Mới đây, Tập đoàn chỉ đạo khoan thăm dò bổ sung khu vực Bắc Bàng Danh (là công trường vỉa 7 và 8 của Than Hà Tu hiện nay) với 16.507 mét khoan, đã cho kết quả làm nức lòng CNCB Than Hà Tu: Trữ lượng khu Bắc Bàng Danh được tính toán lại là 62,5 triệu tấn, tăng lên 32,7 triệu tấn so với tài liệu cũ. Trữ lượng trên tương đương với sản lượng than của Hà Tu khai thác trong 50 năm qua.
Theo Quy hoạch phát triển ngành Than đến năm 2020, có xét triển vọng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê du
Kết quả thăm dò bổ sung cho thấy, các vỉa than trong khu vực nằm giữa 2 đứt gãy lớn F.A và F.K, có cấu tạo địa chất rất phức tạp, đặc biệt các vỉa than có góc dốc lớn, từ 33 độ đến 82 độ; có nơi xuất hiện nếp uốn đảo, chiều dày vỉa than thay đổi rất lớn, xuất hiện vỉa than có dạng thấu kính và không liên tục. Ngoài ra còn phát hiện thêm đứt gãy F.D, chiều dài khoảng 1000 m, phương Đông Bắc – Tây Nam, mặt trượt cắm về Tây Bắc, cự ly dịch chuyển 50 đến 70 m.
Với các đặc điểm về địa chất mỏ nêu trên, việc áp dụng phương pháp khai thác hầm lò sẽ gặp nhiều khó khăn và kém hiệu quả. Thứ nhất, đó là khó áp dụng công nghệ khai thác có năng suất cao, tổn thất than lớn, nguy cơ mất an toàn cao. Thực tế, tại một số đơn vị hầm lò, đối với những vỉa dốc, không thể áp dụng công nghệ cũ, lạc hậu, bắn mìn buồng vì không đảm bảo an toàn; Tập đoàn đã nghiêm cấm từ lâu. Nếu áp dụng công nghệ hiện đại như tổ hợp dàn 2ANSH (đã áp dụng ở Than Mạo Khê và Than Hồng Thái), trong điều kiện địa chất phức tạp, vỉa uốn đảo, chiều dày vỉa thay đổi, không liên tục thì khó mà mang lại hiệu quả cao.
Thứ hai, nếu khai thác bằng công nghệ hầm lò, thời gian xây dựng cơ bản lâu; chi phí đầu tư rất lớn. Được biết, Dự án đầu tư xây dựng mỏ Khe Chàm 3, công suất 2,5 triệu tấn/năm, phải xây dựng trong 7 năm, tổng mức đầu tư khoảng 5 nghìn tỷ đồng. Với trữ lượng mới phát hiện ở Bắc Bàng Danh, nếu khai thác hầm lò bằng dự án công suất 1 triệu tấn/năm, tổng mức đầu tư có thể lên tới hàng nghìn tỷ đồng; thời gian XDCB khoảng 3-4 năm; tuổi thọ kéo dài trên 30 năm.
Ngoài ra, nếu khai thác hầm lò còn vấp phải những khó khăn khác như chuyển dịch cơ cấu lao động từ lộ thiên sang hầm lò; đào tạo tuyển dụng thợ hầm lò; giải quyết chế độ chính sách đối với lao động v.v.
Phương án tối ưu: tiếp tục khai thác lộ thiên!
Trên cơ sở kết quả khoan thăm dò bổ sung và tình hình thực tế của Than Hà Tu, Tập đoàn chỉ đạo Công ty CP than Hà Tu phối hợp với Công ty Cổ phần Tư vấn Đầu tư mỏ và Công nghiệp nghiên cứu để đưa ra phương pháp khai thác hợp lý, hiệu quả ở khu Bắc Bàng Danh. Kết quả nghiên cứu cho thấy, phần trữ lượng tài nguyên dưới mức +30 ở khu vực Bắc Bàng Danh tiếp tục được khai thác bằng phương pháp lộ thiên sẽ là phương pháp hợp lý và hiệu quả cao hơn so với khai thác hầm lò. Bởi, tiếp tục khai thác lộ thiên sẽ sử dụng được kết cấu hạ tầng kỹ thuật và thiết bị hiện có. Hiện tại, Công ty đã có hàng loạt thiết bị công nghệ mới, hiện đại. Đó là thiết bị của Caterpillar, Volvo, Komatsu, Hitachi; góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Các hệ thống: thoát nước, vận tải, đổ thải, nhà xưởng sửa chữa thiết bị v.v. đã đầy đủ, đang hoạt động tốt. Đội ngũ cán bộ quản lý, kỹ sư, công nhân kỹ thuật, cán bộ nghiệp vụ v.v đã có nhiều kinh nghiệm trong quản lý, điều hành, khai thác mỏ lộ thiên…
Mặt khác, khai thác lộ thiên cho phép khai thác tối đa được tài nguyên. Khu khai thác và đổ thải cơ bản nằm trong quy hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt năm 2011; Khối lượng đổ thải hoàn toàn được đổ vào moong đã khai thác hết tài nguyên, cốt cao của bãi thải thấp hơn địa hình xung quanh và phía ngoài đã được cải tạo, phục hồi môi trường, trồng cây xanh làm giảm thiểu việc phát tán bụi ra môi trường xung quanh trong quá trình sản xuất. Ngoài ra, khai thác lộ thiên còn duy trì được công ăn việc làm và thu nhập cho hơn 3.000 lao động, góp phần ổn định tình hình an ninh chính trị và trật tự xã hội trên địa bàn; đóng góp một phần ngân sách cho địa phương.
Than Hà Tu đã, đang và sẽ giải quyết tốt vấn đề môi trường!
Vấn đề quan ngại đối với phương án khai thác lộ thiên là môi trường. Tuy nhiên, từ trước đến nay và sau này, Công ty than Hà Tu đã và sẽ giải quyết tốt vấn đề môi trường. Hiện nay, Công ty than Hà Tu đang khai thác tại công trường vỉa Trụ ở mức – 60m và công trường vỉa 7 và 8 khu Bắc Bàng Danh đang khai thác ở mức +95m. Theo quy hoạch xây dựng thành phố Hạ Long đến năm 2030, tầm nhìn ngoài 2050, khu mỏ Hà Tu nằm trong vùng quy hoạch khu đồi núi khai thác than, khu quy hoạch số 5; được định hướng phát triển thành không gian xanh, đảm bảo môi trường cho các khu đô thị mới; là khu công viên; hồ điều hòa, công viên nghĩa trang và quỹ đất dự trữ phát triển…;
Khi kết thúc khai thác lộ thiên theo quy hoạch và giấy phép, khai trường mỏ sẽ hình thành 02 hồ nước: Hồ vỉa Trụ ở phía Nam, đáy hồ ở mức -220m, mặt nước dự kiến +30m; Hồ vỉa 7&8 ở phía Bắc, đáy hồ ở mức +30m, mặt nước dự kiến +110m. Các khu vực đổ thải được cải tạo và trồng cây xanh.
Nhiều năm qua, Công ty Cổ phần than Hà Tu đã thực hiện triệt để các biện pháp cải tạo và hoàn nguyên môi trường theo dự án cải tạo phục hồi môi trường được Bộ Tài nguyên và môi trường phê duyệt: Diện tích trồng cây xanh trên các bãi thải đã ngừng hoạt động là 109 ha, phủ xanh được 50% diện tích bãi thải. Xây dựng và hoàn thiện hai hệ thống đập lọc đất đá tại chân bãi thải chính Bắc và bãi thải vỉa 7 và vỉa 8 khu Bắc Bàng Danh. Xây dựng và đưa vào sử dụng hệ thống xử lý nước thải công suất 300 m3/h. Nước thải qua xử lý đạt tiêu chuẩn loại B. Công ty đã làm đường bê tông một số tuyến đường chính từ Quốc lộ 18 đến khu vực khai trường với tổng chiều dài 3500 m và 1000 m đường dân sinh; Xây dựng 2500 m đê kè dọc hai bên suối Nam Lộ Phong; Xây dựng 2500 m kè đá và rãnh thoát nước dọc các tuyến đường vận tải chính và đã đầu tư hệ thống phun sương dập bụi tại các tuyến đường cố định trong khai trường; phun nước dập bụi tại các tuyến vận tải chính đảm bảo hạn chế tối đa lượng bụi lưu chuyển trong không khí… Công ty đã được Giải thưởng Công nghệ xanh. Khu bãi thải của Công ty được UBND tỉnh Quảng Ninh cấp Giấy Chứng nhận chuyển mục đích sử dụng đất (từ khai thác sang trồng rừng). Nếu tiếp tục khai thác lộ thiên, sau khi kết thúc khai thác lộ thiên ở khu vực Bắc Bàng Danh, Công ty tiếp tục cải tạo phục hồi môi trường để tạo thành vùng đất tương đối bằng phẳng so với địa hình nguyên thủy, với diện tích là 412,5 ha trong đó 232,5 ha đã được trồng cây xanh; gồm bãi thải Nam Lộ Phong là 104 ha, bãi thải chính Bắc là 120 ha, bãi thải vỉa 7 và 8 là 8,5 ha. Diện tích mặt bằng mới được hình thành là 180 ha do việc đổ thải lấp moong Vỉa Trụ, diện tích này sẽ được hoàn nguyên trồng cây xanh và một hồ nước với diện tích mặt nước là 150 ha, dung tích chứa hơn 100 triệu m3. Mục tiêu đó phù hợp với định hướng quy hoạch của thành phố Hạ Long, đó là phát triển khu vục này làm hồ điều hòa, công viên nghĩa trang, không gian xanh và quỹ đất dự trữ phát triển…
Như vậy, chúng tôi khẳng định, việc tiếp tục khai thác bằng phương pháp lộ thiên khu Bắc Bàng Danh xuống sâu dưới mức +30 sẽ là phương án khai thác tối ưu nhất.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/khai-thac-tai-nguyen-o-bac-bang-danh-lua-chon-phuong-an-nao-cho-than-ha-tu-8448.htm” button=”Theo vinacomin”]