Dự Lễ công bố Quyết định thành lập Trường Cao đẳng nghề Than – Khoáng sản Việt Nam trên cơ sở sáp nhập tất cả các trường nghề của Tập đoàn vào một, tự nhiên tôi muốn gọi Tiến sỹ Nguyễn Quốc Tuấn, Hiệu trưởng Nhà trường cái tên “Ông Nhân lực TKV”. Nhiều đại biểu đồng tình bởi giờ đây TKV chỉ có một trường đào tạo nghề duy nhất cung cấp nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp phát triển bền vững của Tập đoàn đó là Trường Cao đẳng nghề Than – Khoáng sản Việt Nam. Hãy cùng “Ông Nhân lực TKV&
*Với trên chục đầu mối Phân hiệu, Trung tâm trải rộng từ Thái Nguyên đến Móng Cái – Quảng Ninh việc quản lý thống nhất liệu có gặp nhiều vướng mắc, khó khăn không, thưa Hiệu trưởng?
– Trường Cao đẳng nghề Than – Khoáng sản Việt Nam có 5 Phân hiệu, 5 Trung tâm và 1 trạm Y tế trực thuộc Nhà trường với một địa bàn hoạt động rộng tại tỉnh Thái Nguyên và Quảng Ninh, việc hoạt động của Nhà trường cũng gặp những khó khăn nhất định: i) Phải chi phí quản lý cho các cấp trung gian là các Phân hiệu, Trung tâm; ii) Chi phí phát sinh đi lại, hội họp, thông tin liên lạc; iii) Có nhiều đầu mối nằm tại các địa phương khác nhau, đặc biệt cơ quan quản lý Nhà nước trong một số lĩnh vực thuộc 2 tỉnh khác nhau do vậy cũng gặp những khó khăn nhất định. Bên cạnh đó Nhà trường cũng có nhiều thuận lợi: i) Từ kinh nghiệm quản lý của Trường Cao đẳng nghề mỏ Hồng Cẩm trước đây cũng đã trải qua nhiều lần sáp nhập và cũng đã hoạt động theo mô hình quản lý 2 cấp, cho nên khi vận hành sang Trường Cao đẳng nghề Than – Khoáng sản Việt Nam đối với chúng tôi không còn bỡ ngỡ. Hiện nay toàn bộ các quy định quy chế theo mô hình quản lý 2 cấp của Trường Cao đẳng nghề Than – Khoáng sản Việt Nam đã được ban hành và bước đầu đã vận hành thông suốt. Đối với 2 phân hiệu Hữu Nghị và Việt Bắc chưa quen với mô hình này chúng tôi đã có sự quan tâm, hướng dẫn, bồi dưỡng cho các cấp quản lý, CBCNV, giáo viên và HSSV tập làm quen trong giai đoạn đầu, đồng thời đối với những phân hiệu ở xa trụ sở chính, Nhà trường thực hiện phân cấp trong công tác quản lý điều hành để các Phân hiệu, Trung tâm chủ động trong việc thực hiện chức trách nhiệm vụ được giao; ii) Ngoài ra việc hợp nhất các Nhà trường còn mang lại những thuận lợi về điều kiện địa chính trị giữa các PH/TT có thể hỗ trợ bổ sung cho nhau tạo ra lợi thế cạnh tranh, điều kiện về nguồn lực tài chính tập trung để thực hiện những nhiệm vụ quan trọng phát triển Nhà trường.
* Đồng chí đánh giá như thế nào về tình hình học nghề, xu thế học nghề và việc làm nói chung cũng như ngành dạy nghề, công tác đào tạo nghề của chúng ta hiện nay?
– Được biết Quốc hội vừa thông qua Luật giáo dục nghề nghiệp và có hiệu lực từ ngày 01/7/2015 thay thế cho luật dạy nghề. Khi đó bức tranh tổng thể về công tác dạy nghề sẽ có nhiều thay đổi, sẽ không còn các trường theo mô hình hàn lâm và theo mô hình nghề. Khi đó các Nhà trường từ hệ Cao đẳng trở xuống các Trung tâm dạy nghề sẽ do Bộ Lao động TBXH thống nhất quản lý và được “chơi” trên cùng một “sân”, nó sẽ đảm bảo tính công bằng, khách quan và cạnh tranh hơn và trên hết là tạo ra động lực để công tác đào tạo nghề phát triển.
* Nói về vấn đề này không ít người nghĩ đến một thực trạng phổ biến hiện nay là “thừa thầy kém và thiếu thợ giỏi”. Vậy ở Ngành ta thì sao? Đồng chí Hiệu trưởng cho rằng đâu là tồn tại lớn nhất trong công tác dạy nghề của chúng ta những năm gần đây cần phải khắc phục?
– Vấn đề “thừa thầy kém và thiếu thợ giỏi” như đề cập của Nhà báo ở nước ta đã được nhắc tới từ lâu nó là hậu quả của công tác dự báo, quy hoạch đào tạo tầm vĩ mô và cũng từ lâu các cấp các ngành quản lý Nhà nước nghĩ cách khắc phục nó đặc biệt là trong nghị quyết TƯ 8 khóa XI bàn về việc đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo cũng đã đề cập đến vấn đề này. Theo tôi đối với ở “Ngành ta” thì không phải như vậy vì Nhà trường chúng tôi chỉ đào tạo nguồn nhân lực tham gia sản xuất trực tiếp, còn việc tuyển dụng cán bộ quản lý gián tiếp đó là trách nhiệm và quyền hạn của các Doanh nghiệp.
Thực hành điều khiển máy khấu than tại Trung tâm thực nghiệm
* Có nghĩa là việc Tập đoàn “tái’ các Trường nghề như vừa qua theo đồng chí là rất đúng hướng?
– Chính xác! không chỉ riêng tôi mà đại đa số đều đồng tình với phương án này, kể cả những đồng chí đang là Hiệu trưởng khi sáp nhập “xuống” Hiệu phó cũng vậy…
* Những năm tới Tập đoàn sẽ đẩy mạnh cơ giới hóa, vậy Nhà trường đã có kế hoạch gì trong việc đổi mới cơ sở vật chất, trang thiết bị đào tạo phù hợp với xu thế phát triển?
– Tại chỉ thị số 118/CT-TKV ngày 23/6/2014 của Tổng Giám đốc về “các giải pháp thu hút người lao động làm việc trong hầm lò” có đề cập tới việc các Doanh nghiệp sản xuất than hầm lò đẩy mạnh cơ giới hóa. Đối với Nhà trường chúng tôi hiện nay trên cơ sở thành quả của các Nhà trường trước khi hợp nhất, có thể khẳng định Trường Cao đẳng nghề Than – Khoáng sản Việt Nam có đầy đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại đáp ứng công nghệ của các doanh nghiệp sản xuất than hầm lò. Đặc biệt 100% học sinh, sinh viên thợ lò sau khi tốt nghiệp của Nhà trường đều được tham gia đánh giá kỹ năng nghề quốc gia tại Trung tâm đánh giá kỹ năng nghề quốc gia – Vinacomin. Kết quả đánh giá kỹ năng nghề của thợ lò tại đây là thước đo để đánh giá về chất lượng đào tạo của Nhà trường.
* Cơ cấu đào tạo của Trường sẽ thực hiện theo hướng đáp ứng nhu cầu xã hội hay lấy trọng tâm là đào tạo nguồn nhân lực cho Tập đoàn?
– Về cơ cấu đào tạo của Trường Cao đẳng nghề Than – Khoáng sản Việt Nam hiện nay chúng tôi tập chung chủ yếu tuyển sinh đào tạo 03 nghề mỏ hầm lò là: kỹ thuật khai thác mỏ hầm lò, kỹ thuật xây dựng mỏ hầm lò, kỹ thuật cơ điện mỏ hầm lò. Chỉ tiêu phấn đấu tuyển sinh đào tạo các nghề này năm 2015 là khoảng 6.000 người, đây là nhiệm vụ khó khăn và được quan tâm hàng đầu. Bên cạnh đó do lịch sử để lại hiện nay Nhà trường đang có đầy đủ cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, chương trình, giáo trình để đào tạo các ngành nghề theo nhu cầu xã hội nhưng phải theo nguyên tắc tự hạch toán lấy thu bù chi và có lợi nhuận để tái đầu tư phát triển.
* Đồng chí Hiệu trưởng sẽ ứng xử thế nào khi điều hành chung toàn Hệ thống các Phân hiệu, Trung tâm để mọi người cảm nhận được không có sự phân biệt giữa Hồng Cẩm hay Hữu Nghị, Việt Bắc?
– Về bản chất trước khi tái cơ cấu các Nhà trường Hồng Cẩm, Hữu Nghị, Việt Bắc đã có được quan hệ tổng hòa nhất định, bởi lẽ các Trường này cùng chung một cơ chế của Tập đoàn, cùng mang trong mình bản chất “Kỷ luật và Đồng tâm” của người thợ mỏ do vậy khi sáp nhập về “chung một nhà” không có sự khác biệt nhiều. Trên thực tế khi sáp nhập thì CBVC, người lao động của các phân hiệu Hữu Nghị và Việt Bắc được nhiều thứ: i) Được hòa đồng tác phong kỷ luật làm việc, tính chuyên nghiệp của các CBVC, người lao động bên Trường Hồng Cẩm; ii) Về thu nhập, việc làm cũng có sự chia sẻ hơn. Đối với tôi là người đứng đầu thì nhất thiết phải đảm bảo sự công bằng, minh bạch, dân chủ và kỷ luật, chân lý đó được đúc rút từ quá trình điều hành Trường Hồng Cẩm trước đây.
* Đồng chí Hiệu trưởng có vẻ rất tự tin?
– Tôi nghĩ làm được thì cũng phải nói được, đó là tố chất cần có của người lãnh đạo, quá khiêm tốn chưa hẳn đã hay…
* Đồng chí Hiệu trưởng sẽ hình dung thế nào về bức tranh tương lai của Nhà trường những năm tới để hoàn thành tốt sứ mệnh của mình?
– Về tương lai của Trường Cao đẳng nghề Than – Khoáng sản Việt Nam, ngay bây giờ chúng tôi đã nghĩ tới một mô hình nhà trường khi luật giáo dục nghề nghiệp có hiệu lực. Tại buổi lễ công bố quyết định thành lập Trường Cao đẳng nghề Than – Khoáng sản Việt Nam vừa qua, Phó giáo sư, Tiến sĩ Dương Đức Lân – Tổng cục trưởng Tổng Cục dạy nghề đã thông tin cho biết tương lai của các Trường Cao đẳng nghề tới đây có thể trở thành các Viện đào tạo, và có thể đào tạo và cấp bằng kỹ sư thực hành. Nếu ý tưởng đó là hiện thực thì tương lai của Nhà trường chúng tôi chính là định hướng phát triển thành Viện đào tạo trực thuộc Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam.
* Xin trân trọng cảm ơn T.S Nguyễn Quốc Tuấn! Nhân dịp đầu xuân chúc đồng chí Hiệu trưởng và các Thầy Cô giáo, CBCNVC Nhà trường dồi dào sức khỏe để thực hiện những mong ước, những dự định của mình trên chặng đường phía trước…
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/vien-dao-tao-tkv-tai-sao-khong-9826.htm” button=”Theo vinacomin”]