Đầu năm Tập đoàn giao cho sản xuất 1,9 triệu tấn than nguyên khai, giữa năm tưởng chừng không thể hoàn thành nổi, Giám đốc Công ty lên xin Tổng Giám đốc Tập đoàn cho điều chỉnh giảm, Tổng Giám đốc không đồng ý, cuối năm, sản lượng than nguyên khai của Công ty đạt 1,902 triệu tấn; gần 100 thợ lò từng bỏ việc quay trở lại xin đầu quân tiếp; câu chuyện đảm bảo an toàn… là những nét đầu tiên, phác họa diện mạo Công ty than Hạ Long sau 1 năm tái cơ cấu đầy biến động. Vẫn còn đó những khó khăn hiện
Trước nay, Than Hạ Long luôn được biết tới như một đơn vị bộn bề khó khăn. Điều kiện địa chất biến động, các diện khai thác phải tổ chức lại, thay đổi công nghệ khai thác do biến động địa chất… đã ảnh hưởng đến tiến độ và sản lượng than hầm lò. Bên cạnh đó, Công ty cũng gặp một loạt khó khăn như: Chất lượng than lộ thiên khu vực Hà Ráng không cao dẫn đến lượng than tồn kho tại khu vực Hà Ráng rất lớn. Khu vực Đá Bạc – Khe Tam khai thác hết tháng 6/2014 phải dừng sản xuất theo cam kết. Khu vực Khe Tam, Cẩm Thành cung độ vận tải xa, tuyến đường vận tải xấu đã ảnh hưởng nhiều đến tiêu thụ…
Hàng loạt khó khăn chồng chất, thêm vào đó là việc thiếu nhân lực trầm trọng. Theo kế hoạch năm 2014 đã được Tập đoàn phê duyệt, lao động trực tiếp là 3.376 người, dù đã tích cực tuyển dụng nhưng cả năm Công ty chỉ có 2.999 người lao động trực tiếp (thợ lò và cơ điện lò) tương đương với khối lượng thực hiện giảm khoảng 82.000 tấn than nguyên khai và 9.069m lò cơ bản. Điều đó khiến có những thời điểm, những người lạc quan nhất cũng cho rằng: Việc Than Hạ Long hoàn thành kế hoạch là điều không tưởng.
Yêu nghề để gắn bó với nghề hơn
Bình quân thu nhập 15 triệu đồng/người/tháng, tháng cao nhất đạt 21 triệu đồng, Nguyễn Viết Vượng – sinh năm 1983, thợ lò bậc 6/6 Phân xưởng Khai thác 5, khu vực Tân Lập, quê ở Đông Triều – là thợ lò mà chúng tôi gặp đầu tiên khi anh ra khỏi cửa lò, kết thúc ca 1. Vợ làm thợ may, 1 con gái 4 tuổi, 1 con trai mới sinh, cuộc sống gia đình anh thuộc hàng khá giả trong một làng nông canh của Đông Triều. Vào nghề lò, với Vượng, đó là duyên may. Một người hàng xóm làm thợ lò, gia đình khá giả lên trông thấy, Vượng thấy thế cũng muốn “đổi đời”, thế là gia nhập đội ngũ thợ lò. Mới đầu cũng thấy khó khăn, vất vả nhưng rồi làm quen gắn bó lúc nào không biết. Thấm thoát, Vượng đã có thâm niên 12 năm nghề lò. Vượng khoe, hiện đã xây được nhà tầng trang bị đầy đủ tiện nghi và năm vừa rồi đã giới thiệu cho 1 người em họ con chú theo nghề lò. Vượng kể, trong 12 năm làm thợ lò của mình, có một lần sợ nhất là đang làm thì lò bị tụt lở. Sự sống chỉ tày gang. Tuy nhiên, anh đã bình tĩnh cùng các anh em khác khắc phục sự cố. Tôi hỏi Vượng, sau sự cố đó có sợ không, tại sao nhà ở Đông Triều mà lại làm than ở vùng Cẩm Phả, sao không chọn 1 đơn vị than hầm lò khác vùng Uông Bí cho gần gia đình? Vượng cười, nói không sợ thì không đúng nhưng đã chọn nghề thì phải sống chết với nghề. Còn việc chuyển Công ty thì anh chưa từng nghĩ đến bởi “12 năm gắn bó với Than Hạ Long, tôi đã xác định mình là người của Than Hạ Long rồi”. “Đó chính là sự trung thành của người thợ lò nhà báo ạ”, anh Tuấn Anh – phụ trách công tác thi đua, truyền thông của Công ty, người đưa chúng tôi lên khai trường Tân Lập hôm đó – nói
Lại nhớ cũng một lần lên khai trường Tân Lập, tôi có gặp Nguyễn Văn Đông, một thợ lò còn rất trẻ sinh năm 95, quê ở Bắc Cạn. Đông kể gia đình em ở một vùng mà cả bản thường xuyên ăn ngô thay cơm, cái nghèo thường trực. Mới vào Công ty được 4 năm nhưng thu nhập bình quân của Đông cũng được trên dưới chục triệu một tháng. Mỗi tháng, trừ hết các chi phí, Đông cũng gửi về cho nhà khoảng 6 triệu. 6 triệu đó là thực phẩm của cả một gia đình, là tiền ăn học của bầy em và tiền cất đi để sau này lấy vợ. Hiện tại, cũng như Vượng, Đông đang ở Khu tập thể của Công ty ở phường Cẩm Đông. Em nói, phòng ở của em có 4 người, được trang bị đầy đủ tiện nghi, điều hoà – những thứ mà trước khi vào Công ty, chưa bao giờ em nghĩ mình được dùng cả.
Đông, Vượng và còn biết bao gương mặt thợ lò thân quen nữa ở Than Hạ Long mà chúng tôi đã tiếp xúc. Mỗi người một hoàn cảnh và họ gặp nhau ở đây, cùng làm than, cùng gắn bó với Than Hạ Long để rồi quyết định “làm người của Than Hạ Long” lúc nào không hay. Có tiếp xúc với họ, trò chuyện với họ, lắng nghe tâm tư, tình cảm của họ mới thấy, câu chuyện gần 100 thợ lò bỏ việc quay lại xin được tiếp tục làm việc ở Công ty không có gì quá khó để lý giải. “Dù khó khăn đến đâu, vất vả đến thế nào thì đối với Than Hạ Long, người lao động, đặc biệt là thợ lò cũng được ưu tiên số 1” là khẳng định chắc nịch của Giám đốc Công ty Vũ Văn Điền với chúng tôi. Và chúng tôi đã cắt nghĩa được giấc mơ có thật hay câu chuyện vượt sản lượng của Than Hạ Long năm vừa qua!
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/khong-co-gi-la-khong-the-9839.htm” button=”Theo vinacomin”]