Năm 2014, các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh của Công ty Cổ phần than Cao Sơn bị hụt từ 10% đến 15% so với kế hoạch đề ra. Cụ thể, khối lượng bốc xúc đất đá đạt 28 triệu mét khối; sản lượng than sản xuất 3,5 triệu tấn, chỉ bằng 85% kế hoạch năm và bằng 92% so với cùng kỳ 2013. Thu nhập bình quân của người lao động đạt 6,2 triệu đồng/người/tháng. Vậy, vì sao Cao Sơn lại tụt giảm sản lượng?
Về nguyên nhân chủ quan, từ năm 2011 đến nay, hệ số bóc đất đá của Cao Sơn được thực hiện thấp (bình quân 8,19 m3/tấn) dẫn đến diện khai thác không được mở rộng, tầng khai thác chập nhiều nên năng suất thiết bị thấp, chi phí cho các công đoạn sản xuất cao. Có những khu vực vỉa than 13-1, 14-5 cứ bóc đến đâu lấy than đến đó, không còn nguồn than dự phòng. Trong đó, vỉa 13-1 chủ yếu dưới moong (mức -40 đến -80, phải khai thác theo mùa. Công tác bơm nước lòng moong lớn lên đến trên 1,4 triệu m3 nước, hàng trăm m3 bùn… Đây được coi là nguyên nhân cơ bản dẫn đến khai thác của Công ty ngày càng khó khăn.
Đặc biệt, năm 2012 và 2013, Tập đoàn chỉ đạo ưu tiên khoan thăm dò địa chất khai trường mỏ, do vậy có tới 14 lỗ khoan đều nằm trong diện khai thác quan trọng theo hướng mở rộng diện khai thác, đã làm ảnh hưởng đến tiến độ thi công mở vỉa và cải tạo tầng khai thác của Công ty. Đây là nguyên nhân dẫn đến thay đổi khối lượng các vỉa than, độ tro bình quân than nguyên khai tăng 0,25%. Độ tro bình quân hiện nay của Công ty là 34,03%/33,78% kế hoạch.
Mặt khác, năm 2014, diễn biến thời tiết thất thường, mưa nhiều; hơn nữa, do đặc thù khai trường của Cao Sơn khác biệt so với Đèo Nai, Cọc Sáu về vị trí địa lý trên cao, sương mù dày đặc, độ ẩm cao ảnh hưởng đến sản xuất và năng suất vận tải về tầm nhìn, đường trơn, chi phí vận tải tăng cao. Những ngày mưa, thuê ngoài ngừng, nội bộ chạy hạn chế vì chi phí cao, nhiều ngày sản lượng toàn Công ty chỉ đạt 7.000 đến 9.000 m3 đất đá.
Đối với thiết bị khai thác, vận tải của Công ty do sử dụng nhiều năm, đã xuống cấp. Hiện nay, Công ty có tổng số 137 xe có trọng tải từ 55-96 tấn, trong đó, loại A: 25 xe = 18,25%, loại B: 35 xe = 25,55%, loại C, C1, C2, C3: 77 xe = 56,20% và 33 xe HM, Volvo có trọng tải 32-40 tấn đều là loại B và C, C1, C2 phục vụ chạy than và công nghệ. Các xe thường xuyên hư hỏng nhiều dẫn đến giờ hoạt động sản phẩm, năng suất thấp.
Vấn đề đổ thải của Cao Sơn cũng gặp nhiều khó khăn. Hiện nay, theo kế hoạch của TKV thì mỗi năm, Cao Sơn đổ thải ở hai khu vực chính là Nam Khe Tam khoảng 6 triệu m3 và Bàng Nâu 27,3 triệu m3, nhưng đến nay bãi thải Nam Khe Tam do Công ty than Đèo Nai chủ trì vẫn chưa xong các thủ tục, bãi thải Bàng Nâu gặp rất nhiều khó khăn về công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, phải đến quý IV mới tiến hành đổ thải được.
Về cân đối tài chính, do điều kiện khai thác khó khăn nêu trên, độ tro AK vượt 0,25% dẫn đến giảm doanh thu khoảng 100 tỷ đồng; khấu hao TSCĐ năm 2014 Công ty thực hiện theo kế hoạch là 524 tỷ/317,4 tỷ (do Tập đoàn giao thấp), thiếu 206,6 tỷ đồng Công ty không có nguồn bù. Do vậy, giải pháp trước mắt, Công ty đề nghị Tập đoàn điều chỉnh độ tro than nguyên khai AK từ 33,78% lên 34,03% và bổ sung khấu hao TSCĐ và thuê thiết bị còn thiếu, xét hệ số khó khăn cho Công ty. Về phía Công ty, Công ty đưa ra những giải pháp trọng tâm lãnh đạo công tác quản lý, điều hành sản xuất kinh doanh như: Công tác kỹ thuật công nghệ, Công ty tập trung chỉ đạo mở rộng khai trường, các khu vực vỉa than, quy hoạch các khu vực đổ thải hợp lý. Điều hành sản xuất hợp lý theo khu vực, theo thời tiết, theo mùa; nâng cao năng suất, tiết kiệm chi phí, đảm bảo chất lượng sản phẩm, chủng loại than đáp ứng yêu cầu tiêu thụ các tuyến Cửa Ông và Cảng Kho vận. Công ty lãnh đạo các đơn vị tăng cường quản lý chống âm đất đá, tiết kiệm chi phí, vật tư, nhiên liệu, điện năng… Tiết kiệm nhiên liệu theo định mức Tập đoàn và Công ty giao, giảm tỷ lệ âm đất đá bình quân là 2,0% v.v.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/cao-son-mot-nam-gap-kho-9724.htm” button=”Theo vinacomin”]