Trong một cuộc họp, tôi gặp anh Tuyến, Phó Giám đốc Công ty than Khe Chàm. Hỏi thăm anh về máy khấu, anh Tuyến bảo, tốt lắm, tốt lắm, đang chuyển diện. Tôi đã thấy hình ảnh máy khấu than ở Khe Chàm đưa lưỡi cắt vào vỉa than nục nạc, xoắn, than rơi rào rào xuống máng cào rồi theo hệ thống băng tải chảy cuồn cuộn. Thế nhưng, cảnh chuyển diện, tức là chuyển máy và các thiết bị đi kèm tới vị trí sản xuất mới thì tôi chưa được biết nên háo hức xuống lò Khe Chàm.
Lý do phải chuyển máy (chuyển diện)
Trước khi kể về việc chuyển máy, tôi xin nêu mấy thông tin về quá trình áp dụng máy khấu ở Khe Chàm thế này. Từ tháng 3 năm 2002, Than Khe Chàm đã đưa máy khấu MG200-W1 vào lò chợ. Sau gần 2 tháng lắp rắp, chuyển giao công nghệ, chạy thử, đến 3/5/2002 máy chính thức hoạt động. Năng suất những tháng đầu đạt 6 tấn/ công, sau đó tăng dần, đạt năng suất định mức 8tấn/ công. Thành công bước đầu này gắn với tên tuổi của những Chiến sĩ thi đua Toàn quốc, là các ông: Mai Văn Phượng (Giám đốc Công ty); Lê Việt Quang (Phó Giám đốc), Mai Văn Anh (Quản đốc).
Tuy nhiên, máy khấu này bộc lộ một số hạn chế, ngày 9.5.2005, Công ty đầu tư lắp đặt hệ thống thiết bị cơ giới hoá đồng bộ tại lò chợ 14.2.3 cánh đông vỉa 14.2 mức âm 55 đến âm 10. Đây là công nghệ cơ giới hoá than bằng máy khấu than combai kết hợp dàn tự hành hiện đại, lần đầu tiên Than Việt Nam (nay là Tập đoàn) cho áp dụng thử nghiệm tại Khe Chàm. Khối lượng vật tư, thiết bị của nó khoảng 1.700 tấn, bao gồm máy khấu, máy cào, 89 bộ giàn chống thuỷ lực và hàng loạt thiết bị phục vụ khác như trạm phun sương mù dập bụi, trạm dung dịch, bàn điều khiển… Tổng mức đầu tư cho hệ thống cơ giới hoá đồng bộ này gần 51 tỷ đồng.

Công nhân Khe Chàm bảo dưỡng máy khấu than
Sau 7 năm hoạt động, đầu máy khấu già nua, hoạt động kém hiệu quả, phụ tùng thay thế khó khăn, Công ty mua lại máy khấu của Than Dương Huy, thay thế máy cũ; bộ dàn và thiết bị đi kèm vẫn hoạt động tốt (Trường Cao đẳng nghề Hồng Cẩm hiện đang quản lý máy khấu cũ của Khe Chàm).
Anh Thái, Quản đốc Công trường Khai thác 6 – đơn vị đang quản lý vận hành dàn máy khấu (cơ giới hóa đồng bộ) cho biết, dàn máy vẫn hoạt động tốt. Sản lượng vẫn đạt “phong độ” như trước. Có tháng cao điểm năng suất đạt trên 50 nghìn tấn, cao gấp 4 lần so với lò chợ giá khung. Năm 2008, Công trường được Cờ dẫn đầu năng suất kỷ lục cấp Tập đoàn. Hàng năm, Công trường đóng góp trên 10 sáng kiến được áp dụng trong sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao, trong đó có sáng kiến mang giá trị làm lợi 1,4 tỷ đồng. Quản đốc Công trường này (anh Thái) đạt danh hiệu Chiến sỹ thi đua cấp Tập đoàn, cấp Bộ, được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen và được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba.
Cho hay rằng, nếu lựa chọn thiết bị công nghệ phù hợp với các điều kiện của mỏ, trong đó đặc biệt là điều kiện địa chất, dàn cơ giới hóa đồng bộ khai thác than sẽ phát huy hiệu quả như ở Khe Chàm.
Chưa ai phàn nàn về hiệu quả của máy khấu
Sau khi được phòng An toàn Công ty hướng dẫn những quy định an toàn trong hầm lò, ký tên vào sổ, tôi hăm hở chuẩn bị các phương tiện bảo hộ. Theo chân kỹ sư Nguyễn Văn Trường, cán bộ phòng Kỹ thuật Công ty, từ mức 32, chúng tôi xuống mức âm 160 – nơi Công trường Khai thác 6 đang chuyển máy. Ấn tượng đầu tiên với tôi là các đường lò ở đây đều khô và sạch; hệ thống cáp điện, đường ống dẫn hơi ép v.v. được treo bên hông lò gọn gàng, ngăn nắp. Trong lò còn có bình lọc nước sạch phục vụ công nhân, có hệ thống camera, điện thoại phòng nổ, hệ thống biển báo v.v.
Tại mức âm 160, chúng tôi gặp Quản đốc Thái, mồ hôi nhễ nhại, mặt bám đầy bụi than đang chỉ đạo tốp công nhân đưa khối thép kềnh càng, đen đúa lên cái “tích” (phương tiện chứa vật liệu trong lò). Tiếc rằng, máy ảnh của tôi không được phép đưa vào lò (vì không có thiết bị phòng nổ), nên không ghi nhận được cảnh vất vả nặng nhọc của thợ lò khi chuyển máy. Hỏi mới biết, đó là một trong 89 giá của bộ dàn đi kèm máy khấu. Mỗi dàn có trọng lượng 9,8 tấn. Như vậy, riêng bộ dàn đã gần 1000 tấn. Đi kèm bộ dàn còn có 89 bộ cầu máng cào, mỗi cầu máng nặng khoảng 1 tấn, vị chi thêm gần 100 tấn máy nữa. Chưa hết, đầu máy khấu nặng 25 tấn và nhiều thiết bị khác đi kèm…Với khối lượng máy khổng lồ, nặng khoảng 1700 tấn, thợ mỏ phải chuyển đến vị trí cách xa hơn 1 km trong không gian chật hẹp như thế nào đây?
Lại nhớ đến câu thơ trong bài “Chuyển máy” ở sách giáo khoa thời đi học: “Lưng tỳ, vai đẩy, gối thúc, thân gò/ Miệng há hốc lên từng hơi một”. Đó là cảnh chuyển máy tới nơi sơ tán trong kháng chiến chống thực dân Pháp. Chuyển máy trong hầm lò ít dùng cơ bắp, mà chủ yếu dùng kỹ thuật, dùng kinh nghiệm. Chỉ tay về “tích” ngự trên đường ray, anh Thái Bá Dương, Tổ trưởng Tổ số 1 giải thích, đây là công cụ để chứa thiết bị, vật liệu, chạy trên đường ray. Mặt “tích” bằng tôn dày, bốn góc khoan lỗ để bắt bu lông. Để đưa được bộ giá gần 10 tấn lên “tích”, các anh phải dùng tời, nâng, hạ; có lúc phải dùng kích chuyên dụng. Để tránh sự xê dịch của giá khi vận chuyển, người ta bắt bu lông bốn góc cố định giá vào tích.
Khi thiết bị “yên vị” trên “tích”, việc vận chuyển máy đến vị trí mới cũng rất khó khăn. Khó nhất là vận chuyển “tích” qua những đoạn lò dốc, lò cua, nền lò mềm yếu. Quản đốc Thái cho hay, ở những đoạn lò dốc, các anh phải dùng tời hai đầu; một đầu thả, một đầu ghìm để chống trôi tự do. Khi đó, các vị trí phải phối hợp nhịp nhàng thông qua hệ thống tín hiệu.
Dẫn chúng tôi đến diện sản xuất mới, Quản đốc Thái giới thiệu 13 bộ giá mà Công trường vừa lắp đặt xong. Trong ánh đèn lò, những hàng cột thủy lực lấp lóa, thẳng tắp nép bên vỉa than nục nạc, nom thật thích mắt. Tôi hỏi Quản đốc Thái, thời gian chuyển diện hết bao lâu? Anh Thái bảo, “quân” của anh đã quen với việc vận chuyển, lắp đặt máy rồi nhưng cũng mất khoảng một tháng mới đưa dàn vào sản xuất.
Việc chuyển diện được coi là điểm nóng, Giám đốc yêu cầu tất cả các phòng ban, công trường liên quan đều cử người tham gia suốt 3 ca. Lại hỏi, ở Khe Chàm bao lâu lại phải chuyển máy như thế này? Quản đốc đáp, đợt chuyển diện lần trước cách hơn một năm. Nhìn chung, Khe Chàm chọn lựa công nghệ phù hợp với điều kiện địa chất của vỉa nên ít khi phải chuyển diện. Nếu tôi nhớ không nhầm, suốt 8 năm nay, dàn máy khấu đồng bộ ở Khe Chàm chỉ chuyển diện có 6 lần. Hỏi tiếp, vậy máy khấu bây giờ đang ở đâu – máy khấu mà Khe Chàm mua lại từ Than Dương Huy ấy? Anh Thái nói, chúng tôi đưa nó lên mặt bằng để bảo dưỡng? Hỏi, đầu máy nặng 25 tấn, các anh đưa máy lên bằng cách nào? Chúng tôi tháo các bộ phận của máy ra, cẩu lên “tích”, dùng tời kéo lên; bảo dưỡng xong lại đưa xuống. Lại hỏi, là Quản đốc lâu năm được giao nhiệm vụ quản lý sử dụng dàn cơ giới hóa đồng bộ, anh thấy “nó” bộc lộ ưu nhược điểm gì? Trả lời, nếu điều kiện địa chất của vỉa phù hợp với nó, cụ thể là chiều dày vỉa, vỉa ổn định, không gặp phay, không uốn lượn vò nhàu v.v thì máy khấu hoạt động rất tốt. Trong đó, hai tính năng nổi trội là an toàn và năng suất cao. Ở Khe Chàm, suốt 11 năm sử dụng hai đời máy khấu đều đảm bảo an toàn tuyệt đối; năng suất dàn máy khấu hiện tại gần gấp 4 lần lò chợ giá. Đến nay, tôi chưa thấy ai kêu ca phàn nàn về hiệu quả của máy khấu ở Khe Chàm. Chính nhờ 2 tính năng đó mà công nhân Công trường Khai thác 6 của tôi thu nhập khá cao. Năm ngoái, thu nhập bình quân 11 triệu đồng/người/tháng; 6 tháng đầu năm nay cũng đạt mức thu nhập bình quân như vậy. Cũng vì thế mà công nhân Công trường KT6 gắn bó với đơn vị. Từ đầu năm đến nay chỉ có 2 công nhân bỏ việc bởi nhiều lý do khách quan.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/xem-chuyen-may-o-am-160-khe-cham-5958.htm” button=”Theo vinacomin”]