Nói đến các thế hệ lãnh đạo Than Mạo Khê, người dân vùng Mỏ nhớ ngay hai nhân vật đặc biệt nổi bật, đó là ông Phạm Thế Duyệt và ông Vũ Văn Quyết. Ông Phạm Thế Duyệt từ Giám đốc Mỏ than Mạo Khê lên Tổng LĐLĐ Việt Nam, sau đó là Bí thư Thành ủy Hà Nội, rồi Ủy viên Thường vụ – Thường trực Bộ Chính trị, tiếp nữa là Chủ tịch Ủy ban TWMT Tổ quốc Việt Nam; ông Vũ Văn Quyết làm Giám đốc ở Than Mạo Khê hơn 10 năm, từ năm 1996 đến khi nghỉ hưu.
Chúng ta đã biết, Mỏ than Mạo Khê (Đông Triều) được phát hiện và khai thác từ thời Vua Minh Mạng (1839). Sau khi thực dân Pháp xâm lược nước ta, quy mô khai thác than của các ông chủ mỏ ở Mạo Khê ngày càng lớn. Đến ngày 15/11/1954, Nhà nước ta tiếp quản và khôi phục Mỏ than Mạo Khê. Sau nhiều năm khai thác, tài nguyên các mức trên của Mỏ than Mạo Khê dần cạn kiệt. Từ năm 1973, chuyên gia Trung Quốc đã giúp ta thiết kế và xây dựng hệ thống mở vỉa xuống sâu tới mức âm 80 để khai thác than từ mức này trở lên và tiến tới khai thác sâu xuống mức âm 150. Hệ thống mở vỉa bao gồm giếng nghiêng từ mức dương 17 xuống âm 80, lò xuyên vỉa vào gặp than và hệ thống sân ga, hầm trạm…
Dự án đang triển khai thì đến năm 1979, chuyên gia Trung Quốc rút về nước, việc đào lò XDCB ở đây bị đình trệ, khu giếng chính bị ngập nước với hàng triệu m3. Việc khai thác của Mỏ than Mạo Khê tiếp tục loay hoay ở các mức trên. Đến năm 1995 – 1996, sản xuất của mỏ trong tình trạng bòn vét, tận dụng tài nguyên. Khi đó, lực lượng lao động của Mỏ than Mạo Khê gần 6 nghìn người. Để duy trì việc làm và đời sống cho công nhân, Mỏ phải mở thêm các điểm khai thác lộ thiên nhỏ lẻ, sản xuất than tổ ong, chế biến sắt thép phế liệu, sản xuất gạch, khai thác đá v.v. Đó là những công việc mà thợ lò Mạo Khê không quen làm.
Trước tình hình đó, năm 1996, Tổng Công ty than Việt Nam (nay là Tập đoàn TKV) quyết định cho khôi phục lại Dự án xuống sâu âm 80. Công việc trước mắt là bơm cạn giếng, củng cố, đưa hệ thống đường lò đã đào vào trạng thái an toàn, sau đó tiếp tục đào lò XDCB của Dự án để khai thác than từ âm 80 trở lên với trữ lượng khoảng 70 triệu tấn. Khi đang đào lò xuyên vỉa Tây Bắc I của Dự án, công nhân Mạo Khê gặp phay gọi là phay FA. Thuật ngữ địa chất gọi phay là hiện tượng đứt gãy của vỏ trái đất. Tại vị trí đứt gãy, đất đá bị vò nát, tạo vùng áp lực lớn. Phay FA có chiều rộng khoảng 25m, góc cắm 75 độ, còn đáy của nó, không ai biết được sẽ tới đâu. Nhiều người vẫn ví nó như dòng sông không đáy, chứa đất, đá, nước, cắm gần như dựng đứng trong lòng đất. Mặc dù các chuyên gia kỹ thuật đã có nhiều biện pháp kỹ thuật an toàn để thi công đường lò vượt qua “dòng sông không đáy” này, nhưng áp lực quá lớn, không loại vì chống nào chịu nổi.
Ngày 20/3/1996, “dòng sông” hung dữ xả nước, kèm theo bùn đất cuốn phăng cả đoạn vì chống và thiết bị đào lò, làm 4 người bị thiệt mạng, 4 người khác bị thương. Trước nỗi đau đó, thợ mỏ Mạo Khê không chùn bước, phải quyết tâm vượt qua “dòng sông” không đáy này! Không vượt qua nó thì không tiếp cận được nguồn tài nguyên lớn đang chôn vùi dưới độ sâu trong lòng đất; thì thợ mỏ Mạo Khê còn tiếp tục loay hoay bòn mót than; thì đời sống của gần 6 nghìn thợ mỏ Mạo Khê sẽ bấp bênh. Nhưng vượt qua bằng cách nào?
Ông Vũ Văn Quyết đang làm Giám đốc Mỏ than Yên Tử được Tổng Công ty điều về làm Giám đốc Mỏ than Mạo Khê (nay là Công ty than Mạo Khê) sau sự cố trên. Ông nhớ lại, khi đó, các nhà quản lý, các chuyên gia đều xác định, muốn tiếp tục đào lò các đường lò trong hệ thống mở vỉa, phải tìm cách “nút” “dòng sông” đã bị chặn của đường lò xuyên vỉa, tạo vùng áp lực ổn định, sau đó đào lò vượt qua. Nhưng “dòng sông” toàn nước, đất đá, bùn lại cách mặt đất 110m theo phương thẳng đứng, lấy gì để “nút” và “nút” ra sao? Nhiều phương án kỹ thuật được đưa ra. Những ông cán bộ lãnh đạo trong Mỏ đề xuất, phải đào đường lò có tiết diện nhỏ hơn, song song với đường lò cũ để tránh đường lò đã bị sụp đổ. Phương án của ông Phùng Mạnh Đắc (thời đó là Viện trưởng Viện KHCN Mỏ) và ông Vũ Văn Quyết thì táo bạo hơn, chưa áp dụng ở Việt Nam, đó là, từ mặt đất, xác định tọa độ đúng vị trí “dòng sông” đang phá hủy ở đường lò xuyên vỉa mức âm 80. Từ các vị trí đó, cho khoan các lỗ khoan có đường kính lớn, vượt qua “sông”, xuyên vào đá trụ 10m, sau đó dùng bơm có công suất 110 áp mốt phe (30 at có thể bắn thủng đá) phun bê tông theo các lỗ khoan. Bê tông khi gặp “sông”, dính kết với đất đá thành khối, tạo vùng áp lực ổn định, hạn chế lực nén lên đường lò.
Phương án của ông Quyết và ông Đắc bị các ông lãnh đạo trong Mỏ phản ứng dữ dội; đồng thời nhiều phương án khác được đưa ra. Tuy nhiên, với tầm nhìn và các chứng cứ về khoa học, lãnh đạo Tập đoàn thời đó đã ủng hộ phương án của ông Quyết và ông Phùng Mạnh Đắc; đã phân tích thuyết phục nội bộ lãnh đạo Mỏ, đồng thời dùng quyền lực cấp trên để quyết định thực hiện phương án tối ưu này.
Để bơm phụt vữa “nút” sông ở mức âm 80, người ta khoan 12 lỗ khoan có tổng chiều dài trên 1.200 m, sau đó, lồng ống thép chịu áp lực vào các lỗ khoan. Ròng rã 18 tháng, Phân xưởng đào lò đá số 5 của Công ty đã bơm phụt hàng nghìn m3 vữa bê tông với trên 2.000 tấn xi măng vào các lỗ khoan. Tổng chi phí khoảng 10 tỷ đồng (1996). Khi “nút” xong “dòng sông”, việc chống giữ lò qua khu vực này cũng rất phức tạp, chưa bao giờ áp dụng ở Việt Nam. Thông thường, tiết diện vì chống ở những đường lò đi trong đá (lò xuyên vỉa) thường là hình vòm, hình thang… chèn bê tông. Nhưng vì chống ở đây bằng sắt, chống kín thành hình tròn, sau đó đổ trùm bê tông lên, như một chiếc cống khổng lồ vậy.
Sau khi ách tắc ở đây được khai thông, việc đào lò XDCB ở âm 80 thuận lợi. Từ năm 1998 đến năm 2004, Phân xưởng Đào lò đá số 5 của Công ty đã đào trên 15.000 m lò đá mới, 10.000 m lò than, đưa khu giếng nghiêng – 80 vào khai thác than.
Như vậy, sau 30 năm xây dựng mỏ, trong đó 15 năm bị ngập nước, khu vực âm 80 ra tấn than đầu tiên. Và ngay trong năm đó, sản lượng của Than Mạo Khê đạt 1,350 triệu tấn, vượt 3 lần so với sản lượng năm 1996 và vượt công suất thiết kế 350 nghìn tấn. Từ đó đến nay, sản lượng của Mạo Khê chủ yếu ở khu vực này và tiếp tục xuống sâu, khai thác ở mức âm 150 mét và tiến tới chinh phục ở mức sâu hơn nữa.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/nhu-mot-anh-hung-9147.htm” button=”Theo vinacomin”]