1. Năm 1995: – Ngày 1/1/1995: Tổng Công ty Than Việt Nam chính thức đi vào hoạt động theo Quyết định số 563/TTg ngày 10/10/1994 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Tổng Công ty Than Việt Nam trên cơ sở tổ chức lại các doanh nghiệp Ngành Than thuộc Bộ Năng lượng, UBND Tỉnh Quảng Ninh và các đơn vị quân đội sản xuất than tại Quảng Ninh.
– Tổng Công ty Than Việt Nam cùng chính quyền địa phương tập trung lập lại trật tự, xóa bỏ nạn khai thác than trái phép.
2. Năm 1996: – Ngày 12/11/1996: Ngành Than đón nhận Huân chương Sao Vàng do có nhiều công lao trong 50 năm xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
– Theo Nghị định số 27/CP của Chính phủ từ năm 1996 bắt đầu quá trình tách các mỏ than, nhà máy tuyển than, nhà máy cơ khí ra khỏi các công ty than 2 cấp vùng Hòn Gai, Cẩm Phả, Uông Bí để trở thành doanh nghiệp thành viên hạch toán độc lập của Tổng Công ty Than Việt Nam, đã góp phần tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong sản xuất kinh doanh, giải phóng tối đa năng lực sản xuất, tạo nên cơ cấu tổ chức cơ bản của TKV như ngày nay.
3. Năm 1997: Đạt 10,7 triệu tấn than thương phẩm, hoàn thành vượt mức chỉ tiêu sản lượng của năm 2000 do Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VIII đề ra cho ngành Than (10 triệu tấn).
4. Năm 1998: Tự sản xuất thuốc nổ ANFO chịu nước dùng cho các mỏ lộ thiên thay cho thuốc nổ nhập ngoại.
5. Năm 1999: – Ngày 26/5/1999: Đại hội CNVC Tổng Công ty Than Việt Nam quyết định điều chỉnh giảm sản lượng than sản xuất theo nhu cầu thị trường, giải quyết thành công quan hệ CUNG-CẦU than do chịu ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế khu vực và thế giới.
– Quỹ Môi trường Than Việt Nam được thành lập theo Quyết định số 669/TCCB ngày 14/4/1999 của Tổng Công ty Than Việt Nam. Nhờ đó, các hoạt động bảo vệ môi trường trong khai thác than – khoáng sản đã từng bước đi vào nề nếp, có kế hoạch, đi vào chiều sâu, giải quyết được nhiều vấn đề môi trường ở vùng mỏ.
– Ngày 11/1/1999: Xảy ra vụ nổ khí mê tan ở mỏ than Mạo Khê làm 19 thợ lò hy sinh.
6. Năm 2000: TVN đã di chuyển hết cơ sở vật chất kỹ thuật (nhà sàng, kho than, kho vật tư, đường sắt, nhà máy cơ khí) ra khỏi trung tâm thành phố Hạ Long, chuyển cảng than Hòn Gai thành cảng vật tư – du lịch nhường chỗ cho phát triển đô thị và bảo vệ môi trường.
7. Ngày 12/5/2001: Tổng Công ty Cơ khí năng lượng và mỏ sáp nhập vào TVN. Đến nay, ngành Cơ khí TKV đã có bước phát triển vượt bậc chuyển từ cơ khí sửa chữa sang cơ khí chế tạo và sửa chữa lớn, doanh thu tăng cao.
8. Năm 2002: Các công ty than chuyển thành nhà thầu khai thác than thuê cho Công ty mẹ, việc tiêu thụ than do Công ty mẹ đảm nhận tạo lập cơ sở cho việc tập trung tài chính để đầu tư phát triển. Cơ chế khoán – quản chi phí được áp dụng trong toàn Ngành Than, quan hệ kinh tế giúp công ty mẹ và công ty thành viên chuyển sang chế độ hợp đồng phối hợp kinh doanh.
Ngày 2/4/2002: Khởi công xây dựng Nhà máy nhiệt điện Na Dương (Nhà máy nhiệt điện đầu tiên của TKV). Các nhà máy nhiệt điện của TKV đều sử dụng than nhiệt năng thấp, công nghệ mới, thân thiện với môi trường, vận hành ổn định, hiệu quả.
Ngày 2/10/2002: Thành lập Trung tâm An toàn Mỏ thực hiện chức năng nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, kiểm định… về lĩnh vực an toàn trong toàn Ngành.
9. Ngày 24/3/2003: Ban cán sự Đảng Tổng Công ty Than Việt Nam (trực thuộc Ban Bí thư Trung ương Đảng) được thành lập theo Quyết định số 67-QĐ/TW của Bộ Chính trị.
10. Năm 2004: – Tổng Công ty Than Việt Nam được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động.
– Lần đầu tiên tại Việt Nam, Trung tâm Y tế Lao động Ngành Than tiếp nhận, thực hiện thành công kỹ thuật rửa phổi. Niềm mơ ước của những người thợ mỏ hầm lò được chữa khỏi bệnh bụi phổi đã trở thành hiện thực.
11. Năm 2005: – Ngày 08/8/2005, Tổng Công ty Than Việt Nam trở thành Tập đoàn Than Việt Nam theo Quyết định 198/2005/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ trên cơ sở tổ chức lại Tổng Công ty Than Việt Nam và các đơn vị thành viên. TVN là Tập đoàn kinh tế nhà nước đầu tiên được thành lập.
– Bốn tháng sau, ngày 26/12/2005, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 345/2005/QĐ-TTg thành lập Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam trên cơ sở Tập đoàn TVN và TCT Khoáng sản Việt Nam. TKV bắt đầu hoạt động từ 01/01/2006.
12. Ngày 14/4/2006: Khánh thành đưa vào vận hành tổ hợp Mỏ Tuyển đồng Sin Quyền, Lào Cai. Nhà máy luyện đồng Lào Cai là nhà máy luyện đồng đầu tiên ở Việt Nam.
13. Năm 2007: Ban cán sự Đảng Than Việt Nam chấm dứt hoạt động và Đảng bộ Công ty mẹ – Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam được thành lập, cùng với Công đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam, Đảng bộ Than Quảng Ninh, Đoàn Thanh niên Than Quảng Ninh tạo nên hệ thống chính trị vững chắc trong Tập đoàn.
14. Năm 2008: – Ngày 26/7/2008: Khởi công Dự án Tổ hợp Bauxite – Nhôm Lâm Đồng đặt nền móng cho một ngành công nghiệp mới của Việt Nam. Đến ngày 25/5/2013 TKV đã xuất khẩu chuyến hàng Alumina đầu tiên cho khách hàng Thụy Sỹ.
– Ngày 20/8/2008: Hội đồng quản trị TKV có Quyết định số 1940/QĐ-HĐQT lấy ngày 15/9 hằng năm làm Ngày Truyền thống Ngành Khoáng sản và ngày 10/1/1840 là ngày khai sinh ra Ngành Than Việt Nam.
15. Năm 2009: – Ngày 03/2/2009: Khởi công 3 giếng đứng của Công ty Cổ phần than Hà Lầm mở ra trang sử mới của ngành Than Việt Nam quyết tâm tiến sâu vào lòng đất khai thác ra nguồn than tiềm năng góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Hệ thống giếng phụ trong 3 giếng đứng của Công ty CP than Hà Lầm đã chạm độ sâu -300.
– Tháng 12/2009, TKV là Tập đoàn kinh tế Nhà nước đầu tiên được hai tổ chức đánh giá hệ số tín nhiệm quốc tế là Moody’s và Standard Poor đánh giá và xếp hạng. Hệ số tín nhiệm của TKV được xếp hạng ngang bằng hệ số tín nhiệm của Chính phủ Việt Nam.
– Tháng 12/2009, TKV là Tập đoàn kinh tế Nhà nước đầu tiên được hai tổ chức đánh giá hệ số tín nhiệm quốc tế là Moody’s và Standard Poor đánh giá và xếp hạng. Hệ số tín nhiệm của TKV được xếp hạng ngang bằng hệ số tín nhiệm của Chính phủ Việt Nam.
16. Ngày 25/6/2010, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 989/QĐ-TTg chuyển Công ty mẹ – Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam thành công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu.
17. Năm 2011: Năm đỉnh cao của TKV sản lượng than nguyên khai sản xuất đạt 48,2 triệu tấn, tiêu thụ 44,7 triệu tấn. Hiệu quả SXKD đạt mức cao nhất: Doanh thu hợp nhất đạt 88 ngàn tỷ đồng (tương đương trên 4 tỷ USD), lợi nhuận 8,6 ngàn tỷ đồng, nộp ngân sách 16,5 ngàn tỷ đồng, tiền lương bình quân 8,4 triệu đồng/người/tháng. Số vụ tai nạn lao động chết người thấp nhất.
18. Ngày 03/2/2012: Khởi công dự án xây dựng công trình khai thác hầm lò mỏ than Núi Béo. Đây là dự án trọng điểm của Tập đoàn. Dự án đầu tiên chuyển đổi từ khai thác lộ thiên sang hầm lò ở mức sâu, giao cho Công ty Cổ phần than Núi Béo làm chủ đầu tư, là dự án hầm lò khai thông bằng giếng đứng đầu tiên do TKV tự tổ chức thiết kế và thi công.
19. Năm 2013: – Ngày 7/2/2013: Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 314/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Tái cơ cấu Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam giai đoạn 2012-2015”.
– Tập đoàn phát hành thành công 5.000 tỷ đồng trái phiếu. Đây là đợt phát hành trái phiếu tiền đồng Việt Nam lớn nhất của doanh nghiệp nhà nước tính đến thời điểm phát hành. Điều này minh chứng TKV là Tập đoàn kinh tế nhà nước có uy tín cao trên thị trường. Thương hiệu, uy tín của TKV được giữ vững thông qua đánh giá của các tổ chức uy tín. TKV tiếp tục đứng vào tốp 10 trong 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam và tốp 10 trong 1.000 doanh nghiệp nộp thuế thu nhập lớn nhất Việt Nam năm 2013 do VN Report bình chọn.
20. Năm 2014: – Ngày 25/7/2014: Chủ tịch Nước ban hành Quyết định số 1750/QĐ-CTN tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Ba cho Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam.
– Ngày 10/10/2014: Tập đoàn tròn hai thập kỷ hình thành và phát triển. Đây là một sự kiện lớn, là dịp để TKV tổng kết, rút kinh nghiệm trong việc xây dựng mô hình Tập đoàn, Tổng Công ty Nhà nước, đồng thời giáo dục truyền thống đối với thế hệ trẻ ngành Than – Khoáng sản Việt Nam hôm nay và mai sau. Tập đoàn chào mừng sự kiện này bằng nhiều hoạt động ý nghĩa.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/20-nam-tkv-theo-dong-su-kien-9183.htm” button=”Theo vinacomin”]