trọng có sức lan tỏa quyết định cho quá trình đổi mới, phát triển Quảng Ninh trong tiến trình công nghiệp hóa – hiện đại hóa và hội nhập hôm nay.
PV: Đồng chí đánh giá thế nào về vai trò và sự đóng góp của Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) với sự phát triển của kinh tế – xã hội Quảng Ninh những năm gần đây.
Đ/c PMC: Trước hết phải nói ngành Than là một trong những trụ cột về năng lượng và đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, nhất là trong sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước. Là một tập đoàn nhà nước hoạt động trong lĩnh vực này, Vinacomin cũng là một trong những doanh nghiệp trụ cột của nền kinh tế; và có vai trò rất quan trọng đối với phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh Quảng Ninh (nơi có trữ lượng than chiếm đến 95% trữ lượng của cả nước). Hiện nay khai thác than đóng góp tới 1/3 GDP và hơn một nửa ngân sách của Tỉnh. Đây cũng là ngành tạo ra nhiều việc làm với số lượng lao động lớn cho tỉnh, khoảng 110.000 người, chiếm trên 16% tổng số lao động toàn Tỉnh. Đảng bộ Than Quảng Ninh hiện có khoảng 19.000 đảng viên hiện đang sinh hoạt tại trên 1.000 chi bộ thuộc 44 tổ chức cơ sở đảng (chiếm khoảng 24% số đảng viên toàn Tỉnh). Quan hệ hữu cơ giữa Quảng Ninh và ngành Than không chỉ đơn thuần là vấn đề kinh tế ngành và lãnh thổ mà nó còn gắn với giải quyết các vấn đề xã hội trên địa bàn. Bởi đi cùng lao động ngành Than là gia đình và con em họ (cứ tính trung bình 1 người công nhân có vợ và 1 con thì đã chiếm đến 1/4 dân số Quảng Ninh). Do vậy, việc ổn định và phát triển sản xuất than, nâng cao được hiệu quả sản xuất kinh doanh than là điều kiện tốt để giải quyết được vấn đề việc làm và các vấn đề xã hội khác trên địa bàn Quảng Ninh. Bên cạnh đó, Vinacomin đã và đang có nhiều đóng góp trong việc hỗ trợ, giúp đỡ các địa phương trong tỉnh đảm bảo an sinh xã hội. Mới đây, cán bộ, công nhân viên chức, lao động của ngành đã ủng hộ trên 150 tỷ đồng cho dự án đưa điện lưới quốc gia ra huyện đảo Cô Tô…
Như vậy, chúng ta có thể thấy sự phát triển của ngành Than và hoạt động của Vinacomin có ảnh hưởng trực tiếp và gắn chặt với sự phát triển của tỉnh Quảng Ninh. Nhân dịp này, thay mặt cho Đảng bộ và chính quyền tỉnh Quảng Ninh, tôi xin trân trọng gửi lời cảm ơn và tri ân đối với những đóng góp vô cùng quan trọng của Vinacomin đối với sự phát triển kinh tế – xã hội và đảm bảo an ninh – quốc phòng của Quảng Ninh trong suốt thời gian qua.
PV: Đồng chí cho biết về sự đồng hành của Tỉnh đối với ngành Than trong bối cảnh khó khăn của Ngành hiện nay như thế nào?
Đ/c PMC: Thời điểm hiện nay, trong bối cảnh khó khăn chung, chúng tôi thấu hiểu, chia sẻ với những khó khăn của ngành đang gặp phải và xác định ngành Than khó khăn thì tỉnh cũng khó khăn. Bởi nếu việc làm và đời sống của thợ mỏ bị ảnh hưởng, hệ lụy của nó là số đông dân số Quảng Ninh bị ảnh hưởng theo, tình hình trật tự an ninh chính trị cũng vì thế mà phức tạp trên địa bàn. Như vậy, những khó khăn của ngành Than không chỉ là kinh tế, mà còn là vấn đề chính trị xã hội.
Do đó, quan điểm là chúng ta phải xác định cùng nhau chung lưng đấu cật nỗ lực vượt qua khó khăn hiện tại này. Thời gian qua, lãnh đạo tỉnh và lãnh đạo Tập đoàn tiến hành định kỳ các buổi làm việc, thành lập Tổ công tác để kịp thời có các biện pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh của các đơn vị ngành Than. Đối với các khó khăn vượt khỏi tầm giải quyết của tỉnh và Tập đoàn, chúng tôi luôn thống nhất và cùng Tập đoàn kiến nghị với Trung ương. Bên cạnh đó, tỉnh cũng đã triển khai thực hiện nhiều các giải pháp có tính lâu dài như: tạo điều kiện để tái cơ cấu ngành Than với các điều chỉnh liên quan đến đầu tư dự án hạ tầng công nghiệp và đô thị của Tập đoàn; giữ vững ổn định địa bàn bằng giải pháp quyết liệt trong ngăn chặn việc khai thác, vận chuyển, kinh doanh trái phép; thúc đẩy việc áp dụng khoa học công nghệ trong khai thác than; dành nguồn lực để đào tạo, phát triển lực lượng lao động có tay nghề, hỗ trợ xây dựng các trường nghề mỏ trên địa bàn tỉnh…
Tôi tin rằng, trong khó khăn, Quảng Ninh và Vinacomin càng hiểu nhau và chia sẻ hơn, luôn giữ được truyền thống quý báu “kỷ luật và đồng tâm” để cùng nhau vượt qua; thực hiện tốt lời căn dặn của Bác: “Xây dựng ngành than trở thành ngành kinh tế gương mẫu” và “tỉnh Quảng Ninh trở thành một tỉnh giàu đẹp”.
PV: Trong định hướng phát triển kinh tế – xã hội của Quảng Ninh thời gian tới, Tỉnh sẽ có chủ trương gì với sự phát triển của ngành Than?
Đ/c PMC: Đất nước ta đang trong quá trình đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa hiện đại hóa nên nhu cầu năng lượng sẽ ngày càng cao, cho đến nay, chúng ta cũng chưa có phương án nào thay thế cho nguồn năng lượng từ than. Chính vì vậy mà ngành công nghiệp khai thác, chế biến than tiếp tục phát triển và đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Trong phương án tăng trưởng của dự thảo Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 mà Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Ninh kỳ họp thứ X vừa thông qua thì tỷ trọng ngành Than trong GDP của tỉnh sẽ giảm xuống còn 11-12%, tuy nhiên vẫn đảm bảo sản lượng tuyệt đối tăng như quy hoạch ngành theo Quyết định 60/2012/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt.
Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh, Quảng Ninh tập trung triển khai thực hiện 3 đột phá chiến lược gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cấu trúc nền kinh tế, chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh”. Có nhiều bài toán đặt ra trong hướng đi phát triển bền vững, trong đó bài toán ở đây là Quảng Ninh phải giải quyết cùng một lúc vấn đề mâu thuẫn giữa khai thác than với phát triển du lịch trên cùng địa bàn. Theo tôi, giải quyết mâu thuẫn, thách thức, tồn tại phát sinh trong quá trình vận động chính là động lực thúc đẩy sự phát triển. Do vậy, quan điểm của Quảng Ninh khi giải bài toán này là sẽ thực hiện một cách hài hòa và hợp lý, nghĩa là những gì đang có vẫn phải phát huy nhưng theo hướng tiết kiệm tài nguyên và bảo vệ môi trường bền vững.
PV: Đồng chí có thể nói thêm về những giải pháp để giải quyết mâu thuẫn trên?
Đ/c PMC: Chúng tôi bắt đầu từ công tác quy hoạch phát triển, trong đó có quy hoạch vị trí và phân vùng mỏ than phù hợp để không làm ảnh hưởng đến khu du lịch và khu dân cư. Sẽ tiến hành nghiên cứu để tăng hàm lượng khoa học công nghệ, chất xám trong khai thác tài nguyên, từ đó tăng giá trị trên một đơn vị sản phẩm. Siết chặt kỷ cương quản lý nhà nước đối với công tác khai thác, vận chuyển than; bảo vệ môi trường, trồng cây hoàn nguyên những nơi khai thác than; chấm dứt và nghiêm cấm các hoạt động bốc rót than tại khu vực vùng lõi của di sản vịnh Hạ Long… Đồng thời Quảng Ninh sẽ phối hợp với Vinacomin thực hiện lộ trình giảm dần việc khai thác lộ thiên và chuyển sang khác thác hầm lò các mỏ than. Tích cực đề xuất với Trung ương các cơ chế, chính sách hỗ trợ một phần theo tỷ lệ nhất định từ nguồn thu từ khai thác than, từ nguồn thu thuế xuất khẩu; trích lập quỹ bảo vệ môi trường ngành Than để triển khai các dự án cải tạo môi trường, bảo vệ chăm sóc sức khỏe nhân dân…
PV: Trước đây, nói đến Quảng Ninh, dư luận quan ngại đến nạn khai thác, vận chuyển, kinh doanh than trái phép diễn ra rất phức tạp. Đến nay, tình trạng trên đã giảm rõ rệt. Theo đồng chí, biện pháp nào quan trọng và hiệu quả nhất để giải quyết vấn đề này?
Đ/c PMC: Trước hết cần phải nói là không có biện pháp nào là quan trọng nhất. Điều quan trọng trên hết đó là ý chí, là quyết tâm chính trị cao và sự đoàn kết đồng tâm nhất trí, sự vào cuộc phối hợp chặt chẽ giữa các ban, ngành, địa phương của tỉnh Quảng Ninh và Ngành Than.
Về phía địa phương, chúng tôi thực hiện theo quan điểm kiên trì, kiên quyết kết hợp nhiều giải pháp đồng bộ. Nếu phát hiện ở địa phương, đơn vị nào để xảy ra tiêu cực liên quan đến khai thác, vận chuyển, chế biến, kinh doanh than trái phép thì Bí thư cấp ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Thủ trưởng cơ quan, đơn vị, Trưởng Công an địa phương đó bị xử lý theo quy định của pháp luật và Điều lệ Đảng. Bên cạnh đó là biểu dương đề xuất khen thưởng kịp thời những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong quá trình phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn và vô hiệu hoá các loại tiêu cực, tội phạm liên quan đến than. Đồng thời đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền về việc tấn công các loại tội phạm liên quan đến than và chấn chỉnh xử lý các tiêu cực liên quan đến than; tăng cường vận động quần chúng nhân dân tham gia phát hiện, tố giác, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật trong khai thác, vận chuyển, chế biến, kinh doanh than…
PV: Đồng chí có thể đánh giá tựu chung định hướng phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh trong những năm tới hay nói cách khác, bức tranh tương lai của Quảng Ninh sẽ được khái quát ra sao?
Đ/c PMC: Định hướng phát triển của Quảng Ninh trong thời gian tới là tiếp tục tập trung thực hiện 3 đột phá chiến lược của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cấu trúc kinh tế, phát triển bền vững, chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh”. Như vậy nếu nói một cách hình ảnh, bức tranh Quảng Ninh trong tương lai sẽ có nhiều gam xanh hơn bây giờ.
Trong bức tranh đó, không gian phát triển kinh tế – xã hội của Quảng Ninh sẽ phát triển theo “Một tâm – Hai tuyến – Đa chiều – Hai mũi đột phá”. Tâm là thành phố Hạ Long. Tuyến phía Tây gồm 5 đơn vị hành chính (Ba Chẽ, Hoành Bồ, Quảng Yên, Uông Bí, Đông Triều) xuất phát từ Hạ Long đến Đông Triều hướng tới đồng bằng sông Hồng và thủ đô Hà Nội, liên kết vùng ở cấp quốc gia bởi hệ thống đường thủy, đường bộ, đường sắt. Tuyến phía Đông gồm 8 đơn vị hành chính (Cẩm Phả, Móng Cái, Vân Đồn, Cô Tô, Tiên Yên, Bình Liêu, Đầm Hà, Hải Hà); xuất phát từ Hạ Long đến Móng Cái và hướng tới khu vực Đông Bắc Á, Trung Quốc; kết nối khu vực ở cấp quốc tế bởi các cửa khẩu, cụm cảng hàng không và hàng hải quốc tế. Đa chiều là sự phát triển không bị giới hạn bởi địa giới hành chính; có tính chất động và mở. Động là quá trình không ngừng mở rộng hợp tác, liên kết, hỗ trợ, bổ sung, hoàn thiện cho nhau phát triển; Mở là nhằm thúc đẩy tự do hóa, tương tác, cạnh tranh, tiệm cận nhau cùng phát triển. Hai mũi đột phá là xây dựng và phát triển Khu hành chính – kinh tế đặc biệt Vân Đồn và Khu kinh tế cửa khẩu tự do Móng Cái.
Với ý chí và quyết tâm chính trị cao, cùng với phát huy thật tốt truyền thống của đất Mỏ Anh hùng, tinh thần “kỷ luật và đồng tâm”, trong những năm tới, chắc chắn tỉnh Quảng Ninh sẽ tiếp tục vững bước trên con đường hội nhập và phát triển, phấn đấu thực hiện thắng lợi “Khát vọng Quảng Ninh” với mục tiêu “Đến năm 2030 xây dựng thành công tỉnh Quảng Ninh giàu, đẹp, hiện đại, văn minh bằng chính bàn tay, khối óc, khung trời, cửa biển, mảnh đất của mình”.
PV: Xin cảm ơn đồng chí !
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/dong-chi-pham-minh-chinh-uy-vien-trung-uong-dang-bi-thu-tinh-uy-quang-ninh-xay-dung-quang-ninh-6426.htm” button=”Theo vinacomin”]