Bước sang quý II/2015, tình hình tiêu thụ than của Tập đoàn dự kiến vẫn còn nhiều khó khăn, than tiêu thụ trong nước phải chịu sự cạnh tranh gay gắt, giá than thế giới có dấu hiệu giảm… Nhận định rõ những khó khăn đó, lãnh đạo Tập đoàn đã đề ra những giải pháp cụ thể nhằm đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, tiêu thụ than.
Ngay từ những ngày đầu, tháng đầu năm 2015, Tập đoàn đã chỉ đạo các đơn vị thành viên bám sát nhiệm vụ được giao, tích cực, chủ động trong khai thác, tiêu thụ sản phẩm. 2 tháng đầu năm, Tập đoàn đã tiêu thụ gần 4,8 triệu tấn than, trong đó, số lượng than tiêu thụ trong nước là 4,76 triệu tấn.
Theo đánh giá của các chuyên gia, năm 2015, Tập đoàn tiếp tục gặp nhiều khó khăn do biến động giá than theo chiều hướng giảm, đặc biệt, nhiều hộ tiêu thụ than lớn như xi măng, sắt thép gặp khó khăn nên cắt giảm sản lượng than nhiên liệu. Giá các nguyên liệu đầu vào tiếp tục tăng (trừ xăng dầu); sự cạnh tranh gay gắt của nguồn than nhập khẩu tại thị trường phía Nam. Bên cạnh đó, với các chính sách hạn chế nhập khẩu than chất lượng thấp của Chính phủ Trung Quốc hiện nay, dự báo TKV sẽ khó có khả năng tiếp tục xuất khẩu than vào thị trường này từ năm 2015. Hơn thế nữa, điều kiện thị trường than thế giới và khu vực vẫn trên đà suy thoái cộng với nguồn cung cấp nội địa dồi dào của Trung Quốc cũng là những yếu tố cản trở TKV quay lại thị trường này…
Tuy nhiên, với nhiệm vụ được Chính phủ, các Bộ, ngành giao từ đầu năm, TKV quyết tâm giữ vững nhịp độ sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp tiết giảm chi phí sản xuất, giảm giá thành sản phẩm và tích cực, chủ động tìm kiếm khách hàng trong và ngoài nước.
Tiếp tục duy trì, bảo vệ và mở rộng thị trường tiêu thụ
Là ý chí xuyên suốt của lãnh đạo Tập đoàn cũng như các đơn vị thành viên để hoàn thành mục tiêu tiêu thụ 38 triệu tấn than trong năm 2015.
Mặc dù kết quả tiêu thụ than trong nước 2 tháng đầu năm bằng 110% so với cùng kỳ 2014, tuy nhiên so với kế hoạch năm 2015 chưa đạt mức trung bình tháng (đạt xấp xỉ 7%/tháng so mức trung bình 8,3%/tháng). Ông Ngô Văn Tám – Trưởng Ban Thị trường than nội địa – cho biết, khối lượng than tiêu thụ trong nước còn lại theo kế hoạch năm 2015 là 30,24 triệu tấn. Để thực hiện đạt 35 triệu tấn thì bình quân mỗi tháng còn lại phải thực hiện trên 3 triệu tấn. Đây là nhiệm vụ rất nặng nề, cần quyết liệt trong tổ chức thực hiện từng tháng mới có thể đạt được.
Xác định việc tiêu thụ than trên thị trường còn nhiều khó khăn, Tập đoàn tiếp tục bám sát diễn biến thị trường, tìm giải pháp đẩy mạnh tiêu thụ các chủng loại than đang tồn nhiều, qua đó, đảm bảo cân đối tài chính và thu nhập cho người lao động. Đồng thời, giữ mối quan hệ tốt với khách hàng, đảm bảo đáp ứng yêu cầu của khách hàng về chủng loại than và tiến độ giao hàng, không để xảy ra việc giao than hụt kế hoạch do nguyên nhân từ phía TKV như thiếu nguồn, thiếu phương tiện; tăng cường kiểm soát chặt chẽ, đảm bảo chất lượng than giao cho khách hàng. Các công ty kho vận lên kế hoạch, bố trí đảm bảo đủ đầu xe cho các tuyến nhằm đẩy mạnh công tác nhận than mỏ của các công ty sản xuất, phục vụ đúng tiến độ giao than cho khách hàng, nhất là đảm bảo nguồn dự phòng than cho điện.
Bên cạnh đó, lãnh đạo Tập đoàn cũng yêu cầu các đơn vị kinh doanh than trong TKV phải thường xuyên rà soát thị trường, bám khách hàng, duy trì được thị trường hiện có và mở thêm thị trường mới trên địa bàn được phân công; nắm chắc nhu cầu sử dụng của khách hàng, chủ động và tích cực chế biến các loại than phù hợp nhu cầu sử dụng của khách hàng và có giá bán cạnh tranh để cung cấp cho khách hàng..
Tại Hội nghị triển khai một số giải pháp thực hiện nhiệm vụ tiêu thụ than năm 2015, Tổng Giám đốc Đặng Thanh Hải nhấn mạnh: “Các ban Thị trường than nội địa, Xuất nhập khẩu tiếp tục thực hiện các giải pháp đã đề ra, nghiên cứu thị trường tiêu thụ nội địa và xuất khẩu, nhu cầu của khách hàng để chế biến, điều hành linh hoạt tiêu thụ, đáp ứng cho khách hàng; tạo dựng thị trường than cục phù hợp với tình hình, đảm bảo cân đối cung – cầu và tài chính; phân công các công ty kinh doanh cuối nguồn để tiêu thụ, có các chính sách khuyến mãi, dịch vụ bán hàng”.
Song song đó, Tổng Giám đốc cũng yêu cầu cần tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc các đơn vị sản xuất và quản lý than. Các đơn vị thành viên quan tâm làm tốt công tác kiểm tra, kiểm soát quản lý, ngăn chặn thất thoát than trong quá trình khai thác, chế biến, vận chuyển và tiêu thụ than. Đồng thời, tập trung kiểm soát chặt tại các trạm ra vào mỏ, trên các tuyến đường chuyên dụng, kiểm soát chặt chẽ vận chuyển than ra cảng; củng cố các bãi chứa than; thường xuyên kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.
Hiến kế1. Ông Vĩnh Như – Giám đốc Công ty CP than miền Nam: Tại thị trường phía Nam hiện tràn ngập nguồn than nhập khẩu từ Indonexia. Trong tháng 3, Than miền Nam sẽ triển khai khảo sát giá than nhập. Bên cạnh đó, đối với các hộ kinh doanh lớn đã mua than của TKV mà hiện giờ không mua nữa, Ban Thị trường than nội địa và các đơn vị kinh doanh than cuối nguồn cần chủ động tìm đến để giành lại thị trường. Ngoài ra, Tập đoàn nên điều chỉnh định mức dư nợ và tập trung kích cầu thị trường.
2. Ông Trần Thế Hiếu – Giám đốc Công ty CP than miền Trung: Thứ nhất, cần tập trung cơ cấu lại chủng loại than để đáp ứng tốt nhất nhu cầu của thị trường. Thứ hai, cần cơ cấu lại đối tượng khách hàng. Nếu như trước đây, khách hàng nợ là không dám bán nhưng giờ cần mạnh dạn hơn, nếu thấy khách hàng có tiềm năng, nguồn lực tài chính đảm bảo thì có thể cho nợ dài hạn hơn.
3. Ông Phan Tiến Hải – Phó TGĐ Công ty CP Kinh doanh than miền Bắc: Quan trọng là phải đánh giá đúng khả năng của khách hàng. Các đơn vị kinh doanh than cuối nguồn phải chủ động bám sát khách hàng.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/nhieu-giai-phap-day-manh-tieu-thu-than-10008.htm” button=”Theo vinacomin”]