Từ xa xưa, kho văn hóa ẩm thực Hà thành đã nức tiếng bởi những cốm Vòng, chả cá Lã Vọng, bánh cuốn Thanh Trì… Nhưng trong kho tàng ấy không thể không nhắc đến làng nuôi rắn Lệ Mật, một trong những ngôi làng có lịch sử lâu đời của đất Kinh kỳ từ thế kỷ XI (nay thuộc phường Việt Hưng, quận Long Biên). Nghề săn bắt, chăn nuôi và chế biến rắn là một nghề độc đáo của Lệ Mật mà ít nơi có được. Năm Quý Tỵ 2013 đối với người dân nơi đây có ý nghĩa đặc biệt bởi với họ hình tượng rắn đã trở thành biểu tư
Các cụ cao niên làng Lệ Mật nói rằng, nghề nuôi rắn ở đây có từ bao giờ chẳng ai nhớ rõ. Tương truyền vào thời nhà Lý, công chúa con vua Lý Nhân Tông đang dạo chơi trên sông Thiên Đức chợt sóng gió nổi lên, thủy quái xuất hiện, bắt công chúa. Nhà vua thương con, cử nhiều tướng tài đi diệt thủy quái nhưng không ai làm được. Có chàng trai họ Hoàng sống ở làng Trù Mật võ nghệ cao cường lại có tài bơi lội xin vua cho đi. Cuộc chiến đấu sôi sục cả lòng sông, với sự mưu trí, dũng cảm, chàng trai đã diệt được thủy quái. Nhà vua ban thưởng cho chàng trai họ Hoàng quan tước, vàng bạc nhưng chàng không nhận chỉ xin về lập ấp ở phía Tây thành Thăng Long, biến nơi hoang vu thành 13 làng trại trù phú. Sau khi “khai làng lập ấp”, chàng quay về củng cố làng cũ. Sau này, chàng mất, dân làng lập đình thờ chàng, suy tôn là Thành hoàng. Theo gương chàng, dân chúng làng Lệ Mật ngoài việc nhà nông còn phát triển thêm nghề bắt rắn, nuôi rắn và nghề rắn cũng bắt đầu từ đó.
Thời gian đầu dân làng Lệ Mật chỉ nuôi rắn để ngâm rượu làm thuốc chữa bệnh, sau này da rắn được làm đồ mỹ nghệ như dây lưng, ví da, giày da… Do có sự giao lưu kinh tế nên rắn Lệ Mật còn trở thành đặc sản của người dân kinh kỳ và thực khách gần xa. Ban đầu chỉ có vài món rất đơn giản như rắn ướp muối tiêu nướng, rắn xào hành tỏi, rắn băm nhỏ xào giòn… ngày nay, các nhà hàng đã phục vụ nhiều món ăn mới hơn, thỏa mãn khẩu vị của thực khách. Hiện ở làng đã có trên 100 hộ với 370 nhà hàng với các món ăn chuyên rắn, mỗi ngày đón trên 500 lượt khách trong và ngoài nước. Trời lạnh, ngồi trên một căn gác của một ngôi nhà kiến trúc cổ của làng Lệ Mật thưởng thức các món ăn từ thịt rắn cảm giác thật vô cùng tuyệt vời. Thấy được cái giòn thơm của da rắn khi chiên phồng. Thấy được cái ngọt, thơm của thịt rắn kết hợp với cần, tỏi, ớt trong món xào lăn. Thấy được sự mát, ngọt của nấm, trứng, rau răm trong bát súp thịt rắn lạ miệng… Cũng từ thịt rắn, người ta còn khéo léo cuộn những cái nem nhỏ xíu bằng ngón tay với bánh đa nem hay lá lốt, cho món thịt rắn thêm đa dạng hương vị và phong cách.

Hội làng Lệ Mật là cơ hội để hàng năm con cháu trong làng (dân cựu quán) và con cháu đi xa khai hoang bên kinh thành Thăng Long (dân kinh quán) gặp gỡ nhau để tâm sự và tỏ lòng biết ơn đối với tổ tiên, những người khai hoang. Hội làng được tổ chức hàng năm từ ngày 20 đến 24 tháng 3 Âm lịch, hội chính vào ngày 23 tháng 3 Âm lịch, suy tôn Thành Hoàng làng Lệ Mật. Vào ngày hội chính, đại diện con cháu của 13 trại phía Tây thành Thăng Long xưa đội 13 mâm lễ vật mang từ kinh đô về đình làng Lệ Mật để dự hội. Trong ngày hội làng có trò múa rắn độc đáo, con rắn được làm bằng nan tre lợp vải tượng trưng cho loài thuỷ quái đã bị chàng trai họ Hoàng dùng sức mạnh và ý chí của mình hạ gục. Người ta còn tổ chức thi rắn to, rắn đẹp, rắn lạ,..phổ biến các bí quyết bắt rắn, nuôi rắn, khai thác nọc, chữa rắn độc cắn…Du khách tham dự lễ hội có thể được thưởng thức các món đặc sản chế biến từ thịt rắn.

Lệ Mật được đánh giá là làng rắn nổi tiếng, độc nhất ở Việt Nam và trên thế giới. Mặc dù quận Long Biên có tốc độ đô thị hóa nhanh song Lệ Mật vẫn giữ được dáng dấp của làng Việt cổ, có mái đình, giếng nước, cây đa, những ngôi nhà kiến trúc cổ, thu hút khá đông du khách trong và ngoài nước. Ai đã một lần đến với làng Lệ Mật và đặc biệt được tham dự hội làng, thưởng thức đặc sản thịt rắn hẳn sẽ luôn nao lòng mà tìm về thêm nhiều lần nữa. Để tìm kiếm cho mình một không khí trong lành thư thái, nhâm nhi mấy cút rượu bên đĩa thịt rắn mà quên không gian, quên thời gian đang lấp đầy bởi những bộn bề lo toan đời thường…
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/nam-ran-dot-kich-lang-le-mat-4247.htm” button=”Theo vinacomin”]