Chúng tôi biết ông Hoàng Văn Thái từ khi còn là Giám đốc Công ty than Quảng Ninh (ông làm Giám đốc Công ty này từ năm 1991 đến năm 1999). Tháng 7/1999, ông được đề bạt và điều động về làm Phó tổng giám đốc Tổng Công ty Than Việt Nam. Là người được phân công phụ trách tiêu thụ than lúc bấy giờ và sau này nhiều việc khác nữa như phụ trách kế hoạch, tài chính, Phó TGĐ thường trực nhiều năm, Thủ trưởng cơ quan… Gặp lại ông trước ngày Tập đoàn kỷ niệm 20 năm thấy ông vẫn khoẻ mạnh, nhanh nhẹn như n
– Các bạn còn nhớ không? Cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính trong khu vực năm 1997 – 2000 bắt đầu từ Thái Lan và tràn ra khu vực khác ở châu Á. Đến năm 1998, nó ảnh hưởng trực tiếp đến nước ta. SXKD nhiều ngành kinh tế lâm vào đình trệ, sản phẩm làm ra không bán được, hoặc bán rất chậm. Ngành Than của chúng ta không phải là ngoại lệ. Tính đến cuối tháng 4 năm 1999, chúng ta tồn kho hơn 4 triệu tấn than, mất cân đối cung – cầu, vốn ứ đọng, tiền vay ngân hàng cao, nhiều doanh nghiệp đứng trước nguy cơ vỡ nợ, phá sản!
Ngày 26/5/1999, tại Đại hội CNVC Tổng Công ty tại Hội trường mỏ Cao Sơn, Tổng giám đốc phải đưa ra giải pháp tình thế “giãn sản xuất, giảm việc làm”. Đây là quyết định khó khăn, xong cũng không thể làm khác được lúc bấy giờ!
Tôi nhớ vào tháng 10 năm 1998, trong một lần UBND tỉnh Quảng Ninh và Tổng Công ty Than Việt Nam làm việc với Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải, khi chờ đợi, anh Kiển Tổng giám đốc đã nói với tôi “Ông chuẩn bị người thay thế kế nhiệm đi. Tôi sẽ đề xuất đề bạt điều động ông về để phụ trách khâu tiêu thụ cho tôi”. Vì quá bất ngờ, im lặng một lúc, tôi trả lời anh Kiển: “Việc này khó quá đấy! Không biết tôi có gánh được không?”
Tháng 3 năm 1999, khi còn là Giám đốc Công ty than Quảng Ninh, anh Kiển cử tôi đi Nhật Bản công tác. Trong lần gặp các khách hàng lớn mua than tại Nhật, anh Kiển đã giới thiệu tôi: “đây là ông Thái – Giám đốc một Công ty thành viên của chúng tôi. Tôi sẽ đề bạt ông ấy về phụ trách khâu kinh doanh than của Tổng Công ty thời gian tới…”. Tôi lo ngại không dám cười theo và bắt tay họ một cách thận trọng.
Khi về nước, tôi nghĩ có lẽ mình phải làm việc này thật rồi. Tranh thủ thời gian, tôi vừa chỉ đạo công việc của công ty, vừa dành thời gian đi tìm hiểu về thực trạng thị trường than trong nước. Tại sao than bán không được hoặc bán chậm? Ngành xi măng lúc bấy giờ họ chỉ mua than của chúng ta 30%, còn lại họ mua ngoài. Ngành điện cũng có lúc mua than ngoài (Nhà máy điện Phả Lại). Nhiều ngành khác như hoá chất, dệt cũng mua ngoài vì mua than ngoài giá rẻ hơn….
Tôi đã nhận định như vậy là có một dòng than tiêu thụ ngoài sự kiểm soát của Tổng Công ty và đang cạnh tranh rất gay gắt với chúng ta. Và tại sao họ lại bán giá rẻ hơn? Than này rẻ vì có nguồn gốc từ khai thác trái phép, than trộm cắp, than trôi nổi, than gian lận thương mại…? Lúc bấy giờ trong tôi đã hình thành một suy nghĩ là phải có biện pháp đối phó với thực trạng này.
Cuối tháng 7 năm 1999, tôi nhận quyết định về làm Phó tổng giám đốc Tổng Công ty Than Việt Nam. Đầu tháng 8, anh Kiển quyết định phân công tôi phụ trách tiêu thụ than. Sau một tháng tìm hiểu tình hình và cộng với những gì đã “thai nghén” khi còn ở cơ sở, trung tuần tháng 9, tôi đăng ký làm việc với anh Kiển. Trong phòng làm việc của anh Kiển, tôi đã đề xuất:
– Anh Kiển ạ, chúng ta đang đứng trước một sự lựa chọn: lợi nhuận và việc làm (lợi nhuận là giá than phải cao hơn thị trường lúc bấy giờ). Trong tình cảnh này, theo tôi chúng ta nên chọn việc làm cho công nhân trước.
Anh Kiển hỏi lại tôi: “Ý anh là thế nào?”
Tôi trả lời: “Mình hãy để giá than cho thị trường quyết định, Tổng Công ty không quyết định giảm giá mà giao cho các công ty thành viên tự quyết định giá bán trên cơ sở tự cân đối được tài chính.
Anh Kiển hỏi lại tôi: “Liệu có xảy ra lộn xộn không”. Tôi nói: “Sẽ có biên độ chênh lệch giá giữa các công ty thành viên, nhưng sẽ cao. Có thể than ở nhà máy tuyển giá khác, than 3 mỏ Cọc Sáu, Đèo Nai, Cao Sơn giá khác, các mỏ hầm lò và than vùng Uông Bí, Mạo Khê giá khác.”
Anh Kiển còn hỏi tôi: “Liệu chúng ta có kiểm soát được không?”
Tôi trả lời: “Kiểm soát được, nếu các mỏ bán than phải thông qua các công ty là thành viên kinh doanh than trong Tổng Công ty”. Anh Kiển còn nói: “Lọt sàng xuống nia”. Tôi trả lời: “đúng!”.
Anh Kiển còn hỏi thêm: “Giải pháp này có chắc không?”. Tôi trả lời, cứ cho làm thử trong quý IV xem sao, làm đến đâu ta điều chỉnh đến đó…
Anh Kiển nói: “Anh cho anh em chuẩn bị tài liệu đi. Tôi sẽ triệu tập họp sơ kết 9 tháng và sẽ đưa ra bàn trong hội nghị”.
Đầu tháng 10 năm 1999, trong hội nghị sơ kết 9 tháng, tôi đã trình bày các giải pháp về tiêu thụ than trong nước. Giải pháp này được các công ty thành viên đón nhận, vui vẻ, họ tin sẽ thực hiện được.
* Thế kết quả như thế nào ạ?
– Các bạn biết không? Kết quả thật kỳ diệu. Chỉ trong 3 tháng cuối năm 1999, Tổng Công ty đã tiêu thụ hết số than tồn kho và số than sản xuất ra trong quý (khoảng hơn 6 triệu tấn). Giải phóng được than tồn kho, chúng ta không còn áp lực vay và trả nợ ngân hàng, các doanh nghiệp tự cân đối được tài chính, đặc biệt là giải quyết được việc làm và thu nhập cho công nhân. Kết quả tiêu thụ của chúng ta lúc ấy cũng được các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ khen, nhân dân tỉnh Quảng Ninh thở phào nhẹ nhõm và rất vui mừng hoan hỉ. Giải pháp tiêu thụ than của chúng ta ví như một mũi dao sắc chọc thủng, làm xì hơi quả bóng tồn kho vì nó đã làm cho cả Tổng Công ty phải rất vất vả, đau đớn gần 20 tháng trời. Xác lập được quan hệ cung cầu đã mở ra cho chúng ta một cách làm mới, một tư duy chiến lược mới trong sản xuất và kinh doanh than cho năm 2000 và các năm tiếp theo.
* Hay quá, vậy năm 2000 chúng ta tiếp tục phát huy giải pháp này chứ ạ?
– Không phải, không hoàn toàn như vậy. Khi xác lập được cung cầu, chúng ta – tức Tổng Công ty đã tự quyết định được giá bán. Chúng ta đã tập hợp được các đơn vị cung ứng trong Tổng Công ty, họ đã trở thành lực lượng không thể thiếu được của quá trình sản xuất kinh doanh than. Chính họ là cánh tay nối dài của các doanh nghiệp sản xuất than. Năm 2000, chúng ta cho các doanh nghiệp cung ứng hưởng 7% chiết khấu. Có việc làm thường xuyên rồi, có lợi nhuận rồi, họ không đi mua than ngoài luồng để kinh doanh nữa. Chính họ cũng góp phần vào việc lập lại trật tự trong sản xuất kinh doanh than. Tổ chức xây dựng họ trở thành hệ thống vận chuyển dịch vụ, cung cấp than cho Tập đoàn sau này.
* Thế các công ty thương mại ngoài ngành mà kinh doanh than thì sao thưa ông?
– Họ trở thành đại lý cấp II của chúng ta
* Một mũi tên đạt được nhiều đích?
– Đúng thế!
* Đây là bước ngoặt, là sự kiện đáng nhớ của Tổng Công ty lúc bấy giờ đúng không ạ?
– Đúng là như vậy!
* Cảm ơn ông rất nhiều về câu chuyện tiêu thụ đáng nhớ này!
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/chuyen-cua-nguoi-nhieu-nam-gan-voi-dau-ra-hon-than-9146.htm” button=”Theo vinacomin”]