Ông Bùi Thế Bình – Kế toán trưởng Tập đoàn, cựu chiến binh Cơ quan Tập đoàn TKV, tham gia quân ngũ 1972-1977, từng chiến đấu tại chiến trường khu V. Nhân Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước 30/4, PV đã có cuộc trao đổi thân tình với ông về những kỷ niệm khi còn là một người lính trong cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc.
Mặc dù hiện nay, không còn mặc mầu xanh quân phục nhưng chúng tôi vẫn cảm nhận được chất tráng ca “Hát mãi khúc quân hành” còn ngân mãi trong ký ức của người lính n
PV: Sắp tới Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước 30/4, xin ông cho biết những kỷ niệm khi còn là một người lính trong cuộc chiến vì độc lập, tự do của dân tộc?
Nghe câu hỏi của nhà báo lại thấy ùa về ký ức của những tháng năm mặc áo lính. Kỷ niệm thì nhiều lắm, chủ yếu chuyện cam go và khốc liệt. Dù sách báo viết đã nhiều nhưng chưa bao giờ là đủ đối với mỗi người lính. Thời buổi này “ôn nghèo, kể khổ” mãi e dễ bị hiểu lầm bởi có những chuyện nói ra những người sau cuộc chiến khó có thể hình dung, tin nổi. Và như thế dễ tổn thương lòng tự trọng của người lính. Thôi, nhà báo đã hỏi mình kể chuyện này: Ấy là những ngày tháng 3/1975 sau mở màn chiến dịch giải phóng quận Quế Sơn, Tiên Phước, Sư đoàn 2 bộ đội chủ lực thuộc Quân khu V nhận lệnh chia 3 mũi tiến đánh Thành phố Đà Nẵng. Mũi chủ lực do Trung đoàn 1 đảm nhận đánh trung tâm thành phố; Trung đoàn 38 có nhiệm vụ đánh chiếm bán đảo Sơn Trà; Còn Trung đoàn 31 – đơn vị của mình được phân công chiếm đánh, khống chế sân bay Đà Nẵng. Gần 1 ngày quần thảo, chiều 29/3/1975, lá cờ cách mạng đã tung bay trên nóc tòa Thị chính, Thành phố Đà Nẵng được giải phóng. Đêm đó, bọn mình ém quân chốt tại vườn 1 nhà dân ngoại ô thành phố. Thay nhau gác, ngủ trên chiếc võng quen thuộc như nếp năm tháng ở rừng. Vừa chợp mắt, đã nghe tiếng “chu choa” và bàn tay xoa xoa đáy võng. Mở mắt, trời mờ sáng, bà con khối phố đến xem lính cộng sản bằng xương thịt có “đu cành đu đủ không gẫy” như tuyên truyền của Chính quyền Sài Gòn hay không? Bạn thử hình dung nhé: Những năm tháng ở rừng, thiếu ăn, môi thâm do sốt rét, mắt sâu quầng của những ngày chiến dịch, màu xanh áo lính rộng thùng thình bậm mùi thuốc súng bao thân hình trọng lượng khoảng 45 kg của mình năm ấy… Sự náo nức hiếu kỳ, lạ lẫm người dân thành phố của ngày đầu giải phóng cũng là điều dễ hiểu, còn chi tiết xoa xoa đáy võng, sau này mình biết đó chỉ là động thái kiểm chứng chuyện “mọc đuôi” của lính cộng sản khi ở rừng. Nhà báo thấy sức mạnh của tuyên truyền ghê gớm đấy chứ!
PV: Tôi đã khóc không chỉ một lần khi xem cuốn phim “Ngã Ba Đồng Lộc” của đạo diễn Lưu Trọng Ninh về các cô gái thanh niên xung phong ở ngã ba Đồng Lộc trong cuộc chiến chống Mỹ. Tôi liên hệ tới bộ phim “Nơi bình minh yên tĩnh” của Liên Xô về cuộc chiến chống phát xít. Một đại đội nữ thông tin đã chiến đấu tới viên đạn cuối cùng với biệt kích phát xít. Trước lúc hy sinh, có cô gái nói với đại đội trưởng: “Anh hôn em đi, em chưa được hôn bao giờ…”. Cái thông điệp đầy tính nhân văn ấy, ông đã gặp chưa trong những năm tháng chiến tranh và với trải nghiệm của chính bản thân mình?
Chi tiết nữ thanh niên xung phong, nữ quân nhân mà nhà báo vừa nhắc trong 2 tác phẩm điện ảnh nổi tiếng của Việt Nam và Nga làm tôi xúc động quá. Với tư cách người lính, mình cam đoan đó không phải chuyện hư cấu trong mỗi cuộc chiến. Cũng là lính thông tin đơn vị không có nữ nên mình chưa có trải nghiệm như bạn hỏi. Nhưng những người lính, đồng đội của mình chưa kịp biết hôn và mãi không còn cơ hội thì mình đã chứng kiến nhiều.
Đời thường cuộc sống chứ không tầm thường hoá cuộc sống
PV: Trở về sau cuộc chiến rồi làm kinh tế, ông thấy giữa hai nhiệm vụ đánh giặc và phát triển doanh nghiệp có gì khác nhau?
Như bạn biết giữ nước và xây dựng đất nước là 2 mặt trận của mục tiêu “Độc lập, Tự do và Dân giầu, Nước mạnh”. Sự cam go gian khổ của hai mặt trận đòi hỏi lòng quả cảm là giống nhau, còn khác nhau ư? Nhiều lắm, nhưng gọn lại xây dựng phát triển doanh nghiệp cũng như phát triển kinh tế đất nước, ngoài kiến thức, sự tự tin, điều quan trọng phải có tầm hướng doanh nghiệp, đất nước tới sự bền vững và mang được tính nhân văn.
PV: Tôi nghĩ trong bất cứ hoàn cảnh nào, những người lính không bao giờ thỏa hiệp trước cái xấu. Mà cũng chẳng cần phải là người lính mà là những con người với chữ Người. Quan điểm của ông về vấn đề này thế nào?
Thế hệ chúng tôi nói riêng và những người lính nói chung rất khó có hành động xấu xa, ngay cả trong ý nghĩ. Việc thỏa hiệp với cái xấu không bao giờ được phép của bất cứ chế độ và xã hội nào, hơn nữa trung thực, thẳng thắn là phẩm chất được trui rèn ở mỗi người lính. Tuy nhiên trong hỗn phức của thế giới thông tin đa chiều, giá trị xã hội có nhiều điều cần bàn định và phải điều chỉnh thì phương pháp đấu tranh, giảm bớt cái xấu là câu chuyện không thể “bắn đoàng” ngay tức khắc. Thực tế chỉ ra rằng, các mặt trái của xã hội chẳng hạn như tệ nạn bạo lực học đường, bạo hành trẻ em, mại dâm… nếu được nhìn nhận 1 cách nhân văn, xử lý với phương pháp mềm dẻo sẽ có khả năng mang đến hiệu quả tích cực hơn.
PV: Tôi nghe nhiều thông tin cũng như trực cảm của tôi khi tiếp xúc với ông. Một người trong ban lãnh đạo điều hành của Tập đoàn nhưng rất bình dân, dễ gần. Và tôi nghĩ, đó chính là “chất lính”. Tôi hiểu như vậy, có đúng không ạ?
Cảm ơn mọi nhận xét và sự cảm nhận của bạn, tôi rất thích cụm từ “ chất lính” mà bạn dùng, đó là sự sẻ chia của tinh thần đồng đội với quan niệm: Đời thường cuộc sống chứ không tầm thường hóa cuộc sống.
Thơ là đời
PV: Được biết Ông có in chung 2 tập thơ (Mùa thu lứa đôi – NXB Văn học 2010; Thơ 1 – NXB Hội nhà văn 2012) và xuất bản 2 tập thơ riêng (Bốn mùa – NXB Lao động 2009 ; Đất nước mình – NXB Văn học 2014) vậy ông thường làm thơ vào thời gian nào? Đã từng chia sẻ làm thơ đó cũng là 1 cách để ông cân bằng cuộc sống, ông có thể lý giải thêm điều này, thưa ông?
Làm thơ thời gian nào ư ? Không phải dân chuyên nghiệp nên mình chỉ cảm nhận thực tế ghi chép, hoàn thiện lại thôi. Bật mí nhé, mình duy trì thói quen đi làm bằng phương tiện xe bus được gần 10 năm rồi, nhà văn Thảo Ngọc “phong” mình là công dân số 1 thực hiện chủ chương của Bộ trưởng Đinh La Thăng đấy. Phương tiện xe bus cho mình khá nhiều quỹ thời gian để quan sát, cảm nhận hè phố Hà Nội, tỷ như: Cơm nắm muối vừng ơ/ lời mời lời thơ hè phố/heo may về gợn gió/chở tràn trĩu nặng người ơi… Tết đến gần nắng trái vụ trời cho/ lũ dưa hấu no tròn xanh hè phố… Ngày bé sinh/ thúng xôi ấm tràn ngõ phố/ làng Vòng tròn vành nỗi nhớ/ cốm thơm quyện chật vỉa hè… Chiếc nón mỏng trôi bao mùa dông bão/ đòn gánh cong nặng cơm áo hai đầu/câu rao rong vuốt dài con ngõ nhỏ/ thơ tình người trĩu gánh nợ một câu…
Mình được đào tạo và gắn với nghiệp kế toán của ngành hơn 30 năm rồi – một nghề tiêu nhiều thời gian và khá áp lực. Những tháng năm cầm súng chẳng có thời gian, hòa bình cầm bút, tự học vài nốt nhạc, tập tọe viết vài bài báo, làm thơ đã giúp mình có nhiều bạn bè để chia sẻ, giải tỏa áp lực công việc. Suy cho cùng thì đó là cách bổ trợ tư duy lô gic để giúp mình xử lý chính xác các quyết định, kỹ thuật nghề nghiệp.
PV: Ông có thể chia sẻ bài thơ tâm đắc về đề tài chiến tranh và người lính không thưa ông?
Là người lính được may mắn trở về sau cuộc chiến, chúng tôi nợ những đồng đội đã ngã xuống rất nhiều. Phải đến năm 2010 khi Thăng Long- Hà Nội tròn ngàn năm tuổi và khi đọc số phận trôi nổi cuốn nhật ký của nữ liệt sỹ- Bác sỹ Đặng Thùy Trâm mình mới đong đầy cảm xúc viết bài “Đất nước mình” như thắp nén nhang lòng, tri ân tưởng nhớ đồng đội. Tên bài thơ này, mình cũng rút để đặt cho tập thơ xuất bản năm 2014 do nhà xuất Văn học ấn hành. Mình và Xuân Chung, công nhân mỏ tuyển Đồng Sin Quyền đã kết hợp phổ nhạc cho bài thơ. Bạn có thể tham khảo giọng Xuân Chung và giai điệu của ca khúc qua địa chỉ: Đất nước mình.Thơ; Bùi Thế Bình; nhạc Xuân Chung.
PV: Xin cảm ơn những câu trả lời của ông. Xin chúc ông cùng gia đình sức khoẻ, hạnh phúc và hoàn thành tốt đẹp nhiệm vụ của mình trên cương vị hiện có!
Xin cảm ơn nhà báo và qua Tạp chí của ngành, cho phép mình gửi tới tất cả những cựu chiến binh của TKV cùng toàn thể gia đình lời chúc có nhiều sức khỏe, chung vui lễ kỷ niệm ngày thống nhất đất nước của toàn dân tộc.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/tro-chuyen-cung-tac-gia-dat-nuoc-minh-7890.htm” button=”Theo vinacomin”]