Mới đây, Tổng Giám đốc Tập đoàn Đặng Thanh Hải đã nhấn mạnh tới những chữ “hóa” trong nhiệm vụ năm 2016 và những năm tiếp theo. Đó là: Thứ nhất, cần hợp lý hoá mô hình tổ chức sản xuất và tối ưu hoá trong quản trị chi phí sản xuất. Thứ hai, tăng cường cơ giới hoá sản xuất. Và thứ ba là tự động hoá các dây chuyền sản xuất.
Về hợp lý hoá mô hình tổ chức sản xuất và tối ưu hoá trong quản trị chi phí sản xuất, Tổng Giám đốc cho rằng, trong những năm qua, Tập đoàn đã chỉ đạo quyết liệt trong công tác tái cơ cấu lại các doanh nghiệp và đạt được những kết quả khả quan. Nhiều đơn vị đã xoá hoàn toàn cấp trung gian. Không ít đơn vị hiện chỉ có 5 Phó Giám đốc và không quá 15 phòng ban, giảm đáng kể so với trước đây. Số lượng lao động dôi dư đã giải quyết được đáng kể. Toàn Tập đoàn giảm từ 140 ngàn lao động trước đây xuống còn 117 ngàn, trong đó riêng năm 2015 giảm tới 5000 lao động và dịch chuyển theo hướng “người nhiều lương thấp” sang hướng “người ít lương cao”… Tuy nhiên, mục tiêu cơ cấu lại tổ chức sản xuất năm 2016 và những năm tới sẽ phải làm tới tận các tổ đội, công trường, phân xưởng, dự kiến sẽ giảm tiếp 3.600 lao động trong toàn Tập đoàn. Đặc biệt, trong mục tiêu tối ưu hoá công tác quản trị chi phí, buộc các đơn vị phải thay đổi hoàn toàn mới về các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật thông quan các hoạt động công nghệ. Nhiệm vụ này liên quan mật thiết đến vấn đề cơ giới hoá trong sản xuất. Năm 2016, các đơn vị khai thác than hầm lò đặt chỉ tiêu sản lượng khai thác cơ giới hoá đồng bộ trên 2,2 triệu tấn than, gấp 2 lần năm 2015 để từng bước tiếp tục nâng cao sản lượng khai thác cơ giới hoá trong những năm tiếp theo. Hiện tại, các đơn vị như Khe Chàm, Hà Lầm… đã làm rất tốt công tác cơ giới hoá đồng bộ khai thác và sẽ tiếp tục được nhân rộng ra nhiều đơn vị. Trong việc cơ giới hoá công tác vận tải, sau khi đưa tuyến băng tải Lép Mỹ đi vào hoạt động, dự kiến vào tháng 5 này và Nhà máy Tuyển than Khe Chàm đi vào hoạt động… thì bức tranh sàng tuyển và vận tải than của Tập đoàn sẽ cơ bản đáp ứng được yêu cầu theo hướng hiện đại.
Về công tác tự động hoá, đây là mấu chốt mạnh mẽ trong bước đột phá để thực hiện các nhiệm vụ trên vì hiệu quả của nó là vô cùng lớn. Thực tế, những năm qua, Tập đoàn đã chỉ đạo các đơn vị tin học hoá, tự động hoá bất cứ dây chuyền nào có thể, nhưng chưa thực hiện được nhiều. Ví dụ điển hình là Nhà máy xử lý bùn nước giai đoạn 1 của Công ty Tuyển than Cửa Ông, sau khi tự động hoá đã giảm được tới 33 lao động, từ 18 người/ca xuống còn 7 người/ca. Hay như Dây chuyền bốc rót cũng của Công ty Tuyển than Cửa Ông, sau khi tự động hoá đã giảm từ 264 người xuống còn 126 người, trong khi đó mức đầu tư cho việc tự động hoá của dây chuyền này chưa đến 15 tỷ đồng. Công ty CP than Hà Lầm cũng đã triển khai tự động hoá tại khu vực trạm bơm nước mang lại hiệu quả cao…
Có thể nói, những mục tiêu “hóa” mà Tổng Giám đốc đưa ra luôn có mối quan hệ mật thiết và hỗ trợ cho nhau trong tiến trình phát triển. Hiện đại hoá, tự động hoá là tiền đề để đưa Tập đoàn phát triển theo hướng hiện đại với năng suất lao động cao hơn, sản lượng cao hơn cũng như giảm số lượng lao động, nâng cao sức cạnh tranh, giảm giá thành, tăng thu nhập cho công nhân… đúng theo Nghị quyết mà Đại hội Đảng bộ Tập đoàn đã đề ra là: Xây dựng ngành công nghiệp khai thác than, khoáng sản theo hướng hiện đại, sạch và ít người.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/muon-dot-pha-can-den-nhung-chu-hoa-201606030955550217.htm” button=”Theo vinacomin”]