Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi chỉ giới thiệu những người hiện đang làm việc trong Tập đoàn và xin khẳng định ngay: Những người làm “đổng lí” (chánh văn phòng) lâu năm ở Tập đoàn là các anh: Phạm Trung Hưng, Chánh Văn phòng Tập đoàn; Nguyễn Quang Tình, hiện là Trợ lí Tổng giám đốc Tổng Công ty Công nghiệp mỏ Việt Bắc; Trần Ngọc Dũng, hiện là Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Công nghiệp Hóa chất mỏ; ngoài ra còn có các anh: Nguyễn Đình Ánh, Chánh Văn phòng Công ty than Nam Mẫu; Trần Bàn, Chá
Trước khi làm “đổng lí”, những người nêu trên, mỗi người một nghề; người thì làm công nhân, người làm cán bộ kỹ thuật, người thì từ lực lượng vũ trang chuyển ngành… Đến nay, họ đều có từ 1-3 bằng đại học, bằng thạc sỹ. Anh Phạm Trung Hưng tốt nghiệp Đại học Bách Khoa, cử nhân Chính trị; anh Phạm Quang Tình là kỹ sư Khai thác mỏ; anh Trần Ngọc Dũng, là kỹ sư kinh tế mỏ, cử nhân luật, thạc sỹ QTKD và đã qua đào tạo nghiệp vụ Luật sư của Học viện Tư pháp; anh Nguyễn Đình Ánh, anh Trần Bàn là cử nhân văn hoá v.v.
“inox xidat” …
Anh Phạm Trung Hưng làm Chánh văn phòng Tổng Công ty than Việt Nam (nay là Tập đoàn TKV) từ ngày thành lập (10/10/1994). Cũng từ đó đến nay, anh Hưng chỉ có một năm rưỡi làm Giám đốc Trung tâm Giao dịch Than Việt Nam (đơn vị này sau đó sáp nhập vào Công ty CP Du lịch -Thương mại- Vinacomin), còn lại là “đổng lí” (18 năm 6 tháng). Trước khi làm “đổng lí” Tổng Công ty than Việt Nam, anh Hưng đã nhiều năm làm công tác văn phòng ở Công ty than Hòn Gai. Sinh thời, Thủ tướng Võ Văn Kiệt có lần gọi anh Hưng là Chánh Văn phòng “inox xidat” (bền lâu như thép inox);
Tôi biết anh Tình từ thời tôi làm ở Báo Bắc Thái (năm 1996, Báo Bắc Thái chia tách thành Báo Thái Nguyên và Báo Bắc Kạn). Bữa đó, cơ quan tôi tổ chức tổng kết cuộc thi viết báo, anh Tình được Tòa soạn mời dự với tư cách là tác giả đoạt giải của cuộc thi (sau này anh Tình còn được nhiều giải báo chí do Báo Thái Nguyên và các báo khác tổ chức). Đó là người đàn ông tầm thước, mặc bộ đồ trắng, sơ – vin gọn gàng, đi giày mõm ngóe, trông như công chức thời Tây! Tôi mời anh điếu thuốc lá “Sông Cầu”, anh lịch sự từ chối. Đến bữa, chúc mừng anh chén rượu, anh nâng chén lên nhấp ngụm nhỏ rồi đặt xuống. Khi đó anh Tình đang là Phó Chánh Văn phòng Công ty than Nội địa.
Hơn chục năm sau, tôi về Hà Nội, gặp lại anh. Anh vẫn diện áo trắng, quần trắng, sơ – vin gọn gàng, vẫn giày mõm ngóe bóng lộn. Mời anh thuốc lá, mời rượu, anh đều từ chối. Hỏi anh, đã lên chức gì rồi? Anh Tình bảo: Làm anh “ Đổng lý”!
Công ty than Nội địa – Công ty công nghiệp mỏ Việt Bắc, nay trở thành Tổng Công ty; đã hai lần chuyển địa điểm, từ Đông Anh, sang 30B Đoàn Thị Điểm, quận Đống Đa, nay là ngôi nhà nguy nga, tọa lạc ngay đầu phố Phan Đình Giót, quận Thanh Xuân, Hà Nội và anh Tình vưỡn bền bỉ với vai trò “đổng lí”; vẫn là “cánh tay đắc lực” đi qua suốt 6 đời Giám đốc, Tổng giám đốc, 5 đời Chủ tịch quản trị – Hội đồng thành viên Tổng Công ty. Tính đến ngày rời vị trí “đổng lí” Tổng Công ty này, anh Tình đã làm nghề văn phòng 37 năm, trong đó 18 năm làm cán bộ quản lý Văn phòng.
Trong số các anh làm “đổng lý” lâu năm, có mỗi anh Trần Ngọc Dũng được lên chức Phó Tổng giám đốc. Anh Dũng làm Chánh văn phòng xí nghiệp tiền thân của Công ty CP Đưa đón Thợ mỏ từ năm 1983. Từ đó cho đến khi lên chức Phó Tổng, chỉ có 4 năm anh Dũng được làm công tác khác, còn lại là “đổng lí” từ xí nghiệp đến Tổng công ty.
Anh Nguyễn Đình Ánh làm “đổng lí” văn phòng Xí nghiệp Cơ giới một trong những đơn vị tiền thân của Công ty than Nam Mẫu từ thời anh chưa lấy vợ (1984). Bây giờ anh đã lên chức ông ngoại và vẫn bền bỉ làm “đổng lí” từ bấy đến nay.
Anh Trần Bàn ở Công ty than Mạo Khê có thâm niên “đổng lí” ít hơn; từ năm 2005 đến nay.
Vị trí đặc biệt
Chánh văn phòng, theo tôi, là vị trí đặc biệt quan trọng; là người tham mưu, giúp việc cho giám đốc, hoạch định cả mục tiêu, kế hoạch và nhiều việc liên quan đến sản xuất, kinh doanh, đối nội, đối ngoại… Nhiều người từ Chánh văn phòng, phấn đấu rèn luyện trở thành Chủ tịch Quốc hội, Phó thủ tướng, lãnh đạo bộ v.v. Ở Nga, ở Nhật, có người từ Chánh văn phòng trở thành Tổng thống, thành Thủ tướng …
Ở nước ta “nghề gì cũng có Trạng nguyên” (câu này rút trong cuốn “Đàn hương hình” – tác phẩm đoạt Giải Noben của Mạc Ngôn); nghề gì cũng có danh hiệu, nhưng “đổng lí” thì không. Người có học vị tiến sĩ, thậm chí học hàm là GS, PGS làm “đổng lí” thì nhiều nhưng học vị chuyên ngành về văn phòng thì không. Và, các trường đại học ở ta rất nhiều, nhưng chẳng có trường nào có khoa chuyên đào tạo công tác văn phòng học. Vậy mà, nhiều công to việc lớn trong cơ quan đơn vị đều do các bác “đổng lí” sắp xếp với vai trò tham mưu cho thủ trưởng đơn vị. Tôi lại cho rằng, làm “đổng lí”, ngoài sự tận tụy, trung thành, còn phải có kiến thức rộng về mọi lĩnh vực thì mới làm tốt vai trò tham mưu quan trọng cho lãnh đạo đơn vị và điều hành thông suốt công việc văn phòng của cơ quan. Chắc chắn, các anh “đổng lí” nêu trên phải có phẩm chất đặc biệt thì mới làm “đổng lí” ngần ấy năm.
Chịu nhiều áp lực
Làm “đổng lí” phải giải quyết nhiều việc, trong đó có những việc không tên và chịu áp lực từ nhiều phía; thậm chí từ những chuyện không đâu. Vẫn theo lời kể của ông Đoàn Văn Kiển: “Có lần tôi đã nổi cáu với Chánh Văn phòng Phạm Trung Hưng. Đó là vào bữa cơm tất niên ở cơ quan. Buổi sáng tôi đã hỏi anh Hưng trưa nay cơ quan ăn tất niên vào mấy giờ, anh ấy trả lời “xin anh cho làm từ 11 giờ 30 phút” tôi đồng ý và dặn “anh kiểm tra và chuẩn bị cẩn thận, tôi sẽ chúc Tết anh chị em”. Trước 11 giờ 30 vài phút tôi và một số anh lãnh đạo xuống nhà ăn thì đã thấy mọi người đang ăn, có mâm đã ăn xong. Hỏi thì quản lý nhà ăn trả lời: một số anh đòi được ăn sớm, không mở cửa thì các anh ấy cáu đành phải mở, thế là mọi người vào cả. Bực quá, tôi đã to tiếng phê bình họ: hôm nay là bữa tất niên, phải đợi đông đủ, đúng giờ để còn chúc nhau, vui với nhau chứ có phải chỉ đến để ăn đâu… Sau nghĩ lại, giá mà tôi không nói to, để phê bình sau thì tốt hơn. Để có một nền nếp văn hóa thì mọi người đều phải cố gắng và thủ trưởng phải làm gương, phải gây áp lực lên cả tập thể”.
Lại nhớ, có lần, trong bữa tiệc, tôi “biên chế” cùng mâm với anh Nguyễn Quang Tình. Đang ăn, một vị khách là cấp trên của anh đến mâm tôi mời rượu. Mọi người cạn chén, riêng anh Tình thì từ chối. Vị cấp trên anh Tình, bỗ bã: “làm chánh văn phòng như anh mà không biết uống rựợu thì xin nghỉ đi sang mà làm việc khác!”. Anh Tình tái mặt, nhưng vẫn từ tốn: “Các anh thông cảm. Chiều tôi còn phải làm việc. Bình thường tôi nói năng không được chuẩn lắm.“Tửu nhập-ngôn xuất”. Uống rượu vào, làm ảnh hưởng đến công việc, ảnh hưởng đến người khác nên tôi không dám uống”.
Ôi chao, làm cái anh “đổng lí”, mỗi ngày cần phải điều chỉnh mình từ trang phục, hành vi để không ảnh hưởng đến văn hóa công sở. Buổi sáng mặc bộ đồ sáng, nửa buổi phải dẫn đầu một đoàn đi viếng đám tang, thế là phải thay ngay bộ quần áo đen, ca vát đen, buổi tối có cuộc chiêu đãi khách nước ngoài lại thay bộ khác. Ngoài trang phục cần phải tỉnh táo để giải quyết vô số công việc, đã mệt, lại còn phải đương đầu với những áp lực từ nhiều phía; từ những chuyện không đâu; lúc vui cũng không được vui hết mình; lúc ăn cũng phải giữ ý tứ; lúc tự do, nhân cách bị xâm phạm cũng phải kìm nén, lựa thời cơ, nói đúng lúc, đúng chỗ. Làm “đổng lí” một ngày đã mệt, huống gì làm bền bỉ suốt mấy chục năm!
“Thăng hoa”
Sigmund Freud (nhà triết học người Áo nghiên cứu về phân tâm học 1856 1939) có câu nói nổi tiếng: “Nghệ thuật là thăng hoa của tính dục”. “Tính dục” ở đây được hiểu theo nghĩa rộng, đại để, khi tư tưởng, cảm xúc bị dồn nén, bị ứ đọng, không cách gì giải thoát được thì người nghệ sỹ sử dụng các loại hình nghệ thuật làm phương tiện để trải lòng mình. Phải thế chăng, mà các anh “đổng lí”, dù công việc bận rộn quanh năm vẫn viết báo, nhiều người còn sáng tác thơ, văn đăng trên các báo và tập hợp xuất bản sách. Anh Phạm Trung Hưng không sáng tác văn nghệ mà chỉ viết báo, hiện là Thư kí Chi hội Nhà báo Tạp chí Than – Khoáng sản Việt Nam. Dù vậy, khi đề cập tới đời sống văn nghệ, đời sống văn nghệ sĩ thì không hiểu anh lấy thông tin ở đâu mà tuôn dào dạt, mà nóng sốt, mà hấp dẫn đến lạ.
Anh Nguyễn Quang Tình là Hội viên Hội Nhà báo Việt Nam. Anh “giải thoát” (sự viết) bằng nhiều thể loại: Báo chí, thơ, truyện ngắn, truyện dài, tiểu thuyết, bình luận văn chương, nghiên cứu văn hóa…. và anh đã tập hợp xuất bản thành 3 cuốn sách; có cuốn (đang in) dày tới 750 trang. Bài viết của anh, ở thể loại nào cũng lắm thông tin, nhiều sự việc; nhân vật trong truyện của anh, dù hư cấu vẫn thấp thoáng nguyên mẫu ngoài đời; đến nỗi, Tạp chí Than – Khoáng sản Việt Nam đăng truyện của anh, có người gọi điện đến hỏi tôi: “Ông Tình viết thế là định ám chỉ ai?”… Phải chăng, nghề văn phòng được tiếp xúc nhiều người, được biết nhiều chuyện, trong đó có cả những chuyện “thâm cung bí sử” và các anh dùng phương tiện nghệ thuật để “thăng hoa” chăng?
Anh Trần Ngọc Dũng là Hội viện hội Nhà báo Việt Nam, hiện là Phó Thư ký Chi hội Nhà báo Tạp chí Than – Khoáng sản Việt Nam. Anh Nguyễn Đình Ánh là Hội viên Hội VHNT tỉnh Quảng Ninh; đã cho xuất bản 1 tập thơ; ngoài ra còn sáng tác cả ca khúc. Anh Trần Bàn có tham gia viết bài cho các báo nhưng không thường xuyên. Tuy vậy, sự “thăng hoa” của anh thật mãnh liệt khi gặp bạn tâm giao, gặp các các nhà văn, nhà báo. Khi đó, anh chiếm lĩnh “diễn đàn”, tuôn ào ạt đủ thứ chuyện về thế sự, về xã hội, với kiến thức rộng; cách kể chuyện hấp dẫn. Anh nói cứ như sợ hết thời gian, để rồi lại trở về vị trí “đổng lí”, ít cơ hội để “thăng hoa”…
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/nhung-nguoi-lam-dong-li-lau-nam-8962.htm” button=”Theo vinacomin”]