… Nếu Tổ quốc nhìn từ bao quần đảo
Lạc Long cha nay chưa thấy trở về
Lời cha dặn phải giữ từng thước đất
Máu xương này con cháu vẫn nhớ ghi…
Dẫu cách xa hàng trăm hải lý, nhưng biển đảo vẫn luôn gần gũi, thân thương trong trái tim mỗi người dân đất Việt. Tinh thần dân tộc, tình yêu biển đảo quê hương luôn thắp sáng trong trái tim của họ. Tinh thần ấy, tình yêu ấy càng trỗi dậy mạnh mẽ trong thời gian gần đây. Mỗi đơn vị, mỗi cá nhân có các cách làm khác nhau để thể hiện tình yêu ấy, nh
Sau gần 3 tiếng lênh đênh trên biển làm bạn với những đợt sóng lớn, đoàn chúng tôi (những CBCNV Công ty Xây dựng mỏ Hầm lò II) cũng đã đặt chân lên hòn đảo tuyến đầu Đông Bắc của Tổ quốc – Đảo Cô Tô – để thực hiện hành trình biển đảo quê hương, chuyến đi tình nguyện tại huyện đảo xa xôi này.
Cô Tô nằm ở tọa độ 1070 35′ – 108010′ kinh độ đông, 20010′- 21010′ vĩ độ bắc, cách đất liền 60 hải lý, có hải phận quốc tế ở phía Đông dài gần 200 km từ ngoài khơi đảo Trần (thuộc thị xã Móng Cái) đến ngoài khơi đảo Bạch Long Vĩ (thuộc thành phố Hải Phòng), là một quần đảo có khoảng 50 đảo lớn nhỏ, nằm ở phía đông của tỉnh Quảng Ninh, với diện tích 46,2 km2. Huyện Cô Tô có 1.500 hộ dân với gần 6.000 nhân khẩu. Có thể nói Cô Tô là một huyện đảo được thành lập muộn nhất, dân số ít nhất, diện tích nhỏ nhất và địa hình phức tạp nhất so với tất cả các huyện, thị trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, đời sống nhân dân còn gặp khá nhiều khó khăn.
Nếu ai từng đọc “Ký đảo Cô Tô” của nhà văn Nguyễn Tuân, hẳn sẽ không thể quên được màu nước bể xanh đến ám ảnh của nơi ấy được ông miêu tả trong bài viết. Và cũng có lẽ vì được lột tả qua ngòi bút của “Bậc thầy về ngôn từ trong Văn học hiện đại Việt Nam” nên bức tranh Cô Tô càng trở nên sống động đầy chất tạo hình. Kể từ ngày đọc tập Bút ký đó cho đến sau này khi được đi nhiều vùng miền hơn, đọc nhiều thông tin, xem nhiều ảnh về Cô Tô hơn thì sự thôi thúc được ra Cô Tô trong tôi càng mạnh mẽ hơn. Và cuối cùng tôi cũng hiện thực hóa được chuyến đi ấy sau vài lần lên kế hoạch bị thất bại, được tận mắt ngắm cái màu nước xanh đến “quá quắt”, ngắm những lớp sóng “tự vị”, được ngắm bình minh và hoàng hôn tuyệt đẹp, được đầm mình xuống làn nước trong veo nhìn thấy tận đáy và xanh ngắt ở Cô Tô, được ăn những món hải sản tươi sống chế biến theo hương vị của miền chài lưới.
Đoàn của chúng tôi ra thăm huyện đảo để tìm hiểu về đời sống, việc làm của cán bộ và dân cư trên đảo, mang tình cảm của đất liền gửi tặng một số gia đình thuộc diện khó khăn; thăm và tặng quà cán bộ chiến sỹ, nhân dân Đảo Trần.
Điểm đầu tiên chúng tôi tới là tượng đài Bác Hồ uy nghiêm và linh thiêng. Nơi đây là nơi đầu tiên và duy nhất trên cả nước được Chủ tịch Hồ Chí Minh đồng ý cho dựng tượng của mình khi Người còn sống. Tất cả các thành viên trong Công ty kính cẩn nghiêng mình trước anh linh của Người và cầu mong những điều tốt đẹp nhất.
Đưa đoàn chúng tôi đến với các hộ nghèo trên địa bàn xã Đồng Tiến là hai đồng chí cán bộ Đoàn trẻ tuổi: Nguyễn Thanh Thái – Phó Bí thư Huyện đoàn và Phạm Hữu Quảng – Bí thư Đoàn xã Đồng Tiến. Đi được một đoạn, Nguyễn Thanh Thái nói với lái xe: “Anh cho xe dừng trước ngôi nhà có chiếc xe ô tô đỗ trước cổng đó nhé”. Anh Phạm Công Hương – Giám đốc Công ty giật mình hỏi lại: “Nhà có xe ô tô mà hộ nghèo hả em?”. – “Dạ, không. Xe của người ta đỗ nhờ anh ạ”. Cả đoàn chúng tôi bật cười vì sự hiểu lầm này. Chúng tôi vào thăm ngôi nhà của anh Lê Hải Châu. Ngôi nhà nhỏ được xây cho các hộ đi xây dựng, phát triển vùng kinh tế mới, chỉ vẻn vẹn có 2 chiếc giường cũ kỹ và 1 bộ bàn ghế nhựa, cái gãy, cái lành. Anh chị đi biển chưa về, chỉ có 2 đứa nhỏ ở nhà. Chúng tôi hỏi han việc học hành, chụp ảnh lưu niệm, tặng quà cho các cháu và tiếp tục cuộc hành trình đến với các hộ nghèo khác.
Hầu hết các hộ mà chúng tôi đến thăm (hộ gia đình anh: Phạm Đức Túc, Nguyễn Văn Yên, Trần Hữu Thọ, Nguyễn Văn Nghiên) đều thuộc diện nghèo và cận nghèo của xã Đồng Tiến. Hộ thì làm ngư nghiệp, hộ thì làm tự do, ai thuê gì làm nấy. Lo bữa ăn đã khó nói gì đến những khi ốm đau bệnh tật, họ lại tất tả ngược xuôi. Mặc dù huyện đã có cơ chế chính sách hỗ trợ người nghèo nhưng cuộc sống lênh đênh trên biển, phụ thuộc vào thời tiết như vậy thật khó để những người dân này thoát cảnh đói nghèo. Đặc biệt, gia đình anh Phạm Đức Túc từ Nghệ An ra ngoài này lập nghiệp. Điều dễ dàng nhận thấy là cái nghèo, sự lam lũ. Nó hiện hiển trong những mái nhà tềnh toàng, trong những bàn tay chai sần, trong làn da sạm nắng đặc trưng của người vùng biển. Nhưng điều dễ dàng nhận thấy hơn là sự chân thành, mến khách nơi đây.
Đảo Trần – Xa mà gần
Triển khai Nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Quảng Ninh, ngày 19/7/2013, HĐND tỉnh đã thông qua Đề án thành lập xã Đảo Trần, huyện Cô Tô. Hiện nay, Đề án di dân ra đảo đang được thực hiện đồng bộ từ công tác vận động nhân dân đến xây dựng cơ sở hạ tầng trên đảo. Đảo Trần với diện tích 4,4km vuông là hòn đảo xa nhất của tỉnh Quảng Ninh, nằm ở điểm Đông Bắc và tách biệt với quần đảo Cô Tô, đảo ở điểm tiền tiêu của Tổ quốc
Nhằm thực hiện mục tiêu về chiến lược biển đảo, đồng thời động viên khích lệ tinh thần các cán bộ chiến sỹ nhân dân trên Đảo, đoàn chúng tôi đã phối hợp với một số đơn vị trên địa bàn Công ty đứng chân tổ chức chương trình: Thăm và tặng quà cán bộ chiến sỹ, nhân dân Đảo Trần huyện đảo Cô Tô.
Trên bản đồ Việt Nam, đảo Trần như một dấu chấm, như một hạt vừng trên chiếc bánh đa khổng lồ. Hòn đảo rộng chừng 4,5 km2, có một đơn vị quân đội đang làm nhiệm vụ huấn luyện sẵn sàng chiến đấu, gọi là Tiểu đoàn đảo Trần; cùng với khoảng hơn một chục hộ gia đình sinh sống.
Cũng như biết bao đảo khơi khác của Tổ quốc, đảo Trần khắc nghiệt. Thừa nước mặn mà khan hiếm nước ngọt. Sóng lựng ù tai, mùa đông giá lạnh, đến nỗi loài dứa dại còn chết táp đi trong sương giá. Đến mùa nước khan hiếm, phải chia nhau từng thau nước sinh hoạt. Đồ dùng, các trang thiết bị mau chóng xuống cấp. Xa đất liền, giao thông trắc trở, thực phẩm khó khăn, họ tự tìm cách đảm bảo cuộc sống: tổ chức cho các chi đoàn trồng rau, chăn nuôi lợn, gà, bò. Có người mang cây sắn từ đất liền ra đảo để trồng, để trong cái rét của đêm đông có mùi thơm của củ sắn cho bớt nhớ đất liền? Đơn vị còn trồng vườn thuốc nam với nhiều dược liệu quý, để kết hợp đông tây y chữa bệnh cho chiến sĩ.
Ở đây các anh được nghỉ phép năm, chia làm hai lần. Người xa nhất quê Thái Bình, vừa đi vừa về mất 4 ngày, ở nhà với vợ con ba ngày, còn lại chỉ rong ruổi dọc đường là hết kỳ nghỉ.
Trao đổi với chúng tôi đồng chí Thượng tá Trần Quang Hảo chính trị viên đồn biên phòng Vụng Tây cho biết dân trên đảo lấy nghề cá làm mục tiêu phát triển kinh tế để quyết bám biển và giữ đảo thân yêu. Sắp tới đây sẽ có nhiều hộ dân ra đảo sinh sống theo đề án của tỉnh, hầu hết chủ hộ đang ở độ tuổi thanh niên, gia đình chủ yếu làm nghề ngư và đang khai thác hải sản ở khu vực ngư trường xung quanh đảo Trần. Công ty Điện lực Quảng Ninh đang triển khai thực hiện dự án đưa điện lưới quốc gia ra Đảo Trần và Đảo Cái Chiên. Dự kiến giữa năm 2015 hai đảo này sẽ có điện.
Trong chuyến ra thăm đảo lần này, đoàn chúng tôi đã trao tặng xe điện cho các chiến sĩ đang thực thi nhiệm vụ canh giữ biển trời thân yêu nơi đây.
Ba ngày trên đảo, các thành viên trong đoàn vẫn chưa muốn rời xa. Bởi những bãi cát trắng mịn, những con sóng cứ xô vào bờ đá và quan trọng hơn vẫn còn vương vấn những ánh mắt trẻ thơ nghèo, tình người, tấm chân tình của mảnh đất và con người cứ lưu luyến khiến những đôi chân chúng tôi không muốn bước. Tạm biệt Cô Tô, chia tay nhau trong sự lưu luyến, chúng tôi còn nhớ mãi nụ cười hiền hậu vẫn tươi rói trên nét mặt rạng ngời của những con người nơi đây và mấy nghìn nóc nhà thấp thoáng lẫn trong cây. Những lá cờ đỏ sao vàng vẫn tung bay phấp phới, kiêu hãnh và kiên trung, như đất và người Cô Tô – huyện đảo tiền tiêu vững vàng nơi đầu sóng. Chúng tôi thầm hứa sẽ tiếp tục thực hiện những chuyến đi ý nghĩa hơn để góp phần nhỏ bé của mình vào công cuộc xây dựng bảo vệ tổ quốc, giữ vững chủ quyền biển đảo quê hương.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/de-thay-dao-gan-hon-8998.htm” button=”Theo vinacomin”]