Ngày 1/7/2016 – Công đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) tròn 20 tuổi. Điểm nhấn trong suốt chặng đường ấy chính là các cấp Công đoàn đã sát cánh, song hành cùng chuyên môn trong SXKD, tái cơ cấu, đẩy mạnh chăm lo đời sống, đảm bảo quyền lợi để người lao động yên tâm gắn bó lâu dài với đơn vị, tích cực trong công tác an sinh xã hội…
Nhân sự kiện có ý nghĩa đặc biệt này, đồng chí Lê Thanh Xuân – Chủ tịch Công đoàn TKV đã trao đổi với Tạp chí Than – Khoáng sản VN xoay quanh những vấn đề nêu trên.
P.V: Như đã có lần đồng chí đã trao đổi, “điều kiện làm việc và tiền lương thu nhập” là “cặp song sinh” về chế độ, chính sách được người lao động quan tâm nhiều nhất và cũng là yếu tố cốt lõi để thu hút, “giữ chân” người thợ, nhất là với ngành Than – Khoáng sản, điều kiện đặc thù nặng nhọc, tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro. Vậy, đồng chí có đánh giá như thế nào về công tác chăm lo đời sống, đảm bảo quyền lợi cho người lao động của Tập đoàn những năm qua?
Đồng chí Lê Thanh Xuân: Theo tôi, đánh giá một cách khách quan, Tập đoàn TKV là một trong những Ngành tiêu biểu chăm lo chu đáo đến đời sống vật chất, tinh thần cho CNVCLĐ. Xác định “Điều kiện làm việc và tiền lương thu nhập” là những yếu tố quan trọng nhất đối với người lao động, do đó trong những năm qua, Tập đoàn và các đơn vị đặc biệt chú trọng đến vấn đề này. Từ chủ trương chiến lược đến xây dựng kế hoạch triển khai trong từng giai đoạn nhằm đáp ứng yêu cầu thiết thực của người lao động.
Để cải thiện điều kiện làm việc, nâng cao năng suất lao động, các đơn vị đã không ngừng đổi mới công nghệ, cơ giới hóa, hiện đại hóa các khâu và trên nhiều lĩnh vực. Chẳng hạn trong khai thác than hầm lò đã sử dụng vì chống thủy lực đơn, giá khung di động, cơ giới hóa đồng bộ khai thác, đầu tư hệ thống vận tải liên tục, vận chuyển người và vật liệu bằng Monoray… Các mỏ lộ thiên đã sử dụng thiết bị cơ giới hóa công suất lớn trong các khâu khoan, xúc bốc và vận tải; các khâu sàng tuyển, nhiệt điện, luyện kim đều có sự đầu tư đáng kể, giúp người lao động làm việc đỡ vất vả hơn. Đồng thời, nhằm đảm bảo tiền lương thu nhập cho CNVCLĐ, Tập đoàn đã tăng cường công tác quản lý, quản trị chi phí, nâng cao hiệu quả SXKD. Từ năm 2010, HĐTV Tập đoàn đã có Nghị quyết về lộ trình tăng tiền lương cho người lao động theo từng giai đoạn; đặc biệt với thợ lò thực hiện lộ trình tăng lương bình quân hàng năm từ 5 đến 10%.
Không chỉ vậy, phát huy vai trò của tổ chức Công đoàn, Công đoàn TKV đã tích cực tham gia và phối hợp với chuyên môn để giải quyết thấu đáo các chế độ, chính sách, đảm bảo quyền lợi cho người lao động, nhất là lực lượng thợ lò. Đến nay, toàn bộ công nhân ở các đơn vị sản xuất than đều được bố trí xe ca có máy lạnh để đưa đón từ nơi ở đến nơi làm việc. Sau ca làm việc, thợ lò được tắm nước nóng, được giặt quần áo BHLĐ, được ăn định lượng là chế độ bồi dưỡng đặc thù chỉ áp dụng cho một số ngành nghề đặc biệt. Hầu hết các đơn vị đã quan tâm đầu tư xây dựng các khu chung cư, nhà ở tập thể cho người lao động với giá thuê nhà thấp. Người lao động là thợ khai thác, đào lò nếu làm đủ ngày công định mức từ 20 công trở lên thì ngoài ngày nghỉ hàng tuần theo quy định, mỗi tháng được đăng ký nghỉ làm việc liên tục 3 đến 5 ngày để về thăm gia đình và được doanh nghiệp hỗ trợ tiền tàu xe đi lại. Với các gia đình thợ lò có nhiều thành tích sẽ được đi nghỉ cuối tuần từ 3 đến 5 ngày tại các cơ sở điều dưỡng của Tập đoàn, tạo sự gắn kết, thêm gắn bó với đơn vị… Ngoài ra, các chế độ chính sách như chế độ nghỉ hưu cho thợ lò, chế độ trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội… đều được Tập đoàn thực hiện nghiêm túc và có những điều chỉnh kịp thời theo hướng có lợi nhất cho người lao động.
P.V: Một trong những vấn đề rất quan trọng là thời gian qua, Công đoàn TKV đã tích cực tham gia với cơ quan chuyên môn trong vấn đề tái cơ cấu, sắp xếp lại lực lượng lao động, CPH doanh nghiệp… Đồng chí cho biết cụ thể hơn?
Đồng chí Lê Thanh Xuân: Trước tiên phải khẳng định, tái cơ cấu, sắp xếp lại lao động, cổ phần hóa doanh nghiệp… dù ở quy mô nào cũng luôn là vấn đề “nóng”, nhạy cảm và không đơn giản, vì vậy đòi hỏi trong quá trình triển khai phải có sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị trong Tập đoàn.
Trên thực tế những năm qua, để thực hiện các bước tái cơ cấu Tập đoàn theo Quyết định số 314/QĐ – TTg của Chính phủ, TKV đã và đang nỗ lực triển khai với nhiều biện pháp tích cực. Trên cơ sở đó, với vai trò, chức năng nhiệm vụ của mình, BCH, Ban Thường vụ Công đoàn TKV đã thống nhất chủ trương và có Nghị quyết chỉ đạo tham gia cùng Tập đoàn. Thường trực Công đoàn TKV đã phân công trách nhiệm từng đồng chí để tham gia vào Ban chỉ đạo và các Tổ chỉ đạo theo từng lĩnh vực của Tập đoàn để phối hợp thực hiện về chủ trương cũng như các bước để tiến hành tái cơ cấu doanh nghiệp từ Tập đoàn xuống đến các đơn vị. Cùng với đó, công tác tuyên truyền, gặp gỡ, đối thoại được các cấp Công đoàn đẩy mạnh triển khai nhằm tạo sự đồng thuận, giúp người lao động hiểu hơn và sẵn sàng chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp và kịp thời cùng chuyên môn giải quyết ổn thỏa quyền lợi của người lao động phát sinh trong quá trình tái cơ cấu, đồng thời giám sát thực hiện ở các đơn vị.
Mặt khác, Công đoàn còn phối hợp với chuyên môn để tham gia giải quyết chế độ chính sách với đối tượng lao động dôi dư theo quy chế của Tập đoàn, hỗ trợ công nhân nghỉ việc, thiếu việc, thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở. Công đoàn các cấp đã phát huy vai trò làm chủ của người lao động trong doanh nghiệp thông qua Hội nghị người lao động. Đặc biệt từ năm 2015 đã tổ chức thành công Hội nghị người lao động Công ty Mẹ – Tập đoàn, duy trì lấy phiếu tín nhiệm cán bộ quản lý các cấp trong Tập đoàn, thông qua thoả ước lao động tập thể Công ty Mẹ để tạo cơ chế điều hành chung trong Tập đoàn…
P.V: Tích cực “chung tay cùng cộng đồng”, trong suốt 20 năm qua, công tác an sinh xã hội, phối hợp hỗ trợ các địa phương thực hiện chiến lược phát triển KT – XH, đặc biệt là những nơi vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo đã trở thành truyền thống và nghĩa cử cao đẹp của Tập đoàn. Công đoàn TKV đã cùng chuyên môn triển khai công tác này như thế nào, thưa đồng chí?
Đồng chí Lê Thanh Xuân: Xác định rõ trách nhiệm là một trong những Tập đoàn kinh tế lớn của Nhà nước, đồng thời với việc từng bước đầu tư phát triển SXKD, TKV luôn quan tâm thực hiện công tác an sinh xã hội. Không chỉ riêng Công ty Mẹ, các đơn vị thành viên tùy theo khả năng của mình đã chủ động và thường xuyên đóng góp, hỗ trợ các địa phương nơi đơn vị hoạt động SXKD thực hiện các mục tiêu tăng trưởng kinh tế – xã hội, an ninh quốc phòng.
Cụ thể, để triển khai công tác này, Công đoàn TKV đã phối hợp cùng với chuyên môn thực hiện Nghị quyết số 30a của Chính phủ (ngày 27/12/2008) về chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững với ba huyện TKV được phân công là Ba Bể (Bắc Cạn), Mèo Vạc (Hà Giang) và Đam Rông (Lâm Đồng). Dù trong điều kiện SXKD còn gặp nhiều khó khăn nhưng liên tục từ năm 2009 đến nay, tùy theo điều kiện cụ thể, TKV vẫn cân đối dành một khoản kinh phí để hỗ trợ cho ba huyện, nỗ lực để đảm bảo hiệu quả và mục tiêu của chương trình.
Bên cạnh đó, hàng năm TKV và các đơn vị thành viên còn thường xuyên hỗ trợ các địa phương khác, nhất là tại các địa phương nơi các đơn vị thành viên của TKV đứng chân và các vùng sâu, miền núi, hải đảo thuộc các tỉnh Quảng Ninh, Cao Bằng, Lào Cai…; thực hiện các chương trình xóa nhà dột nát cho người nghèo, xây dựng và nâng cấp các cơ sở y tế giáo dục, xây dựng đường giao thông nông thôn, hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai… với kinh phí hỗ trợ bình quân trên 100 tỷ đồng mỗi năm. Đặc biệt trong hai năm 2013 và 2014, TKV đã tài trợ kinh phí thực hiện dự án đưa lưới điện quốc gia ra đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) 150 tỷ đồng và đảo Cô Tô (Quảng Ninh) 150 tỷ đồng; trong 5 năm (2010 – 2014) đã tổ chức đào tạo nghề công nhân kỹ thuật cho 6536 con em đồng bào dân tộc vùng trung du, miền núi với kinh phí bình quân 30 triệu đồng/người/khóa học và bố trí việc làm cho các em khi ra trường…
P.V: Đã thành thông lệ, kết thúc một năm, Tổng Giám đốc và Công đoàn TKV lại có dịp “ngồi lại” đối thoại để cùng đánh giá về sự phối hợp giữa chuyên môn và hệ thống Công đoàn. Chính sự lắng nghe, gắn kết chặt chẽ đó đã tạo nên sự đồng thuận giúp TKV vượt qua khó khăn. Đồng chí có thể chia sẻ thêm về vấn đề này?
Đồng chí Lê Thanh Xuân: Có thể nói, những năm qua, mối quan hệ giữa Tổng Giám đốc và Công đoàn TKV rất chặt chẽ, hiệu quả và linh hoạt, được thể hiện rõ thông qua việc phối hợp lập, điều hành kế hoạch sản xuất kinh doanh, khoán quản chi phí, trong công tác an toàn vệ sinh lao động, công tác thi đua và đặc biệt là công tác chăm lo đời sống cho CNVCLĐ.
Ngoài việc hàng năm, Tổng Giám đốc và Công đoàn TKV duy trì tổ chức đối thoại để cùng đánh giá về sự phối kết hợp thì các đơn vị thành viên cũng định kỳ tổ chức các buổi đối thoại tập trung vào những vấn đề “nóng” cần giải quyết hoặc các đối tượng như thanh niên, kỹ sư trẻ, công nhân trực tiếp… trong từng thời điểm phù hợp với điều kiện đặc thù của đơn vị. Có thể thấy, thông qua những buổi đối thoại trực tiếp ấy, trên tinh thần không né tránh, những khúc mắc, tâm tư, nguyện vọng của người lao động đã được lãnh đạo Tập đoàn thấu hiểu hơn để đưa ra những chính sách, điều chỉnh phù hợp, góp phần xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa trong doanh nghiệp. Tổ chức đối thoại cũng là khẳng định sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự chung sức đồng lòng tạo nên một khối thống nhất, xây dựng TKV phát triển ngày càng bền vững.
Tôi chỉ lấy ví dụ trong năm 2015, ngoài việc tổ chức đối thoại tại các Hội nghị người lao động còn có 80 đơn vị tổ chức trên 270 cuộc đối thoại định kỳ với trên 37.135 lượt CNVCLĐ tham gia, có 1.514 ý kiến kiến nghị được giải quyết. Các bước thực hiện quy trình đối thoại được nhiều đơn vị nắm bắt thuần thục và thực hiện nghiêm túc, điển hình là các đơn vị: Than Núi Béo, Than Nam Mẫu, Than Hà Lầm, Than Vàng Danh, XDM Hầm lò 2… Tuy nhiên, để việc đối thoại ngày càng thiết thực, hiệu quả, tránh mang tính hình thức, cả chuyên môn cũng như hệ thống các tổ chức Công đoàn cần thẳng thắn, chủ động hơn trong việc nêu các vấn đề đang là nổi cộm để các bên cùng chung tay tháo gỡ.
P.V: Xin đồng chí nêu khái quát nhất những định hướng trọng tâm để tiếp tục giữ vững và ngày càng đảm bảo tốt hơn quyền lợi nói chung cho người lao động trong Tập đoàn thời gian tới?
Đồng chí Lê Thanh Xuân: Nói một cách ngắn gọn nhất, theo tôi, chúng ta cần tiếp tục quan tâm đến hàng loạt các vấn đề như: tập trung tuyên truyền tới người lao động những tác động của cơ chế thị trường, hội nhập Quốc tế tới SXKD và hoạt động công đoàn; vấn đề tăng năng suất lao động, quản trị chi phí, hạ giá thành sản phẩm, nâng cao hiệu quả SXKD, nâng cao chất lượng của Hội nghị người lao động, chất lượng thỏa ước lao động tập thể, các nội quy, quy chế, tổ chức đối thoại định kỳ, thực hiện quy chế dân chủ, thực hiện quan hệ lao động hài hòa ổn định và phát triển trong doanh nghiệp, vì sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.
P.V: Như vậy đến ngày 01/7/2016 này, Công đoàn TKV tròn 20 tuổi – tuổi đầy sung sức, nhiệt huyết và khát vọng. Với vai trò của người “thủ lĩnh” Công đoàn, cảm xúc của đồng chí như thế nào trong dịp đặc biệt này?
Đồng chí Lê Thanh Xuân: Thực sự là tự hào! Tôi luôn ý thức sâu sắc rằng, được Tập đoàn và tập thể CNVCLĐ tín nhiệm, tin tưởng, giao nhiệm vụ, tiếp nối truyền thống của các thế hệ đi trước thì bản thân mình càng phải nỗ lực hơn nữa để không phụ lòng tin ấy; để cùng với cán bộ đoàn viên Công đoàn và người lao động thực hiện mục tiêu “Công đoàn đồng hành vì sự phát triển bền vững của doanh nghiệp – Vì việc làm, đời sống của người lao động”.
P.V: Trân trọng cảm ơn đồng chí!
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/no-luc-khang-dinh-vi-the-cong-doan-tkv-201606292310074919.htm” button=”Theo vinacomin”]