Dự án Nhà máy nhiệt điện (NMNĐ) Quỳnh Lập 1 được Chính phủ giao TKV làm chủ đầu tư tại văn bản số 2798 ngày 29/4/2009. Công trình bao gồm Nhà máy nhiệt điện Quỳnh Lập 1 với hai tổ máy, công suất 1.200MW, tổng mức đầu tư khoảng 1,8 tỷ đô la. Dự án nằm trong quy hoạch chi tiết xây dựng khu công nghiệp Đông Hồi, được Chính phủ đồng ý điều chỉnh tiến độ đưa vào vận hành vào năm 2020.
Toàn cảnh buổi làm việc gỡ khó, đẩy nhanh tiến độ Dự án NMNĐ Quỳnh Lập 1 mới đây
Dự án NMNĐ Quỳnh Lập 1 sẽ triển khai áp dụng chương trình nội địa hoá thiết bị nhà máy nhiệt điện đốt than công suất tổ máy 600MW theo chỉ đạo của Chính phủ tại văn bản số 1668/VPCP-KTN ngày 16/3/2010.
Theo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, Liên danh Tổ hợp nhà thầu EPC do Tập đoàn DOOSAN làm điều phối chính cùng với Tổng công ty Lắp máy Việt Nam (LILAMA), Viện Nghiên cứu Cơ khí (NARIME) và các doanh nghiệp chế tạo trong nước thiết kế, chế tạo thiết bị cho cả hai tổ máy của Nhà máy nhiệt điện Quỳnh Lập 1.
Bộ Khoa học và Công nghệ có nhiệm vụ chủ trì chỉ đạo chủ Dự án khoa học công nghệ, điều chỉnh và hoàn thiện đề cương Dự án khoa học phù hợp với việc chế tạo thiết bị cho nhà máy nhiệt điện chạy than công suất 600MW và áp dụng thành công cho dự án Nhà máy Quỳnh Lập 1, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Nội dung của Dự án khoa học công nghệ “Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo trong nước thiết bị nhà máy nhiệt điện chạy than công suất tổ máy đến 600MW” góp phần nâng cao năng lực sản xuất sản phẩm cơ khí trong nước, giúp Việt Nam dần làm chủ công nghệ, thiết kế thiết bị cho các nhà máy kỹ thuật cao nói chung và cũng là một biện pháp giảm nhập siêu.
Hiện nay, các nhà máy nhiệt điện của Việt Nam phần nhiều đều phải nhập thiết bị của nước ngoài. Một số nhà máy đã sử dụng thiết bị trong nước như Nhà máy điện Na Dương, Phú Mỹ 3&4, Cà Mau…
Khó và gỡ khó
Hiện tại, một số khó khăn cả chủ quan lẫn khách quan như nguồn than, quy hoạch cảng than, bãi thải xỉ, nguồn nước ngọt cũng như tổng mức đầu tư… đã khiến tiến độ lập dự án đầu tư chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra.
Để đẩy nhanh tiến độ Dự án, ngày 27/4/2015, TKV đã có văn bản đề nghị Tổng Cục Năng lượng (Bộ Công Thương) xem xét báo cáo Chính phủ cho phép TKV được áp dụng cơ chế, chính sách đặc thù đối với Dự án NMNĐ Quỳnh Lập 1 theo Quyết định 2414/QĐ-TTg ngày 11/12/2013 của Thủ tướng Chính phủ, trong đó bao gồm: Công tác chuẩn bị Dự án, quá trình thực hiện thiết kế kỹ thuật, công tác bồi thường GPMB, lựa chọn nhà thầu, thu xếp vốn cho Dự án…
Song song đó, TKV và chính quyền tỉnh Nghệ An đã có nhiều buổi làm việc để thống nhất phương án gỡ khó cho Dự án. Đặc biệt mới đây, Tập đoàn đã có buổi làm việc với lãnh đạo UBND tỉnh Nghệ An để tìm ra các phương án tháo gỡ những nút thắt còn lại, phấn đấu 3/2 sang năm có thể triển khai Dự án.
Tại buổi làm việc, TKV đề nghị UBND tỉnh Nghệ An hỗ trợ và phối hợp với TKV thúc đẩy tiến độ triển khai thực hiện Dự án trong quá trình làm việc với các cấp có thẩm quyền; có ý kiến về điều chỉnh quy hoạch cảng than TTĐL Quỳnh Lập để Bộ Giao thông Vận tải xem xét chấp thuận làm cơ sở để TKV triển khai tiếp công tác hoàn thiện dự án đầu tư; cung cấp nguồn nước ngọt cho Dự án đáp ứng nhu cầu và theo tiến độ thống nhất; xem xét điều chỉnh thay đổi quy hoạch bãi xỉ mới; phối hợp với TKV kiến nghị Bộ Công Thương xem xét báo cáo Chính phủ cho phép TKV được áp dụng cơ chế, chính sách đặc thù đối với Dự án NMNĐ Quỳnh Lập 1 theo Quyết định 2414/QĐ-TTg ngày 11/12/2013 của Thủ tướng Chính phủ.
Chủ tịch UBND tỉnh cũng đề nghị Chủ đầu tư sớm hoàn thành phê duyệt dự án, giải phóng mặt bằng, rà phá bom mìn và các điều kiện cần thiết thực hiện đảm bảo tiến độ dự án để đưa Nhà máy Nhiệt điện Quỳnh Lập 1 vào vận hành chậm nhất năm 2020. Tỉnh Nghệ An sẽ tạo mọi điều kiện để chủ đầu tư triển khai tốt dự án theo đúng cam kết.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/phan-dau-322016-khoi-cong-du-an-nhiet-dien-quynh-lap-201507191038471373.htm” button=”Theo vinacomin”]