Việc tập hợp các khu mỏ nhỏ lẻ, phân tán thành các cụm mỏ để nâng cao sức mạnh về cạnh tranh, giảm chi phí đầu tư, cũng như giải quyết các vấn đề môi trường là một trong những giải pháp phát triển bền vững ngành khai thác khoáng sản.
Nguồn tài nguyên khoáng sản của nước ta được đánh giá là tương đối phong phú và đa dạng về chủng loại. Các nhóm khoáng sản chủ yếu của nước ta bao gồm nhóm khoáng sản nhiên liệu (dầu khí, than); nhóm khoáng sản sắt và hợp kim sắt (sắt, cromít, titan, mangan); nhóm khoáng sản kim loại màu (bôxit, thiếc, đồng, chì-kẽm, antimon, molipden); nhóm khoáng sản quý (vàng, đá quý); nhóm khoáng sản hoá chất công nghiệp (Apatít, cao lanh, cát thuỷ tinh); nhóm khoáng sản vật liệu xây dựng (đá vôi xi măng, đá xây dựng, đá ốp lát). Hiện nay, nước ta đã tiến hành điều tra cơ bản, thăm dò và phát hiện mới trên 5.000 điểm khoáng sản và mỏ.
Khai thác than tại Núi Hồng, Thái Nguyên (ảnh Hùng Hải)
Đối với một số loại khoáng sản quan trọng và có tiềm năng lớn, Chính phủ đã giao cho một số doanh nghiệp nhà nước đảm nhận vai trò nòng cốt trong khai thác theo mô hình kinh tế định hướng xã hội chủ nghĩa. Cụ thể như, khai thác và chế biến dầu khí giao Tập đoàn Dầu khí Việt Nam; khai thác và chế biến than và các khoáng sản khác giao cho Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin); khai thác và chế biến khoáng sản hóa chất (apatit) chủ yếu giao cho Tập đoàn Hóa chất Việt Nam; khai thác, chế biến quặng sắt chủ yếu do Tổng công ty Thép Việt Nam và Tập đoàn Vinacomin thực hiện; khai thác, chế biến vật liệu xây dựng chủ yếu giao cho Tổng công ty Xi măng Việt Nam và các doanh nghiệp ngành xây dựng, giao thông vận tải thực hiện (ngành khoáng sản vật liệu xây dựng do Bộ Xây dựng quản lý).
Bên cạnh việc giao cho các doanh nghiệp nhà nước lớn triển khai khai thác quy mô, nước ta cũng đã cho phép khai thác các mỏ với quy mô nhỏ. UBND các tỉnh có quyền cấp, gia hạn, thu hồi Giấy phép thăm dò khoáng sản, Giấy phép khai thác khoáng sản, Giấy phép khai thác tận thu khoáng sản; chấp thuận trả lại Giấy phép thăm dò khoáng sản, Giấy phép khai thác khoáng sản, Giấy phép khai thác tận thu khoáng sản, trả lại một phần diện tích khu vực thăm dò, khai thác khoáng sản; tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản thuộc thẩm quyền.
Tính đến năm 2015, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã khoanh định và công bố 38 khu vực có khoáng sản phân tán, nhỏ lẻ với tổng diện tích là 10,463 km2 trên địa bàn 14 tỉnh, thành phố gồm: Lai Châu, Yên Bái, Hòa Bình, Tuyên Quang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Bắc Giang, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Thừa Thiên – Huế, Quảng Nam và Gia Lai để Ủy ban nhân dân các tỉnh quản lý, cấp phép khai thác khoáng sản theo quy định của Luật khoáng sản.
Từ khi có chủ trương khai thác mỏ nhỏ, khai thác tận thu, hàng loạt các công trường khai thác thủ công mọc lên như khai thác vàng, đá quý, thiếc, mangan, sắt, In-me-nhít…. Phương pháp khai thác thủ công hầu như không có cơ sở khoa học về công nghệ. Một số xí nghiệp khai thác cơ giới cũng chuyển sang khai thác thủ công như mỏ thiếc Tĩnh Túc, Sơn Dương, Bắc Lũng, Crômit Cổ Định, do cạn kiệt tài nguyên hoặc do quy mô khai thác giảm, không chịu nổi chi phí của khai thác cơ giới. Phương pháp khai thác thủ công và bán cơ giới đã tác động xấu đến môi trường sinh thái và gây lãng phí tài nguyên. Về tuyển khoáng cũng được thay thế công nghệ tuyển cơ giới tập trung bằng những xưởng tuyển quy mô nhỏ, thủ công hoặc bán cơ giới. Hình thức này bao trùm hầu hết các ngành khai thác khoáng sản kim loại như thiếc, vàng, crômit, mangan…
Những năm gần đây, do ảnh hưởng của kinh tế thế giới, giá các mặt hàng kim loại màu giảm sâu, các doanh nghiệp khai thác, chế biến quặng kim loại màu trong nước gặp rất nhiều khó khăn. Các doanh nghiệp khai thác và chế biến quặng kim loại màu nước ta đang phải đối mặt với tình trạng giá cả hạ, giá thành tăng, công nghệ sản xuất lạc hậu, vấn đề môi trường ngày càng trở lên cấp thiết. Để giải quyết có hiệu quả tình hình hiện nay, cần hình thành được các cụm mỏ để tập hợp, liên kết các mỏ nhỏ, phân tán thành các khu vực mỏ có quy mô sản xuất lớn, thống nhất từ khâu hậu cần đến khai thác và chế biến khoáng sản, đảm bảo nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường, tiết kiệm vốn đầu tư, nâng cao hiệu quả kinh tế.
Việc hình thành các vùng mỏ là nhằm đến các khu vực tập trung tương đối nhiều các mỏ nhỏ, thống nhất quy hoạch, phân bổ một cách hợp lý tài nguyên của vùng, xác định hợp lý số lượng mỏ và nhà máy tuyển quặng, tiến hành quy hoạch hệ thống vận chuyển, hậu cần chung nhằm khai thác có quy mô, hiệu quả các vùng có nhiều mỏ nhỏ, phân tán, nâng cao hiệu quả đầu tư, quản lý nhà nước và bảo vệ môi trường.
Để việc xây dựng các cụm mỏ như đã nêu, cần thực hiện được các nội dung sau:
– Đầu tư, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực quản lý nhà nước về khai thác, chế biến và kinh doanh các loại khoáng sản;
– Tăng cường công tác tuyền truyền, phổ biến pháp luật về khoáng sản để nâng cao nhận thức của người dân, doanh nghiệp trong công tác quản lý khoáng sản, bảo vệ khoáng sản và trách nhiệm của các ngành, chính quyền địa phương;
– Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xiết chặt việc cấp giấy phép khai thác mỏ. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra trong hoạt động khoáng sản; xử lý nghiêm đối với các trường hợp vi phạm; thu hồi giấy phép theo quy định đối với các trường hợp cố tình không chấp hành;
– Chính quyền các cấp cần rà soát tổng thể lại các quy hoạch đối với từng loại khoáng sản, có kế hoạch khai thác sử dụng khoáng sản hợp lý phục vụ cho phát triển kinh tế trước mắt và lâu dài tránh tình trạng khai thác tràn lan, xuất khẩu khoáng sản thô không qua chế biến, xuất khẩu “tiểu ngạch” dẫn đến nạn ” mỏ thổ phỉ”, “quặng tặc” …làm lãng phí, thất thoát tài nguyên khoáng sản.
– Kiên quyết triển khai quy hoạch tổng thể, thúc đẩy phát triển xanh. Không chỉ các cấp chính quyền cần kiên quyết trong việc triển khai quy hoạch tổng thể mà ngay cả các doanh nghiệp phải có ý thức rõ ràng về việc triển khai nghiêm túc quy hoạch tổng thể. Vì nếu không làm được điều này các mỏ lớn không được khai thác tốt dẫn đến hiệu quả kinh tế thấp, các mỏ nhỏ bị khai thác bừa bãi gây lãng phí tài nguyên.
– Tăng cường hợp tác, liên kết giữa các địa phương có chung nguồn khoáng sản nhằm thống nhất trong khâu đầu tư xây dựng hạ tầng cơ sở, bảo vệ môi trường tại các khu khai thác, hạn chế việc đầu tư giàn trải, chồng chéo. Điều này rất quan trọng, bởi vì đa số các địa phương có khoáng sản đều là các địa phương miền núi, kinh tế còn nhiều khó khăn.
– Tạo điều kiện, khuyến khích các doanh nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản hợp tác, thống nhất trong việc triển khai các hoạt động sản xuất kinh doanh nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư.
– Phát huy vai trò của các doanh nghiệp lớn. Các doanh nghiệp lớn thay vì dựa vào các lợi thế của mình cạnh tranh trực tiếp với các doanh nghiệp nhỏ mà cần đóng vai trò trung tâm, đầu tàu giúp đỡ về vốn, kỹ thuật và phương tiện hậu cần cho các doanh nghiệp nhỏ, tạo ra sức mạnh tổng lực đối phó với những biến động, thách thức trên thị trường thế giới cũng như sự cạnh tranh của các doanh nghiệp nước ngoài trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay.
– Đẩy mạnh hợp tác giữa doanh nghiệp và các cơ quan nghiên cứu. Việc hợp tác giữa doanh nghiệp và các cơ quan nghiên cứu ngày càng trở lên quan trọng và cần thiết.
– Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, thăm dò, khai thác, cung cấp thông tin …tạo điều kiện để các doanh nghiệp tìm hiểu, tìm kiếm cơ hội hợp tác kinh doanh.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/hinh-thanh-cac-cum-mo-nham-nang-cao-hieu-qua-khai-thac-khoang-san-kim-loai-mau-201604032008556841.htm” button=”Theo vinacomin”]