Đó là điểm mấu chốt mà ông Trần Đăng Phi – Phó TGĐ TCT CN Hóa chất mỏ – cũng là “thuyền trưởng” của dự án trọng điểm Nhà máy sản xuất amon nitrat đã khẳng định để có “bến đỗ” – vận hành thành công con thuyền dự án. Sau 27 tháng kể từ ngày Hợp đồng EPC có hiệu lực, hơn 1 tháng CNCB Nhà máy quên ăn, quên ngủ triển khai chạy thử, niềm vui vỡ òa cùng những giọt nước mắt hạnh phúc khi 2h sáng ngày 23/11/2014, tấn Axit Nitric đầu tiên được sản xuất tại Nhà máy. Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với ngườ
P.V: Là dự án trọng điểm của Tập đoàn TKV do TCT CN Hóa chất mỏ làm chủ đầu tư, Nhà máy sản xuất amon nitrat được triển khai đồng bộ, bài bản từ đầu đến cuối, trong đó đặc biệt đảm bảo những tiêu chí quan trọng về tiến độ, chất lượng cũng như hài hòa mối quan hệ với địa phương… Là người gắn bó sâu sát với dự án, ông có thể cho biết thêm?
Ông Trần Đăng Phi (T.Đ.P): Trên thực tế dự án cũng “lốc xoáy, thác ghềnh” lắm chứ không đơn giản cái gì cũng thuận đâu.
Dự án gặp gian nan ngay từ khi tìm địa điểm xây dựng Nhà máy. Ngay sau khi TCT CN Hóa chất mỏ (MICCO) nhận nhiệm vụ Tập đoàn giao làm chủ đầu tư Nhà máy sản xuất amon nitrat (tháng 5/2008), MICCO cùng các Ban Tập đoàn đã lần lượt khảo sát các địa điểm như Cảng Bạch Thái Bưởi, Khu công nghiệp Hải Hà, Vũng Chùa, Bàng Tẩy… nhưng đều không phù hợp. Những địa điểm có tính khả thi hơn là khu vực K9 Mông Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu thì do nhiều lý do nên lại “thất bại”. Thậm chí KCN Đình Vũ (Hải Phòng) – địa điểm được lựa chọn gần như “ăn chắc” khi mọi thủ tục đã cơ bản hoàn tất nhưng cuối cùng do địa phương không chấp thuận nên tất cả quay lại điểm xuất phát. Dự án chỉ thực sự được triển khai khi Tập đoàn quyết định đầu tư xây dựng Nhà máy tại xã Thái Thọ – Thái Thụy – Thái Bình.
Tuy không có “địa lợi” như ở KCN Đình Vũ nhưng quan trọng đặt tại Thái Thụy – Thái Bình dự án lại được “nhân hòa” – như thế kiềng 3 chân vững chắc: đó là sự ủng hộ, giúp đỡ tận tình của Chính quyền các cấp và nhân dân tỉnh Thái Bình; sự chỉ đạo sâu sát của lãnh đạo TKV và sự quyết liệt cùng những giải pháp hợp lý của MICCO trong quá trình triển khai dự án – đó là phân đoạn đầu tư, giải quyết đầu tư khâu cuối ra sản phẩm Amon Nitrat trước, khi nào có điều kiện sẽ tiếp tục đầu tư sản xuất nguyên liệu NH3 để hoàn toàn chủ động từ khâu sản xuất nguyên liệu cơ bản đến sản xuất thuốc nổ công nghiệp.
P.V: Vậy theo ông, những điểm mấu chốt làm nên thành công ở dự án này là gì?
Ông T.Đ.P: Điều nhà báo hỏi, tôi có thể khái quát trong cụm từ “Tôn trọng – Trách nhiệm – Hiệu quả”. “Tôn trọng” đối tác, đặt mình vào vị trí điều kiện của đối tác để phân tích, lựa chọn trước khi đưa ra quyết định; “Trách nhiệm” với công việc, trách nhiệm với đối tác của mình; và để đạt được “Hiệu quả” (với MICCO là tiến độ và chất lượng, với các Nhà thầu là giá trị tiền công sớm được nhận), MICCO đã cùng với Nhà thầu PMC, EPC và các Nhà thầu khác trên một “Con thuyền dự án” hướng đến bến đỗ vận hành thành công Nhà máy – đó cũng là điểm mấu chốt thành công của dự án mà tựu trung lại vẫn là vấn đề con người: “Tâm huyết + danh dự + trách nhiệm = Thành công”.
1 USD VÀ “DANH DỰ CỦA DOANH NGHIỆP”
P.V: Chắc hẳn ông đã có ăm ắp những kỷ niệm vui buồn trong quá trình triển khai dự án?
Ông T.Đ.P: Tôi cùng một số anh chị em gắn bó ngay từ những ngày đầu tiếp nhận dự án, cùng với thăng trầm của dự án là những kỷ niệm buồn vui đan xen như những ký ức không thể quên trong mỗi chúng tôi.
Kỷ niệm thì nhiều lắm, nếu kể không biết bao giờ mới hết nhưng trong số đó, có một kỷ niệm mà tôi rất nhớ đó là khi Thyssen Krupp – đại diện của liên danh Nhà thầu EPC đưa ra ý kiến có thể chậm tiến độ 1 tháng so với tiến độ cam kết trong hợp đồng vì nhiều lý do (có cả lý do về tài chính). Ngay tại cuộc họp lúc đó, tôi đã có ý kiến: “Các ông là người Đức nên học ý chí của đội tuyển bóng đá Đức, quyết chiến đến những giây phút cuối cùng và đã giành được vinh quang ở World cup 2014. Nếu vì lý do tài chính, cá nhân tôi sẽ gửi tới Thyssen Krupp 1 USD để hỗ trợ Nhà thầu hoàn thành nghĩa vụ của mình đúng tiến độ”. Ngay lập tức, Thyssen Krupp khẳng định kiên quyết không để chậm tiến độ. Đó chỉ là một phút bột phát trong quá trình làm việc với Nhà thầu nhưng ngẫm lại mới thấy Thyssen Krupp trọng danh dự như thế nào! Và đó là một bài học lớn với tôi về “Danh dự của Doanh Nghiệp”.
P.V: Còn nữa, Amon nitrat cũng là dự án có nhiều mốc thời gian các bên đã hoàn thành rất đáng tự hào. Cảm xúc của ông trong mỗi lần ấy như thế nào?
Ông T.Đ.P: Khẳng định với nhà báo nhé, cảm xúc của chúng tôi thực sự thăng hoa với mỗi dấu mốc ấy. Đó là niềm tự hào hãnh diện khi những người lính của Công ty Đầu tư xây dựng và thương mại (TCT Đông Bắc) – một doanh nghiệp Việt Nam đã hoàn thành ép xong 143.411 mét trong 56 ngày đêm vượt trước thời hạn gần 3 tháng trong sự ngỡ ngàng của Thyssen Krupp. Và niềm tin đã tỏa sáng khi hoàn thành 500m3 bê tông móng bồn Amôniac, 1830 m3 bê tông móng xưởng amon nitrat với sự vào cuộc hỗ trợ hết lòng của tỉnh Thái Bình. Không hề thua kém, những người thợ lắp máy Lilama 69-1, đúng ngày giải phóng Thủ đô (10/10) đã lắp dựng thành công tháp Hấp thụ – một trong những công đoạn phức tạp nhất cũng là điểm mốc đánh dấu chuyển sang giai đoạn lắp đặt các thiết bị chính của Nhà máy…
Trong quá trình triển khai dự án từ cảm xúc xáo trộn, hy vọng, chờ đợi đến vỡ òa khi 2h sáng ngày 23/11/2014, tấn Axit Nitric đầu tiên đã được sản xuất tại Nhà máy. Những giọt nước mắt đã hòa trong ánh mắt bừng sáng của những người thợ MICCO. Với tôi chỉ biết nói lời “Cảm ơn” Nhà thầu, “Cảm ơn” tất cả đồng đội đã mang đến cho tôi niềm vui vô bờ đúng vào ngày sinh nhật của vợ tôi.
PHẦN THƯỞNG CỦA NHỮNG NGƯỜI KIÊN ĐỊNH
P.V: Đến nay, dự án đang có những thành công bước đầu. Phía trước chắc hẳn còn rất nhiều khó khăn, thưa ông?
Ông T.Đ.P: Đúng vậy! Ngay sau khi ký kết hợp đồng EPC với liên danh UHDE-TTCL Group, tôi đã khẳng định việc xây dựng Nhà máy chắc chắn sẽ thành công nhưng vận hành nó như thế nào thì mới thực sự là thách thức với MICCO. Cụ thể như kỹ năng vận hành, phát huy công suất Nhà máy, giá nguyên liệu đầu vào, tính ổn định và chất lượng nguồn điện, lãi vay – gánh nặng cho MICCO khi điều kiện tài chính khó khăn.
Do đó, để ổn định, từng bước tháo gỡ khó khăn trên, MICCO đã xây dựng những chiến lược là tăng cường đào tạo tại chỗ để từng bước nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt tranh thủ sự hướng dẫn của Nhà thầu trong quá trình vận hành chạy thử và hỗ trợ vận hành; đa dạng hóa các loại sản phẩm và mở rộng thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước, nhất là sản phẩm Axit Nitric và các loại phân bón có thể sản xuất từ Nhà máy, góp phần hạ giá thành sản phẩm, tăng tính cạnh tranh; đồng thời giải trình với các cơ quan nhà nước để được hưởng chính sách ưu đãi đối với dự án do Thủ tướng Chính phủ quyết định đầu tư và đầu tư ở khu vực khó khăn theo chính sách thu hút đầu tư của tỉnh Thái Bình…
P.V: Phải khẳng định, những kết quả đáng ghi nhận của dự án không thể thiếu vai trò của ông – người “thuyền trưởng” đầy tâm huyết chèo lái con thuyền dự án đến những bến đỗ thành công. Nay đã khép lại năm 2014 – năm quan trọng với Amon nitrat. Những điều tâm huyết còn đọng lại trong ông?
Ông T.Đ.P: Đến nay, Nhà máy đã hiện hữu trước mắt, những người theo đuổi dự án từ những ngày đầu như chúng tôi đã phải vượt qua nhiều khó khăn, thậm chí phải đấu tranh để vượt qua chính mình. Không ít đồng đội của chúng tôi đã không đủ kiên trì, không vượt qua được áp lực công việc nên phải rời bỏ vị trí, tìm hướng đi khác. Do đó, tôi nghĩ rằng phần thưởng lớn nhất đối với chúng tôi – những người kiên định, gắn bó với dự án là được đón nhận dòng sản phẩm đầu tiên của Nhà máy mà mình đã toàn tâm, toàn trí với nó. Với chúng tôi, xây dựng công trình Nhà máy Amon Nitrat là xây dựng ngôi nhà thứ 2 của cuộc đời mình – nơi chúng tôi gửi gắm niềm tin, niềm tự hào, kiêu hãnh…
P.V: Trân trọng cảm ơn ông!
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/tam-huyet-danh-du-trach-nhiem-thanh-cong-9622.htm” button=”Theo vinacomin”]