Trong quá trình công tác, chuyên gia Phan Lan Hương, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quyền trẻ em – Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam đã lắng nghe rất nhiều câu chuyện về trường hợp trẻ bị bạo hành, xâm hại, dụ dỗ, lợi dụng,…
Có một bé trai từng nhắn tin cho chuyên gia bằng giọng rất lo lắng, kể rằng có một người đàn ông làm quen rồi gạ gẫm em gửi ảnh khỏa thân hoặc phô diễn cơ thể qua camera cho y xem. Gã cũng phô diễn, gửi cho em xem hình ảnh khỏa thân của bản thân.
Trẻ cần học kỹ năng sử dụng mạng xã hội an toàn
Một bé gái 13 tuổi làm quen một bạn trai trên Facebook. Bạn trai nhắn tin qua lại, rồi nói rằng có tình cảm đặc biệt với em và muốn được gặp em. Nhưng may thay, em kịp nhận ra những bức ảnh “anh trai mưa” gửi cho mình là hình của một người nổi tiếng ở Hàn Quốc mà em yêu thích.
Tương tự là trường hợp một bé gái 12 tuổi kết bạn với một người nước ngoài nhằm mục đích học ngoại ngữ. Hắn đã gửi cho em một đường link với lời mời hấp dẫn ngọt ngào. Khi mở link ra, hình ảnh những đôi trai gái không mặc quần áo đập vào mắt, khiến em bị ám ảnh và run sợ…
Báo chí đã từng nêu nhiều sự việc liên quan đến xâm hại tình dục trẻ em trên mạng và Tổng đài Quốc gia trẻ em cũng nhận được không ít những cuộc gọi phản ánh về vấn đề này.
Nữ chuyên gia kể, một bà mẹ đau lòng gọi điện tới Tổng đài chia sẻ về việc con gái 14 tuổi quen một thanh niên 19 tuổi qua Facebook. Sau một thời gian ngắn, cô bé đem lòng yêu người thanh niên kia. Cô bé đã bỏ nhà đi theo người yêu suốt 2 tuần.
Xâm hại tình dục trẻ em qua mạng đang là nỗi lo mới mà bất cứ phụ huynh nào cũng nên biết để đề phòng và giáo dục con em mình.
Theo chuyên gia, hiện nay các hình thức xâm hại tình dục trẻ em qua mạng có khá nhiều thủ đoạn tinh vi, khiến trẻ khó kiểm soát. Làm quen để học ngoại ngữ, để giao lưu, làm quen vì có một phần quà ngẫu nhiên qua các hội nhóm, qua phòng chát game,… rất nhiều cách vô tình nhưng hữu ý.
Lý do chủ yếu vẫn là nhân danh tình yêu, tán tỉnh các em gái mới dậy thì. Sau khi các em yêu không dứt ra được thì rủ đi nhà nghỉ, đe dọa chia tay để các em sợ và cho quan hệ tình dục. Các bạn nam cũng bị xâm hại tình dục đồng tính qua nhiều hình thức: Dụ đi chơi, du lịch, yêu đương…
Và những đứa trẻ non nớt về kinh nghiệm sống dễ dàng mắc những cái bẫy vô hình được giăng ra.
Cha mẹ cần làm gì?
Chuyên gia Phan Thị Lan Hương cho rằng, cha mẹ là người quan trọng, gần gũi nhất có thể can thiệp, giám sát việc sử dụng mạng xã hội của trẻ. Nhưng làm thế nào để kiểm soát được con trẻ sử dụng Internet, tránh bị kẻ xấu lợi dụng, gây nguy hại cho bản thân và gia đình.
Chuyên gia chỉ ra một số điểm cần lưu ý như sau:
Cha mẹ cần đặt câu hỏi rằng mình cung cấp điện thoại cho con nhằm mục đích gì và phải trang bị cho con kiến thức phòng chống xâm hại tình dục qua mạng xã hội.
Không chỉ ở nhà, trên không gian mạng, cha mẹ cũng nên là bạn của con, tâm sự, chia sẻ và đồng hành cùng con, cùng con trò chuyện và giải quyết những tình huống có thể xảy ra. Áp đặt, độc đoán, khắc nghiệt hay chiều con quá mức đều là cách giáo dục có hại khiến con càng sa lầy.
Với những mối quan hệ bạn bè của con, cha mẹ cần tìm cách kết thân với chúng. Hiểu bạn của con cũng là một cách để hiểu rõ con mình hơn.
Khi thấy con có những biểu hiện bất thường, có sự thay đổi tâm lý, cha mẹ phải luôn nhạy bén quan sát, tìm hiểu để nắm được nguyên nhân nhưng không khiến con có cảm giác bị theo dõi, cảnh giác và tạo khoảng cách với mình.
Việc giải thích và cung cấp cho con kiến thức về sức khỏe sinh sản và tình dục an toàn là việc rất quan trọng mà các bậc cha mẹ phải làm. Không cấm con dùng Internet nhưng nên quản lý giờ giấc sử dụng Internet với các con, quan tâm tới một số ứng dụng con tải về máy, trò chuyện về những hội nhóm con tham gia và đôi khi là bạn game của con.
Chuyên gia khẳng định, nếu nắm vững được những quy tắc trên, cha mẹ có thể tạo cho con một không gian mạng an toàn, giúp con sử dụng Internet hiệu quả, tránh rủi ro.
Gia đình không hạnh phúc, trẻ em có nguy cơ bị xâm hại, bạo hành Trẻ em lớn lên trong gia đình không hạnh phúc, cha mẹ ly hôn thì nguy cơ bị xâm hại, bạo hành cao hơn rất nhiều lần. Vì vậy, người thân cần có sự quan tâm và giám sát thường xuyên. Con trai khóc đòi bố suốt dọc đường, mẹ bị tình nghi bắt cóc trẻ em Không chịu theo mẹ về ngoại, bé trai 3 tuổi khóc lóc gọi bố suốt dọc đường. Thấy vậy, người dân nghĩ bé bị bắt cóc nên ập đến bắt giữ người mẹ, bàn giao cho công an. Gần 100 người nổi tiếng lan tỏa thông điệp xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ, trẻ em Gần 100 người nổi tiếng, nghệ sĩ đến từ Hà Nội, TPHCM chia sẻ, lên tiếng kêu gọi cộng đồng chung tay xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em.