Kiếm tìm một chuyến đi xa để được nếm vị của…nhọc nhằn, tôi chọn khai trường Cao Sơn làm chốn “thăng hoa” cảm xúc cho ngòi bút mới “bén duyên” với nghề mỏ. Mỏ than lộ thiên lớn nhất Việt Nam (Mỏ Cao Sơn – Quảng Ninh) thu vào tầm mắt của những vị khách chốn thị thành quả có nhiều điều lạ lẫm, thú vị… Không phải sự choáng ngợp của cảnh vật vùng miền này làm nên điều đặc biệt nơi đây mà chính sự cần mẫn lao động, sự dung dị, đời thường của những người thợ mỏ mới thực làm nên một ngọn núi hùng vĩ…
Đánh động không gian và cảm xúc của chúng tôi là những tiếng ầm ầm của những chiếc xe tải khổng lồ ngược xuôi làm hoạt náo cả một vùng. Anh Hiệp (phòng thi đua) – người “hướng dẫn viên du lịch” của Công ty tự hào vừa chỉ tay vừa kể chuyện: “Đến với khai trường khai thác lộ thiên, hầu hết mọi người đều khó rời mắt khỏi những chiếc xe tải chở than, chở đất đá. Đây là chiếc xe CAT 777D chuyên dụng chở đất đá hạng nặng, lớn nhất ở Việt Nam với trọng tải 96 tấn. Loại xe này hiện nay chỉ có ở Cao Sơn, các em cứ nhìn cái bánh xe cao gần 3m kia đủ thấy nó lớn như thế nào… ở Cao Sơn hiện nay đã có 4 chiếc. Than Cao Sơn còn có khoảng 14 chiếc xe trọng tải 91 tấn, 16 xe trọng tải 55 tấn – 58 tấn”… Những chiếc xe khổng lồ chở đất đá lù lù tiến đến và dần hiện rõ trước mắt, đủ sức làm người đối diện hoảng hốt. Tôi bất giác tưởng như những vật thể này vừa bước ra từ bộ phim siêu nhân, hóa thân của người máy khổng lồ đầy sức mạnh. Cũng là những chiếc Benla, CAT nhưng đôi mắt tôi hướng về đâu, nó sẽ “biến hóa” hình hài phù hợp, đủ gợi tò mò, đủ gợi hứng thú. Thế nên, phóng tầm mắt ra xa tít tắp, bên các sườn núi, mờ mờ một vài chiếc xe “tí hon” đang lăn bánh, cứ từ từ rảo bước leo lên, leo xuống vẽ ra những con đường cong cong nhỏ dần, nhỏ dần rồi hút xuống đáy moong.
Tưởng tượng giữa lưng chừng núi, một người họa sỹ cần mẫn vẽ những đường nét tinh xảo bằng chiếc bút lông kì diệu, tạo ra những lối đi đẹp trong một bức tranh phong cảnh hữu tình. Nhìn xuống lòng moong sâu -20m, những chiếc xe ấy lại giống như những con cua đang bò lổm ngổm, phải zoom chiếc máy ảnh với ống kính dài, tôi mới nhận ra chúng đang nối đuôi nhau chở đất đá. Nhịp nhàng và chuyên nghiệp là cách mà những chiếc xe chuyên dụng để lại ấn tượng với chúng tôi. Có lẽ, với việc đầu tư lớn về các thiết bị hiện đại trong quá trình sản xuất đã giúp Công ty khai thác hiệu quả thứ “kim cương đen” này trong suốt chặng đường mấy chục năm qua.
Chúng tôi tiến dần hơn đến lòng moong thăm thẳm, công trường nhộn nhịp với tiếng máy, mặt đất như rung lên, đánh thức những đất đá, than, bụi… để tạo thành một bản nhạc sôi động. Tò mò về công việc của người thợ khai thác than lộ thiên, nay mới thực được “mục sở thị” những công đoạn sản xuất, tôi như vỡ ra nhiều điều xưa nay mình chưa hiểu hết. Theo sự hướng dẫn của người thợ mỏ, việc khai thác lộ thiên công phu và rất tốn kém chứ không đơn giản chỉ là đào đất rồi xúc than lên. Để lấy được tấn than là thành quả của một quy trình sản xuất liên hoàn, nhịp nhàng và vất vả của những người thợ nơi đây. Cô bạn đồng nghiệp nhiều kinh nghiệm đi khai trường đùa vui miêu tả: cách bóc đất lấy than ở đây thứ tự theo đường xoắn ốc từng địa tầng và bóc 7-8m3 đất đá mới lấy được 1 tấn than chứ không dễ dàng như người ta hình dung kiểu bóc một chiếc bánh.
Dừng chân ở Phân xưởng khai thác vận tải 4, đây là một trong 5 phân xưởng chủ lực của Công ty. Quản đốc Nguyễn Quang Hòa với 30 năm làm nghề kể rành rẽ từng đầu thiết bị, từng chủng loại, từng số hiệu xe cho chúng tôi. Anh cũng tâm sự thành thật về những vất vả của người thợ ngành vận tải trong phân xưởng anh quản lý. Nghề lái xe tải, mùa khô có nhọc nhằn của bụi đường, bụi than dưới tiết trời khô hanh trong thứ gió nghịch mùa. Mùa mưa có sự cơ cực của mưa. Mưa nhỏ thì đường trơn, bùn lầy, sạt đất. Mưa to thì nước bốn bề đổ xuống lòng moong, có lúc phải dừng sản xuất. Trăn trở trước công việc, quản đốc nói thêm: và kể cả những ngày giao mùa như buổi hôm nay, sương mù ngập lối, chúng tôi không dám cho thợ làm nhiều. Các anh chị chắc thấy ít xe vận tải làm việc cũng là chuyện đương nhiên. Hôm nay trên các sườn núi, đường đi không rõ lối sẽ không an toàn vì bốn bề đều là những vực thẳm. Những ngày nắng, đẹp trời, xe nườm nượp, rộn ràng, nhộn nhịp lắm. Được lao động là niềm vui và hạnh phúc nhất của chúng tôi…
Theo lời quản đốc Hòa, những người thợ ở khai trường Cao Sơn có tới 90% là người ở các tỉnh khác như Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa… Họ gắn bó với vùng mỏ, lựa chọn công việc này để mưu sinh và tự bao giờ nơi đây trở thành quê hương thứ hai của họ. Trò chuyện với chúng tôi trong lúc nghỉ tay bên chiếc xe tải, anh Nguyễn Văn Hưng tổ trưởng tổ xe 452 HD91 tấn thật thà bộc bạch: Hôm nay xe của chúng tôi dừng hoạt động vì trời mù sương quá. Những ngày như thế này, chúng tôi tranh thủ bảo dưỡng xe và làm công tác chuẩn bị. Rồi anh lại sôi nổi kể chuyện vui: chắc chị thấy tôi nói to lắm phải không? Làm việc trên khai trường ồn ào nên ai cũng phải nói to như thế đấy. Thế nên về đến nhà, nhiều khi làm vợ con phát hoảng. Vợ mình còn bảo: anh nói chuyện cứ như quát người ta. Nhưng rồi, bao năm qua cũng phải quen, làm vợ người thợ mỏ mà… – Nói rồi anh Hưng cười vang như xóa đi mọi trăn trở trên chặng đường vất vả của nghề. Đôi khi những điều nhỏ nhặt, giản dị ấy cũng đủ ấm để tiếp cho họ thêm sức mạnh, sự lạc quan trong một ngày lao động căng thẳng. Nhìn nụ cười và gương mặt của người thợ lái xe vận tải, bỗng nhớ đến một câu thơ của Trịnh Công Lộc: “Sáng lên đường nét của than/ Khắc họa tấm lòng người thợ/ Đường nét ấy/ Đậm nét mây trời và sóng bể/ Đậm nét đường đời…”
Chúng tôi bắt đầu rời khai trường vào lúc sắp giao ca. Anh lái xe tên Đạt với 10 năm làm nghề cũng từng ấy năm lên xuống nơi đây cứ tiếc cho hai cô phóng viên không được leo lên đỉnh +320m để được trải nghiệm. Nghe anh kể thì đỉnh cao nhất trước kia lên đến +436m và suốt mấy chục năm những người thợ đã miệt mài lao động để hạ thấp độ cao này. Chiến tích thể hiện sức mạnh của con người trước thiên nhiên hũng vĩ, thể hiện sức lao động của những người thợ vạc núi tìm than. Về đến trụ sở Công ty, trời bắt đầu hửng nắng, tôi cứ vui vui khi nghĩ đến những người thợ đón ca hai trong ngày sẽ được làm việc khi nắng về làm tan sương trên núi… Con đường mà chiếc xe khổng lồ đi đã sáng rõ, khai trường lại rộn lên những tiếng ầm ầm của động cơ, tiếng trò chuyện như quát tháo của người thợ… Và biết đâu, có người thợ nào lại mê tín, thầm cảm ơn hai nữ nhà báo, dù là “9 vía” đấy nhưng vừa đến đã đem may mắn cho khai trường vào mùa sương giăng…
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/tren-tang-thanve-trai-tim-nguoi-tho-1607.htm” button=”Theo vinacomin”]