Trong bối cảnh khó khăn chung của Tập đoàn hiện nay, tiết giảm chi phí, giãn tiến độ công tác đầu tư, xây dựng cơ bản… vẫn là những giải pháp quan trọng hàng đầu được nhiều đơn vị áp dụng. Với Than Hà Lầm, phương án tiết giảm chi phí được Công ty xây dựng cụ thể, khoa học. Theo quan điểm của lãnh đạo Công ty, với điều kiện hiện tại, tiết giảm chi phí không những là cắt giảm mà còn phải tính toán căn cơ, chi li từng công việc để đảm bảo chi tiêu hợp lý nhất.
Chẳng hạn, về vật liệu, Công ty phấn đấu thu hồi triệt để và tận dụng tối đa vì chống thép, đảm bảo không thấp hơn mức 8,2 tỷ đồng. Bằng mọi biện pháp Công ty kiểm soát vật liệu thu hồi ngay từ khi tháo dỡ để tái sử dụng; tăng cường kiểm soát, quản lý, phát huy hiệu quả công tác khoan nổ mìn để giảm chỉ tiêu thuốc nổ, đặc biệt kíp nổ vi sai. Lãnh đạo Công ty chỉ đạo các phân xưởng cần tạo những điều kiện làm việc tốt nhất để phát huy tối đa năng suất thiết bị, qua đó giảm chi phí sửa chữa thường xuyên; bố trí hợp lý sản xuất, hạn chế đến mức tối đa số giờ làm việc không tải và non tải. Đồng thời, Than Hà Lầm thường xuyên tổ chức các chuyên đề kiểm tra thiết bị để có hướng khắc phục kịp thời những tồn tại.
Mặt khác, Công ty đặc biệt chú trọng các giải pháp tiết kiệm chi phí nhiên liệu và điện năng. Cụ thể, Công ty công bố hệ thống định mức ổn định trong cả năm, theo mùa mưa và mùa khô đối với các thiết bị hoạt động ổn định để CNCB đơn vị nhận khoán tự chủ được trong suốt quá trình vận hành bài khoán mang lại hiệu quả SXKD; tính toán đầu tư có hiệu quả một số thiết bị mới; tăng cường các biện pháp quản lý nhiên liệu, sử dụng công cụ quản lý định vị GPS và cảm biến nhiên liệu cho tất cả các xe máy để kiểm soát bằng được định mức nhiên liệu; quan tâm đến điều kiện làm việc của thiết bị. Công ty cũng xây dựng phương án và kiểm soát, kiểm điểm trách nhiệm quản lý điều hành hàng tháng công tác tiết giảm công suất sử dụng theo từng thời điểm nhằm tiết kiệm điện năng tiêu hao giờ cao điểm; tiếp tục sử dụng có hiệu quả những thiết bị điều khiển điện nhằm tiết kiệm điện năng và tuổi thọ của thiết bị.
Không chỉ vậy, Than Hà Lầm luôn chú trọng, tăng cường công tác quản lý khoán chi phí. Công ty đã phối hợp với Khoa Kinh tế quản trị doanh nghiệp – Đại học Mỏ địa chất triển khai đề tài hạch toán phí phân xưởng với mục tiêu tạo ra sân chơi bình đẳng trong công tác sản xuất và quyết toán chi phí, nhằm phản ánh đầy đủ và công bằng hao phí của tất cả các sản phẩm khi sản xuất ra trong các điều kiện khác nhau. Thêm đó, Công ty tiếp tục duy trì và hoàn thiện công tác quản trị chi phí phân xưởng, tiến tới phương thức quản trị chi phí khoán theo phương pháp hạch toán chi phí phân xưởng; phát triển và hoàn thiện đơn giá công đoạn đào lò, khai thác lò chợ và các công đoạn khác. Việc thanh quyết toán khoán chi phí phân xưởng trên cơ sở thực tế thực hiện được nghiệm thu; thanh toán hàng tháng nhanh gọn, quyết toán hàng quý để xử lý và phân tích rút kinh nghiệm kịp thời; cân đối tiền lương đảm bảo giãn cách giữa các bộ phận, khuyến khích đối với khâu trực tiếp sản xuất như thợ lò bậc cao, máy xúc than. Bên cạnh các giải pháp đó, Công ty quan tâm đến công tác điều hành sản xuất sao cho khoa học, hợp lý, đảm bảo phối hợp nhịp nhàng giữa các khâu trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nhằm hạn chế tối đa việc trung chuyển sản phẩm cũng như di chuyển vô ích thiết bị, gây phát sinh thêm chi phí.
Như vậy, thông qua những tính toán chi li, những giải pháp cụ thể trong từng khâu, từng phần việc đã thể hiện rõ quyết tâm của CNCB Than Hà Lầm trong việc tiết giảm chi phí, hạ giá thành sản phẩm để nâng cao hiệu quả SXKD, phấn đấu hoàn thành kế hoạch năm 2013 với 1,65 triệu tấn than nguyên khai, doanh thu 1.601.403 triệu đồng, không ngừng cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho người lao động.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/tinh-toan-can-co-de-tiet-giam-chi-phi-5654.htm” button=”Theo vinacomin”]