Nằm cách huyện đảo Cô Tô chừng 45 km, Đảo Trần có diện tích chỉ khoảng hơn 5 km nhưng là hòn đảo tiền tiêu của vùng Đông Bắc Tổ quốc, có vị trí chiến lược quan trọng. Những ngày cuối năm 2014, đảo Trần bỗng trở nên nhộn nhịp khác thường với một sự kiện đặc biệt nhất từ trước tới nay: cùng lúc có thêm 17 hộ gia đình tới ổn định cuộc sống tại đây. 17 hộ gia đình này chính là chủ nhân của 17 ngôi nhà mới với kiến trúc hiện đại thuộc dự án xây dựng cơ sở hạ tầng phát triển dân cư trên đảo do Tổng Cô
17 hộ dân ra đảo Trần lập nghiệp lần này hầu hết là các hộ làm nghề khai thác, đánh bắt thủy hải sản và chưa có nhà riêng ở đất liền. Họ tình nguyện đến với đảo Trần không chỉ để thuận tiện việc đánh bắt mà còn thể hiện tình yêu biển đảo của Tổ quốc.
Trong ngôi nhà còn thơm mùi sơn mới, chị Hoàng Thị Ngọc kể, vợ chồng chị đều là dân đi biển từ bé. Từ khi lấy nhau cho đến nay đã hơn 8 năm, có 3 mặt con nhưng vẫn sống chung với cha mẹ chồng. Một ngôi nhà nho nhỏ vẫn luôn là niềm ao ước bấy lâu. Khi tỉnh Quảng Ninh có chủ trương vận động người dân ra lập nghiệp tại đảo Trần, chị đã bàn bạc với chồng đăng ký xin ngay. Anh Đặng Văn Hợi – chồng chị Ngọc chia sẻ thêm: “Vợ chồng mình xác định ra đây lập nghiệp vì đằng nào cũng là đi biển. Có căn nhà mới như mua được con tàu mới, hạnh phúc lắm”.
Còn anh Nguyễn Văn Hùng, quê ở xã Phú Hải, huyện Hải Hà, tỉnh Quảng Ninh, đứng trong chính ngôi nhà mới của mình rồi mà vẫn chưa tin là thật: “Lâu nay chúng tôi đều đánh bắt và khai thác ở khu vực gần đảo Trần. Cả đời làm nghề đi biển nên chưa bao giờ nghĩ mình lại có ngôi nhà khang trang, vững chắc như thế này. Bây giờ có nhà trên đảo, công việc đánh bắt sẽ thuận lợi hơn”.
Anh Bùi Văn Hải vô cùng phấn khởi chia sẻ: “Các hộ ra đảo lần này đều được tham gia ý kiến và nhất trí chọn mẫu nhà, vị trí dựng nhà nên rất đúng ý. Mẫu nhà này phù hợp với cuộc sống, sinh hoạt của những người làm nghề khai thác thủy hải sản, giúp chúng tôi thêm yên tâm bám biển, bám đảo”.
Chia vui với những người hàng xóm mới, anh Hoàng Văn Hiển – một hộ dân đầu tiên sinh sống ở đảo Trần từ năm 2005 – cho biết: “Trước đây chúng tôi ra đây phải tự túc tất cả, cuộc sống thiếu thốn đủ bề. Các hộ di dân theo ra đảo Trần đợt này được quan tâm chu đáo nên sẽ rất thuận lợi trong việc sớm ổn định cuộc sống, trên đảo”.
Quả thực, nằm ở vị trí đường phân định Vịnh Bắc Bộ khoảng 7 hải lý, với sự ổn định lập nghiệp của các hộ dân, Đảo Trần đã rất gần với đất liền. Có thể nói, những người dân đầu tiên lập nghiệp trên đảo Trần đang mang trong mình sứ mệnh lịch sử – tạo nên nhịp sống mới nơi đảo tiền tiêu cực Đông Bắc của Tổ quốc.
Một Đảo Trần gần hơn…
Trong niềm vui đón nhận những ngôi nhà mới với kiến trúc hiện đại, được xây dựng kiên cố, vững chãi; trong niềm hân hoan khi cuộc sống bước sang một trang mới, 17 hộ dân ra đảo Trần lập nghiệp lần này xúc động bày tỏ lòng biết ơn với sự quan tâm của chính quyền, lãnh đạo Tỉnh Quảng Ninh, sự ủng hộ giúp đỡ tài chính của các doanh nghiệp. Và, họ nhắc đến Tổng Công ty Đông Bắc với một tình cảm đặc biệt trìu mến. Tổng Công ty Đông Bắc là đơn vị đầu tư kinh phí, trực tiếp tổ chức khảo sát, thiết kế, thi công 30 căn nhà trên đảo với chi phí mỗi căn nhà trị giá 1 tỷ đồng.
Đảo Trần giữ một vị trí quan trọng đặc biệt trong chiến lược an ninh biển đảo của tỉnh Quảng Ninh cũng như vùng Đông Bắc của Tổ quốc. Theo ông Nguyễn Văn Đọc – Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, việc đưa dân ra đảo Trần đã được đưa vào nghị quyết từ trước đó hai nhiệm kỳ, nhưng vẫn không thực hiện được với nhiều lý do. Mãi đến đầu năm 2013, khi gặp và trao đổi việc hỗ trợ xây dựng 30 ngôi nhà đầu tiên để phục vụ dự án di dân với Thiếu tướng Phạm Ngọc Tuyển – Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đông Bắc, đơn vị thời gian qua làm rất tốt công tác xã hội ở Quảng Ninh và cả nước, ngay lập tức, dự án được triển khai.
Với quyết tâm đón dân ra đảo Trần, Thiếu tướng Phạm Ngọc Tuyển đã chỉ đạo đơn vị bắt tay ngay vào tổ chức thực hiện dự án với tinh thần khẩn trương, chất lượng. Trong quá trình triển khai, Tổng Công ty Đông Bắc nhận được nhiều sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND Tỉnh và các cơ quan, ban ngành, nhân dân địa phương. Đó là những thuận lợi cơ bản. Tuy nhiên, bên cạnh đó Tổng Công ty cũng gặp không ít khó khăn do địa hình khu vực thi công phức tạp đa số là đồi núi dốc ven biển, có một số rất ít là địa hình bằng phẳng hoặc bãi cát; vị trí đảo xa đất liền nên vận chuyển, nguyên, nhiên, vật liệu, gặp nhiều khó khăn, thời tiết diễn biến phức tạp, giao thông đi lại để vận chuyển vật tư, thiết bị, máy móc… phụ thuộc hoàn toàn vào thời tiết, nước thủy triều, đặc biệt là khi có gió mùa đông Bắc, 100% vật tư, nhiên, nguyên vật liệu, thiết bị, nhân công đều phải vận chuyển từ đất liền ra. Song, từ nhận thức về ý nghĩa thiết thực của dự án, thể hiện tình đoàn kết, gắn bó giữa Quân đội với Nhân dân; nên cán bộ, chiến sỹ CNVC, lao động Tổng Công ty khẩn trương triển khai đảm bảo tiến độ, chất lượng công trình.
Và, đúng theo kế hoạch, 17/30 căn nhà khép kín và nhiều hạng mục công trình thiết yếu khác thuộc giai đoạn I của Dự án để phục vụ cho khu dân cư trên đảo đã hoàn thành, chào đón những chủ nhân mới đến an cư, lạc nghiệp. Đây là món quà tri ân của cán bộ, chiến sỹ, CNVC, lao động Tổng Công ty Đông Bắc dành tặng cho Đảng bộ, chính quyền, nhân dân tỉnh Quảng Ninh nói chung và huyện đảo Cô Tô nói riêng, đặc biệt là đảo Trần.
Từ tiền đề này, Tổng Công ty Đông Bắc đang tiếp tục triển khai thi công, sớm hoàn thành 13 căn nhà và các hạng mục còn lại trong giai đoạn II của dự án, góp phần tạo điều kiện cần thiết để cho các hộ đảm bảo làm ăn, sinh sống, phát triển kinh tế trên vùng biển đảo Đông Bắc của Tổ quốc.
… Từ trái tim người Lính thợ Đông Bắc
Ngoài dự án đón dân ra đảo Trần là dự án lớn nhất, mang ý nghĩa đặc biệt về sự gắn bó quân – dân, với kinh phí giai đoạn I hơn 30 tỷ đồng, được biết, trong năm 2014, Tổng Công ty Đông Bắc còn tập trung nguồn lực hỗ trợ các hoạt động lớn như: Phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”; hỗ trợ làm đường nông thôn mới tại huyện Đông Triều với tổng kinh phí hơn 33 tỷ đồng; tặng 2 máy chạy thận nhân tạo cho Bệnh viện Đa khoa thành phố Cẩm Phả trị giá 1 tỷ đồng; thăm – tặng quà 1.500 đối tượng chính sách hằng năm; ủng hộ các tổ chức xã hội, quỹ chính sách xã hội, quỹ đền ơn đáp nghĩa và chương trình 5.000 nhà đồng đội của Bộ Quốc phòng; ủng hộ chương trình xây nhà tình nghĩa của tỉnh Quảng Ninh; đỡ đầu 11 cháu bị nhiễm chất độc da cam… Đặc biệt, các hoạt động xã hội của Tổng Công ty Đông Bắc không chỉ có ở Quảng Ninh mà còn nhân rộng ra cả nước – những địa phương có các công ty thành viên đứng chân như Tây Nguyên, Bình Thuận… và cả những nơi không có hoạt động SXKD của Tổng Công ty nhưng có lời đề nghị hỗ trợ và xét thấy cần thiết.
Nói về trách nhiệm với cộng đồng của doanh nghiệp, nhất là các hoạt động từ thiện xã hội của Tổng Công ty Đông Bắc, Đại tá Phạm Hải Quang – Bí thư Đảng ủy, Phó Tổng giám đốc Đông Bắc cho biết, trong 20 năm qua, Tổng Công ty đã chi hàng trăm tỷ đồng cho các hoạt động xã hội. Năm cao điểm như 2013, Tổng Công ty đã dành khoảng 80 tỷ đồng cho công tác này. Năm 2014, số kinh phí hỗ trợ cho công tác này cũng hơn 20 tỷ đồng. Tổng Công ty Đông Bắc là một trong số 10 đơn vị xuất sắc được Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trực tiếp trao Bằng khen và Kỷ niệm chương tại Lễ tôn vinh “Vì sự nghiệp xoá đói giảm nghèo” nhân dịp tổng kết 10 năm Việt Nam thực hiện chiến lược toàn diện về tăng trưởng và xóa đói, giảm nghèo. Thiếu tướng Phạm Ngọc Tuyển – Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đông Bắc cũng là một trong số 26 cá nhân tiêu biểu được tôn vinh tại buổi Lễ.
Điều quan trọng là “Chúng tôi không chỉ coi công tác an sinh xã hội và phát triển cộng đồng là trách nhiệm của doanh nghiệp, mà đó chính là tình cảm xuất phát từ trái tim người Lính” – Đại tá Phạm Hải Quang chia sẻ.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/tu-trai-tim-nguoi-linh-9546.htm” button=”Theo vinacomin”]