2014 được nhận định là năm có nhiều thách thức đối với ngành Than – Khoáng sản khi điều kiện khai thác ngày càng khó khăn. Tuy nhiên, cùng với việc tìm giải pháp khai thác và tiêu thụ hiệu quả, giải quyết tồn kho, tiết kiệm chi phí sản xuất, TKV tiếp tục thực hiện hiệu quả nhiệm vụ tái cơ cấu.
Tại Hội nghị Kiểm điểm tiến độ thực hiện Quyết định 314/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Lê Minh Chuẩn nhấn mạnh, tái cơ cấu Tập đoàn không chỉ đơn giản là rút vốn và sắp xếp lại một số lĩnh vực kinh doanh đa ngành mà sẽ tập trung vào lĩnh vực kinh doanh chính, triển khai hết sức thận trọng và vững chắc. Hiện tại, TKV cần tái cơ cấu triệt để theo hướng nâng cao hiệu quả, tập trung ưu tiên những lĩnh vực trọng điểm. Đặc biệt, tái cấu trúc phải từ tư duy, ý thức, lề lối làm việc mới thực sự ý nghĩa, hiệu quả.
Năm 2014, Tập đoàn tiếp tục chỉ đạo sát sao việc tái cơ cấu quản trị doanh nghiệp, tăng cường quản trị nội bộ, hoàn thiện cơ chế quản lý, tăng năng suất lao động, giảm chi phí sản xuất. Đồng thời, chỉ tập trung đầu tư các công trình trọng điểm như các dự án than, khoáng sản, điện, hóa chất theo quy hoạch, kế hoạch đã được Thủ tướng phê duyệt; các dự án đưa công nghệ mới vào sản xuất; đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư vào các dự án khai thác, vận chuyển, chế biến than theo hình thức BOT hoặc BT… Bên cạnh đó, tiếp tục đầu tư đổi mới công nghệ, tiết kiệm tài nguyên, nâng cao phẩm cấp, chất lượng than, gắn với công tác bảo vệ môi trường.
Theo QĐ 314/QĐ-TTg, tính đến thời điểm hiện tại, TKV đã hoàn thành cổ phần hóa 3 đơn vị trong tổng số 8 đơn vị (gồm có: Công ty TNHH MTV Vật tư, vận tải và xếp dỡ; Công ty TNHH MTV Kim loại màu Thái Nguyên thuộc Tổng Công ty Khoáng sản; Công ty TNHH MTV Phát triển Công nghệ và Thiết bị mỏ thuộc Viện Khoa học công nghệ mỏ); đã hoàn thành việc xác định giá trị doanh nghiệp, đang xây dựng phương án cổ phần hóa 4 đơn vị (gồm có: Tổng Công ty Điện lực; Tổng Công ty Khoáng sản; Tổng Công ty CN mỏ Việt Bắc; Công ty TNHH MTV Cơ khí đóng tàu). Hiện nay, Ban Chỉ đạo cổ phần hóa của Tập đoàn đã thẩm định phương án cổ phần hóa trình HĐTV cuối tháng 8/2014, sau đó trình Bộ Công Thương thẩm định để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.Về thoái vốn, đã rút hết vốn khỏi 5 đơn vị trong tổng số 9 đơn vị (gồm có: Công ty CP Bảo hiểm SHB; Ngân hàng TMCP SHB; Công ty CP Bảo hiểm hàng không; Công ty CP chứng khoán SHS; Công ty TNHH một thành viên Tài chính Than – Khoáng sản VN). Tổng số vốn thu về được 1.503 tỷ đồng. Đến nay, việc thoái vốn của TKV tại các lĩnh vực tài chính, ngân hàng và bảo hiểm đã hoàn thành trước tiến độ.
Về tái cơ cấu, chuyển đổi, giải thể, phá sản, sắp xếp doanh nghiệp: Đã hoàn thành việc giải thể 9 công ty con TNHH một thành viên sản xuất than để chuyển thành thành Chi nhánh của TKV và 4 công ty cháu là Công ty TNHH một thành viên thành Chi nhánh của Công ty con của TKV; đồng thời, hoàn thành chuyển Công ty Chế biến than Quảng Ninh thành Chi nhánh của TKV. Đã chuyển Công ty TNHH một thành viên than Uông Bí từ mô hình quản lý 2 cấp thành mô hình quản lý 1 cấp để chuẩn bị chuyển sang mô hình Chi nhánh của TKV; Đã chuyển Công ty TNHH một thành viên Địa chất mỏ từ mô hình công ty quản lý 2 cấp thành mô hình công ty quản lý 01 cấp, để chuẩn bị bước tái cơ cấu tiếp theo; Đã chuyển Công ty TNHH một thành viên Nhôm Lâm Đồng từ mô hình quản lý 2 cấp thành 1 cấp để tăng cường công tác quản lý, giảm bớt đầu mối, tăng hiệu quả điều hành sản xuất kinh doanh của đơn vị. Đã hoàn thành và báo cáo Bộ Công Thương phương án hợp nhất Trường cao đẳng nghề mỏ Hồng Cẩm, Trường cao đẳng nghề mỏ Hữu Nghị và Trường cao đẳng nghề công nghiệp mỏ Việt Bắc để thành lập Trường cao đẳng nghề Than – Khoáng sản Việt Nam. Hiện nay, Bộ Công Thương đang thẩm định. Đã hoàn thành báo cáo và trình Chính phủ phương án chuyển Trung tâm Y tế lao động thành Bệnh viện TKV theo Luật khám chữa bệnh. Hiện nay, phương án đang được các Bộ thẩm định để trình Thủ tướng Chính phủ. Về thực hiện các thủ tục để phá sản: Hiện nay Tập đoàn đang hoàn thiện báo cáo kiểm toán độc lập và các hồ sơ có liên quan để chuẩn bị gửi đơn lên tòa án địa phương xin giải quyết phá sản Công ty CP đóng tàu Sông Ninh. Tuy nhiên do tính chất phức tạp của thủ tục phá sản, đối tác của TKV trong Công ty CP Đóng tàu Sông Ninh thiếu nhiệt tình hợp tác nên tiến độ thực hiện phá sản còn rất chậm.
Về tái cơ cấu quản trị doanh nghiệp, căn cứ vào Điều lệ tổ chức và hoạt động của Tập đoàn và các quy định mới của Nhà nước, Tập đoàn đã ban hành nhiều quy chế, quy định quản trị nội bộ như: Quy chế giám sát tài chính và đánh giá hiệu quả hoạt động của TKV, các công ty con của TKV; Quy chế quản lý đầu tư và xây dựng; Quy chế quản lý nợ; Quy chế quản lý lao động tiền lương Công ty mẹ – Tập đoàn; Quy định về phân cấp/ủy quyền cho các Chi nhánh trong hoạt động sản xuất than… Đồng thời, chuẩn bị ban hành Quy chế quản lý cán bộ, Quy chế người đại diện của TKV tham gia quản lý tại các doanh nghiệp có vốn đầu tư của TKV, Quy định về xử lý trách nhiệm trong công tác an toàn… Đã tiến hành sáp nhập, hợp nhất để giảm số Ban tham mưu của TKV từ trên 30 Ban xuống 23 Ban; đã hợp nhất 2 Ban QLDA nhà điều hành TKV tại Hà Nội và Quảng Ninh thành 1 Ban QLDA. Đã chỉ đạo chuyên môn hóa công tác vận chuyển, đưa đón công nhân, công tác vận tải than vào các đơn vị chuyên ngành giúp cho việc tăng cường công tác bảo vệ sản phẩm, tập trung nguồn lực đầu tư và phát huy hết hiệu quả của đầu tư.
Chuyển động tại nhiều doanh nghiệp
“Sẵn sàng để 1/1/2015 sẽ hoạt động theo mô hình CPH” là lời khẳng định chắc nịch từ 3 “ông lớn” trong Tập đoàn: Tổng Công ty Khoáng sản (VIMICO), Tổng Công ty Điện và Tổng Công ty CN Mỏ Việt Bắc (VVMI).
Theo ông Nguyễn Tiến Mạnh – TGĐ VIMICO – sau một thời gian nỗ lực triển khai, tính đến thời điểm hiện tại, VIMICO đã có kết quả xác định giá trị doanh nghiệp. Tổng Công ty cũng đã xây dựng xong phương án sử dụng đất gửi các tỉnh chờ ý kiến chấp thuận. Cùng với đó, TCT đã hoàn chỉnh Phương án cổ phần hóa lần 1 trình Tập đoàn phê duyệt. Trong phương án có đánh giá kết quả SXKD của TCT trong 3 năm trước khi cổ phần hóa và đề ra kế hoạch phát triển SXKD trong những năm tiếp sau cổ phần hóa; đề xuất mức vốn điều lệ, mô hình tổ chức SXKD của TCT; đề xuất giải quyết các vấn đề như tài sản, tài chính, công nợ theo quy định của pháp luật…
Cùng ý kiến với ông Nguyễn Tiến Mạnh, ông Lê Quang Bình – Chủ tịch VVMI – cũng khẳng định, 1/1/2015, Tổng Công ty này sẽ hoạt động theo mô hình CPH. Mặc dù có nhiều vướng mắc trong lộ trình CPH nhưng phần khó nhất là xác định giá trị doanh nghiệp đơn vị này đã làm xong. Đơn cử, là công ty con của VVMI, Công ty TNHH MTV Than Khánh Hòa đang cho thấy những “chuyển động” khá rõ nét từ khi thực hiện chủ trương tái cơ cấu ngành Than. Công ty đã tích cực tiến hành sắp xếp lại tổ chức, cụ thể như: Bộ phận tiêu thụ được chuyển từ Phòng Điều khiển sản xuất sang Phòng Kế hoạch, bộ phận kiểm định chất lượng sản phẩm (KCS) được sáp nhập vào Phòng Kỹ thuật sản xuất, nhằm giảm đầu việc và chuyên môn hóa bộ phận điều hành sản xuất, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm. Cùng với đó, Công ty quan tâm thực hiện một loạt giải pháp nhằm tiết giảm chi phí, tiết kiệm tài nguyên cũng như nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh như: tổ chức, bố trí sản xuất hợp lý; tăng cường kiểm soát chất lượng sản phẩm và tránh thất thoát than; phát huy công suất máy móc, thiết bị; xây dựng cơ chế ưu đãi nhằm thu hút lao động có trình độ; tập trung nguồn lực vào việc mở rộng khai trường và bãi đổ thải… Than Khánh Hòa cũng đã được xác định xong giá trị doanh nghiệp, trong lộ trình trở thành công ty cổ phần của VVMI vào đầu năm 2015.
Theo ghi nhận của chúng tôi, các đơn vị trong lộ trình tái cơ cấu của Tập đoàn đều đang hết sức nỗ lực hoàn thành phần việc của mình. Để theo đúng lộ trình, đến hết năm 2015, TKV sẽ hoàn thành cổ phần hóa các doanh nghiệp, đảm bảo nguyên tắc bảo toàn vốn nhà nước đã đầu tư vào doanh nghiệp.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/tkv-tai-co-cau-doanh-nghiep-theo-dung-lo-trinh-9166.htm” button=”Theo vinacomin”]