Thực hiện các quyết định của Thủ tướng Chính phủ và Tập đoàn TKV, Trường Cao đẳng nghề Than – Khoáng sản Việt Nam được thành lập trên cơ sở sáp nhập các trường cao đẳng nghề của Tập đoàn và chính thức hoạt động từ ngày 01/01/2015. Trong mô hình hoạt động mới, cùng “chung một nhà”, CBVC – GV Trường Cao đẳng nghề TKV đã và đang nỗ lực phấn đấu, thể hiện quyết tâm thực hiện thành công tái cơ cấu vì sự phát triển bền vững của Nhà trường.
Đối với các trường cao đẳng nghề trong Tập đoàn trước đây và nay là Trường Cao đẳng nghề TKV, công tác tuyển sinh luôn được đặt lên hàng đầu, bởi đây là yếu tố quyết định đến mọi hoạt động của Nhà trường. Tuy nhiên, công tác tuyển sinh nghề mỏ ngày càng khó khăn, ví như năm 2014, các trường đã có nhiều giải pháp và cố gắng, đặc biệt là trường CĐNM Hồng Cẩm nhưng cả 3 trường mới đạt gần 3000 học sinh (trong đó: trường Việt Bắc tuyển được trên 200 HS; Hữu Nghị được 750 HS; Hồng Cẩm gần 2000 HS).
Thực hiện tái cơ cấu, Trung tâm Tuyển sinh và giới thiệu việc làm hiện nay (trên cơ sở của Trường Hồng Cẩm) trực thuộc Nhà trường được tổ chức lại gồm có 5 phòng tuyển sinh tỉnh ngoài, 3 phòng tuyển sinh doanh nghiệp và các Phân hiệu được giao tuyển sinh tại chỗ thông qua cán bộ, viên chức, giáo viên (CBVC, GV) và học sinh, sinh viên (HSSV). Trao đổi với chúng tôi, Thạc sỹ Lưu Văn Minh, Phó Hiệu trưởng, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và giới thiệu việc làm (TS>VL) cho biết: “Nếu như trước đây, các trường đều có các phòng tuyển sinh, cùng trong Tập đoàn nhưng công tác tuyển sinh có sự cạnh tranh gay gắt, thậm chí là không lành mạnh thì nay công tác tuyển sinh cùng “chung một nhà”. Điều này đã giải quyết được những bất cập trước đây, công tác tuyển sinh có sự thống nhất, chỉ đạo điều hành thông suốt và đạt hiệu quả hơn”. Như vậy, nhiệm vụ tuyển sinh là trách nhiệm của Trung tâm TS>VL, Trung tâm trực tiếp chỉ đạo, điều hành, giao chỉ tiêu tuyển sinh cho các phòng tuyển sinh, HSSV được tuyển vào học sẽ do Trung tâm phân bổ về các Phân hiệu đào tạo trên cơ sở nguyện vọng của học sinh. Các trường (nay là phân hiệu) trước đây phải lo tuyển sinh thì nay tập trung vào việc đào tạo, quản lý HSSV, nâng cao chất lượng đào tạo, rèn luyện tác phong công nghiệp, chăm lo đời sống, tổ chức các hoạt động văn hóa thể theo, sinh hoạt ngoại khóa cho HSSV, đáp ứng nhu cầu hoạt động của HSSV và thực hiện nhiệm vụ đào tạo, giáo dục cho HSSV một cách toàn diện để HSSV ra trường có trình độ, kỹ năng, đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp.
Quý I/2015, hoạt động theo mô hình mới, Trung tâm TS>VL đã tập trung thực hiện nhiều giải pháp trong công tác tuyển sinh, đặc biệt là tuyển sinh tỉnh ngoài và phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp trong TKV, cùng với các doanh nghiệp đã có sự vào cuộc tích cực trong công tác tuyển sinh như Than Khe Chàm, Thống Nhất, Hòn Gai, Quang Hanh…, do vậy kết quả tuyển sinh các nghề mỏ hầm lò đạt 850 HSSV, bằng 200% so với cùng kỳ, thực sự tạo bước đột phá trong công tác tuyển sinh so với trước đây, khẳng định hiệu quả trong thực hiện tái cơ cấu. Tuy nhiên hiện nay, một số doanh nghiệp trong TKV do thiếu hụt thợ lò nên tuyển lao động tự do và hợp đồng với các trường ngoài TKV đào tạo ngắn hạn, Phó Hiệu trưởng Lưu Văn Minh cũng bày tỏ trăn trở về chất lượng đào tạo đối với số lao động này và mong muốn các doanh nghiệp tuyển lao động tự do thì cần đối chiếu văn bằng với hồ sơ gốc của Nhà trường để tránh người lao động sử dụng bằng giả và một số doanh nghiệp hợp đồng đào tạo với các trường ngoài TKV với thời gian đào tạo ngắn thì khi tiếp nhận phải qua Trung tâm đánh giá kỹ năng nghề của Nhà trường, nếu đạt thì mới tuyển dụng nhằm đảm bảo chất lượng lao động và theo đúng quy định của Tập đoàn.
Tự tin, quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ
Đến Phân hiệu đào tạo Hữu Nghị vào ngày đầu tháng 4, cảm nhận của chúng tôi là không khí làm việc, học tập hăng say, nề nếp, cảnh quan, môi trường sạch đẹp. Trường CĐNM Hữu Nghị trước đây được Liên Xô (cũ) giúp đỡ có một cơ ngơi bề thế, trường đã có quá trình xây dựng và phát triển gần 40 năm và có truyền thống đào tạo các nghề mỏ hầm lò có uy tín tại khu vực Uông Bí – Mạo Khê. Thực hiện tái cơ cấu, trường trở thành Phân hiệu đào tạo Hữu Nghị trực thuộc Trường Cao đẳng nghề TKV. Tiếp chúng tôi, thầy Vũ Văn Hồng, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề TKV, Trưởng Phân hiệu phấn khởi cho biết: “Thực hiện tái cơ cấu đã đổi mới một cách toàn diện; tổ chức bộ máy, lao động được sắp xếp lại theo hướng gọn nhẹ, đi vào chiều sâu, từ 17 khoa nghề phòng ban, đơn vị trước đây nay còn 10 (gồm 4 khoa nghề và 6 phòng ban), các phòng ban không còn chức năng tham mưu, chỉ có chức năng thực hiện; các hoạt động của Phân hiệu được bắt nhịp ngay với mô hình mới, với các quy chế, quy định quản lý mới của Nhà trường. Đặc biệt là tư tưởng của CBVC, GV rất yên tâm, phấn khởi và tin tưởng vào chủ trương tái cơ cấu”.
Học sinh nghề mỏ hầm lò thực tập nghề tại Phân hiệu đào tạo Hữu Nghị
Hiện nay, số HSSV bình quân các hệ đang đào tạo tại Phân hiệu Hữu Nghị là 2.400 HSSV. Năm 2015, theo kế hoạch tuyển sinh và nhập học của Nhà trường giao, Phân hiệu nhập học và đào tạo 1.900 học sinh các nghề mỏ hầm lò; Phân hiệu được giao tuyển sinh tại chỗ 550 HSSV. Quý I/2015, cũng là quý đầu thực hiện theo mô hình quản lý mới, các hoạt động của Phân hiệu đã kịp thời bắt nhịp và đi vào nề nếp, việc sắp xếp lại tổ chức, lao động không tránh khỏi ảnh hưởng đến một số người (chủ yếu là cán bộ quản lý, lao động phụ trợ) nhưng đối với các khoa nghề, giáo viên là lực lượng lao động chính thì thu nhập được tăng lên. Trên cơ sở kế hoạch và chỉ đạo của Nhà trường, Phân hiệu tập trung thực hiện hai nhiệm vụ trọng tâm là tuyển sinh đạt chỉ tiêu 550 HSSV và tổ chức tốt công tác đào tạo, quản lý HSSV, hoàn thành chỉ tiêu doanh thu ngoài hệ A, tất cả các hoạt động của Phân hiệu đều xoay quanh học sinh, lấy học sinh làm trung tâm. Thực hiện các nhiệm vụ tổ chức đào tạo, quản lý HSSV tại Phân hiệu một cách nề nếp, quản lý theo các quy chế, quy định mới của Nhà trường được xây dựng từ những kinh nghiệm của 3 trường, đặc biệt là của Trường Hồng Cẩm trước đây; phát huy truyền thống đào tạo có uy tín về chất lượng; tiếp tục thực hiện nâng cao chất lượng công tác giảng dạy, học tập, chất lượng phục vụ; tất cả cán bộ, giáo viên đều cam kết không tiêu cực trong thi cử, đào tạo; công tác 5S, vệ sinh môi trường sạch đẹp được thực hiện triệt để; các hoạt động được minh bạch, cởi mở hơn theo hướng từ một trường hoạt động có tính chất khu vực thì nay có quy mô và hoạt động rộng hơn. Thầy Vũ Văn Hồng cũng cho biết: “Kết thúc quý I, Phân hiệu đã đạt được những kết quả rất đáng mừng, nhập học các nghề mỏ hầm lò đạt kế hoạch chỉ tiêu 230 HSSV; hoàn thành kế hoạch doanh thu; tuyển sinh tại chỗ đạt 86 HSSV, trong đó hệ A là 69 HSSV, tăng hơn 2 lần so với cùng kỳ; đặc biệt là thu nhập bình quân đạt 6,9 triệu đồng/người/tháng, tăng trên 15% so với thời điểm trước khi tái cơ cấu, với khí thế mới, CBVC, GV Phân hiệu tự tin, quyết tâm phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ năm 2015”.
Với những kết quả bước đầu sau tái cơ cấu, những khó khăn phía trước vẫn còn, nhưng với truyền thống 55 năm xây dựng và phát triển của Nhà trường, cùng với sự năng động, sáng tạo, tinh thần đoàn kết, cùng chia sẻ việc làm, thu nhập của CBVC, GV, trong mô hình mới, tin rằng Trường Cao đẳng nghề TKV sẽ thực hiện thành công mục tiêu xây dựng Nhà trường phát triển trở thành Viện đào tạo, tổ chức đào tạo đa cấp, đa ngành, đáp ứng tiêu chuẩn kỹ năng nghề Quốc gia, thực hiện lộ trình phát triển thời gian tới với quy mô tuyển sinh, đào tạo bình quân từ 5.500 thợ lò/năm, liên kết đào tạo 1.500 sinh viên/năm, tăng trưởng đào tạo, đáp ứng nguồn nhân lực cho Tập đoàn TKV.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/tu-tin-trong-mo-hinh-hoat-dong-moi-10318.htm” button=”Theo vinacomin”]