Hiện nay, một số khu vực mỏ như Khe Chuối, Hồng Thái… đã xác định có hiện tượng tự cháy của than. Thời gian tới, khi công tác khai thác than hầm lò được mở rộng và xuống sâu, khả năng khai thác vào các vỉa than có tính tự cháy cao sẽ nhiều hơn. Và việc cần thiết có một phòng thí nghiệm nghiên cứu khả năng tự cháy của than để từ đó lập biện pháp phòng ngừa cháy nội sinh là rất cần thiết, giúp các mỏ chủ động kiểm soát và quản lý nguy cơ mất an toàn.
Thời gian trước đây, một số mỏ than như Na Dương, Khe Bố, Làng Cẩm… khai thác ở những vỉa có tính tự cháy cao đã phải nhờ đến sự giúp đỡ của chuyên gia nuớc ngoài mới có thể khai thác. Tuy vậy, công tác ngăn ngừa hiện tượng than tự cháy cũng gặp nhiều khó khăn do không có thiết bị, phương pháp cũng như đội ngũ cán bộ am hiểu về lĩnh vực này. Một số mỏ như Hà Lầm, Thống Nhất … cũng gặp phải hiện tượng cháy ngầm trong vỉa than hoặc trong bãi thải. Tuy hiện tượng cháy chưa xác định được rõ nguyên nhân, nhưng khả năng tự cháy của than gây ra đám cháy lan rộng không bị loại trừ. Gần đây, một số mỏ than khác cũng gặp phải hiện tượng than tự cháy như tại vỉa 5, khu Trung tâm Khe Chuối thuộc Công ty TNHH một thành viên 91 (Tổng Công ty Đông Bắc) hay tại vỉa 24 thuộc Công ty TNHH than Hồng Thái đã xảy ra hiện tượng tự cháy của than đến 4 lần, gây nhiều thiệt hại, ảnh hưởng đến kế hoạch sản xuất.
Anh Tuyến cho biết, hầu hết các loại than đều có khả năng tự cháy trong những điều kiện môi trường nhất định (cháy nội sinh). Nguyên nhân cơ bản dẫn đến hiện tượng tự cháy của than là quá trình oxy hoá của than sinh ra nhiệt, nhiệt độ tích tụ lại qua thời gian dài không có nơi thoát ra sẽ gia tăng đến nhiệt độ tới hạn và sinh ra hiện tượng tự cháy trong than. Đây là một hiện tượng vô cùng nguy hiểm trong khai thác hầm lò. Sản phẩm cháy sẽ sản sinh ra nhiều loại khí độc gây chết người, đặc biệt là khí CO. Ngoài ra nó còn có thể là nguồn lửa gây ra cháy nổ khí mê tan và bụi than. Hiện tượng tự cháy của than là vấn đề được quan tâm rất lớn trong công tác khai thác than hầm lò. Khi sự tự cháy xảy ra có thể phải đóng cửa mỏ, thiệt hại không nhỏ về kinh tế, xã hội và quan trọng nhất là gây mất an toàn trong khai thác than.
Hiện, Tập đoàn đang tiến hành thăm dò than ở khu vực đồng bằng sông Hồng, nơi có trữ lượng than rất lớn và là loại than có khả năng tự cháy cao hơn so với than ở khu vực Quảng Ninh. Việc nghiên cứu về khả năng tự cháy của than ở khu vực đồng bằng sông Hồng là một việc làm cấp thiết, để sớm tìm ra những giải pháp kiểm soát, quản lý và khai thác than một cách hiệu quả nhất.
Anh Tuyến cũng chia sẻ, nhiều người vẫn có quan niệm than tự cháy là do hàm lượng lưu huỳnh cao nhưng có một thực tế là hàm lượng chất này trong than ở Việt Nam là thấp. ở Trung tâm an toàn mỏ, việc nghiên cứu hiện tượng than tự cháy cũng đang được tiến hành tại một số đơn vị như than Khánh Hòa, Hồng Thái, 91, theo cả hai phương pháp của Nga và Nhật nhưng thiết bị để nghiên cứu còn đơn giản, chưa đáp ứng đủ điều kiện nên kết quả chưa cao. Đã đến lúc phải đặt vấn đề cần nghiên cứu khả năng tự cháy của than ở tất cả các khoáng sàng than và mỏ hầm lò một cách tổng thể để có thể chủ động kiểm soát và quản lý những mối hiểm họa về hiện tượng tự cháy của than. Dự án đầu tư phòng thí nghiệm than tự cháy quy mô lớn thực sự mang tính cấp thiết và khi được Tập đoàn phê duyệt sẽ giúp đáp ứng được những yêu cầu trong nghiên cứu than tự cháy, từ đó đưa ra các cảnh báo và đề xuất những giải pháp ngăn chặn kịp thời, tăng cường bảo vệ tài nguyên than, tạo tâm lý an tâm lao động cho công nhân mỏ khi làm việc ở những khu vực có nguy cơ cháy, nổ cao, nâng cao năng suất lao động, tránh những thiệt hại về người và tài sản cho các đơn vị trong Tập đoàn.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/phong-ngua-chay-noi-sinh-trong-than-574.htm” button=”Theo vinacomin”]