Mỗi lần công tác tại vùng Than, cứ 6 giờ sáng, đã nghe thấy tiếng còi tầm lại vang lên một hồi dài tu…tu… báo hiệu một ngày mới bắt đầu. Cánh phóng viên chúng tôi chẳng vội, có ngủ thêm tí nữa cũng chẳng sao. Nhưng quả thực, chưa bao giờ tôi ngủ lại được. Những hình ảnh tấp nập, hối hả người thợ vào ca khắp các phố mỏ, tầng than cứ hiện về trong tôi.
Chỉ ít phút sau đó, tiếng còi tầm vang lên, kéo một hồi dài: Tu tu…tu đến chừng hai phút. Hoằng bảo, đó là tiếng còi tầm của Nhà máy Cơ khí Trung tâm, giờ gọi là Công ty Cổ phần Chế tạo máy. Vùng Cẩm Phả này giờ chỉ còn tiếng còi tầm của nhà máy cơ khí. Các mỏ không có tiếng còi tầm như trước đây. Còi tầm có cái hay là báo giờ chuẩn để mọi người đi làm được đúng giờ. Lâu ngày thành quen. Nếu một ngày vắng tiếng còi tầm cũng thấy thiêu thiếu một cái gì đó. Nó không ra chất của Vùng mỏ nữa. Đúng như thơ của Bùi Văn Phúc – người vùng mỏ đã viết rất thật về tiếng còi tầm.
Quê tôi có tiếng còi tầm
Âm u một khoảng giăng giăng hồn người
Tiếng còi tầm âm u… Nó gợi những người hiểu về lịch sử Vùng mỏ nhớ lại một thời cha ông ta quá đỗi vất vả trong trong kiếp nô lệ lầm than. Thời Pháp thuộc, chủ mỏ bắt phu mỏ làm việc đến kiệt sức, cơm chẳng có ăn. Nhiều cuộc biểu tình diễn ra trong máu và nước mắt. Rồi đỉnh điểm là cuộc đình công của trên 3 vạn thợ mỏ Cẩm Phả diễn ra vào ngày 12-11-1936 sau này trở thành ngày lịch sử ngày truyền thống công nhân Vùng mỏ bất diệt. Nối tiếp sau đó, phong trào cách mạng vùng mỏ diễn ra sôi nổi, giành nhiều thắng lợi vẻ vang. Năm 1955, thợ mỏ tự hào tiếp quản Vùng mỏ và bắt tay vào khôi phục, kiến thiết, khai thác than làm giàu cho đất nước. Vùng mỏ dần thay da đổi thịt, hiện đại và khang trang. Nhiều thiết bị hiện đại được ứng dụng trong công nghệ sản xuất, sinh hoạt và đời sống công nhân. Nhưng tiếng còi tầm, người Vùng mỏ không bỏ đi. Mà trái lại, tiếng còi tầm vẫn được duy trì. Từ 6 giờ sáng đến 6 giờ 30 phút, còi tầm điểm 3 lần. Cứ 15 phút lại điểm một hồi dài. Nó như một món ăn tinh thần không thể thiếu giúp người Vùng mỏ lấy lại sinh khí để bước vào ca, vào hầm mỏ, vào nhà máy, lên tầng than… để sản xuất sau một đêm dài. Và quả thực người Vùng mỏ Bùi Văn Phúc như đã nói hộ bất cứ ai khi nghe tiếng còi tầm … giăng giăng hồn người.
Chúng tôi lên đường. Rất đúng giờ, chỉ sau vài phút, chiếc xe ca đỗ đúng vị trí tôi và Hoằng cùng một nhóm thợ cùng chờ xe. Xe ca êm ái lướt qua những xóm thợ. Mặt trời vừng Đông cũng vừa hừng sáng. Tiết trời đầu đông se lạnh, sương mờ bao phủ những dãy núi. Một vài thợ mỏ trẻ chắc vẫn còn chưa đủ giấc lim dim trên xe. Hoàng bảo: “Nếu Bác còn mệt, cứ việc chợp mắt, khoảng hơn 30 phút mới lên mỏ”.
Tại khu nhật lệnh sản xuất, không khí tấp nập, người vào ca, người tan ca. Người mặt mũi lấm lem, người cầm trên tay áo bảo hộ. Có người còn ngậm hộp sữa tươi, tay cầm chiếc bánh mỳ. Họ cùng trao đổi bàn giao cho nhau về tình hình sản xuất trong ca. Ai cũng khẩn trương. Hoằng tạm biệt tôi rồi nhanh chóng hòa vào dòng người nhật lệnh, lấy dụng cụ lao động, áo bảo hộ và các phương tiện cá nhân như đèn lò, mũ lò, bình tự cứu… để chuẩn bị vào ca. Một ngày mới của Hoằng bắt đầu từ tiếng còi tầm. Tôi hiểu, sau bữa sáng trên “trần gian”, Hoằng cùng hàng trăm anh em đồng nghiệp sẽ hóa thân thành “người âm phủ” cho đến chiều… để dòng than tuôn chảy, làm đẹp cho đời…
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/tieng-coi-tam-9396.htm” button=”Theo vinacomin”]