Nằm tại xã Vạn Yên, huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh, mỏ than Kế Bào là một trong những địa điểm khai thác mỏ than đầu tiên tại Quảng Ninh nói riêng và Việt Nam nói chung. Theo các tài liệu lịch sử, mỏ than Kế Bào được xác định là mỏ than đầu tiên ở Việt Nam. Đến nay mỏ than Kế Bào chỉ còn lại dấu tích của hệ thống cầu sắt, đường xe goòng tải than, tường bao nền nhà hoang phế, đường thông gió,…được xây dựng từ thời Pháp thuộc.
Việc khai thác than của người Việt tại Đông Triều bắt đầu từ năm 1840 nhưng chỉ là hình thức sơ khai, thủ công. Nếu như huyện Đông Triều là địa điểm khai thác đầu tiên ở Việt Nam từ thời Nguyễn thì huyện Vân Đồn là nơi khai thác mỏ than đầu tiên của Việt Nam từ thời Pháp thuộc, mỏ than đầu tiên được cho là Kế Bào.
Vào năm 1888, người Pháp bắt đầu lập mỏ khai thác than và Kế Bào là mỏ than đầu tiên được S.F.C.T (Công ty Than Bắc Kỳ) thành lập vào ngày 01-09-1888. Trong ảnh là khu mỏ than Kế Bào (Quảng Ninh) năm 1896, ảnh do Toàn quyền Đông Dương Armand Rousseau chụp. (Nguồn hình: Internet)
Mỏ than Kế Bào được thành lập với số vốn ban đầu 2,5 triệu Phơ-răng, số vốn đó ngày một tăng lên. Từ 1891-1895, đã vọt lên 6 triệu Phơ-răng. Trên con đường đi từ mỏ than Kế Bào ra cảng Vạn Hoa hơn 10km, người Pháp đã làm đường và một số cây cầu sắt, cầu bê tông đưa than ra cảng, đường chui qua cống, đường đục núi để đi qua. Xưa nay, người Vân Đồn vẫn quen gọi là cầu Min-nơ hoặc cầu Cái Làng.
Ngày 19-12-1911, công ty than Kế Bào được thành lập với số vốn ban đầu là 30 triệu Phơ-răng. Năm 1890 có 2.750 công nhân. Sản lượng than đã khai thác của Công ty Kế Bào là 30.242 tấn. Năm 1932, có 1.700 công nhân Á Đông và 13 người châu Âu. Mỏ than Kế Bào ra đời là sự kiện quan trọng trong quá trình phát triển của ngành Than Việt Nam. Cũng từ đây, đội ngũ công nhân mỏ Việt Nam ra đời.
Vị trí một cửa hầm thông gió của Di tích mỏ than Kế Bào. (Nguồn hình: Báo Quảng Ninh)
Cuộc khủng hoảng kinh tế 1929 – 1933 ảnh hưởng nặng nề đến khai thác than. Đến năm 1935, chỉ còn 600 công nhân người Á Đông và 2 người Châu Âu. Đến nay mỏ than Kế Bào chỉ còn lại dấu tích của hệ thống cầu sắt, đường xe goòng tải than, tường bao nền nhà hoang phế, đường thông gió,… được xây dựng từ thời Pháp thuộc.
Với những điểm nhấn đặc biệt, Di tích mỏ Kế Bào (xã Vạn Yên, huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh) đang trong giai đoạn được Văn phòng Đề cử Kỷ lục Việt Nam – Viện Kỷ lục Việt Nam thiết lập hồ sơ đề xuất kỷ lục: Nơi khai thác mỏ than đầu tiên của Việt Nam.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tin-tuc/di-tich-mo-ke-bao-duoc-de-xuat-ky-luc-noi-khai-thac-mo-than-dau-tien-cua-viet-nam-201908161126419509.htm” button=”Theo vinacomin”]