Việc nâng cao chất lượng, tận thu tài nguyên và bảo vệ môi trường là yếu tố được các doanh nghiệp (DN) trong Ngành đặt lên hàng đầu. Hiện nay, các công nghệ của Viện KHCN Mỏ khi được ứng dụng tại các doanh nghiệp đã phần nào giúp ngành Than – Khoáng sản đạt được mục tiêu đó.
Bên lề một Hội nghị, ông Hoàng Minh Hùng – Phó Viện trưởng Viện KHCN Mỏ – cho biết, nhìn chung các nhà máy tuyển than tập trung và các cụm sàng tuyển của Tập đoàn đã đáp ứng được nhu cầu chủng loại và chất lượng than cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu. Tuy nhiên, hiệu suất tuyển còn chưa cao, than còn lẫn trong đá thải gây tổn thất tài nguyên, bùn than sau tuyển còn chưa được xử lý triệt để gây giảm chất lượng than và ô nhiễm môi trường….
Để nâng cao chất lượng tuyển than, Viện KHCN Mỏ và các DN than đã phối hợp nghiên cứu, đề xuất, áp dụng một số giải pháp công nghệ tuyển hợp lý nhằm tận thu tài nguyên và bảo vệ môi trường vùng than Quảng Ninh. Cụ thể, để xử lý và nâng cao phẩm cấp than bùn từ nhà máy tuyển than, Viện KHCN Mỏ – TKV đã phối hợp với các DN than vùng Quảng Ninh triển khai nghiên cứu, đề xuất các giải pháp công nghệ như nâng cao hiệu quả xoáy lốc phân cấp cho các nhà máy tuyển than Cửa Ông và Hòn Gai nhằm nâng cao hiệu quả tuyển than; tận thu than trong xít thải bằng huyền phù tự sinh; chế biến xít thải thành vật liệu gạch xây dựng; giảm độ ẩm than bùn bằng lọc ép nhằm tận thu tài nguyên và bảo vệ môi trường…
Bên cạnh đó, nhằm nâng cao chất lượng tuyển than, các nhà máy của Công ty tuyển than Cửa Ông đã liên tục được triển khai lắp đặt bổ sung các hệ thống xoáy lốc phân cấp, sàng khử nước để nâng cao hệ số thu hồi than cám mịn thương phẩm. Theo đó, từ năm 2009, các nhà máy này đã triển khai xây dựng và đưa vào sử dụng hệ thống xử lý bùn nước bằng lọc ép tăng áp công suất 1 triệu tấn/năm để tận thu nước tuần hoàn, đồng thời than bùn sau lọc ép đã đạt độ ẩm khoảng 18-22%, có thể pha trộn tiêu thụ như cám 5 thương phẩm. Tương tự như vậy, Nhà máy Tuyển than Hòn Gai năm 2010 đã lắp đặt và đưa vào sử dụng hệ thống tuyển nổi cột công suất 450 nghìn tấn/năm, hệ thống lọc ép than bùn để nâng cao chất lượng than, thu hồi nước tuần hoàn tái sử dụng. Do đó, từ than bùn đã tuyển ra được than cám mịn độ tro 10-15%, có thể pha trộn với than cám 3, tiêu thụ cho các nhà máy xi măng và xuất khẩu. Các dây chuyền công nghệ này hiện vẫn cho hiệu quả tốt.
Song song đó, để giải quyết vấn đề tồn tại than bã sàng tại các mỏ than, Viện KHCN mỏ đã triển khai nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao công nghệ tuyển than bã sàng than chất lượng thấp bằng công nghệ huyền phù tang quay và huyền phù tự sinh tại các mỏ than vùng Quảng Ninh. Kết quả là đã xây dựng được 17 dây chuyền tuyển than bã sàng công suất từ 300 ngàn tấn/năm đến 800 ngàn tấn/năm tại các mỏ than Cọc Sáu, Đèo Nai, Hà Lầm, Núi Béo, Quang Hanh, Nam Mẫu, Mạo Khê, Uông Thượng… Tổng công suất các dây chuyền tuyển than trên do Viện KHCN Mỏ thiết kế là hơn 8 triệu tấn/năm chiếm hơn 17% sản lượng than toàn ngành. Việc đưa áp dụng công nghệ tuyển huyền phù tự sinh và tang quay đã giúp cho các mỏ cơ bản giải quyết được vấn đề tồn đọng than bã sàng, than chất lượng thấp mang lại hiệu quả to lớn cho Ngành.
Bên cạnh những thành tựu nghiên cứu áp dụng các tiến bộ kỹ thuật trong lĩnh vực tuyển than trên, Viện KHCN Mỏ còn chủ trì tư vấn thiết kế các nhà máy sàng tuyển than tập trung mới như Khe Thần, Lép Mỹ. Tham gia nghiên cứu áp dụng các tiến bộ kỹ thuật nâng cao hiệu quả tuyển, hệ thống xử lý bùn nước tại các nhà máy tuyển than Cửa Ông, Hòn Gai và Vàng Danh.
Trong lĩnh vực tuyển khoáng
Công tác triển khai nghiên cứu tuyển chế biến khoáng sản đã được Viện KHCN Mỏ đầu tư nghiên cứu ngay từ những năm 90 thế kỷ trước. Công trình nghiên cứu thu hồi quặng manhetit từ quặng đuôi thải tuyển nổi quặng đồng đã được triển khai áp dụng từ năm 1998 tại Xí nghiệp liên doanh đồng Lào Cai (nay là Công ty Mỏ tuyển đồng Sin Quyền). Từ quặng đuôi thải tuyển nổi, Viện KHCN Mỏ đã nghiên cứu, tư vấn giúp Xí nghiệp Liên doanh đồng Lào Cai thu hồi hàng nghìn tấn tinh quặng sắt phục vụ cho sản xuất bột huyền phù tuyển than và các hộ tiêu thụ khác mang lại hiệu quả lớn cho Công ty Kim loại màu Thái Nguyên tạo việc làm cho người lao động và góp phần tận thu tài nguyên giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Bên cạnh các công trình nghiên cứu tuyển thu hồi tinh quặng sắt, thiếc, chì, kẽm từ quặng đuôi thải của các xí nghiệp tuyển trực thuộc Tổng Công ty Khoáng sản, Viện KHCN Mỏ còn tham gia chủ trì thiết kế, đào tạo chuyển giao công nghệ Nhà máy tuyển quặng bauxite Tân Rai, Nhân Cơ. Nhà máy tuyển quặng bauxite Tân Rai đã được đưa vào sản xuất từ năm 2013 cung cấp hàng triệu tấn tinh quặng bauxite cho nhà máy luyện alumin phục vụ cho tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Việc Viện KHCN Mỏ tham gia chủ trì tư vấn thiết kế xây dựng đào tạo chuyển giao công nghệ nhà máy tuyển quặng bauxite Tân Rai đã giúp Tập đoàn giảm chi phí hàng trăm tỷ đồng do đấu thầu cạnh tranh với các đơn vị khác ngoài Tập đoàn.
Trong lĩnh vực tư vấn thiết kế nhà máy tuyển nổi quặng đồng, Viện KHCN Mỏ với sự trợ giúp của các chuyên gia từ Australia và Trung Quốc đã chủ trì lập dự án đầu tư và thiết kế cơ sở nhà máy tuyển quặng đồng Sin Quyền và Tả Phời.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/dong-hanh-nang-cao-gia-tri-tai-nguyen-9420.htm” button=”Theo vinacomin”]