Có lần, chúng tôi đã hỏi ông Nguyễn Văn Long, nguyên Chủ tịch HĐQT Tập đoàn rằng, trong 36 năm làm mỏ, ông đã rút ra bài học kinh nghiệm gì sâu sắc nhất, quý báu nhất? Ông Long khẳng định luôn, đó là bài học về đổi mới tư duy – tư duy về quản lý sản lượng, quản lý giá thành, tư duy bán hàng… Từ khi thành lập TVN, sự đổi mới này càng mạnh mẽ và hiệu quả. Theo ông, đó là bước ngoặt quan trọng giúp ông cũng như lực lượng cán bộ quản lý trong Tập đoàn ngày càng trưởng thành.
Đối với ngành Than nói chung và Công ty than Uông Bí nói riêng, khó khăn lớn nhất trong thời kỳ này đó là thị trường tiêu thụ than. Công ty than Uông Bí vào thời điểm này sản xuất ra chưa đầy 1 triệu tấn than nhưng tiêu thụ gặp vô vàn khó khăn. Khối xây lắp, vốn là thế mạnh của Công ty, đứng trước nguy cơ mất việc làm vì Nhà nước cắt giảm và tiến tới xóa bỏ bao cấp đầu tư bằng vốn ngân sách cho ngành Than. Sản xuất than và xây lắp gặp khó khăn, kéo theo sự khốn khó cho các khối phụ trợ như: cơ khí, các trường dạy nghề, các ngành dịch vụ khác… Lực lượng lao động dôi dư có lúc hơn 8.000 người; sản xuất thua lỗ, đời sống CBCNVC sa sút nghiêm trọng.
Nghị quyết lần thứ nhất của Đảng bộ Công ty thời kỳ này đã đề ra mục tiêu: Phấn đấu đưa thu nhập của thợ lò mỗi tháng mua được 100 kg gạo, 70 kg đối với thợ cơ điện vận tải và 50 kg đối với lao động sàng than. Ngày ấy, nhà nhà lo gạo thì Nghị quyết của Đảng bộ không thể xa rời nguyện vọng bức thiết của mọi gia đình công nhân, đó là đủ gạo ăn. Trong Tạp chí Than – Khoáng sản Việt Nam số kỷ niệm 50 năm thành lập tỉnh Quảng Ninh chúng tôi đã nêu: Thời gian này, tình trạng thiếu lương thực ở vùng Mỏ diễn ra gay gắt. Theo số liệu điều tra thực tế của Liên hiệp Công đoàn tỉnh và phản ảnh của cơ sở, có thời điểm, ở Công ty Than Cẩm Phả (nay thuộc các công ty của TKV trên địa bàn Cẩm Phả như Cọc Sáu, Cao Sơn, Đèo Nai, Thống Nhất…) có tới 30% công nhân phải ăn cháo một bữa, còn 1 bữa dựa vào bữa ăn công nghiệp ở nơi làm việc. Xí nghiệp Tuyển than Cửa Ông có 54 gia đình công nhân phải ăn cháo 2 bữa; Xí nghiệp Vận tải Cẩm Phả (Xí nghiệp này sau này tổ chức lại) có 39 gia đình ăn cháo 2 bữa….
Giám đốc Công ty than Uông Bí trong thời kỳ này là ông Lê Văn Điều. Dịp kỷ niệm 10 năm thành lập TVN, ông đã kể cho phóng viên Tạp chí TKV rằng: “Ngày ấy, vấn đề sống còn của Công ty là phải giải quyết bằng được bài toán về tiêu thụ than. Thị trường trong nước, ngoài 2 mỏ chủ lực Mạo Khê, Vàng Danh có chỉ tiêu bán cho ngành Điện, còn lại các xí nghiệp xây lắp chuyển sang làm than chúng tôi phải tự tìm lấy thị trường. Chúng tôi khuyến khích các mỏ bán than bằng mọi cách, tiếp cận các nhà máy xi măng lò đứng, đưa than vào tận đồng bằng Sông Cửu Long, bán lẻ đến từng lò vôi, lò gạch, làm than tổ ong đưa về các vùng ven đô bán cho dân làm chất đốt. Công ty chỉ quản lý bảng giá các loại than và duyệt các hợp đồng. Chính bằng biện pháp này, việc tự bán than đối với thị trường trong nước đã ngày một tốt hơn. Khoáng sàng Vàng Danh -Yên Tử có tỷ lệ than cục cao, bình quân từ 15 – 18%. Mỗi năm, Công ty sản xuất ra vài trăm ngàn tấn than cục. Than cứng, nhiệt lượng cao nhưng cũng chỉ có mấy nhà máy phân lân tiêu thụ, hy vọng đưa vào hộ sản xuất đạm cũng không thành vì hàm lượng lưu huỳnh trong than cao hơn vùng Hòn Gai, Cẩm Phả. Số lượng tồn kho mỗi năm một lớn, nếu không xuất khẩu được số than này. Lo lắm!
Thế rồi, bằng những nỗ lực không ngừng của Công ty, được sự giúp đỡ của Công ty Coalimex, chúng tôi đã xuất khẩu được chuyến tàu than cục 2C đầu tiên với số lượng 11.000 tấn. Nay xuất khẩu than đã là chuyện bình thường, nhưng ngày đó, đối với chúng tôi thì quả là chuyện không nhỏ và có tầm quan trọng hết sức lớn lao. Xuất khẩu được than, giá bán cao không những cân đối được tài chính mà cái chính là đội ngũ CNVC xây lắp của chúng tôi chuyển sang làm than với cơ chế vốn vay đã có lối thoát, tránh được khủng hoảng lớn. Nhớ lại những ngày làm chuyến tàu đầu tiên ấy cả Công ty chúng tôi như ngày hội lớn, nhân viên Công ty cũng xuống tận công trường làm quen với các khái niệm như cỡ hạt, độ vỡ vụn, độ tro, lưu huỳnh. Ngày giao than, trên các con đường ra cảng, từng đoàn ô tô cõng trên lưng những container than đen ánh sao mà vui đến thế!.
Còn ông Nguyễn Văn Long, khi ấy là Giám đốc Mỏ than Vàng Danh kể về chuyến “mở đường máu” thật cảm động. Đó là lần ông cùng ông Phí Văn Tự, Phó Giám đốc Công ty than Uông Bí và một số anh em khác đi trên chiếc xe u oát ròng rã gần một tháng trời vào tận các tỉnh phía Nam để tìm thị trường than. Ông nói rằng, khi đó, chủ trương của Đảng, Nhà nước về sự đổi mới thì ông đã được học tập, nghiên cứu nhưng áp dụng vào thực tiễn thì thấy lúng túng. Chúng ta đã quen bao cấp rồi, nay bước vào tự chủ, chưa biết bắt đầu từ đâu? Chưa biết phải vận hành thế nào? Nhưng rồi, chính yêu cầu bức thiết của thực tiễn khiến những nhà quản lý nói chung và cán bộ công nhân mỏ nói riêng đã đổi mới tư duy để tồn tại và phát triển.
Bước ngoặt đổi mới tư duy này càng phát huy mạnh mẽ, quyết liệt và hiệu quả trong quá trình phát triển của Tập đoàn. Chúng ta đã biết, sau khi TVN thành lập không lâu, ngành Than đang đà phát triển, diện mạo vùng Than khởi sắc thì cuộc khủng hoảng tài chính Châu Á lan tới đã tác động xấu đến thị trường than Việt Nam. Nhu cầu sử dụng than trong nước và các bạn hàng nước ngoài giảm sút. Đến tháng 5/1999, ngành Than tồn kho gần 4 triệu tấn than các loại, trị giá 662 tỷ đồng, mỗi tháng phải trả lãi 7 tỷ đồng, đẩy mức hao hụt cả năm lên 14 tỷ đồng. Trước tình thế đó, TVN quyết định tạm thời cho giãn sản xuất một thời gian. Quyết định trên gây xáo trộn dư luận nhưng là sự cần thiết để không những lập lại thế cân bằng giữa sản xuất và tiêu thụ trước mắt mà còn có tác động rất lớn về đổi mới tư duy kinh tế cho CNCB ngành Than trước cơ chế thị trường đầy biến động.
Từ năm 2000 đến năm 2007, sản lượng than tăng nhanh; thị trường than cũng như các sản phẩm khác ổn định. Bỗng nhiên, “cơn bão” của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới bùng phát, nhu cầu tiêu thụ than trong nước cũng như thế giới sụt giảm; giá kim loại màu trên thế giới giảm mạnh nên công tác tiêu thụ than, khoáng sản gặp rất nhiều khó khăn; lượng than và các sản phẩm khác tồn kho cao. Tuy vậy, bằng nhiều biện pháp, chúng ta đã vượt qua, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị, đời sống và việc làm của trên 100 ngàn CNCB ổn định, hoàn thành nghĩa vụ với Nhà nước và tham gia tích cực vào các hoạt động xã hội, từ thiện. Kết quả này một lần nữa khẳng định tư duy sáng tạo của đội ngũ CNCB Tập đoàn trước những thách thức của nền kinh tế thị trường.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/buoc-ngoat-tu-duy-9143.htm” button=”Theo vinacomin”]