Căn cứ vào khả năng sản xuất và nhu cầu sử dụng than, đến năm 2015, Việt Nam sẽ thiếu khoảng 6 triệu tấn, sau đó tăng dần lên theo các năm tùy thuộc vào tiến độ sử dụng. Chủ yếu là nhu cầu của các nhà máy điện chạy than. Nhập khẩu than là nhiệm vụ tất yếu để đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia đã được Thủ tướng chính phủ giao cho Tập đoàn Vinacomin làm đầu mối thực hiện.
Từ năm 2009, khi hoạt động xuất khẩu than của Coalimex đang ở giai đoạn phát triển cao nhất với số lượng đạt mức kỷ lục hơn 5 triệu tấn, Ban Giám đốc Công ty đã chỉ đạo Phòng XNK Than nghiên cứu việc nhập khẩu để đáp ứng nhu cầu lớn về than cho các nhà máy điện ở phía Nam trong tương lai.
Cùng với việc cử cán bộ tham gia tích cực vào tổ công tác của Tập đoàn đàm phán hợp đồng nhập khẩu than với các công ty của Indonesia, công việc tìm hiểu thị trường tiêu thụ than trong nước và nguồn than nhập khẩu cũng được thực hiện rất bài bản, có kế hoạch cụ thể. Không chỉ quan tâm tới nguồn than cho nhiệt điện, Công ty còn tiếp cận tất cả các loại than trong nước có nhu cầu sử dụng như than cốc từ Trung Quốc, than mỡ từ úc, Nga, Indonesia, Malaysia, than nhiệt năng các loại từ úc, Indonesia và Malaysia.
Theo ông Đào Xuân Việt, Phó phòng XNK than, khó khăn lớn nhất của việc nhập khẩu than là nhu cầu sử dụng than nhập khẩu rất ít do các nhà máy đã quen với việc sử dụng than Việt Nam. Việc thay đổi loại than dẫn đến thay đổi một loạt về giá thành, về công nghệ cũng như thói quen sử dụng nên rất khó để thuyết phục người mua dùng thử than nhập khẩu. Ngoài ra, năng lực tài chính của nhiều nhà sử dụng không đảm bảo an toàn cho việc thanh toán cũng là những trở ngại lớn cho công việc nhập khẩu than thử nghiệm của Công ty.
Tuy nhiên, sau nhiều nỗ lực và quyết tâm của lãnh đạo Công ty và bộ phận nhập khẩu than, cuối tháng 6/2011, Công ty đã ký được hợp đồng cung cấp loại than nhiệt năng 5.600-5.800 kcal/kg (cơ sở không khí khô) nhập khẩu từ Indonesia cho các hộ sử dụng nồi hơi ở phía Nam. Chuyến than nhập khẩu đầu tiên này Công ty đã thực hiện bằng sà lan với số lượng hơn 7,5 nghìn tấn. Sau chuyến thử nghiệm thành công đó, Công ty tiếp tục thực hiện 3 chuyến tiếp theo, 2 chuyến bằng sà lan từ Indonesia và 1 chuyến bằng tàu biển từ Malaysia. Chuyến hàng thứ 2 đã thực hiện xong, chuyến hàng thứ 3 đang xếp hàng tại Malaysia và dự kiến chuyến hàng thứ 4 sẽ giao cuối tháng 12/2011. Dự kiến tổng số lượng than nhập khẩu trong năm 2011 là hơn 30.000 tấn, tất cả đều cung cấp vào thị trường phía Nam.
Hiện Công ty đang tập trung nghiên cứu việc cung cấp than mỡ cho các nhà máy luyện cốc và than nhiệt năng cho nồi hơi ở miền Bắc. Công ty đã ký thỏa thuận hợp tác với các nhà máy sử dụng than, cung cấp than Indonesia để khách hàng dùng thử, hợp tác với đơn vị sản xuất lắp đặt nồi hơi để mở rộng thị trường cũng như có thể tư vấn kỹ hơn cho khách hàng về công nghệ sử dụng than với hiệu quả cao nhất. Năm 2012, Công ty sẽ tiếp tục mở rộng thị trường tiêu thụ than nhập khẩu. Dự kiến số lượng nhập khẩu khoảng 50.000 – 100.000 tấn với mục tiêu đảm bảo chất lượng, an toàn và lợi nhuận.
Với uy tín của thương hiệu Coalimex và hỗ trợ của hoạt động xuất khẩu than nên hoạt động nhập khẩu than ngoài những khó khăn cũng có những lợi thế nhất định. Với phương châm “Phát triển cùng bạn hàng”, chất lượng hàng hóa và dịch vụ luôn được Công ty đặt lên hàng đầu. Nghiệp vụ giao dịch, thanh toán đã được cán bộ phòng XNK Than và phòng Tài chính – Kế toán thực hiện bài bản, chuẩn mực, tạo niềm tin và sự hài lòng cho cả người bán và người mua.
Cùng với thành công trong hoạt động kinh doanh của Công ty trong năm 2011, hoạt động nhập khẩu than đã có những thành công bước đầu. Tuy nhiên, công việc này vẫn là chặng đường dài phía trước với rất nhiều thử thách. Để có được những thành công cho hoạt động nhập khẩu than sau này, ngoài nỗ lực của Công ty, chắc chắn đơn vị cần sự quan tâm giúp đỡ của Tập đoàn.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/nhap-khau-than-nhiem-vu-chien-luoc-con-nhieu-thu-thach-793.htm” button=”Theo vinacomin”]