Chùa An Phú là một trong những ngôi cổ tự có kiến trúc độc đáo, đẹp mắt tại TPHCM. Ảnh: Hà Nguyễn
Chùa “miểng sành”
Tọa lạc dọc theo đường Phạm Hùng (quận 8, TPHCM), từ xa, chùa cổ An Phú thu hút ánh nhìn của khách tham quan bởi ánh sáng lấp lóa từ muôn ngàn mảnh sành, sứ phơi mình trong nắng.
Đến gần hơn, kiến trúc ngôi chùa càng khiến cho người xem kinh ngạc. Gần như toàn bộ công trình ở chùa đều được dán, trang trí bằng vô số mảnh vỡ của chén bát, bình, dĩa, ấm trà,…
Các mảnh sành, sứ đa dạng về hình dáng, màu sắc.
Chùa còn có tên gọi khác là chùa “miểng sành” vì gần như các công trình tại đây đều được khảm sành, sứ. Ảnh: Hà Nguyễn
Tài liệu tại chùa cho biết, chùa An Phú được Hòa thượng Thích Thanh Đức xây dựng năm 1847. Sau hơn 100 năm tồn tại, trải qua nhiều đời sư trụ trì, chùa xuống cấp trầm trọng.
Năm 1961, chùa được trụ trì lúc bấy giờ là Hòa thượng Thích Từ Bạch tổ chức trùng tu. Chùa xây theo lối cổ lầu trên khuôn viên khoảng 1.500m2 với 2 khu chính: Khu thờ phụng; khu giảng đường, tăng phòng, khách đường…
Các mảnh sành, sứ cũ, vỡ từ ấm trà, đĩa, tô, bình… xuất hiện tại mọi khu vực của chùa. Ảnh: Hà Nguyễn
Suốt quá trình trùng tu, Hòa thượng Thích Từ Bạch có ý định sử dụng những mảnh sành, sứ phế liệu để trang trí cho ngôi chùa. Công việc này được chư tăng trong chùa thực hiện.
Bước đầu, chư tăng làm vỡ những sành, sứ phế liệu được thu gom từ nhiều nơi để chúng có góc cạnh, kích thước phù hợp. Sau đó, những mảnh vỡ này được chỉnh sửa theo đường nét mỹ thuật tạo hình rồi được chắp ghép, ốp lên tường, vì kèo, cột, cầu thang… của chùa theo các chủ đề chính như: tượng Phật Di Lặc, Quán Thế Âm Bồ Tát, chữ vạn, hoa sen…
Các mảnh sành, sứ được tạo hình thành các họa tiết hài hòa, đẹp mắt. Ảnh: Hà Nguyễn
Giữ nhiều kỷ lục
Sau khi Hòa thượng Thích Từ Bạch viên tịch vào năm 1993, công việc trùng tu, trang trí bằng mảnh sành, sứ cũ được Hòa thượng Thích Hiển Đức tiếp nối.
Thống kê của chùa cho thấy, từ năm 1961 – 2004, chùa đã sử dụng hơn 30 tấn sành, sứ phế liệu các loại với khoảng 20.000 ngày công lao động để gắn chúng lên diện tích 3.886m2.
Nhiều mảng tường được trang trí như những bức tranh nhiều màu, sinh động. Ảnh: Hà Nguyễn
Do gần như toàn bộ các công trình của chùa đều được gắn, ốp các mảnh sành, sứ cũ nên chùa An Phú còn có tên gọi khác là “chùa miểng sành”.
Ngày 30/11/2007, chùa An Phú được Trung tâm Sách Kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục là ngôi chùa được tạo tác bằng mảnh sành nhiều nhất Việt Nam.
Ngay cả hàng cột bê tông bên ngoài tường rào cũng được chùa trang trí bằng các mảnh sành, sứ phế liệu. Ảnh: Hà Nguyễn
Ngoài kiến trúc, cách trang trí độc đáo bậc nhất TPHCM, ngôi cổ tự còn sở hữu những cặp nến có kích thước khổng lồ. Đầu tiên là cặp nến “Ngũ long chầu đăng” được đặt ở điện Phật.
Hai cây nến này nặng hơn 1.800kg, cao 3,4m. Thân nến được chạm trổ hình rồng uốn quanh từ chân đến đỉnh. Dưới đế cặp nến có khắc hình 5 con rồng nhỏ tinh xảo, đẹp mắt.
Một trong những cặp nến khổng lồ tại chùa An Phú. Ảnh: Hà Nguyễn
Năm 2005, chùa An Phú tiếp tục hoàn thành, giới thiệu thêm 2 cây nến chạm rồng có trọng lượng 2.100kg, cao 3,83m. So với cặp nến trước, hai cây nến này nặng hơn 300kg và cao hơn 0,43cm.
Cả hai cặp nến trên đều được xác nhận kỷ lục cao và nặng nhất Việt Nam.
Sở hữu kiến trúc đẹp mắt cùng cách trang trí độc đáo, chùa An Phú thu hút khách từ khắp nơi đến du lịch thưởng ngoạn, chiêm bái mỗi ngày. Chùa đặc biệt đông khách thập phương vào các ngày rằm, lễ, Tết…
Phong (áo khoác xanh đen) cùng người thân đến chùa An Phú cầu an. Ảnh: Hà Nguyễn
Tranh thủ ngày cuối tuần, mẹ con chị Nguyễn Thị Kim Ngân (32 tuổi, quận 10, TPHCM) đến chùa An Phú vãn cảnh. Chị Kim Ngân thường xuyên đến các chùa trong địa bàn thành phố tận hưởng không khí thanh tịnh.
Đây là lần đầu chị đến viếng chùa “miểng sành” bởi tò mò trước cái tên cũng như kiến trúc ngôi chùa. Đến nơi, chị ngạc nhiên và choáng ngợp trước những họa tiết, hoa văn được tạo từ vô số mảnh sành, sứ tại chùa.
Nam thanh niên đốt, thả đèn hoa đăng xuống hồ nước nhân tạo sau khi khấn xin bình an trong cuộc sống. Ảnh: Hà Nguyễn
Phong (24 tuổi) thường xuyên cùng người thân đến chùa An Phú cầu bình an. Tại điện thờ Quán Thế Âm Bồ Tát, Phong thắp hương, khấn nguyện rồi đốt, thả đèn hoa đăng xuống hồ nước nhân tạo trước điện thờ.
“Tôi từng đến thăm nhiều chùa tại TPHCM. Tuy nhiên, đây là một trong những ngôi chùa khiến tôi ấn tượng nhất. Tôi rất kinh ngạc khi thấy chùa biến vô số mảnh sành, sứ phế liệu thành những họa tiết trang trí đẹp mắt.
Khắp mọi nơi trong chùa, đâu đâu cũng thấy các họa tiết được tạo từ mảnh sành, sứ phế liệu. Có thể nói, đây là một trong những ngôi chùa có cách trang trí độc đáo nhất thành phố”, Phong chia sẻ.
Truyền thuyết ly kỳ ở ngôi chùa cổ có mái xanh nổi bật TPHCM Không chỉ là một trong những ngôi chùa cổ nhất TPHCM, chùa Huê Nghiêm còn lưu truyền truyền thuyết ly kỳ về người phụ nữ giàu có, sau khi chết tái sinh thành công chúa. Chuyện ít biết về ngôi chùa nổi tiếng sở hữu 2 ‘báu vật’ hiếm gặp ở TPHCM Sở hữu “báu vật” độc đáo, hiếm gặp cùng vẻ đẹp kiến trúc, ngôi chùa từng là nhà riêng của gia đình phú hộ ở TPHCM nắm giữ 2 kỷ lục Việt Nam. Báu vật trong ngôi chùa cổ ở Lâm Đồng Phải mất 2 năm các nghệ nhân mới hoàn thiện 3 bức tượng bằng gỗ dâu nguyên khối có tuổi đời hàng ngàn năm. Bộ tượng được ví như báu vật hiếm có, giá trị bậc nhất Việt Nam.